Tuesday, December 29, 2009

Diều bay

“Không có chuyện Việt Nam bị nước lớn ép”

Cập nhật lúc 15:30, Thứ Ba, 29/12/2009 (GMT+7)
,

- Trả lời VietNamNet, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho hay, trong 2 năm giữ vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hiệp quốc (LHQ), "không có chuyện Việt Nam bị nước lớn ép" mà chỉ có "trao đổi, tham vấn thường xuyên giữa các nước".

Với hơn 1.500 cuộc họp ở các cấp, thông qua 113 nghị quyết, 165 tuyên bố chủ tịch và tuyên bố báo chí thuộc trên 50 đề mục của chương trình nghị sự, Việt Nam đã “hoàn thành tốt trọng trách của ủy bên không thường trực HĐBA”, Thứ trưởng Phạm Bình Minh tổng kết.

Độc lập tự chủ

Đánh giá kết quả 2 năm tại HĐBA, Thứ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định "Việt Nam đã kiên định việc bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, giữ vững độc lập tự chủ, lập trường nguyên tắc, đồng thời khéo léo xử lý một cách phù hợp các vấn đề đặt ra".

"Hoạt động của Việt Nam tại HĐBA đã thể hiện lập trường và phong cách riêng của Việt Nam tại HĐBA", Thứ trưởng Phạm Bình Minh cho hay.

Mô tả ảnh.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại phiên họp của HĐBA. Ảnh: UN

Không giống như nhiều người quan ngại 2 năm trước, Việt Nam đã tránh được vết xe đổ của nhiều nước khác, có bản sắc riêng. Trong số 192 quốc gia thành viên LHQ, đã có 110 quốc gia từng tham gia HĐBA nhưng có những nước không để lại dấu ấn gì. Có nước tham gia HĐBA chỉ phản ảnh, nghe theo lập trường của nước khác, không hề có bản sắc riêng.

Khẳng định luôn coi trọng các nước lớn, lợi ích các nước có liên quan và bạn bè truyền thống... trên cơ sở tôn trọng, bảo vệ các lợi ích chính đáng của các bên, phù hợp với Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, Thứ trưởng Phạm Bình Minh cũng cho hay "không có chuyện Việt Nam bị các nước lớn ép".

"Việt Nam luôn duy trì cơ chế trao đổi, tham vấn thường xuyên ở các cấp, tạo mối quan hệ hợp tác tin cậy, thẳng thắn với các nước thành viên LHQ. Bên cạnh đó, Việt Nam định kì trao đổi với các nhóm nước ASEAN, châu Á, châu Phi, Ả rập và giữa vai trò nòng cốt trong nhóm các nước Không liên kết".

Trong nhiều trường hợp, tiếng nói của Việt Nam đã phát huy trọng lượng, được các nước ủng hộ và đánh giá cao. Thứ trưởng Phạm Bình Minh đơn cử, từng trải qua chiến tranh, vì thế, khi Việt Nam nói về vấn đề hòa bình, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh có trọng lượng. Việt Nam đã biết tận dụng điều này để tăng tiếng nói tại HĐBA.

Tương tự, đối với việc bàn thảo các biện pháp trừng phạt, cưỡng chế với các quốc gia, các nước cũng rất quan tâm và chú trọng quan điểm của Việt Nam. Việt Nam đã tham gia quyết định một số nghị quyết trừng phạt khi đó là vấn đề quốc gia nhưng lại gây ảnh hưởng tới an ninh quốc tế. Tuy nhiên, từng là nạn nhân của việc bao vây, cấm vận, Việt Nam đã có tiếng nói để tránh những trừng phạt ảnh hưởng đến đời sống nhân dân các nước. Có trường hợp, Việt Nam bỏ phiếu chống lại biện pháp trừng phạt của HĐBA.

Thứ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định, "Việt Nam đã luôn thể hiện được lập trường độc lập trong xử lý các vấn đề quốc tế, đóng góp xây dựng, hợp tác và có trách nhiệm, khéo léo xử lý khi có khác biệt giữa các nước thành viên".

Đụng chạm mà vẫn mở rộng được quan hệ

Sau 2 năm tham gia HĐBA, Việt Nam cũng đã thúc đẩy được quan hệ song phương với các nước, không chỉ trong HĐBA.

Xử lý 50 đề mục của chương trình nghị sự HĐBA, Việt Nam đã phải đụng chạm đến hầu hết các châu lục, rất nhiều quốc gia. Thế nhưng, ngay cả với nước bị HĐBA ra nghị quyết trừng phạt, mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam vẫn không bị thay đổi.

Mô tả ảnh.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon. Ảnh: UN

"Trong lịch sử, không ít quốc gia sau khi bỏ lá phiếu tại HĐBA đã ảnh hưởng đến quan hệ với nước đối tượng và cả nước lớn. Có nước đã bị trả đũa bằng việc cắt giảm viện trợ ngay lập tức", Thứ trưởng Phạm Bình Minh nói. "Việt Nam đã không bị như vậy".

Qua hai năm, Việt Nam đã thúc đẩy được quan hệ với các nước trên nhiều cấp độ, ở các khu vực khác nhau. Nhờ có công việc tại HĐBA, chúng ta đã thiết lập được cơ chế điện đàm, trao đổi trực tiếp thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao, cấp bộ trưởng, thứ trưởng, vụ trưởng... giữa Việt Nam với nhiều nước.

Trong tất cả các chuyến thăm của Việt Nam ra bên ngoài hay các nước bạn đến Việt Nam, nội dung hoạt động của HĐBA luôn là một trong những vấn đề được đưa ra thảo luận.

Tổng thư kí LHQ, lãnh đạo các nước, các đối tác quan trọng đánh giá cao đóng góp của Việt Nam tại HĐBA, và muốn "Việt Nam giữa vai trò lớn hơn trên các vấn đề khu vực và quốc tế, đặc biệt khi đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN vào 2010".

Nhịp nhàng trong ngoài

Trước thời điểm Việt Nam chính thức đảm nhiệm chiếc ghế ủy viên không thường trực HĐBA, nhiều người lo ngại cơ chế ra quyết định của Việt Nam sẽ làm khó những người trực tiếp phụ trách. Thậm chí, theo Thứ trưởng Minh, có đối tác bên ngoài còn lo "không hiểu Việt Nam hoạt động như thế nào tại HĐBA. Liệu Việt Nam có ra quyết định kịp thời với cách thức ra quyết định hiện nay".

Thế nhưng, "Việt Nam nhận thức rõ từ cấp lãnh đạo cao nhất yêu cầu ra quyết định nhanh, kịp thời. Nếu qua các cấp trình, tham khảo thông thường, Việt Nam sẽ chậm trong hoạt động tại HĐBA".

Chúng ta đã đưa ra cơ chế phân cấp thích hợp, cụ thể trong trường hợp nào thì do cấp nào quyết định. Bất kì một thông tin nào được gửi tới phái đoàn Việt Nam tại LHQ, ngay lập tức, những người liên quan trong nước cũng được cập nhật thông tin.

Hơn nữa, "Việt Nam đã có sự chuẩn bị kĩ càng, không chỉ 50 đề mục thảo luận mà dự kiến được 6 sự kiện có thể được bàn thảo tại HĐBA trong 2 năm đó: vấn đề Kosovo, Iran, Bắc Triều Tiên, Trung Đông, Sudan và Myamar. Chuẩn bị tốt hồ sơ, quan điểm, lập trường và dự báo đúng quyết định thành công của Việt Nam, giúp chủ động và tự tin trong phản ứng", Thứ trưởng Bình Minh nói.

Nhờ đó, "Việt Nam không chậm với bất cứ quyết định nào tại HĐBA".

"Quá trình tham gia HĐBA đã đem lại nhiều kinh nghiệm quý về phối hợp liên ngành tại diễn đàn đa phương cho Việt Nam, nhất là khi đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN năm 2010 tới", ông Minh nói.

Chưa thực sự chủ động

Thứ trưởng Phạm Bình Minh cũng thẳng thắn nhận xét, đáng ra Việt Nam có thể tham gia tốt hơn. Lần đầu tham gia HĐBA, Việt Nam không tự tin được như các đối tác khác đã từng tham gia HĐBA nhiều lần.

"Trong 6 tháng đầu, Việt Nam đôi khi bị động vì nhiều vấn đề lôi kéo. Sau 6 tháng, chúng ta đã chủ động hơn, nhưng chưa chủ động hoàn toàn".

Cụ thể, dù có các sáng kiến được ghi nhận và đồng thuận cao như vấn đề Trung Đông, Phụ nữ trong xung đột hay sáng kiến Hội nghị về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân...nhưng "Việt Nam chưa có nhiều sáng kiến tại HĐBA. Việc đưa ra sáng kiến được đồng thuận cũng không dễ."

"Nhiều thủ tục tại HĐBA chúng ta chưa nắm hết được, nhất là những thủ tục bất thành văn do các nước thường trực HĐBA đưa ra".

Thêm nữa, sự tham gia của đội ngũ cán bộ Việt Nam với tất các các vấn đề cần phải nâng cao hơn nữa. Chúng ta tham gia tất cả các cuộc họp thế nhưng, cũng có những cuộc "tham gia cho có". Trình độ ngoại ngữ của cán bộ ngoại giao cũng cần được bồi dưỡng thêm.

  • Phương Loan

No comments: