Friday, July 24, 2015

Những bài giảng ở Mỹ và những bài giảng gần đây của Thầy Thích Pháp Hòa

Người đời sống trong chốn trần tục vốn nhiễm thói quen đam mê vật chất và đắm nhiễm những lạc thú thế gian. Thế nên, lắm lúc chúng ta dễ lầm trong nhận thức chuyện đúng hay sai. Có nhiều điều chúng ta cứ ngỡ là đúng thế nhưng khi hiểu ra, nó không những sai mà còn sai be bét. Chẳng hạn, chúng ta cứ nói cái gì ở chùa là cho không. Ta nói nghe, chúng ta quen miệng nói thế, riết đến độ cái gì mà kèm thêm chữ chùa có nghĩa là không bỏ công, bỏ sức mà vẫn có. Ví dụ, đồ chùa nghĩa là đồ cho không, ăn chùa nghĩa là ăn mà không phải trả tiền hoặc có người trả tiền dùm, nhưng ở chùa nghĩa là đi tu - thuê nhà không phải trả tiền, hehe.

Tuy nhiên, nếu chúng ta chịu khó đọc sách Phật, kinh Phật, chúng ta tỉnh ngộ và thậm chí giật mình vì những gì Phật dạy khác xa và thậm chí ngược lại với suy nghĩ thường hằng của chúng ta. Phật có bảo rằng, những gì chúng ta thọ hưởng ở nơi chốn thiền môn là món nợ mà chúng ta phải trả, còn trả thế nào và khi nào là chuyện của nhân quả và nghiệp báo của chúng ta. Nghĩa là, chúng ta đang nợ của chùa, đó là gieo nhân, thì chắc chắn chúng ta phải trả, đó chính là quả. Trả nợ cũng tùy vào căn cơ của từng người, tạm thời có thể xếp theo thứ lớp như sau.

i) Cách trả đơn giản nhất là chúng ta phải sống nghiêm túc hơn. Lâu nay làm sai thì kể từ hôm nay chúng ta ta biết sai và sửa lại để rồi làm đúng. 

ii) Tiếp lên một bước nữa, lâu nay keo kiệt, sống bủn xỉn và ích kỷ với người đời, thì giờ đây, mình trở nên người rộng lượng, rộng rãi với đời - đó chính là nói về khía cạnh vật chất. Sâu sắc hơn tý, mình dễ dàng bỏ qua những lỗi người và dễ dàng thứ tha sai lầm của kẻ hại mình để rồi sống chan hòa với tứ chúng - đây là về mặt tinh thần. 

iii) Cao thượng hơn, chúng ta trả nợ bằng cách làm phước cho đời, hoặc là cúng dường tam bảo, hoặc giúp đỡ người nghèo khó - đây là nói về mặt vật chất. Về mặt tinh thần, chăm lo học Phật pháp để rồi giảng giải cho người lầm đường lạc lối, đi vào nẻo mơ để kéo họ về bến giác. Cao hơn nữa thì chưa biết, chừng nào đọc tới thì nói tiếp.

Tại sao phải rắc rối đến vậy? Nhiều người nói ăn có một bữa cơm chùa mà bắt làm đủ thứ chuyện mệt ghê. Lý do rất đơn giản, cơm chùa không phải tự dưng mà có. Cơm chùa có được là của tứ chúng góp lại. Một hạt cơm của chùa là tiền của biết bao nhiêu người dâng cúng nên rất quý. Cái quý ở đây không bởi nằm ở cái ý nghĩa vật lý của nó là một hạt gạo mà ra. Cái quý ở đây nằm ở chỗ, người mang cúng họ dâng hạt gạo (hoặc đồng tiền/vật chất để đổi lấy hạt gạo) là chuyện nhỏ, chuyện lớn là họ gởi gắm ở đây tấm lòng thành đối với Phật. Thế nên, mình ăn phải cái hạt gạo này, là đồng nghĩa chúng ta đang mang đang giữ cái mà tứ chúng gởi gắm. 

Nên nhớ rằng, tứ chúng cúng cho Phật chứ chẳng phải cho mình, và chùa, sư trụ trì chỉ là người trung gian đại diện cho Phật ban phát lại cho chúng ta. Vậy nên, mới có chuyện sư trụ trì nhận của tứ chúng mà suy nghĩ sai, dẫn đến làm sai thì thế nào cũng bị đọa. Mà nói trắng ra rằng, nghiệp từ việc này là xếp vào hàng nặng nhất trong số các nghiệp. Và để cụ thể hóa cái vụ hạt cơm chùa nặng thế nào, chúng ta nên tìm đọc lại cái đoạn giặt y cho Phật. Còn riêng với người ngoại đạo thì không đến độ như vậy vì không biết không có tội, hehe. 

Nói vậy, nhiều người lại e sợ không dám ăn cơm chùa. Vậy ăn hay không ăn? Theo thiển ý của tui, thì chúng ta cứ ăn nếu đói. Còn nếu ta không đói thì chúng ta ... cũng cứ ăn tượng trưng. Hehe. Tại sao ư, việc ăn là việc gieo duyên. Ví dụ có ai đem cho mình cái gì (tiền lì xì tết chẳng hạn), mình ngại không lấy, đẩy qua đưa lại một hồi làm mất vui thì ta cũng nên nhận cho vui vẻ cả làng. Nếu đàng hoàng tý, thì sau nay có dịp ta lại gởi lại bằng cách này hoặc cách khác. Đó chính là cách gieo duyên trong đời mà ta dù ít hay nhiều đã từng gặp. 

Quay trở lại chuyện trên, ở đây chúng ta ăn cơm chùa là chúng ta đang gieo duyên với Phật - chứ không phải của tứ chúng nhé (nói thế bởi nhiều người đôi khi vì ghét một vị nào đó mà nói tui ăn trái cam thì được chứ không ăn trái quýt vì trái quýt là của vị đó đem tới cúng. Hehe). Cho nên, gieo duyên với Phật - đồng nghĩa làm Phật vui mà không cứ gì ta lại dại/dốt mà không làm. Vậy dù no căng bụng rồi ta vẫn cứ ăn, ăn khí thế vào và ăn như chưa từng được ăn. Chuyện ăn là ổn rồi, dạy một lần là nhớ liền - ăn khí thế vào mỗi khi có dịp ở chùa. Thế chuyện trả thì sao, nên nhớ Phật không có đòi. Hehe. Phật cho đi nhưng chẳng nghĩ chuyện nhận lại bao giờ. 

Đùa là vậy, nhưng thật ra chúng ta đang lan man ở vật chất mà cái chính nó lại nằm ở tinh thần/cái tâm. Chỉ cần kẻ ngoại đạo bước chân tới chùa được là chúng ta đã trả cả đống nợ rồi. Vào cửa thiền môn, bao nhiêu cái lăng xăng lo nghĩ nó vứt/rớt hết ngoài cổng rồi. Ví dụ, trước khi đi chùa, mình nghĩ tao đi chùa cái rồi về tao ''luộc'' đối thủ làm ăn của mình. Vào chùa nghe mõ, ăn cơm chùa, xung quanh ai cũng vui vẻ hiền hòa, về đến nhà, quên mất chuyện cũ. Vậy là mình vô tình cứu một mạng người rồi; mà cứu một mạng người là công đức bằng xây chín nốt phù đồ nhé!!! 

Chuyện ăn ở, vay trả nó nôm na là thế. Bữa nào rảnh nói chuyện cúng dường tam bảo. Nhiều người nói cúng nhiều hay cúng ít là đúng. Cúng ''chay'' (*) có được không. Hehe. Để hiểu thêm về Phật pháp, chúng ta nên đọc nhiều vì Phật pháp là vô biên. Nếu không rảnh đọc thì nghe, xem. Nghe và xem ở đâu? Không đâu xa, rất gần, cái clip dưới đây. You can enjoy peace of mind day and night!!!


 
(*): Cúng chay ở đây là tiếng lóng. Nó không có nghĩa là cúng bằng đồ chay, mà nó có nghĩa là không có mang lễ vật kim tiền tới cúng. Hay nói dân giã là mang cái mạng không tới chùa lễ Phật rồi về.