Sunday, July 19, 2009

1 day until come to visit my home country

Anh bước đi cùng bao điều thay đổi

Em lội ngược dòng trong gió xoáy triền miên

Friday, July 10, 2009

GS-VS Nguyễn Văn Hiệu: Trời cho mới được

GS-VS Nguyễn Văn Hiệu: Trời cho mới được
11:27, 12/06/2009
Hồng Thanh Quang

"Tôi hoàn toàn không mê tín tí nào hết và cũng không tin tử vi, nhưng tôi cũng cảm thấy hình như trong mọi sự của đời ngoài cái phần nỗ lực của mình cũng có cả yếu tố vận may nữa." - GS-VS Nguyễn Văn Hiệu tâm sự.

Từ nhiều chục năm nay ở trong tôi, GS - VS Nguyễn Văn Hiệu đã là một biểu tượng mang tính kinh điển của nền khoa học cách mạng Việt Nam. Công việc làm báo đã giúp tôi được biết nhiều câu chuyện có các chi tiết rất thú vị và điển hình về ông, những chi tiết mà các bậc đàn anh trong nghề đã không bao giờ đưa vào các bài viết của họ.

Và khi chưa gặp ông, tôi đã nghĩ rằng những trải nghiệm như thế của một con người "đã biết mùi hun khói" hẳn đã in hằn những dấu ấn nào đó lên lối suy nghĩ và cách hành xử của ông. Thế nhưng, trực tiếp tiếp xúc với ông để chuẩn bị nội dung cho cuộc trò chuyện này trong căn phòng làm việc của ông ở Nghĩa Đô (quá nhỏ và chật chội đối với một nhà khoa học lớn), tôi vẫn thấy một sự lạc quan và say mê rất thanh xuân đối với cõi thế, vẫn thấy niềm tin và sự hồn hậu chỉ có thể có được ở những ai thực sự thiện tâm, thiện tính, của những ai hiểu rất rõ rằng, trên đời này, mọi sự, nói cho cùng, đều vô thường lắm lắm.

Phóng viên (PV): Thưa GS, tôi không dám kêu ca nhưng quả thật là tổ chức được một cuộc gặp với GS thực khó vì gần như lúc nào ông cũng rất bận bịu vì các công việc chuyên môn khác nhau. Chẳng lẽ ở tuổi "cổ lai hy" này, ông không chọn cho mình một lịch làm việc mang tính thư giãn hơn ư?

GS-VS Nguyễn Văn Hiệu (NVH): Công việc nó là thú vui mà. Và đặc biệt, nếu công việc ấy nó lại có lợi cho mọi người và mọi người nhờ mình thì mình tiếp tục làm.

PV: Ông nói rất hay và rất đúng. Ngày trước, khi còn ở tòa soạn Báo Quân đội Nhân dân, tôi có một người bạn cũng mê làm báo lắm và viết rất nhiều. Hỏi tại sao, anh ấy bảo, viết với mình là một thú vui, và mình phải cảm ơn tòa soạn đã cho mình làm công việc mà mình thích, lẽ ra mình phải trả tiền cho báo vì được làm công việc ưa thích của mình, đằng này lại còn được tiền nhuận bút nữa (cười)... Đôi khi cũng có những người say mê nghề như thế.

GS - VS NVH (cũng cười)...

PV: Thực sự ngồi trước GS hôm nay, tôi rất khó hình dung ra một cậu bé sinh ra ở ven sông Đáy, trong một gia đình nghèo khó và phải trải qua tuổi thơ đầy vất vả và gian truân, nhưng lớn lên lại trở thành một nhà khoa học lỗi lạc có một trí óc với một khả năng tư duy trừu tượng lớn như thế, rất không đặc trưng cho người Việt Nam. Thông thường, người Việt Nam ta tư duy trực quan rất tốt, nhưng lại không quá mạnh về tư duy trừu tượng. Quả thực là khó hình dung ra mối liên hệ nào đó giữa cậu bé sông Đáy ngày ấy và GS-VS Nguyễn Văn Hiệu bây giờ!

GS-VS NVH: Ôi, cái câu hỏi đó thì tôi không thể trả lời được, nhưng tôi có thể nói như thế này: từ bé cho đến nay, trong cuộc đời tôi luôn luôn thấy xung quanh tôi có những người giỏi hơn tôi mà.

PV: Lúc nào cũng thế?

GS-VS NVH: Lúc nào cũng thế. Tôi luôn luôn thấy có nhiều người thông minh hơn tôi nhiều.

PV: GS nói thật?

GS-VS NVH: Thật! Cả khi còn học ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho đến lúc sang Liên Xô cũng thế. Ở đâu cũng có những thầy cô, cũng có những người bạn mà tôi phải học hỏi ở họ, vì thấy họ giỏi lắm.

PV: Khi vào học ở Trường Đại học Sư phạm, hình như ông mới 16 tuổi thôi nhỉ?

GS-VS NVH: Năm 16 tuổi, tôi tốt nghiệp cấp 3 xong là thi vào đại học luôn. Lúc đó học đại học có 3 năm thôi nhưng mà vì thiếu cán bộ cho nên học liên tục 24 tháng.

PV: Không nghỉ hè...

GS-VS NVH: Không nghỉ hè. Như vậy là vào trường tháng 10.

PV: Năm 1954?

GS-VS NVH: Năm 1954. Và ra trường tháng 10/1956, nhưng mà bằng tốt nghiệp là bằng tốt nghiệp 3 năm.

PV: Ghi là 3 năm.

GS-VS NVH: Vì học không có nghỉ hè. Những người bạn học cùng lớp với tôi thời đó nhiều người giỏi lắm.

PV: Trong số những người bạn ấy có những ai cũng thành danh không ạ?

GS-VS NVH: Ôi, nhưng mà cũng phải nói là, ở đời thành danh hay không đôi khi nó cũng có cái số. Tôi thì không tin tướng số nhưng mà nếu…

PV: Nhìn cuộc đời lại thì thấy có vẻ là có như thế?

GS-VS NVH: Tôi hoàn toàn không mê tín tí nào hết và cũng không tin tử vi, nhưng tôi cũng cảm thấy hình như trong mọi sự của đời ngoài cái phần nỗ lực của mình cũng có cả yếu tố vận may nữa.

PV: Vâng. Có lẽ là thế...

GS-VS NVH: Thời bọn tôi tốt nghiệp đại học, không có giai đoạn tập sự đâu, ra trường là vào biên chế chính thức luôn.

PV: Và ông được giữ lại làm giảng viên Trường Đại học Tổng hợp, tôi có nghe nói như thế.

GS-VS NVH: Thấm thoắt mà đã được 53 năm rồi. Bây giờ ngồi nghĩ lại về 53 năm ấy thì tôi rút ra được một điều là: luôn luôn mình chớp được thời cơ.

PV: Tức là mình luôn luôn chuẩn bị được tâm thế và nội lực để khi có thời cơ đến mình không bỏ lỡ?

GS-VS NVH: Cái chính là ở chỗ đó. Có nhiều người giỏi hơn mình nhưng mà thời cơ nó không đến với họ hoặc là đến vào lúc họ chưa sẵn sàng, đến lúc họ sẵn sàng rồi thì thời cơ nó lại trôi qua.

PV: Và không quay lại nữa...

GS-VS NVH: Tôi kể một câu chuyện như thế này. Khi tôi ra trường được 3 năm, đang làm ở bộ môn Vật lý thuộc khoa Toán Lý (lúc đó Trường Tổng hợp chưa có riêng khoa Lý) thì vào năm 1959, anh tổ trưởng bộ môn Vật lý là anh Hoàng Quốc Thư (bây giờ anh qua đời rồi), nói là, Bộ Giáo dục, - lúc đó trường thuộc Bộ Giáo dục, chưa có Bộ Đại học-, có chủ trương đào tạo một số cán bộ trẻ để tương lai trở thành những giảng viên nòng cốt của nhà trường, cậu được chọn đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài cùng với một số anh em khác.

Tôi về suy nghĩ mấy ngày rồi đến gặp anh Thư: Thư ơi, mình chưa đi đâu. Anh Thư hỏi, tại sao như vậy, cậu là một trong những người đứng đầu bảng được bộ môn giới thiệu đi, sao cậu không đi? Tôi đáp, mình vẫn đang đọc dở mấy quyển sách, đã đọc xong đâu, bây giờ sang bên kia mà lại ngồi đọc những quyển sách có thể đọc ở Việt Nam thì đi nước ngoài làm gì vội!

PV: Phải là người rất tự chủ mới nghĩ được như thế...

GS-VS NVH: Thì có một số anh khác các anh ấy cũng đi, còn tôi bảo không. Bởi lúc ấy mình đang có một chương trình làm việc ở nhà và chương trình này là do anh Thiêm (GS Lê Văn Thiêm - HTQ) vạch ra cho mình, mình chưa hoàn thành xong. Mình cảm thấy là, nếu sang bên Liên Xô mình lại phải ngồi làm cái việc này thì phí đi, thời gian ở nước ngoài 3 năm là quý lắm, cần phải làm thế nào để tận dụng tối đa công suất. Cho nên lúc nào mà chuẩn bị xong, mình cảm thấy là những sách cơ bản mình đọc xong hết rồi, mình cần có người chỉ cho mình đề tài nghiên cứu thì lúc đấy mình sẽ xin đi, còn bây giờ thì thôi.

PV: Cứ ở nhà để đọc nốt sách...

GS-VS NVH: Đọc nốt sách...

PV: Thế ông Thư kia ông ấy có ngạc nhiên lắm không?

GS-VS NVH: Cũng không ngạc nhiên lắm vì anh em đồng nghiệp gần gụi cũng hiểu tính nhau. Và phải nói rằng, không khí nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Tổng hợp thời đó là tuyệt vời, tôi xin thưa với anh là, hơn bây giờ!

PV: Bởi vì thời ấy toàn những tinh hoa nhất của đất nước tập trung ở đó, số lượng ít nhưng toàn những người là tinh hoa nhất.

GS-VS NVH: Cũng không hẳn thế.

PV: Hay tại những người đầu ngành lúc ấy họ nhiệt huyết hơn?

GS-VS NVH: Nó cũng là cái thời vận chung, gộp nhiều yếu tố thiên thời địa lợi nhân hòa. Thứ nhất, những người thầy ở đó đều là những người hết sức tâm huyết. Ý chí của nhà trường và trách nhiệm nghiên cứu khoa học mà nhà trường đặt ra cho cán bộ trẻ là rất cao. Và một điều rất quan trọng là chúng tôi có muốn dạy nhiều cũng không được phép dạy mà phải tự đọc sách và phải nghiên cứu, coi như nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ bắt buộc. Bây giờ chúng ta đang cố gắng làm lại chuyện đó nhưng tôi nói là, 53 năm trước đây chuyện đó đã có mà, bây giờ không theo kịp thời ấy. Tôi phải nói cũng là may, may là tôi ra đời và lớn lên vào giai đoạn ấy nên nó cũng có thuận lợi. Lúc đó, tất cả mọi người đều khổ cả, mọi người lương đều như nhau cả và người nào mà được giảng dạy ở Trường Đại học Tổng hợp thì người đó là vinh quang nhất.

PV: Rất danh giá...

GS-VS NVH: Nên khi tốt nghiệp lãnh đạo cũng chọn người thứ nhất, người thứ hai, người thứ ba cho về dạy ở Trường Đại học Tổng hợp.

PV: Hồi ấy ông đứng thứ mấy?

GS-VS NVH: Tôi lúc ấy là đỗ thứ nhì.

PV: Người đứng trên ông là ai?

GS-VS NVH: Trên tôi là ông Vũ Thanh Khiết. Ông ấy giỏi lắm mà. Sau này ông ấy là Chủ nhiệm Khoa Lý, Trường Đại học Sư phạm. Và người thứ ba cũng là người rất giỏi. Tôi rất phục hai ông này.

PV: Người thứ ba là ai ạ?

GS-VS NVH: Ông Phạm Quý Tư. Sau này là Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, bây giờ ông ấy về hưu rồi. Có thể nói là, chúng tôi trình độ cũng suýt soát nhau thôi, nhưng mà khi nào tôi cũng cảm thấy là tôi thua hai ông này mà không hiểu tại sao lúc thi mình lại đỗ thứ nhì, chẳng biết nữa... (cười).

PV: Một người vĩ đại, một người lớn là biết nhìn ra những sự vĩ đại, những cái lớn ở những người khác.

GS-VS NVH: Cũng phải nói là, tôi trưởng thành được là nhờ có khí thế của thời đó.

PV: Vâng. Thời vận của lúc đó.

GS-VS NVH: Nhờ anh Thiêm và anh Bửu.

PV: Tiến sĩ Toán học Lê Văn Thiêm và bác Tạ Quang Bửu...

GS-VS NVH: Anh Thiêm lúc ấy là Chủ nhiệm Khoa Toán Lý và anh Tạ Quang Bửu là Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa.


PV: Hai nhân vật ấy đã giúp ông như thế nào?

GS-VS NVH: Chính hai nhân vật ấy là hai người đã mở đường, chỉ lối và đã động viên tôi hết sức. Anh tưởng tượng, tôi lúc ấy là…

PV: Một sinh viên rất trẻ…

GS-VS NVH: Một sinh viên mới tốt nghiệp, mới có 19 tuổi. GS Tạ Quang Bửu đã từng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và là người tham gia ký Hiệp định Geneva, nhưng mà hằng tuần GS vẫn dành thì giờ giảng bổ túc kiến thức cho chúng tôi. Và trong những giờ giải lao, chúng tôi vẫn có thể tiếp cận GS và vẫn có thể hỏi những điều muốn biết thêm. Có những hôm GS bảo, tối nay anh đến nhà, tôi sẽ chỉ cho anh. Tôi nhớ là vào một ngày đầu năm 1958 tại giảng đường của Trường Đại học Tổng hợp, GS Tạ Quang Bửu giới thiệu một công trình vừa mới được giải thưởng Nobel...

PV: Của hai nhà khoa học Mỹ gốc Hoa Lý Chấn Đạo và Dương Chấn Ninh?

GS-VS NVH: Đúng thế. Và GS Tạ Quang Bửu khuyến khích tôi, này, Hiệu ơi, cậu phải đi vào ngay cái lĩnh vực này đi. Tôi nói: Thế anh bảo (anh Bửu hơn tuổi chúng tôi nhiều nhưng chúng tôi không gọi bằng thầy, chỉ gọi bằng anh, anh em rất thân mật) bây giờ có tài liệu gì anh đưa cho em xem... Ông bảo, được rồi, để mình tìm cho cậu. Thế là GS Tạ Quang Bửu tìm cho mình một số tài liệu.

PV: Đúng là khát vọng lớn giúp nảy sinh những dự định lớn. Hồi ấy, trình độ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam chắc hẳn còn cách xa thế giới lắm, thế mà các nhà khoa học trẻ đã dám xông vào những lĩnh vực mới nhất rồi.

GS-VS NVH: Tôi kể lại anh nghe đã. Chuyện đó hay lắm mà. Tôi nhớ năm 57, hằng ngày ngoài giờ lên lớp, tôi thường xuyên lên thư viện mượn sách đọc. Có một lần anh Thiêm cũng vào mượn sách, thấy tôi, anh ấy hỏi, cậu đọc cái gì thế? Thưa anh, em đọc tài liệu về thuyết tương đối của Einstein. "Cậu mà đọc thuyết tương đối của Einstein thì cậu phải đọc bằng tiếng Đức, chứ ai lại đọc bằng tiếng Pháp như thế này...". Tôi nói: Làm sao mà em đọc được bằng tiếng Đức, em có biết tiếng Đức đâu? "Thôi được rồi, để đấy tôi về tôi sẽ mở một lớp tiếng Đức để dạy cho các cậu...". Ối, thế là "cụ" về "cụ" mở một lớp tiếng Đức dạy cho chúng tôi ngay.

PV: "Cụ" hồi ấy cũng dân chủ quá nhỉ!

GS-VS NVH: Bọn mình học tiếng Đức nhưng mà không biết nói.

PV: Chỉ để đọc sách thôi...

GS-VS NVH: Chỉ để đọc sách thôi mà. Đọc xong rồi bắt đầu có lần anh Thiêm hỏi tôi, này bây giờ cậu đang làm gì đấy? Em được anh Bửu hướng dẫn cho đọc cái này, cái kia... "Cậu đọc thế này mà trình độ Toán của cậu như thế kia thì không sống được, trình độ Toán của cậu còn kém lắm, bây giờ cậu phải đi học lại Toán đi...". Anh Thiêm nói thế vì biết tôi tốt nghiệp khoa Lý mà. Anh Thiêm bảo, bây giờ cậu học lại năm thứ 3 khoa Toán. Ôi thế là mình vừa là cán bộ giảng dạy...

PV: Ở môn Lý.

GS-VS NVH: Ở môn Lý nhưng sang bên toán, mình lại là sinh viên và đi học hết những giáo trình của sinh viên năm thứ 3. Anh Thiêm bảo, không có những kiến thức cơ sở này cậu không tiến lên được đâu, chương trình của nhà trường ít lắm... Và đồng thời anh Thiêm đưa ngay cho tôi một số sách, ngoài việc đi nghe giảng thì về đọc những sách này...

PV: Thầy trò có mối quan hệ tốt...

GS-VS NVH: Tôi vẫn nghĩ, sở dĩ tôi có thể trưởng thành sớm là nhờ có hai người thầy vĩ đại đó.

PV: Kể cả về mặt tình cảm cũng vĩ đại.

GS-VS NVH: Đến năm 1960, Chính phủ quyết định phải cử thêm cán bộ trẻ sang làm nghiên cứu ở Viện Liên hiệp nghiên cứu Dubna, là trung tâm khoa học lớn nhất của các nước xã hội chủ nghĩa lúc đó và cũng vào loại lớn nhất thế giới. Và tôi được chọn đi ngay. Tôi đã vui vẻ nhận đi vì tôi đã học xong những bài giảng của anh Thiêm và đọc xong những tài liệu của anh Bửu đưa. Và tôi cảm thấy tiếp tục học như thế nó miên man quá, bây giờ phải nghiên cứu cái gì đấy, mà nghiên cứu cái gì thì chưa ai chỉ cho mình cụ thể để mà làm cả, cho nên đến lúc cần phải đi rồi.

PV: Thế cũng là may...

GS-VS NVH: Cái này mới là may. Tôi sang lúc đấy là tháng 10...

PV: Năm 1960?

GS-VS NVH: Năm 1960. Đến Phòng Đối ngoại của Viện Dubna, họ tiếp xong họ bảo, đồng chí muốn nghiên cứu Vật lý lý thuyết, chúng tôi xin giới thiệu đồng chí về Phòng Vật lý lý thuyết. Tôi về Phòng Vật lý lý thuyết thì gặp một GS rất trẻ tuổi, Phó Giám đốc. GS hỏi tôi: "Bây giờ anh muốn nghiên cứu vấn đề gì, Phòng thí nghiệm rộng lắm, nhiều nhóm, nhiều môn, anh thích nghiên cứu vấn đề gì?". Tôi bảo: "Ở Việt Nam tôi có đọc được cuốn sách của một nhà khoa học là Markov và tôi nghe nói là ông ấy làm ở đây cho nên tôi muốn xin vào nhóm của ông ấy". "Tôi sẽ giới thiệu anh gặp GS Markov".

GS Markov (tức Viện sĩ Moisey Aleksandrovich Markov - HTQ) chỉ làm kiêm nhiệm thôi, chỗ làm việc chính là Moskva, nhưng mỗi một tuần ông ở đấy một ngày, chờ đến thứ năm ông ấy đến làm việc thì tôi đến gặp. Tôi đến, "cụ" hiền lắm, "cụ" thấy tôi “cụ” thương lắm, mình lúc đó chỉ là một thanh niên nhỏ bé, mới có 22-23 tuổi, ăn mặc lôi thôi lếch thếch.

“Cụ” hỏi: "Thế bây giờ anh nghiên cứu gì?". "Thưa GS...". "Bỏ chữ GS đi, anh cứ gọi bằng tên tôi đi, không có GS gì ở đây cả". Tôi nói, tôi đã đọc cuốn sách của ông, tôi thích quá nhưng rất nhiều chỗ tôi không hiểu gì cả. Cho nên việc đầu tiên là tôi muốn ông chỉ cho tôi cách học thế nào để hiểu được quyển đó. Ông ấy cười ha ha và bảo, anh tự đọc và anh thấy không hiểu thì như thế là đúng. Thôi được rồi, bây giờ anh về anh đánh dấu những chỗ anh không hiểu đi...

Thế là tôi về tôi đánh dấu những chỗ không hiểu, mang đến gặp GS Markov: Tôi chẳng hiểu những thứ này là từ đâu nó ra cả, công nhận thì tôi có thể công nhận được, nhưng tôi muốn tôi phải chứng minh được. Ông ấy bảo, thì đúng là như vậy, quyển sách này chỉ giới thiệu vấn đề thôi, còn anh muốn hiểu vấn đề này anh phải đi tìm những bài original...

PV: Tức là đi tìm nguyên bản của các vấn đề ấy?

GS-VS NVH: Nguyên bản các công trình của các tác giả người ta đăng trên báo. Tôi về tôi tìm đọc những gì mà GS chỉ cho. Tuần sau "cụ" đến, "cụ" hỏi, thế hiểu chưa? Tôi đáp, chỗ đó hiểu rồi nhưng chỗ khác vẫn chưa hiểu.

PV (cười):...

GS-VS NVH: "Cụ" bảo, chỗ khác chưa hiểu lại đưa đây xem nào... Như vậy mỗi tuần tôi được làm việc với "cụ" chừng 10 phút. Sau khi gặp "cụ" chừng 2, 3 tháng, "cụ" bảo, bây giờ đã hiểu hết rồi phải không, bắt đầu làm việc nhé. "Cụ" bảo, tôi vừa mới nhận được một preprint của Li và Yang (tức là của Lý Chấn Đạo và Dương Chấn Ninh - HTQ). Thường thường bên đó, khi một công trình được gửi đăng thì phải một năm sau số tạp chí có bài đó mới được in ra nên in cái bản gọi là preprint (tiền ấn phẩm) gửi tới các nơi trước. GS Markov bảo: Tôi nhận được preparing của Li và Yang nói về vấn đề hạt meson trung gian truyền tương tác của neutrino, lý thuyết này tuyệt vời, bây giờ anh ngồi anh nghiên cứu cái này đi rồi hôm nào anh làm seminar. Tức là mình phải trình bày những vấn đề mà mình đã lĩnh hội được. Tôi đọc bài đó mất 3 tháng.

PV: Và ông hiểu ngay?

GS-VS NVH: Có cái gì không hiểu thì lại đi đọc thêm tài liệu. Và khi đọc xong thì nói chung là những vấn đề đó mình nắm được hết. Và mình làm seminar, mọi người ra câu hỏi gì mình cũng trả lời được. GS Markov thích lắm, "cụ" vỗ vai tôi bảo, thôi bây giờ tôi sẽ cho anh đề tài làm Phó tiến sĩ nhé.

PV: Thử lửa xong rồi đấy (cười).

GS-VS NVH (cũng cười): Như vậy là mình chuẩn bị xong. GS Markov là một trong những người cũng vào cái cỡ đứng đầu Vật lý hạt nhân của…

PV: Liên Xô cũ...

GS-VS NVH: Của Liên Xô cũ.

PV: Và thế giới lúc ấy.

GS-VS NVH: Và rồi thỉnh thoảng trong seminar ở đấy còn có một số nhà khoa học khác nữa, đặc biệt là có ông Pontecorvo. Đó là một nhà khoa học người Italia, học trò của Fermi. Năm 1948, khi ông thấy người Mỹ chạy đua vũ trang và làm vũ khí hạt nhân thì ông ấy trốn sang Liên Xô...

PV: Tị nạn...

GS-VS NVH: Ông ấy sống và làm việc ở Liên Xô. Mình cũng từng được làm việc với ông ấy và ông ấy cũng có nhiều cái hay lắm.

PV: Ông ấy có thạo tiếng Nga không?

GS-VS NVH: Sang ở Liên Xô một thời gian thì ông ấy cũng thạo tiếng Nga. Như vậy từ lúc tôi còn trẻ tôi đã được làm học trò của người thầy tuyệt vời mà những cái đó có được, nói thật với anh, có được là nhờ Tổ quốc Việt Nam: làm sao mình có thể xin ra đây làm việc được nếu Chính phủ không cử mình đến. Nhưng cũng có cái hay là tôi đến sau khi tôi đã chuẩn bị xong...

PV: Xong hành trang tri thức cho mình.

GS-VS NVH: Và sang một cái là có thể bắt tay vào việc, không phải đọc bất cứ một quyển sách nào nữa.

PV: Không phải qua những năm dự bị như sau này người ta phải làm.

GS-VS NVH: Xong hết tất cả. Một số người thắc mắc hỏi tôi tại sao mà anh làm luận án tiến sĩ chỉ có 2 năm. Tôi bảo có phải 2 năm đâu, tôi làm 6 năm đấy chứ

PV: 2 năm là thời gian sang bên kia thôi...

GS-VS NVH: 2 năm sang bên kia, chứ trước đó ở trong nước tôi đã mất 4 năm chuẩn bị. Cho nên nếu bây giờ người ta bắt làm luận án tiến sĩ 4 năm thì tôi làm 6 năm tức là làm dài chứ có phải làm ngắn đâu, chỉ có điều, cái thời kỳ dài kia là chưa chính thức. Chứ còn khi tôi vừa ra trường là đã có định hướng rồi. Thầy Tạ Quang Bửu, thầy Lê Văn Thiêm đã có định hướng cho, nhưng mà lúc ấy các thầy cũng bận, không nghiên cứu được nhiều, nhất là thầy Thiêm chỉ là nhà toán học thôi, thầy Bửu thì làm Hiệu trưởng, rồi còn làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, bao nhiêu việc, cho nên thầy chỉ có thể biết vấn đề nó hay và hướng dẫn mình đi vào lĩnh vực đó thôi, còn đề tài cụ thể thì thầy không chỉ ra được mà trong nước cũng không có tài liệu. Nên bây giờ tôi phải thanh minh lại là, không phải tôi làm luận án 2 năm mà làm luận án 6 năm, trong đó có 4 năm tự làm, túc tắc tự làm không được xã hội tính (cười).

PV: Rồi sau đó GS làm luận án tiến sĩ khoa học luôn?

GS-VS NVH: Không phải. Lúc đó ở phòng thí nghiệm, vị GS trẻ, Phó giám đốc tên là A.A. Logunov cũng chủ trì một nhóm nghiên cứu cùng với GS N.N.Bogolyubov, nhưng đi theo một hướng khác so với GS Markov. Khi ấy, mình hay đi dự các seminar của các nhóm khác và mình thấy cái hướng nghiên cứu mà GS Logunov chủ trì là hay cực kỳ. Cho nên hễ có seminar của GS Logunov là mình đi dự. Học trò của ông ấy cũng rất là đông, ông ấy ra đề tài cho các học trò, anh này phải làm thế này, anh kia phải làm thế kia... Có hôm tôi mới nghĩ, mặc dù ông ấy không giao cho mình nhưng mình thử làm cái xem sao. Tôi về làm và tôi làm được.

PV: Đó là đề tài gì?

GS-VS NVH: Làm theo cái nghiên cứu các tính chất của các quá trình tương tác ở năng lượng rất là cao. Tôi về làm xong. Tuần sau đến dự seminar, GS Logunov hỏi, các anh làm đến đâu rồi? Tôi mới xin được nói: Tuần trước tôi có nghe giáo sư đặt vấn đề, tôi về tôi làm như thế này. Ông ấy nghe xong nói: O!

PV: Khen ngay: Tuyệt vời!

GS-VS NVH: Ông ấy bảo, tuyệt vời, thôi bây giờ anh cùng tham gia làm việc với nhóm mình đi! Tôi bảo, vâng, để tôi về tôi xin phép GS Markov, rồi tôi dành một số thì giờ tôi làm với ông. Như vậy là song song tôi làm việc với cả 2 nhóm.

PV: Theo hai hướng nghiên cứu khác nhau?

GS-VH NVH: Hai hướng nghiên cứu khác nhau. Đến lúc cũng có nhiều bài rồi thì ông Markov bảo, thôi anh ngồi viết luận án đi, không có thì vấn đề đang nóng hổi nhưng vài ba năm nữa mới bảo vệ thì nó nguội mất. Tôi ngồi làm, viết luận án nó cũng dễ dàng lắm, bài của mình đăng hết rồi mà.

PV: Công bố hết rồi, chỉnh lại các thứ và sắp xếp.

GS-TS NVH: Sắp xếp lại thành chương, làm nhanh. Nhưng lúc mà làm xong luận án PTS thì những công trình với ông Logunov nó phát triển rất ghê. "Cụ" Markov rất khuyến khích, nói: chủ đề anh đang làm với Logunov rất hay, anh dành thì giờ làm với ông ấy.

PV: Hai vị ấy rất thiện chí với nhau.

GS-VS NVH: Với họ, quan trọng là làm khoa học. Về những việc mà tôi làm với GS Logunov thì thực ra, tôi có nghĩ được ý gì đâu, ý là ý của ông ấy hết đấy chứ.

PV: Nhưng ông đã đào sâu nghiên cứu...

GS-VS NVH: Đó là những ý nghĩ thoáng qua của GS Logunov, còn công việc của mình là phải thực hiện cụ thể, phải chứng minh, viết nó ra thành công thức, viết nó ra thành công trình, cái đấy mất nhiều thời giờ. Nhưng nhờ khi chuẩn bị tại Việt Nam, tôi đã học rất kỹ những vấn đề Toán học, những kiến thức cơ bản nên lúc ấy chỉ cần đem ra dùng thôi, cho nên tôi làm rất nhanh. Và GS Logunov đọc xong thì bảo, cái này đáng làm luận án TS lắm, ngồi viết luôn đi. Tôi bảo, vâng, thế là tôi ngồi tôi viết, trong vòng một năm. Nhưng không phải là tôi làm luận án tiến sĩ trong một năm đâu vì tôi đã chuẩn bị từ trước rồi.

PV: Tổng cộng, GS đã làm luận án phó tiến sĩ và tiến sĩ trong vòng 4 năm, không kể bốn năm tự chuẩn bị ở trong nước?

GS-VS NVH: Nói đúng hơn là ba năm rưỡi, vì tôi sang từ tháng 10-1960, tôi bảo vệ luận án vào tháng 5-1963. Nhưng phải nói cũng rất là may. Nhìn lại, nếu không có ý tưởng của ông Logunov thì cũng không thể...

PV: Chưa chắc đã phát triển được như thế?

GS-VS NVH: Ông Logunov về sau gọi là đồng nghiệp, nhưng mình luôn coi mình là học trò của ông ấy, có điều, là người học trò nhanh nhất... Tứ là nắm bắt được ý tưởng của thầy và triển khai được nhanh nhất... Sau này ông Logunov trở thành Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, ông trở thành Viện trưởng đầu tiên của Viện Vật lý năng lượng cao mà lớn hơn Viện Dubna nhiều và ông ấy cũng được giải thưởng Lênin.

PV: Trước hay sau ông?

GS-VS NVH: Ông ấy được trước. Và trong công trình mà tôi được giải thưởng Lênin cũng có sự tham gia của ông Logunov nhưng mà theo luật thì một người chỉ được giải thưởng Lênin có một lần nên ông ấy không được viết tên vào đó.

PV: Không thầy đố mày làm nên mà, các cụ nói rồi, có làm sao đâu.

GS-VS NVH: Bây giờ phải nói ý tưởng ban đầu của công trình tôi được giải thưởng Lênin cũng là của ông Logunov, nhưng mà ông ấy không được quyền viết tên vào đó nữa cho nên… (cười).

PV: Nhưng GS cũng xứng đáng để được vì đã triển khai được tất cả công việc khổng lồ như thế.

GS-VS NVH: Nếu không có những cơ hội tuyệt vời ấy thì làm sao có được những kết quả như vậy. Cho nên những chuyện ấy tôi xin lỗi là chuyện trời cho, chuyện số phận...

PV: Thưa GS, ông là người rất say mê khoa học. Dường như tất cả tình cảm, tâm huyết của ông đều dồn cho khoa học hết. Vậy thì ngoài khoa học ra, ông có niềm say mê gì khác không, văn học chẳng hạn, thơ chẳng hạn? Hay ông cảm thấy mình đã tìm được mọi thứ cần thiết cho mình trong khoa học, trong những công thức tưởng như khô khan ấy nên không cần thêm những chuyện gì khác. GS hãy thử nói một cách chân thành, ở tuổi của GS, tôi nghĩ ông có quyền nói mọi điều ông nghĩ.

GS-VS NVH: Nhạc này, hát này thì đương nhiên là rất thích rồi.

PV: Hồi trẻ ông còn đánh ghita cơ mà, đúng không?

GS-VS NVH: Đúng. Còn về thơ, thôi, bây giờ để anh biết tôi có yêu thơ hay không, anh nghe tôi đọc mấy câu nhé:

Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ
Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ.

PV: Rõ rồi, "Bên kia sông Đuống" của thi sĩ Hoàng Cầm!

GS-VS NVH: Nói như thế là anh cũng biết (cười).

PV: Tôi hiểu rồi. Ông có cảm thấy đôi khi khoa học có làm cho ông cũng bị thiệt thòi một cái gì đấy trong đời sống tình cảm không? Đến tuổi này mình có thể nói bình tĩnh được một chuyện, có vấn đề gì đâu.

GS-VS NVH: "Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao..."

Và cái câu này là quan trọng:

"Có đâu thiên vị người nào
Chữ tài chữ lộc…"

PV: "Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai."

GS-VS NVH: "Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai."

PV: Tôi hiểu rồi. Truyện Kiều của Nguyễn Du. GS có muốn nói thêm gì nữa không?

GS-VS NVH: Và tôi sẽ đọc cho anh thêm một đoạn, không phải tôi chỉ thích thơ mà thậm chí kể cả văn xuôi tôi cũng thuộc. Tôi đọc một đoạn văn xuôi, không hiểu tại sao tôi đọc tôi thuộc, lâu lắm rồi bây giờ tôi không nhớ của tác giả nào:

"Trong đời người sáu bảy mươi năm, bao nhiêu cảnh thuận, bao nhiêu cảnh nghịch, bao nhiêu cái sướng, bao nhiêu cái buồn, bao nhiêu cái cười, bao nhiêu cái khóc, nhưng ngồi mà nghĩ chỉ như canh bạc chơi một đêm. Ngồi vào bàn bạc mà chơi, ai không muốn được, nhưng sao cho được mà chắc không thua, thua rồi lại được, được rồi lại thua, đỏ đỏ đen đen, lên voi xuống chó. Trong năm canh hì hục, được hẳn vui, thua dễ bẳn, thường tình ai cũng như ai. Trời chưa sáng, đêm còn dài, thì đồng tiền trong tay nhiều cũng chưa hẳn có, hết cũng chưa chắc không, lúc đứng dậy ra về còn gì mới là được". Tôi hôm nay là đứng dậy ra về được rồi...

PV: Mà vẫn còn rất nhiều thứ...

GS-VS NVH: Như vậy là được!

PV: Xin cảm ơn GS! Xin chúc GS mạnh khỏe

H.T.Q. (thực hiện