Thursday, December 31, 2009

Nhân vật của năm

Chọn nhân vật Việt Nam của năm 2009

Những lựa chọn này có thể chưa phải là đại diện, bao quát cho một năm có nhiều sự kiện đáng nhớ, nhiều con người ấn tượng đã có những tác động lớn lao cho cuộc sống nhưng chắc chắn đây là những lựa chọn đã được nâng lên đặt xuống kỹ càng của các vị khách mời.

Và sau đây, Giáo sư - nhà toán học Ngô Bảo Châu, Giáo sư Hoàng Tụy, Đại tướng Phùng Quang Thanh là những sự lựa chọn đầu tiên...

* TS Hồ Bất Khuất, trưởng ban Thư ký - Biên tập Tạp chí Gia đình và Trẻ em:

Đại tướng Phùng Quang Thanh: Lặng lẽ và mạnh mẽ

Đại tướng Phùng Quang Thanh
Trong điều kiện suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã nỗ lực rất lớn để năm 2009 kết thúc trong phấn khởi, lạc quan. Có rất nhiều cá nhân là nhà chính trị, doanh nhân, khoa học, thể thao... có thành tích nổi bật, nhưng người gây ấn tượng nhất lại là một nhà quân sự: Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh.

Chúng ta thấy rõ điều này khi nhìn nhận mọi vấn đề trong sự liên kết và cộng hưởng của chúng.

Trong năm 2009, hoạt động của của Đại tướng Phùng Quang Thanh có hiệu quả và ý nghĩa lớn. Với việc hàng loạt tàu hải quân của Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Thái Lan, Singapore thăm Việt Nam, gây ấn tượng Việt Nam đang nổi lên, tham gia vào hoạt động an ninh toàn cầu.

Trước ngày kỷ niệm 65 năm thành lập quân đội, Đại tướng Phùng Quang Thanh dẫn đầu đoàn quân sự cao cấp của Việt Nam đã có những hoạt động đối ngoại hết sức có ý nghĩa. Đó là tham dự Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN, thăm chính thức Ấn Độ...

Đặc biệt, hai chuyến thăm chính thức Mỹ và Pháp của Đại tướng đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Ngoài việc bàn về chuyện hợp tác về quân sự, đặt vấn đề mua vũ khí, các thiết bị quân sự hiện đại, những chuyến thăm này có ý nghĩa biểu tượng rất lớn: Thế giới đã thay đổi tới mức người đứng đầu Quân đội nhân dân Việt Nam đến trụ sở Bộ quốc phòng Mỹ và Pháp - hai đối thủ chính trong quá khứ - để bàn chuyện hợp tác và hữu nghị.

Cũng trong thời điểm đó, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Liên bang Nga, tuyên bố và ký kết việc mua tàu ngầm, máy bay, tên lửa và các thiết bị quân sự hiện đại khác. Rồi việc Việt Nam công bố sách trắng quốc phòng, lần đầu tiên công khai ngân sách quốc phòng năm 2008 là 27 000 tỷ đồng, chiếm 1,8% tổng ngân sách toàn quốc. Thêm việc quân đội Việt Nam thay trang phục sỹ quan bằng màu ôliu chủ đạo... Tất cả những điều này nói lên rằng, Việt Nam đã đủ quyết tâm, đủ tự tin để minh bạch hóa, đa dạng hóa, quốc tế hóa hoạt động của quân đội - hạt nhân sức mạnh của một dân tộc quật cường trong mọi hoàn cảnh.

Trong bối cảnh như vậy, hình ảnh Đại tướng Phùng Quang Thanh với nụ cười vui, ung dung, tự tại đặt chân lên thủ đô các nước châu Á, châu Mỹ, châu Âu gây ấn tượng mạnh mẽ.

* Họa sĩ, kiến trúc sư Lý Trực Dũng:

Giáo sư Hoàng Tụy - bậc sĩ phu thời nay

GS Hoàng Tụy trong ngày mừng sinh nhật tuổi 80 (năm 2007)
Bất ngờ được đề nghị chọn nhân vật 2009 của Việt Nam, ban đầu tôi đã từ chối nhưng nghĩ lại với trách nhiệm của một người công dân, tôi mạnh dạn nêu chính kiến của mình. Người tôi chọn: Giáo sư Hoàng Tụy.

Ở tuổi 82, với vị thế của mình là một nhà khoa học, nhà văn hóa lớn của Việt Nam, có uy tín trên thế giới, đáng lẽ giáo sư có thể bình thản nghỉ ngơi hưởng thụ vinh quang. Thế nhưng ông đã chọn cho mình một con đường lắm chông gai và cả hiểm nguy, thực hiện thiên chức của một người trí thức, dám đi trước thời đại.

Với tầm nhìn xa, sâu sắc, với tri thức uyên thâm của bậc sĩ phu, ông chỉ ra những yếu kém trong phát triển nóng trong kinh tế, mất cân đối ở các lĩnh vực chính trị, xã hội, văn hóa với căn bệnh trầm kha: Nền giáo dục và khoa học quá lạc hậu, trì trệ.

Các bài viết có tính xây dựng, đầy tâm huyết, có tính phản biện rất cao, đặc biệt về khoa học và giáo dục của giáo sư mà ví dụ gần đây nhất, tháng 10/2009, là bài: "Giáo dục: Xin cho tôi nói thẳng " đã nhận được sự đồng tình rộng rãi của dư luận. Sở dĩ có sự hưởng ứng từ dự luận như vậy là vì giáo sư đã đề cập đúng, thẳng thắn vấn đề mà hàng chục triệu học sinh, sinh viên và gia đình của họ đang hết sức quan tâm, trong đó có cả gia đình tôi.

Tuổi cao, sức yếu nhưng giáo sư đã nêu một tấm gương can trường trên mặt trận chống sự trì trệ của tri thức, cảnh tỉnh cho nhiều thế hệ Việt Nam cố thoát khỏi sự u mê của thói tật tự mãn đắc chí tiểu nhân. Giáo sư chính là hình ảnh sống động của người lão nông lao động cần mẫn trên cánh đồng bất tận của tri thức nhân loạI, vì tương lai của của con cháu, các thế hệ tiếp nối của Việt Nam mình.

Thực đáng khâm phục khi được biết trong năm 2009 này, giáo sư vẫn công bố các công trình khoa học ở các tạp chí khoa học uy tín của thế giới hoặc tham gia với tư cách hội đồng biên tập,cố vấn biên tập. Vốn tin tưởng ở thế hệ trẻ, khi nghe tin giáo sư toán học trẻ tuổi Ngô Bảo Châu vừa được tạp chí danh tiếng The Time (Mỹ) bình chọn 1 trong 10 khám phá khoa học tiêu biểu nhất của năm 2009, giáo sư Hoàng Tụy là bậc thầy về toán học đã xúc động nói: "Ngô Bảo Châu là người giỏi nhất của chúng ta!"

Giáo sư day dứt, xót xa thấy tiềm năng của người Việt Nam chúng ta trong khoa học to lớn thế mà thực tế thì rất khác.

Chúng tôi, thế hệ đàn em, thế hệ con cháu thực sự tự hào về về giáo sư Hoàng Tụy. Ông là niềm tự hào của trí thức Việt Nam, đem lại cho chúng tôi niềm tin, rằng tri thức là quyền lực tối thượng.

* Doanh nhân Nguyễn Thế Trung, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ DTT:

Ngô Bảo Châu - sự kiện năm nay, ảnh hưởng nhiều năm nữa

GS Ngô Bảo Châu
Con người quan sát và hiểu thế giới qua hình dáng vạn vật. Nhưng từ khi toán học ra đời, lý thuyết số cho phép chúng ta tìm hiểu thế giới một cách khác - thông qua các con số. Tiếc thay chính cái cách khác này đã tạo ra các tháp ngà của thế giới toán học cũng như cho các nhà toán học. Hàng ngàn công thức rất đúng nhưng không mấy ai hiểu vì không ai biết chúng đại diện cho cái gì trong thực tế cuộc sống, và ngược lại hàng ngàn sự việc, hiện tượng thực tế trong cuộc sống chưa thể được biểu diễn bằng các con số. May thay tình hình đang thay đổi!

Năm 1830, thiên tài Galois phát hiện ra rằng các phương trình bậc cao không có nghiệm bởi các luật đối xứng không cho phép các "hình" này (được biểu diễn bằng một nhóm) chuyển đổi thành các "hình" kia. Tương tự như định luật vũ trụ không cho "đức năng thắng số".

Năm 1670, Fermat với một trực giác siêu việt nói rằng phương trình *an* + *bn* = *cn* (với n>2) không thể xảy ra với a,b,c là các số nguyên và kết quả là đến năm 1995, Andrew Wiles đã vì thế mà phải chứng minh được rằng những hình vẽ chúng ta vẫn nhìn thấy trên cửa sổ nhà thờ hay trong tranh của Escher - những hình tượng được coi là đối xứng đến tận cùng chính là biểu diễn tương ứng của các phương trình dạng 2=ax3+bx2+cx+d (bổ đề: Taniyama-Shimura).

Năm 196, Langlands không thể khác được đã liên kết hai lĩnh vực này với nhau, đục một cửa sổ trong tòa tháp ngà toán học, bắt lý của số phải gắn với "hình", và khởi đầu chương trình Langlands với bổ đề cơ bản. Bổ đề đó tưởng rằng còn phải hàng trăm năm nữa mới được chứng minh, nhưng một Ngô Bảo Châu quyết liệt đã rút ngắn quãng đường về năm 2009.

Báo Time bình chọn đây là một sự kiện của năm 2009, nhưng chắc chắn ảnh hưởng của nó còn kéo dài lâu nữa trong tương lai của khoa học, khi vật lý hiện đại có được công cụ mạnh nhất là toán học để mô phỏng những lý thuyết giúp con người hiểu được những huyền bí của vũ trụ và bản thể cá nhân.

(còn tiếp...)

No comments: