Monday, December 14, 2009

Tổng hợp

Không thể 'lôi kéo' du học sinh bằng quy định 3 năm

(Theo 24h )

(24h) - Không phải là quy định "về nước sau 3 năm", mà điều quan trọng hơn, để lôi kéo lực lượng du học sinh thì các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân phải tự thay đổi mình. Đặng Tấn Đức, cựu Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại ĐHQG Singapore bày tỏ như vậy về dự thảo quản lý công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Dự thảo này đang được giới lưu học sinh truyền tay nhau đọc và xôn xao. "Xôn xao" là bởi do chưa có những quy định cụ thể đối với từng đối tượng, nên đã gây ra nhiều tranh cãi. Chẳng hạn, quy định chỉ được ở lại làm việc 3 năm sau khi tốt nghiệp, phải nộp thuế cho Nhà nước chỉ áp dụng đối với lưu học sinh (LHS) đi học bằng ngân sách hay tất cả?

Sau trả lời phỏng vấn của cán bộ Bộ GD - ĐT, 4 vấn đề chính được các LHS đặt ra là: Thời gian được ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp, nghĩa vụ nộp thuế, quy chế báo cáo kết quả học tập, và thế nào là bằng "giả"?

LHS lo bị đánh thuế 2 lần

Anh Đỗ Quốc Bảo, lưu học sinh tại Paris (Cộng hoà Pháp) cho biết: Nhiều nghiên cứu sinh đã truyền tay nhau đọc dự thảo từ 2 tuần nay. Hầu hết, đều không đồng tình ở 2 điểm: LHS được ở lại không quá 3 năm kể từ khi tốt nghiệp và phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.

Anh Bảo phân tích: Ai cũng biết rằng có tấm bằng tiến sĩ mới chỉ là bước đầu tiên của quá trình nghiên cứu khoa học gian nan. Hơn nữa, sau 3 năm ở lại, khi về Việt Nam, liệu Chính phủ có đảm bảo cho nghiên cứu sinh có công ăn việc làm phù hợp và có thu nhập đảm bảo cho cuộc sống không?

Hơn nữa, khi lưu học sinh ở lại làm việc tại nước ngoài, họ đã phải đóng thuế cho nước sở tại. "Thuế này là hợp lí vì mình sống tại nước của họ, hưởng các chế độ về giao thông, bảo hiểm y tế... Chứ đâu có sống ở Việt Nam mà phải nộp thuế" - anh Bảo nói.

Mặc dù ông Nguyễn Ngọc Hùng (Nguyên phó vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế, Bộ GD - ĐT) đã khẳng định trên VietNamNet rằng: Chỉ lưu học sinh đi học bằng học bổng của ngân sách Nhà nước mới phải nộp thuế.

Tuy nhiên, một nghiên cứu sinh ngành điện tử tại Thuỵ Điển lập luận: Như vậy, để được ở lại làm việc, lưu học sinh sẽ phải đóng thuế 2 lần hay sao?

Nick name Whitebear trên diễn đàn giáo dục (edunet) thì lo ngại: "Theo luật thuế, thu nhập của chúng tôi được phân loại là mức thu nhập cao, và phải nộp thuế 40%, dù rằng đó là mức lương thấp dưới mức nghèo đói ở Mỹ".

Bởi, ở Việt Nam, mức lương 5 triệu bắt đầu phải đóng thuế và mức lương 10-20 triệu bắt đầu được coi là cao. Tuy nhiên, khi ở nước ngoài, mức lương 3000 USD/tháng được coi là thu nhập thấp. Người nhận mức lương này phải cố gắng xoay sở bằng cách ở chung trong những căn nhà dành cho sinh viên giá rẻ, tối thiểu hoá mọi chi tiêu. Nếu phải đóng thuế 2 lần đồng nghĩa với việc họ không thể đủ khả năng đảm bảo một cuộc sống ở mức tối thiểu cho gia đình trong thời gian ở nước ngoài. Điều này góp thêm phần tạo ra sự không công bằng với giới khoa học, vốn chưa được hưởng chính sách đãi ngộ xứng đáng..

Cũng trên diễn đàn edunet, anh Nguyễn Quốc Đinh "Quy định thời hạn 3 năm là không thực tế. Tôi không biết điều này có trái với luật lao động của Việt Nam không?"

Đồng thời, LHS này cũng cho rằng: nhiều người sau khi học xong được ký các hợp đồng vô thời hạn. Nếu giới hạn 3 năm phải trở về thì sẽ làm mất những cơ hội về nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống. Hơn nữa, nếu những người này làm cho các tổ chức quốc tế như UNDP, WB hay các công ty công nghệ cao thì lợi ích về lâu dài cho đất nước còn nhiều nữa.

Bạn Hoàng Hưng (Singapore) cũng cho rằng thời giạn được làm việc ở nước ngoài là 3 năm sau khi tốt nghiệp là vô cùng vô lý, đi ngược quyền tự do cư trú.

Hầu hết các LHS đều băn khoăn, không hiểu 2 quy định này sẽ chỉ áp dụng cho LHS đi học bằng ngân sách Nhà nước hay áp dụng với tất cả các LHS, bởi trong dự thảo không nói rõ.

Sẽ "hành" là chính?

Một nội dung mà ông Trương Duy Phúc (Phó Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài) lưu ý, với quy chế này, diện du học tự túc về sẽ được Bộ GD-ĐT Việt Nam công nhận chứ không "bị" coi là bằng giả.

Anh Bùi Hoài Nam (Pháp) bực bội: "Trong khi cái bằng PhD của mình chả mất tiền mua mà lại có được họ trả cho hơn 100.000 EURO cho 3 năm nghiên cứu".

