Friday, September 17, 2010

Giáo dục Phú Yên thời Pháp thuộc (1887 - 1945)

Giáo dục Phú Yên thời Pháp thuộc (1887 - 1945)

Hệ thống giáo dục thời Pháp ở Phú Yên không khác gì so với các tỉnh Trung Kỳ về cách thức tổ chức, bậc học, chương trình học; song cũng có nhiều đặc điểm riêng, nổi bật và tính lý thú khi nghiên cứu. Bằng việc kết hợp nhiều nguồn tư liệu, bài viết góp phần phục dựng lại quá trình phát triển giáo dục Phú Yên thời Pháp thuộc với hai thời kỳ 1887 -– 1918 và 1919 - 1945; mặc khác đi sâu lý giải những lý do vì sao người Pháp có những quyết định đột phá đầu tư về giáo dục ở đây.

hoa-da-090525.jpg

Sơ đồ thửa đất xây dựng trường Sơ học Pháp – Việt hay còn gọi là trường Tiểu học hàng tổng ở làng Phú Lâm, tổng Hòa Đa, tỉnh Phú Yên ngày 25/2/1922. Thửa đất này rộng 1 mẫu nằm thuộc khu đất của ông Nguyễn Sáng và Nguyễn Nóc. (Theo Construction fonds de cuors d’ecoler préparation à Nha Trang, incorporation au domaine local l’Ecole de Hoa Da (Phu Yen). 1922 – 1925. RSA\HC 1329)

VÀI NÉT VỀ HỆ THỐNG GIÁO DỤC Ở VIỆT NAM THỜI PHÁP THUỘC

Dưới sự tác động mạnh mẽ của phong trào Duy Tân (1902 – 1908) do Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Bá Huy… khởi xướng, buộc chính quyền thực dân Pháp phải cải tổ lại nền giáo dục cho phù hợp với trào lưu tiến bộ chung. Theo tinh thần đó, chính quyền thực dân Pháp và Nam triều thành lập Bộ học, Hội đồng cải lương học vụHọc quy vào năm 1906 sửa đổi nền giáo dục Việt Nam với những nội dung như sau: (Nguyễn Q. Thắng, 1998, tr.160).

Hệ thống trường Pháp – Việt được tổ chức thành 2 cấp học: Tiểu học và trung học.

Bậc tiểu học gồm 2 cấp là Ấu học và Tiểu học với 6 lớp từ dưới lên: Đồng ấu (lớp Năm), Dự bị (lớp Tư), Sơ đẳng (lớp Ba), lớp Nhì năm thứ Nhứt, lớp Nhì năm thứ Hai và lớp Nhứt. Cuối năm học lớp Ba, học sinh thi lấy bằng Sơ học yếu lược (Primaire Elémenteire), sau đó mới học tiếp 3 lớp còn lại và đến cuối năm học lớp Nhứt, học sinh thi lấy bằng Tiểu học yếu lược (Certificat d’Etudes Primaire Franco – Indigène, viết tắt là CEPEI).

Bậc Trung học chia làm hai bậc: Trung học đệ nhất cấp và trung học đệ nhị cấp. Trong đó trung học đệ nhất cấp (premier cycle secondaire) chia làm 2 ban: Văn học và khoa học.

Hệ thống trường chữ Hán đã có những thay đổi bao gồm 3 bậc học: Ấu học, tiểu học và trung học (Phan Trọng Báu, 2006, tr.69 – 72).

Ấu học có 3 loại trường dạy một năm hoặc nửa năm, trường dạy 2 năm và 3 năm. Ở bậc học này, chính quyền thực dân Pháp bắt đầu hạn chế học chữ Hán, tăng cường dạy chữ quốc ngữ và tiếng Pháp. Sau khi học xong bậc Ấu học, học sinh thi hạch tuyển để cấp bằng Tuyển sinh.

Tiểu học, học sinh có bằng Tuyển sinh được học tiếp lên bậc Tiểu học được tổ chức ở phủ, huyện do các giáo thụ và huấn đạo chịu trách nhiệm. Chương trình dạy của bậc học này cũng gồm ba thứ chữ, tuy nhiên chữ quốc ngữ và Pháp vẫn chiếm nhiều giờ hơn. Cuối bậc Tiểu học học sinh thi hạch khóa lấy bằng khóa sinh, người đậu được miễn sưu dịch 3 năm và được học tiếp lên trung học.

Bậc trung học được mở ở tỉnh lỵ do đốc học, học sinh được cấp học bổng. Học hết trung học, học sinh phải qua kỳ thi gọi là thí sinh hạch, người đậu cấp bằng Thí sinh, được miễn sưu dịch một năm và được thi hương.

Ngoài ra chính quyền bảo hộ còn sửa đổi nội dung chương trình kỳ thi hương, hội và sách giáo khoa. Nội dung của kỳ thi hương được quy định như sau:

Trường nhất: Văn sách viết bằng chữ Hán gồm 5 đầu bài.

Trường nhì: Luận chữ Việt.

Trường ba: Dịch một bài chữ Pháp ra chữ Việt và một bài chữ Hán ra chữ Pháp.

Kỳ phúc hạch để chọn cử nhân, thí sinh phải làm một bài luận chữ Hán, một bài luận chữ Việt và một bài luận chữ Pháp. Tuỳ theo điểm cao thấp mà định cử nhân và tú tài.

Sau một thời gian áp dụng nền Học quy này trong hệ thống giáo dục Việt Nam đã gây ra tình trạng mâu thuẫn giữa những người theo cựu học và tân học, điều này không có lợi cho chính quyền thực dân Pháp. Trước tình hình đó, Toàn quyền Sarraut ký nghị định ban hành Học chính tổng quy (Reglement géneral de l’instruction publique en Indochine) vào ngày 21/2/1917 nhằm cải cách hệ thống giáo dục trên toàn cõi Đông Dương. Ở Việt Nam, Học chính tổng quy này được áp dụng như sau: (Nguyễn Q. Thắng, 1998, tr.161 – 165)

Tại mỗi xã có thể mở ít nhất một trường công bậc Tiểu học Pháp – Việt dành cho con trai và con gái.

Bậc tiểu học Pháp – Việt gồm 5 lớp: lớp Đồng ấu (7 tuổi), Dự bị (8 tuổi), Sơ đẳng Tiểu học (9 tuổi), Trung đẳng Tiểu học (10 tuổi) và Cao đẳng Tiểu học (11 tuổi). Việc giảng dạy ở hai lớp cuối cấp phải hoàn toàn dùng tiếng Pháp. Trường nào mở đủ cả 5 lớp gọi là trường Tiểu học toàn cấp (Ecole Primaire de plein exercice). Trường nào mở không đủ 5 lớp gọi là trường Sơ đẳng Tiểu học (Ecole Primaire Élémentaire). Mỗi tỉnh lỵ phải mở ít nhất một trường Tiểu học toàn cấp.

Kể từ ngày 21/12/1917 tất cả các trường dạy chữ Nho (cả công lẫn tư) đều phải xếp vào loại trường tư và phải tuân thủ mọi quy chế của chính quyền Pháp ở cấp xứ đề ra.

Với việc ban hành Học chính tổng quy, người Pháp dần hoàn thiện hệ thống giáo dục Pháp – Việt ở Việt Nam, từng bước đẩy lùi hệ thống giáo dục phong kiến đáp ứng nhu cầu chính sách khai thác thuộc địa của chính quyền thực dân Pháp.

GIÁO DỤC PHÚ YÊN THỜI PHÁP THUỘC

Thời kỳ 1887 – 1918

Cho đến trước năm 1915, giáo dục ở Phú Yên vẫn theo chương trình giáo dục và thi cử Nho học với 3 cấp học: Ấu học, tiểu học và trung học. Thời kỳ này, số lượng trường dạy chữ Hán ở Phú Yên gồm: 1 trường tỉnh, 4 trường phủ huyện và các trường tư gọi là hương trường ở khắp các làng xã. Trường tỉnh Phú Yên lập từ thời Gia Long tại làng Ngân Sơn, sau dời đến làng Long Uyên vào năm 1847, rồi đến làng An Thổ năm 1899 nằm bên cạnh chính quyền Nam triều. Khi tỉnh đường dời ra làng Long Bình (Sông Cầu) thì trường tỉnh cũng dời theo. Trường phủ Tuy An lập cùng thời với trường tỉnh tại làng Hội Phú, sau dời đến An Thổ. Trường phủ Tuy Hòa lập năm 1846 tại làng Đông Phước. Đối với trường huyện ở Đồng Xuân và Sơn Hòa cùng lập năm 1899, trường huyện Đồng Xuân đóng tại làng Khoan Hậu, còn trường huyện Sơn Hòa đặt tại làng Củng Sơn (Trần Sĩ Huệ, 2003, tr.14). Đối với trường tỉnh do quan đốc học quản lý, trường phủ huyện do quan giáo thụ và huấn đạo chịu trách nhiệm.

Bên cạnh hệ thống trường tỉnh, phủ và huyện do chính quyền Pháp và Nam triều quản lý, hệ thống trường tư của các làng xã cũng phát triển ở Phú Yên trong thời kỳ này. Loại trường này do người dân ở các làng tự quyên góp tiền, hoặc do các nhà chùa, nhà thờ tổ chức giảng dạy, ngoài ra có thể do những người đỗ đạt cao không ra làm quan đứng ra tổ chức giảng dạy. Thường hệ thống trường này chỉ phụ giúp các em tập đọc, tập viết và giảng dạy những bài học khai lòng trước khi bước vào bậc học cao hơn do chính quyền Pháp và Nam triều tổ chức ở phủ, huyện và tỉnh. Thời kỳ này có trường tư của ông Nguyễn Văn Đầu, ông đã tổ chức giảng dạy được 20 học sinh, trong số ấy không có ai là nữ.( Statistique annuelles du Services de l’Enseignement en An nam 1909 – 1912. RSA\HC 527).

bang1-090525.jpg

Về nội dung học và thi cử vẫn theo chương trình giáo dục Nho giáo từ thời kỳ trước. Tuy nhiên, chính quyền bảo hộ bắt đầu đưa chữ quốc ngữ và Pháp vào chương trình học ở các lớp tiểu học và trung học, nhưng thời lượng giảng dạy ở các trường chủ yếu là chữ Hán tại tỉnh Phú Yên. Sau khi hoàn thành chương trình học ở 3 bậc, những khoá sinh được dự kỳ tỉnh hạch tổ chức hàng năm tại Sông Cầu, người đậu cấp bằng Thí sinh. Sau kỳ thi này, quan Đốc học Phú Yên lập danh sách những người trúng tuyển về Bộ Học hoặc Bộ Lễ, sau đó họ được dự kỳ thi Hương tổ chức tại trường thi Bình Định. Theo Quốc triều hương khoa luật, số lượng người đỗ cử nhân ở Phú Yên tại trường thi Bình Định từ khoa Canh Tý (1900) đến Mậu Ngọ (1918) có 13 vị, trong đó huyện Đồng Xuân có 3 vị và phủ Tuy An là 5 vị, Tuy Hòa và Sơn Hòa có ít người đỗ đạt cao so với các địa phương trên (Trần Sĩ Huệ, 2003, tr.15).

bang2-090525.jpg

Kể từ những năm đầu thế kỷ XX, hệ thống chính quyền thực dân và chính sách khai thác thuộc địa của Pháp ngày càng mở rộng ở Phú Yên, đòi hỏi phải bổ sung lượng công chức hành chính Tây học phục vụ ở các cơ quan chính quyền bảo hộ, đồng thời thực hiện âm mưu với tay đến tận cấp xã thôn. Người Pháp bắt đầu triển khai chương trình giáo dục Pháp - Việt ở đây; theo nguồn tư liệu chúng tôi tiếp cận thì chính thức năm học 1908 – 1909, chính quyền bảo hộ Pháp đã cho thử nghiệm chương trình học này tại Sông Cầu, mới đầu chỉ có 1 lớp với 3 thầy giáo và 32 học sinh, được học lồng ghép với các lớp theo hệ thống giáo dục cũ do ngân sách chính quyền Nam triều đài thọ.

Sau năm 1915, chính quyền thực dân Pháp chính thức triển khai chương trình giáo dục tiểu học Pháp – Việt ở Phú Yên với 3 cấp học. Đến năm 1917, chính quyền Pháp mở thêm trường Sơ học Pháp – Việt dành cho con gái (Ecole franco – annamite des jeunes files), trường dạy nữ sinh nhập chung với trường Sơ học Pháp – Việt dành cho nam sinh ở Sông Cầu. Chương trình học đối với lớp nam sinh gồm 3 lớp: Đồng ấu, Dự bị và Sơ đẳng, nội dung dựa theo chương trình Học quy được ban hành năm 1906 của chính quyền thực dân Pháp. Đối với lớp con gái, chính quyền thực Pháp dạy tiếng mẹ đẻ gồm tập viết, tập đọc, học tính, luân lý, vệ sinh và chương trình thực tập gồm gia chánh (khâu vá, giặt giũ, nấu ăn…), những nghề thủ công dành cho phụ nữ (thêu, đan, dệt, làm bánh, làm vườn…). Cho đến năm 1918, lượng giáo viên dạy ở trường Sơ học Sông Cầu là 3 người, trong đó 1 hiệu trưởng, 1 thầy giáo giảng dạy (instituteur auxiliaire) và 1 giáo viên nữ (institutrice).(“Province de Binh Dinh”, Annuaire general de L’indochine, anée 1918)

Như vậy đến những năm đầu thế kỷ XX, nền giáo dục ở Phú Yên tồn tại song song hai hệ thống giáo dục cựu học và tân học, trong đó hệ thống giáo dục Nho giáo vẫn chiếm ưu thế và chi phối toàn bộ nền học vấn trong mọi tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, nền giáo dục thực dân ở Phú Yên bắt đầu hình thành và phát triển, đội ngũ tri thức có kiến thức Tây học ngày càng tăng, góp phần tạo nên những đổi thay trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục.

Thời kỳ 1919 – 1945

Sau chiến tranh thế giới lần I, chính quyền thực dân Pháp tiếp tục thực hiện chính sách củng cố và phát triển hệ thống giáo dục thực dân ở Phú Yên. Thời kỳ này, chính quyền bảo hộ triển khai nền “Học chính tổng quy” từ cấp phủ, huyện đến tổng, xã với hàng loạt trường tiểu học Pháp – Việt ra đời ở Phú Yên. Bậc học cao nhất ở Phú Yên là Tiểu học với 3 loại trường: Tiểu học toàn cấp (Ecole Primaire de plein exercice) lập ở tỉnh, Sơ đẳng Tiểu học (Ecole Primaire Élémenteire) lập ở phủ, huyện và Sơ học ở các tổng, xã (Ecoles cantonales et communales).

Vào năm 1921, trường Sơ đẳng Tiểu học Sông Cầu đổi thành trường Tiểu học toàn cấp (Ecole primaire de plien exercice) với 5 cấp học, gồm: Đồng ấu, Dự bị, Sơ đẳng Tiểu học, Trung đẳng Tiểu học và Cao đẳng Tiểu học, sau đó được thăng lên trường tỉnh. Sự kiện này tạo ra một bước ngoặt đối với nền giáo dục Phú Yên thời thuộc Pháp. Hệ thống giáo dục phong kiến chính thức chấm dứt vai trò đào tạo nguồn nhân lực, cùng với nó là hệ thống giáo dục Pháp – Việt chi phối và quyết định đến việc đào tạo đội ngũ trí thức ở Phú Yên. Vì sao người Pháp lại có quyết định này, theo chúng tôi, từ năm 1921 tỉnh Phú Yên chính thức tách khỏi tỉnh Bình Định, về mặt hành chính không còn lệ thuộc nữa nên người Pháp đã đầu tư xây dựng Phú Yên với đúng nghĩa là một tỉnh như các các tỉnh Trung Kỳ. Việc triển khai đầu tư bao gồm nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa và giáo dục, đặc biệt là bắt đầu chú ý đến khu vực phía nam Phú Yên.

Đến năm 1922, chính quyền Pháp cho xây dựng 2 trường Sơ đẳng Tiểu học ở Tuy Hòa và Tuy An. Về sau do nhu cầu chính sách khai thác thuộc địa và vị trí ngày càng quan trọng của đô thị Tuy Hòa, tư bản Pháp cho mở thêm 2 lớp Trung đẳng Tiểu học (lớp Nhì) và Cao đẳng Tiểu học (lớp Nhất) ở Tuy Hòa vào năm 1929, đồng thời các học sinh ở Tuy Hòa và Sơn Hòa sẽ tham dự kỳ thi lấy bằng Ri me tại đây. Việc triển khai nhiều dự án xây dựng như đập Đồng Cam, nhà máy đường Tuy Hòa và nhất là sau biến cố bão năm Giáp Tý (1924) trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa Sông Cầu bị tàn phá nên người Pháp đã dần chuyển vào Tuy Hòa. Thêm vào đó, một bộ phận người Hoa ở Sông Cầu và Tuy An cũng bắt đầu di cư vào phía nam Phú Yên làm ăn và sinh sống. Những điều này càng thôi thúc người Pháp đầu tư và quy hoạch đô thị Tuy Hòa trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục ở Phú Yên.

Về chương trình học và thi cử trong các trường Tiểu học Pháp – Việt ở Phú Yên dựa theo Học quy năm 1906 và “Học chính tổng quy” ban hành năm 1917. Theo đó, đối với các trường Tiểu học toàn cấp, học sinh phải học 5 lớp từ dưới lên gồm: Đồng ấu, Dự bị, Sơ đẳng tiểu học, Trung đẳng tiểu học và Cao đẳng tiểu học; với các trường Sơ đẳng tiểu học, học sinh chỉ học 3 lớp Đồng ấu, Dự bị và Sơ đẳng tiểu học; đối với các trường Sơ học ở tổng, xã cũng có 3 lớp như trường Sơ đẳng tiểu học nhưng nội dung giảng dạy các môn bằng tiếng Pháp ít. Cuối năm học lớp Ba (Sơ đẳng tiểu học), học sinh thi lấy bằng Sơ học yếu lược (Primaire Elémenteire), sau đó được chuyển lên học 2 lớp cuối cấp của bậc tiểu học được tổ chức ở Tuy Hòa, Tuy An và Sông Cầu. Đến cuối năm học lớp Nhứt (Cao đẳng tiểu học), học sinh thi lấy bằng Sơ đẳng Tiểu học Pháp – Việt (Certificat d’Etudes Primaire Franco Indigène) thường gọi là bằng Ri me. Đối với những trường Sơ học ở tổng, xã (hương trường), học sinh học hết lớp Ba phải nộp đơn xuống các trường Tiểu học ở phủ hoặc tỉnh để thi lấy bằng Sơ học yếu lược. Thời kỳ này, ở Phú Yên có 2 trường tổ chức thi lấy bằng Sơ học yếu lược và Sơ đẳng Tiểu học Pháp – Việt gồm trường Tiểu học Sông Cầu (Sông Cầu) và Tiểu học Tuy Hòa (phủ Tuy Hòa), trường Sơ đẳng Tiểu học Tuy An cũng tổ chức kỳ thi lấy bằng Sơ học yếu lược. Sau khi tốt nghiệp trường Tiểu học toàn cấp, các học sinh Phú Yên muốn học lên bậc Trung học phải ra Bình Định, theo học tại trường Cao đẳng Tiểu học Quy Nhơn (Collège Quy Nhơn).

Kỳ thi lấy bằng Sơ đẳng Tiểu học (còn gọi bằng Ri me) tổ chức lần đầu tiên tại trường Tiểu học Sông Cầu vào năm 1930, nhiều học sinh đã đỗ, bằng Ri me và một số ít học sinh tốt nghiệp bằng Thành chung (Diplome d’étude primaire supérieures franco – indigène). Thời thuộc Pháp, thầy giáo Trần Sĩ là người có những đóng góp lớn đối với nền giáo dục tỉnh nhà. Ông tốt nghiệp bằng Thành chung vào năm 1930 và dạy tại trường Tiểu học toàn cấp Sông Cầu. Năm 1937, thầy Trần Sĩ và đốc học Nguyễn Đình Cầm cùng biên soạn giáo trình Địa dư Phú Yên dùng cho học sinh tiểu học. Đây là cũng là nguồn tư liệu giá trị về lịch sử Phú Yên giai đoạn Pháp thuộc.

bang3-090526.jpg

Với hệ thống trường tiểu học Pháp - Việt trên, người Pháp bắt đầu đào tạo đội ngũ trí thức tân học ở Phú Yên hòng đáp ứng nhu cầu của chính sách khai thác thuộc địa. Chương trình Tây học được triển khai trên khắp các phủ, huyện và xã, dần chiếm ưu thế và chi phối toàn bộ trong hệ thống giáo dục ở Phú Yên; nền giáo dục cựu học dần mất vị trí và nhường chỗ cho một chương trình học mới đáp ứng nhu cầu của sự phát triển xã hội. Thời kỳ này, chính quyền Pháp còn triển khai dạy chữ quốc ngữ (sau này là tiếng Việt) ở các trường, giảm số giờ dạy chữ Hán. Trước năm 1921, các văn bản hành chính ở Phú Yên thường có hai bản một chữ Hán, một chữ Pháp thì bây giờ chữ Hán được thay thế bằng chữ quốc ngữ song hành với chữ Pháp.

Kết luận

Trong tiến trình lịch sử giáo dục Phú Yên thời Pháp thuộc có nhiều mốc quan trọng, chứa đựng nhiều ý nghĩa lớn ở mỗi giai đoạn. Thời kỳ 1897 – 1918 là bước thử nghiệm của thực dân Pháp với việc triển khai chương trình tiểu học Pháp - Việt lần đầu tiên ở Sông Cầu vào năm 1909, sau đó mở rộng lên 3 lớp vào năm 1915, nhưng vẫn còn lồng ghép với hệ thống giáo dục Nho học. Sang thời kỳ 1919 – 1945, giáo dục Phú Yên tiến thêm một bước với nhiều sự thay đổi lớn về số lượng và chất lượng, lần lượt trường Sơ học Pháp – Việt Sông Cầu thăng lên trường Tiểu học toàn cấp, trở thành trường tỉnh của Phú Yên; kế đến trường phủ Tuy An cũng được thăng lên Sơ đẳng Tiểu học.

Vào những năm 20 của thế kỷ XX, người Pháp đầu tư nhiều lĩnh vực ở Phú Yên, đặc biệt là hướng về phía nam Phú Yên, người Pháp đầu tư xây dựng Tuy Hòa trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa, nên lĩnh vực giáo dục được mở rộng ở đây. Trường Sơ học Pháp - Việt Tuy Hòa được mở thêm 2 lớp và trở thành trường Tiểu học toàn cấp ở Phú Yên vào năm 1929. Những quyết định ấy tạo nên bước ngoặt lớn cho nền giáo dục Tuy Hòa nói riêng và Phú Yên nói chung.

Những thay đổi trên cho thấy người Pháp chú trọng đến vấn đề giáo dục và chính sách đầu tư, khai thác thuộc địa. Người Pháp đi từng bước một, có thử nghiệm, có tính toán và có nghiên cứu kỹ vùng đất Phú Yên.

Chúng ta đặt câu hỏi tại sao thực dân Pháp không triển khai chương trình Trung học Pháp - Việt ở Phú Yên, nhưng lại triển khai bậc học này ở Bình Định và muộn hơn là Khánh Hòa? Thông qua lịch sử ngắn về giáo dục Phú Yên thời Pháp thuộc và càng nhìn sâu hơn về giáo dục Phú Yên thời chúa Nguyễn, triều Nguyễn và những giai đoạn về sau, giáo dục Phú Yên chưa bao giờ có bậc học cao nhất trong hệ thống giáo dục chung ở Việt Nam. Giáo dục Phú Yên chưa có sự độc lập đào tạo nhân tài để ra ứng thí với các thí sinh cả nước, phải nhờ đến giáo dục của Bình Định và Khánh Hòa. Phải chăng đây là hạn chế xuyên suốt trong nền giáo dục Phú Yên, và Trường Đại học Phú Yên ra đời, đáp ứng niềm khao khát của vùng đất Phú Yên. Chúng tôi xin trích lại lời nhận xét về người Phú Yên của tác giả Nguyễn Đình Tư trong tác phẩm Non nước Phú Yên: “Quanh năm chí tháng, người dân chỉ làm bạn với con trâu đám ruộng, rất ít ai dám đi ra khỏi tỉnh. Do đó, không mấy ai học hành đậu đạt cao, các bậc khoa giáp thì cũng chỉ bậc cử nhân là cùng”(Nguyễn Đình Tư, 1965, tr.62) và chính điều này hạn chế sự phát triển nhân tài Phú Yên trong lịch sử.

Tài liệu tham khảo

1. Construction fonds de cuors d’ecoler préparation à Nha Trang, incorporation au domaine local l’Ecole de Hoa Da (Phu Yen). 1922-1925. RSA\HC 1329.

2. Instruction publique. Rapports trimestries du Services de l’Ensignement en An nam, Exclusion à tour établissement scolaires des èlever grévister 1929. Ouerture des écoler. 1929. RSA\HC 2428.

3. Nguyễn Đình Cầm, Trần Sĩ. 1937. Địa dư tỉnh Phú Yên. Nxb. Qui Nhơn.

4. Nguyễn Đình Tư. 1965. Non nước Phú Yên. Tiền Giang: Nxb. Tiền Giang.

5. Nguyễn Q. Thắng. 1998. Khoa cử và giáo dục Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Văn hoá.

6. Phan Trọng Báu. 2006. Giáo dục Việt Nam thời cận đại. Hà Nội: Nxb. Giáo dục.

7. “Province de Binh Dinh”, Annuaire general de L’indochine, anee 1914-1918, Ha Noi, TVHP\VV225.

8. “Province de Phu Yen”, Annuaire general de L’indochine, anee 1901, 1903, 1907, 1911, 1912. Ha Noi. TVHP\225.

9. Statistique annuelles du Services de l’Enseignement en An nam 1909-1912. RSA\HC 527.

10. Lời kể của bác Trịnh Sung, 75 tuổi, hiện cư trú tại Long Bình (Sông Cầu). Trong chuyến đi diền dã năm 2007, chúng tôi hỏi rất nhiều về Trường tiểu học Pháp - Việt ở Sông Cầu.

11. Trần Sĩ Huệ. 2003. “Phú Yên thời Hương khoa”. Tạp chí Xưa Nay, số 140, 5-2003, tr.14-15.

12. www.baophuyen.com.vn

Thạc sĩ NGÔ MINH SANG

(Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ)

Sunday, September 5, 2010

Taylor Swift - Mine

Bài cũ nhưng đọc vẫn cứ thấy hay hay

Cuối tuần rảnh rỗi lướt qua một loạt blog. Bỗng dừng lại ở một vài blog. Lý do dừng cũng đơn giản, đó là các blog này có chung một quan điểm: Tình yêu, hôn nhân và sự nghiệp của những người tuổi ngang bằng tuổi của mình, cỡ 30 tuổi. Các bạn đưa ra những lý luận viện dẫn lý do chưa kết hôn, chăm lo sự nghiệp. Lý do tích cực có, tiêu cực cũng có và lý do tưng tửng ... cũng có luôn. Nghe nhiều cũng thấy sao cái này phức tạp quá. Lúc đầu thấy nó đơn giản, càng đọc lại càng rối rắm. Đã vậy, lần mò theo những đường link bè bạn, thì thấy dường như có một cộng đồng người như thế, tuổi 30 vẫn chưa lập gia đình. Họ là những trí thức, giáo viên, giảng viên. Họ là những thương gia cũng có, những người thành đạt về kinh tế. Họ là những con người của xã hội, thuộc thành phần của giới truyền thông ... Hay là có cái gì liên hệ với thế hệ chăng, thế hệ cuối năm 70 và đầu của năm 80. Bực quá lên Google một phát, bất chợt nhận bài này: Phật pháp về tình yêu. Đọc thấy nhẹ nhàng, chắc có lẽ cõi Phật là chốn bình yên, cho nên quan niệm cũng có khác chốn trần. Lướt một vòng trên con đường quay về chốn cũ, một loạt trang web về Phật pháp, mình nhận ra một điều giáo lý của Phật về tình yêu cũng có khá nhiều. Và bất ngờ, Phật pháp không hề né tránh vấn đề nhạy cảm này, nói thẳng vào vấn đề và tìm ra lời giải đáp. Bài dưới đây chỉ là một quan điểm của người viết và được list vào mục cân bằng cuộc sống và sự nghiệp:

Nghe Phật dạy về tình yêu
(Dân trí) - Này người trẻ, bạn có biết Phật dạy như thế nào về tình yêu? Tôi đã may mắn tham dự một buổi pháp thoại của Thiền sư Nhất Hạnh về tình yêu: mối quan hệ giữa yêu thương và hiểu biết, tình yêu từ bi hỉ xả, tình yêu và tình dục. Ông gọi đó là “yêu thương theo phương pháp Phật dạy”.

Trước khi bắt đầu bài thuyết pháp của mình tại Tổ Đình Trung Hậu - Vĩnh Phúc, Thiền sư Nhất Hạnh đã mời các bạn trẻ ngồi lên trên, để có thể nghe thật rõ. Ông muốn nói về tình yêu, bản chất tình yêu nhìn từ góc độ Phật giáo.

Miệng mỉm cười, ông đã kể một câu chuyện tình yêu, giản dị thôi nhưng hàm ý sâu sắc: Có một chàng trai ở vùng California - Mỹ, rất đẹp trai, học giỏi, tốt nghiệp một trường đại học nổi tiếng, có nhiều bạn gái xinh đẹp. Chàng trai sống với mẹ, người mẹ biết trong các cô gái ngưỡng mộ con mình, có một cô gái không xinh nhất, cô không trắng, không cao lắm nhưng được chàng trai đặc biệt chú ý. Ngạc nhiên, người mẹ hỏi con trai: Vì sao con lại thích cô gái ấy, cô ta đâu có gì nổi bật?Cô ấy hiểu con - chàng trai trả lời đơn giản.

Chàng trai học ngành công nghệ thông tin nhưng rất hay làm thơ. Mỗi lần chàng đọc thơ, cô gái nọ lắng nghe rất chăm chú và có những nhận xét sâu sắc, trong khi những cô gái xinh đẹp kia không để ý gì đến. Chàng trai đã chọn người yêu không vì vẻ đẹp bề ngoài, mà bởi sự lắng nghe và thấu hiểu.

“Đạo Phật cũng dạy như vậy, có hiểu mới có thương, tình yêu phải làm bằng sự hiểu biết”, Thiền sư kết luận.

Muốn thương phải hiểu

Trong đạo Phật, từ bi gắn liền với trí tuệ. Không hiểu, không thể thương yêu sâu sắc. Không hiểu, không thể thương yêu đích thực. Hiểu chính là nền tảng của tình thương yêu.

Mỗi người có những nỗi niềm, những khổ đau, bức xúc riêng, nếu không hiểu, sẽ không thương mà giận hờn, trách móc. Không hiểu, tình thương của mình sẽ làm người khác ngột ngạt, khổ đau. Không hiểu, sẽ làm người mình thương đau khổ suốt đời.

Nhân danh tình thương, người ta làm khổ nhau. Chuyện đó vẫn thưòng xảy ra.

Được hiểu và được thương vốn là một nhu cầu muôn đời của con người. Nhiều người thường cảm thấy không ai hiểu mình. Họ “đói” thương, “đói” hiểu. Họ thơ thẩn, lang thang trong cuộc đời tìm người hiểu mình, thương mình. Gặp được người hiểu mình, thương mình là may mắn lớn của cuộc đời. Tình yêu nảy nở, lớn lên từ đó.

Vậy nên, “có hiểu mới có thương” là nguyên tắc chọn người yêu, chọn chồng/vợ theo quan điểm Phật giáo. Dù người ta có đẹp, có giàu đến đâu nhưng không hiểu mình sẽ làm mình khổ suốt đời. Hôn nhân có thể mở ra những con đường hoa hồng, có thể mở ra cánh cửa tù ngục. Chọn vợ, chọn chồng là một sự mạo hiểm lớn. Hãy cẩn thận, nếu không muốn chọn án tù chung thân cho cuộc đời mình.

Chọn người hiểu và thương mình - hãy nhớ - đó là nguyên tắc tìm người tri kỷ trong cuộc đời.

Bốn yếu tố của tình yêu: Từ bi hỉ xả

Phật dạy về tình yêu rất sâu sắc. Tình yêu phải hội tụ đủ bốn yếu tố: từ, bi, hỉ, xả.

“Từ” là khả năng hiến tặng hạnh phúc cho người mình yêu. Yêu thương không phải là vấn đề hưởng thụ, yêu thương là hiến tặng. Tình thương mà không đem đến hạnh phúc cho người yêu không phải là tình thương đích thực. Yêu mà làm khổ nhau không phải tình yêu. Có những người yêu nhau, ngày nào cũng khổ, đó là tình yêu hệ luỵ, chỉ mang tới sự khổ đau. Yêu thương ai đó thực sự, nghĩa là làm cho người ta hạnh phúc, mỗi ngày.

“Bi” là khả năng người ta lấy cái khổ ra khỏi mình. Mình đã khổ, người ta làm cho thêm khổ, đó không thể là tình yêu đích thực. Còn gì cho nhau nếu chỉ có khổ đau tuyệt vọng. Người yêu mình phải là người biết sẻ chia, biết xoa dịu, làm vơi bớt nỗi khổ của mình trong cuộc đời.

Như vậy, “từ bi” theo Phật dạy là khả năng đem lại hạnh phúc cho nhau. Yêu thương ai là phải làm cho người ta bớt khổ. Nếu không, chỉ là đam mê, say đắm nhất thời, không phải là tình yêu thương đích thực. “Từ bi” trong tình yêu không phải tự dưng mà có. Phải học, phải “tu tập”. Cần nhiều thời gian, để quan sát, để lắng nghe, để thấu hiểu những nỗi khổ niềm đau của người yêu, để giúp người ta vượt qua, tháo gỡ, bớt khổ đau, thêm hạnh phúc.

“Hỉ” là niềm vui, tình yêu chân thật phải làm cho cả hai đều vui. Dấu ấn của tình yêu đích thực là niềm vui. Càng yêu, càng vui, niềm vui lớn, cả gia đình cùng hạnh phúc. Cuộc nhân duyên như thế là thành công.

“Xả” là không phân biệt, kì thị trong tình yêu. Mình yêu ai, hạnh phúc của người ta là của mình, khó khăn của người ta là của mình, khổ đau của người ta là của mình. Không thể nói đây là vấn đề của em/ anh, em/ anh ráng chịu. Khi yêu, hai người không phải là hai thực thể riêng biệt nữa, hạnh phúc khổ đau không còn là vấn đề cá nhân. Tất cả những gì mình phải làm coi đó là vấn đề của hai người, chuyển hoá nỗi khổ đau, làm lớn thêm hạnh phúc.

Này người trẻ, bạn nghĩ về tình yêu của mình đi, có “từ bi hỉ xả không”? Bạn hãy can đảm tự hỏi mình rằng “Người yêu ta có hiểu niềm vui nỗi khổ của ta không? Có quan tâm đến an vui hàng ngày của ta không? Người ấy có nâng đỡ ta trên con đường sự nghiệp không?...” Và tự hỏi lại mình, liệu bạn có đang thành thực với tình yêu của mình?! Liệu tình yêu của bạn đã đủ “từ bi hỉ xả”?!

Tình dục và tình yêu

Phật giáo quan niệm như thế nào về tình dục trong tình yêu? Không phải ngẫu nhiên mà vị thiền sư tôi được hạnh ngộ bắt đầu vấn đề này bằng cách bàn về “thân tâm” trong truyền thống văn hoá Á Đông.

Trong truyền thống văn hoá ta, thân với tâm là “nhất như”, tức là nếu ta không tôn kính thân thể người yêu thì cũng không tôn kính được tâm hồn người ấy. Yêu nhau là giữ gìn cho nhau, kính trọng nhau. Khi sự rẻ rúng xem thường xảy ra thì tình yêu đích thực không còn.

Thân thể ta cũng như tâm hồn ta. Có những nỗi niềm sâu kín trong tâm hồn, chúng ta chỉ chia sẻ với người tri kỉ. Thân thể ta cũng vậy, có những vùng thiêng liêng và riêng tư, ta không muốn ai chạm tới, ngoài người ta yêu, ta tin, ta muốn sống trọn đời, trọn kiếp.

Trong tình yêu lớn và cao quý, bất cứ lời nói và cử chỉ nào cũng phải biểu lộ sự tương kính. Người con trai phải tôn trọng người con gái mình yêu, cả thân thể lẫn tâm hồn. Người con gái biết giữ gìn, cũng là biết làm người yêu thêm tương kính, nuôi dưỡng hạnh phúc lâu dài về sau.

Bạn muốn thương yêu theo phương pháp Phật dạy chăng? Hãy hiểu, thương và tương kính người yêu của mình, cũng chính là đem hạnh phúc đến cho người và cho mình vậy!

Hằng Nguyễn

Hãy yêu nhau đi