Còn Nguyễn Anh Quyên, một LHS tự túc tại Anh thì đặt một loạt câu hỏi: khi học xong về nước, tôi phải mất bao lâu để được thẩm định lại bằng cấp của mình là "thật"? Nếu là "thật" thì tôi có quyền lợi gì sau đó? Tôi có mất chi phí thẩm định không? Nếu Bộ GD - ĐT coi bằng của tôi là "giả" thì tôi phải làm thế nào?

Liên quan đến quy định yêu cầu các LHS phải báo cáo kết quả học tập hàng năm, anh Phạm Mạnh Hải (phammanhhai... @gmail.com) nêu thực tế: Đối với nghiên cứu sinh thì gửi kết quả kiểu gì? Bởi kết quả học tập không phải là điểm thi mà là kết quả nghiên cứu. Đôi khi, vì các điều khoản hợp đồng mà không thể công bố ra ngoài?

Nguyễn Anh Quyên thì hỏi: nếu kết quả học tập kém thì tôi có nhận được sự hỗ trợ này không?

Tuy nhiên, rất nhiều LHS cho rằng việc buộc LHS tự túc phải báo cáo kết quả học tập hàng năm là không hợp lí bởi đây là quyền của họ khi bỏ tiền ra đi học.

Điều quan trọng hơn là lo lắng liệu có sản sinh ra nhiều thủ tục hành chính khác để "hành"?

Trong phản hồi gửi về, anh Nguyễn Anh Tuấn nêu bất cập: từ trước đến nay, LHS về nước đều cần xác nhận của lãnh sứ quán chứ không phải của nhà trường hay GS hướng dẫn đã là điều khá hài hước.

"Cả mấy năm trời học tập không biết mặt người ký xác nhận cho mình, thế mà phải mất cả 100 USD để về thủ đô xin chữ ký. Na,y Bộ lại muốn báo cáo định kỳ, thì cần bao nhiêu nhân viên để xem qua kết quả học tập của du học sinh VN trên toàn thế giới?"

Một LHS khác khẳng định: Sinh viên cũng như là bất kì thành phần nào trong xã hội, khi đi ra hoạt động ở nước ngoài là đã phải trình báo và kê khai với nhà nước mình cũng như nước bạn từ trước khi đi. Như vậy, hoàn toàn có thể kiểm soát được số lượng, không cần phải tốn thêm những chi phí và thủ tục phiền phức để làm điều này định kì.

Theo dự thảo, LHS được cấp học bổng từ hiệp định hợp tác giữa Chính phủ VN với Chính phủ nước ngoài, hoặc từ các tổ chức tài trợ thông qua Chính phủ VN cũng thuộc diện LHS được cấp học bổng. Và theo điều 6.2 khoản a của dự thảo thì: "LHS được cấp học bổng có nghĩa vụ học tập, nghiên cứu, thực tập đúng quy định về thời hạn, bậc học và ngành nghề đã được phân công hoặc đăng ký, không được quyền gia hạn nghiên cứu".

Nickname Whitebear cho rằng: Các du học sinh theo học bổng VEF (Quỹ Giáo dục Việt Nam) cũng bị xếp vào diện này, và do đó cũng phải chấp nhận sự phân công công tác của Bộ GD - ĐT là vô lí, vì Bộ GD - ĐT hoàn toàn không có vai trò gì đối với quỹ học bổng này.

Đặng Tấn Đức, cựu chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại ĐHQG Singapore:

Không thể "lôi kéo" du học sinh bằng quy định 3 năm

Dự thảo này có một số điều phi thực tế như việc báo cáo kết quả học tập cho các cơ quan (nếu áp dụng cho du học sinh tự túc).

Thứ nhất là tại các trường đại học nước ngoài, điểm số của sinh viên rất được tôn trọng.

Thứ hai, không biết, liệu khả năng của Đại sứ quán có đương nổi những việc như thế này vì hiện nay, cộng tác hỗ trợ du học sinh khá mờ nhạt do thiếu hụt nhân sự.

Thứ ba, nếu ai cũng nộp kết quả học tập thì không biết những thông tin đó có được sử dụng hay thu thập chỉ vì qui định?

Còn qui định tất cả phải về sau 3 năm sẽ ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài.

Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau phải để cho họ tự do lựa chọn: ngành học, cơ hội nghề nghiệp. Điều quan trọng là hướng mọi người đóng góp cho tổ quốc cho dù họ ở đâu, làm công việc gì.

Có những ngành nghề mình phải "lăn lộn" hàng chục năm ở nước ngoài thì khi về mới có đóng góp rõ rệt, hoặc những ngành nghề mà cơ sở vật chất ở VN chưa cho phép, chưa tạo điều kiện.

Chưa kể, những người định cư ở nước ngoài sẽ tạo cầu mối để đưa VN ra nước ngoài cũng như đưa nước ngoài về Việt Nam.

Những qui định hành chính như vậy không thể hiện được tính chất phức tạp, đa dạng của vấn đề nên sẽ tạo ra những tác dụng xấu.

Ở Trung Quốc, những năm đầu mới mở cửa, rất nhiều người ra nước ngoài rồi ở lại.

Nhưng khoảng chục năm gần đây thì những người này quay trở lại sau bao nhiêu năm trui rèn, tạo dựng sự nghiệp ở nước ngoài.

Và điều quan trọng hơn, để lôi kéo lực lượng du học sinh thì các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân phải tự thay đổi mình để thu hút được nhân lực có khả năng.

Quy định quản lý du học sinh, vì vậy, còn mang dấu ấn của sự "bao cấp".

No comments: