Sunday, December 20, 2009

Đáp lại lời của bộ trưởng

Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? - Bài 1

Lương hay lậu?

>> Loạt bài cùng chủ đề

TP - Một Thứ trưởng Bộ Tài chính đã nghỉ hưu, chuyển sang làm tổng giám đốc một DN nhà nước, riêng tiền lương đã lên tới 942 triệu đồng/năm. Còn Cty Cổ phần Jetstar (Nhà nước chiếm 70% cổ phần) làm ăn thua lỗ nhưng tổng giám đốc hưởng lương trên 2 tỷ đồng một năm...

Câu chuyện lương của lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước có điều gì bất ổn? Tiền Phong đăng tải loạt bài xung quanh câu chuyện này.


Lương kỷ lục

Năm 2007, ông Trần Văn Tá, Thứ trưởng Bộ Tài chính được nghỉ hưu theo chế độ. Nhưng sau đó, ông lại không được nghỉ hưu mà được giao chức vụ Tổng giám đốc Tổng Cty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Trong một buổi tiếp nhận phần vốn Nhà nước tại 3 doanh nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT năm 2008, Tổng giám đốc SCIC Trần Văn Tá từng phát biểu đại ý, mặc dù đến tuổi nghỉ hưu nhưng ông vẫn chưa được nghỉ mà phải tiếp tục trọng trách được giao là quản lý một doanh nghiệp với mô hình mới với nhiều khó khăn, phức tạp.

Khi đó, có người bình luận, chắc phải tâm huyết lắm ông Tá mới nhận nhiệm vụ khó khăn này. Nhưng qua kết quả kiểm toán vừa qua, nhiều người té ngửa, bởi mức lương mà ông Tá được nhận tới 942 triệu đồng/ năm, cao hơn 10 lần lương của tổng giám đốc, chủ tịch các tập đoàn kinh tế (lương tổng giám đốc tập đoàn chỉ từ 8,5 đến 8,8 x 650.000 đồng, khoảng 6 triệu đồng/tháng).

Vì sao ông Tá lại được trả lương cao như vậy?

Hệ số lương bình quân năm 2007 của SCIC chỉ là 2,82. Thế nhưng năm 2008, với lý do rất cảm tính là “do Tổng công ty tuyển dụng cán bộ có trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ tốt, có kinh nghiệm trong công tác từ 5 - 10 năm, phẩm chất và năng lực phải đảm nhận các công việc khó, phức tạp, đòi hỏi trình độ của chuyên viên bậc cao”, nói tóm lại là do công việc tại SCIC “vất vả, phức tạp” nên doanh nghiệp này xin và được chấp nhận mức hệ số lương bình quân tăng đột biến lên tới 4,25.

Nhưng đến cuối năm 2008, hệ số lương bình quân của đơn vị này chỉ là 2,86 (bằng 50% hệ số kế hoạch).

Không chỉ xây dựng hệ số lương kế hoạch quá cao so với thực tế mà số lao động thực tế của SCIC cũng thấp hơn nhiều so với kế hoạch.

Lao động kế hoạch được HĐQT SCIC phê duyệt để xây dựng đơn giá tiền lương năm 2008 là 180 người. Nhưng số lao động làm việc thực tế chỉ 130 người, bằng 72% kế hoạch.

Trụ sở Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - Ảnh: Hồng Vĩnh

Do được hệ số lương cấp bậc bình quân cao, số người lao động làm việc thực tế thấp hơn nhiều so với lao động kế hoạch, nên SCIC được duyệt đơn giá tiền lương rất cao.

Đơn giá tiền lương năm 2008 của SCIC được Bộ LĐ-TB&XH duyệt là 10,38 đồng/1.000 đồng doanh thu. Có nghĩa là cứ làm ra 1.000 đồng thì doanh nghiệp này được 10,38 đồng tiền lương.

Theo phương án xây dựng của SCIC thì năm 2008 tổng quỹ lương của doanh nghiệp này là 21,9 tỷ đồng, bao gồm quỹ lương theo đơn giá 20,4 tỷ đồng, quỹ lương của HĐQT và tổng giám đốc hơn 1,47 tỷ đồng.

Điều đáng nói là, đến ngày 12-9-2008, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH mới chính thức phê duyệt đơn giá tiền lương.

Đây là thời điểm gần cuối năm 2008, Bộ LĐ-TB&XH hoàn toàn có thể biết được tất cả các chỉ tiêu về hệ số lương cấp bậc thực tế bình quân và số lao động thực tế tại SCIC thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch của SCIC, nhưng Bộ này vẫn phê duyệt đơn giá tiền lương như SCIC xây dựng từ đầu năm, không kiểm tra thực tế trước khi phê duyệt.

Do quá tin tưởng vào SCIC nên khi kiểm tra, phê duyệt đơn giá tiền lương, Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB&XH hầu như hoàn toàn dựa vào kế hoạch của SCIC trình.

Một cán bộ, hưởng hai lương

Quỹ tiền lương của HĐQT và Tổng giám đốc SCIC được Bộ LĐ-TB&XH duyệt là hơn 1,473 tỷ đồng, nhưng thực tế năm 2008 SCIC đã trả lương đối với các thành viên HĐQT chuyên trách và tổng giám đốc là trên 2,642 tỷ đồng, không tính các khoản thưởng và thu nhập khác, vượt quỹ lương so với kế hoạch gần 1,169 tỷ đồng.

HĐQT SCIC gồm 7 thành viên do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT. Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc là ông Trần Văn Tá.

Các ủy viên HĐQT kiêm nhiệm là Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà.

Hai thành viên chuyên trách HĐQT là ông Hoàng Nguyên Học- Phó Tổng giám đốc và ông Nguyễn Quốc Huy- Trưởng Ban Kiểm soát.

Khi xây dựng kế hoạch trình Bộ LĐ-TB&XH, SCIC dự tính sẽ trả lương thành viên HĐQT và tổng giám đốc là 40 triệu đồng/tháng. Nhưng thực tế năm 2008, lương của thành viên chuyên trách HĐQT và tổng giám đốc SCIC là 78,5 triệu đồng/tháng (tương đương 942 triệu đồng năm), gấp 1,96 lần so với kế hoạch.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc phân phối thu nhập tại SCIC còn bất cập, thu nhập của lãnh đạo cao hơn nhiều lần so với nhân viên, mặc dù lương của nhân viên tại đây cũng cao ngất ngưởng.

Thu nhập bình quân của các trưởng ban là 29 triệu đồng/tháng (tương đương 348 triệu đồng/năm). Thu nhập bình quân của cán bộ nhân viên là 12,4 triệu đồng/tháng (tương đương 148,8 triệu đồng/năm).

Ngoài ra, có những cán bộ tại SCIC còn được hưởng hai lương. Năm 2008, SCIC cử 18 người tham gia HĐQT và Ban kiểm soát tại các doanh nghiệp mà SCIC giữ phần vốn trong đó. Những nhân viên này đã được nhận lương của SCIC để làm nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, 11 trong số 18 cán bộ này lại được nhận thêm thù lao từ các doanh nghiệp mà mình làm đại diện của SCIC, với tổng số tiền 949 triệu đồng.

Số tiền thù lao này cũng được sử dụng không giống ai. SCIC có cơ chế phân phối số tiền này là 60% (451 triệu) nộp vào quỹ công đoàn, 40% còn lại (497 triệu) cho người tham gia kiêm nhiệm.

Tuy nhiên, đoàn kiểm toán cho rằng, việc một cá nhân ăn lương của SCIC lại nhận thêm thù lao, phụ cấp của doanh nghiệp mình đại diện phần vốn là không có cơ sở và yêu cầu thu hồi số tiền đã nộp vào quỹ công đoàn của SCIC là 451 triệu đồng.

Với những ưu ái của Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB&XH, SCIC đã được phê duyệt một đơn giá tiền lương quá cao. Đoàn kiểm toán Nhà nước đã xác định giảm quỹ lương của SCIC đã hạch toán vào chi phí năm 2008 là 3,8 tỷ đồng.

Tính toán lại theo đúng quy định nhà nước, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, đơn giá tiền lương năm 2008 của SCIC chỉ có 8,26 đồng/1.000 đồng. Như vậy để thấy, hai Bộ Tài chính và LĐ-TB&XH đã trả lương cho lãnh đạo và nhân viên SCIC quá mức mà những cán bộ này đáng được hưởng.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo HĐQT, Ban Tổng giám đốc SCIC kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong việc xây dựng đơn giá tiền lương, quyết toán và phân phối tiền lương.

---------------------

Còn nữa

Nhóm PV

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

Vương Kiệt; Email: ...kiet@yahoo.com.vn

Đề nghị kiểm toán tiếp tục "làm lộ" lương của các sếp khác

Tôi nghe nhiều về sự giàu có của nhiều quan chức, nhưng quá ngạc nhiên về lương của quý vị được Kiểm toán Nhà nước "làm lộ" ra.

Còn bao nạn nhân Da cam, còn bao đồng bào còn phải sống nghèo khổ và bao chiến sỹ phải hy sinh xương máu cho đất nước này. Thế mà những "Đầy tớ" lại dám xài tiền của "Ông chủ" như vậy.

Hãy tự hỏi xem nhà nước này của ai, do ai, vì ai? (76% vốn của ông chủ trong Jestar mà nói lương do HĐQT quyết định-không thể chấp nhận được).

Dù các "Đầy tớ" có giỏi đến mấy cũng chỉ là công bộc của dân, quý vị cũng chỉ là đại diện cho dân để kinh doanh mà thôi. Đề nghị Kiểm toán tiếp tục "làm lộ" lương, thưởng của những "đầy tớ" như vậy để Nhà nước có biện pháp xử lý đúng, hợp lòng dân.

Viết Thuấn; Email: ...2007@yahoo.com

Vô cảm quá!

Khi thấy dân đói Bác Hồ kính yêu đã bớt khẩu phần ăn của chính mình để giúp dân. Bây giờ nhiều khu vực của đất nước còn thiếu ăn, học sinh không có lớp học, giáo viên lương thấp...

Chưa kể nền kinh tế VN vừa bị ảnh hưởng suy thoái mà Đảng và Nhà nước đã phải phát động phong trào thi đua tiết kiệm, chống lãng phí...và phong trào sống làm việc theo gương Bác Hồ được phát động...

Thế thì cớ sao một bộ phận Đảng viên đã làm trái lời dạy của Bác Hồ, họ sống sung sướng trên sự nghèo đói của người dân lao động, lương tâm người Cộng sản ở đâu? Vô cảm quá!

Tran Minh Tram; Email: ...tram66@yahoo.com

Bàn về quản lý lương của DNNN

Theo dõi từ lâu, chúng tôi đã thấy hầu như nhà nước không quản lý được lương trả tại các DN nhà nước. Ít có DN nào trả lương thấp hơn bình quân mức lương của cùng loại hình hoạt động, tuy vẫn thua lỗ dài dài.

Và chỉ khi hoặc DN bị phá sản, hoặc bị kiểm toán và báo chí phát hiện thì mới lòi ra. Nhà nước thì có vẻ như kiểm soát chặt chẽ, nhưng khi đụng chuyện thì hết cơ quan quản lý này đổ thừa cơ quan kia.

Một hiện tượng rất phổ biến là các cơ quan quản lý và kể cả các vị lãnh đạo luôn muốn cho thu nhập của DN tăng lên, nên nhiều khi không đứng trên mặt bằng thu nhập chung của xã hội để phê duyệt mức lương cho các DNNN. Vì vậy mới có hiện tượng thu nhập của người ăn lương hành chính thấp tẹt nhưng thu nhập của người ăn lương trong DNNN vẫn cao ngất ngưởng, cũng như có sự chênh lệch giữa Tập đoàn này, Tập đoàn kia, DN này, DN khác.

Tất cả đều do phê duyệt, một sự quản lý hết sức lỏng lẻo, mà phần lớn là do ý kiến chủ quan của con người chi phối. Hơn ai hết, các cơ quan quản lý phải biết rằng DNNN là kinh doanh trên vốn của NN, là tiền thuế của nhân dân, không nên cho phép ai lợi dụng để chia chác phần tài sản này.

Mọi người dân đề biết nếu làm ra ít mà ăn nhiều thì chỉ ăn vào vốn, ăn vào tài sản quốc gia thôi. Mỗi khi đụng chuyện thì những người có trách nhiệm đều đổ tại cơ chế, nhưng quên hết một điều là tiền lương, tiền thưởng của các DNNN đều có sự phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền.

Chúng tôi không so sánh tiền lương ở khu vực tư nhân và nước ngoài, mà chỉ muốn so sánh lương của những người làm ở DNNN và khối HCSN của NN.

Không vì lý do gì mà có những chênh lệch khoảng 10 lần của những người cùng cương vị, trình độ. Ngoài việc tạo nên những bất bình đẳng về thu nhập khi mà vị trí công việc đều do NN phân công, mà còn tạo ra một thất thoát rất lớn cho tài sản của NN (phần chênh lệch này lẽ ra là tài sản của NN nhưng lại được chia cho một nhóm người sử dung).

Chỉ có trên cơ sở mặt bằng chung của những người ăn lương NN và liên quan đến vốn NN mà định ra mức thu nhập của DNNN thì mới hạn chế được sự bất bình đẳng giữa những người ăn lương và giữa các DNNN với nhau.

Hương; Email: ...delao77@yahoo.com

Tôi không đồng tình với ý kiến của anh Nguyen Van Hoang

Nếu anh yêu cầu nói rõ đó là Công ty con thua lỗ, thế SCIC có phải chịu trách nhiệm không, vốn của công ty con không phải là vốn rót từ SCIC hay sao.

Một đơn vị kinh doanh thì cũng cần phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định, tiền lương cũng phải tuân thủ theo quy định về khung bậc của Nhà nước, còn nếu công ty đó làm ăn có lãi thì cán bộ sẽ được thưởng, lương và thưởng là 2 vấn đề khác biệt nhau, thử hỏi hãng máy bay của anh Hà Dũng anh ấy trả lương cho mình là bao nhiêu khi còn lỗ?

Bùi Dương Chi; Email: ...chi@mail.com

Phản biện lý luận của bạn Nguyen Van Hoang

Thưa bạn Nguyen Van Hoang, bạn viết là hãy so sánh lương của mấy cấp lãnh đạo tập đoàn SCIC của ta với các CEO của các tập đoàn nước ngoài như Citibank, GM, HCBC, v..v.. thì cấp lãnh đạo của nước ngoài lĩnh lương rất cao, gấp cả trăm lần lương của các cấp lãnh đạo trong các ngành khác.

Tôi xin phản biện như sau: "Citibank, GM, HCBC là những tập đoàn vốn 100% của tư nhân thì HĐQT của họ muốn trả lương bao nhiêu là tùy họ. SCIC là của nhà nước thì lương bổng của nhân viên phải theo mức lương của toàn thể cán bộ công nhân viên. Trân trọng phản biện. Bùi Dương Chi.

Nguyen Van Hoang; Email: ...nguyen@yahoo.com.vn

1. Yêu cầu các nhà báo phải nói rõ ràng là SCIC không thua lỗ, mà thua lỗ là 1 cty con. Việc 1 DN mới đầu tư thua lỗ trong giai đoạn đầu là bình thường. Hãng máy bay Hà Dũng lỗ mãi nhưng ông Hà Dũng vẫn tin tưởng vào tương lai đó thôi.

2. Đừng so sánh lương của 1 DN lớn với lương khu vực khác không tương đồng. Hãy so sánh với các DN cùng quy mô, cùng doanh thu, lợi nhuận và vai trò cũng như ảnh hưởng. Nếu thích thì hãy lấy ví dụ công bằng lương CEO của HSBC hay City Bank hay GM tại Mỹ đi, rồi so với lương ngành khác của Mỹ.

Hay là ví dụ lương của TGĐ một số Cty cổ phần lớn tại VN lên tới 200 tr/tháng nhưng cổ đông họ vẫn rất hài lòng đó thôi.

3. Có bạn nói là tốt nghiệp MBA nước ngoài, trình độ đầy đủ, mà chỉ làm lương 3-4 tr/tháng. Vậy thì bạn đó nên xem lại năng lực cá nhân có thực sự như thế không hay chỉ giỏi lý thuyết suông. Nếu thực sự có năng lực, không thiếu các Cty CK, Ngân hàng, Quỹ đầu tư mời bạn về làm trên 20 tr/tháng.

Còn nếu chấp nhận lương 3-4 tr tháng ở các cơ quan quản lý NN, các bạn vì mục đích khác thôi.

Mai Thanh; ...nh81.@gmail.com

Bất công !

Một thầy giáo hoặc thầy thuốc vùng cao công tác 20 năm, hàng ngày phải đi bộ 5-10 km đến trường, xuống bản, chỉ nhận khoảng 2,3 triệu đồng/tháng (có khi còn chậm lương).

Nay lại đọc bài báo này, mức lương TGĐ, GĐ Cty nhà nước cao gấp gần trăm lần, đủ để trả lương cho cả đội ngũ cán bộ y tế xã một huyện vùng cao, quả là buồn cho xã hội nước ta.

Vẫn biết do đặc thù nghề nghiệp, nhưng vai trò điều tiết của Nhà nước ở đâu mà lại bất công như vậy, chưa kể những người nông dân hàng ngày, hàng giờ làm lụng vất vả, khi được mùa thì mất giá (có nguyên nhân từ điều hành yếu kém của Chính phủ).

Công bằng xã hội ở đâu?

Tung; ...080@yahoo.com.vn

Lương một "đầy tớ" bằng thu nhập cả một xã vùng cao

Tôi rất buồn cho một số cán bộ - "các đầy tớ của dân" - trong lúc đồng bào bão lụt cơm không có để ăn, áo không có để mặc thế mà họ lĩnh lương một tháng bằng thu nhập cả một xã vùng cao. Đến cấp Thứ trưởng còn vậy, chống tham nhũng sao đây ?

Nguyễn Hàm Thuận; ..._bt@yahoo.com.vn

Tôi có bằng MBA, muốn xin làm chân bảo vệ ở SCIC

Tôi có bằng MBA, tốt nghiệp ở Úc, có lẽ về trình độ cũng có thể phù hợp với điều kiện xét tuyển của SCIC.

Hiện tôi đang công tác tại 1 cơ quan hành chính công, lương được xếp ở hệ số 5,42 thuộc bảng lương chuyên viên chính, mỗi tháng non 3,8 triệu đồng, được xem là cao ngất ngưởng trong cơ quan, nhưng vẫn còn thấp lè tè so với 1 nhân viên bình thường của SCIC.

Nay, không rõ họ có còn chỉ tiêu tuyển dụng không, nếu còn tôi xin được thi tuyển vào làm Nhân viên bảo vệ tại đây thôi (tôi nghĩ bảo vệ ở đây chắc cũng phải có trình độ tương xứng), trước là để được chút hơi là làm ở cơ quan ăn nên làm ra, sau là để cải thiện lương bổng cho vợ con có cơ hội ... xóa đói giảm nghèo.

Nếu được vậy thì ... quá đã!

Lê Thương; ...han25@yahoo.com.vn

Không tin vào mắt mình nữa

Vừa đọc bài báo này tôi vừa dụi mắt xem mình có bị mờ mắt hay không... Là một giáo viên THPT đứng bục giảng được 11 năm rồi mà tôi mới chỉ được 2,8 triệu đồng trong 1 tháng, cả năm từ lương thu nhập 33.600.000 nhưng có được lĩnh trọn vẹn đâu còn đủ thứ khoản trừ hàng tháng, cả năm đến ngày 20/11 hoặc tết nguyên đán được thêm 100.000 đ.

Nai lưng chuẩn bị bài , phấn đấu đạt giáo viên xuất sắc, hay giáo viên giỏi được thêm 150.000 nữa là sướng lắm...

Quý vị thử so sánh cho chúng tôi xem... Thời giá kinh tế hàng hoá ngày nay chúng tôi nuôi con bằng gì? Ở vào đâu? Thiết nghĩ nhà nước nên có sự công bằng hơn trong chế độ tiền lương.

Nghe Thuat; ...dth@yahoo.com.vn

Tôi thật sự bị sốc...

Tôi là một người trong Ngành giáo dục (chứ không phải Ngành kinh tế nào!?). Khi đọc bài viết quả thật tôi thật sự bị sốc, sốc và rất choáng váng.

Tôi chợt nghĩ đến các khoản lương của tôi và các đồng nghiệp của mình hàng tháng nhận được từ nguồn "Ngân sách Nhà nước giành cho giáo dục" mà cảm thấy đau lòng, cảm thấy tủi hổ bởi mình và các đồng nghiệp quá kém cỏi không biết đường chọn nghề, lại đi chọn cái nghề mà cả xã hội phải "Tôn vinh" để rồi...

Chợt nghĩ đến các cô giáo mầm non ngoài biên chế, hưởng mức lương bằng mức khởi điểm, rồi lại phải đóng bảo hiểm từ nguồn lương đó vậy mà vẫn ngày ngày tận tâm với nghề, làm các công việc canh giữ trẻ gian khó hơn cả người ...đi ở....!!?

Do Van Huan; huanthoi111@...

Cần phải thu hồi lại

Nếu việc tự trả lương cho các cá nhân trong một cơ quan nhà nước cao như vậy thì có còn nhà nước không, báo cần làm rõ thêm và nếu sai thì phải thu hồi lại đồng thời phải xử lý.

Tôi thực sự đau lòng vì hiện nay hàng vạn viên chức, công chức đang ngày đêm mẫn cán với công việc vì dân vì nước nhưng ngoài lương ra họ không có thu nhập gì khác mà lương thì rất thấp, các nhà báo thử tìm hiểu thang bảng lương của ngành giáo dục, y tế, công chức- viên chức trong các cơ quan đảng, nhà nước thì rõ. Có nhiều người cống hiến cả đời khi nghỉ hưu chỉ 2-3 triệu đồng/tháng mà họ có phải không có bằng đại học, tiến sỹ đâu.

Phải chăng đây là đặc quyền đặc lợi của ngành tài chính hoặc họ thao túng được nên tác oai tác quái như vậy. Họ cầm tiền mà không xót xa khi nhân dân ta còn quá khổ, nhà nước đi vay quốc tế về xây dựng đất nước thì họ lại đút túi cá nhân để đời sau con cháu chúng ta trả nợ?

Le Phuc Hiep; ...chiep@yahoo.com

Họ lĩnh lương bạc tỉ bằng chính tiền thuế của dân

Khi thể chế không quy định việc trả lương trong SCIC thì SCIC mặc nhiên lấy vốn của nhà nước trả lương cho mình, hay nói cách cách: lãnh đạo của SCIC được trả lương chính bằng tiền thuế của người dân.

Khi thể chế không quy định những hành vi không được phép thì SCIC mặc nhiên thực hiện những hành vi đó. Mặc dù họ biết rằng hành vi của họ là có hại cho nền kinh tế nhưng có lợi cho bản thân họ.

Nếu xét quốc gia là một tổ chức và có mục tiêu (dân giàu, nước mạnh .....) thì những hành vi của SCIC làm cho dân nghèo đi (trừ bản thân họ), nước yếu, xã hội bất bình đẳng và cá nhân các vị nhận lương cao trong khi doanh nghiệp lỗ là vô trách nhiệm.

Trong khi khủng hoảng kinh tế, công chức Singapore tự giác giảm lương thì mấy vị tăng lương cho doanh nghiệp yếu đi. Doanh nghiệp mà chết thì nền kinh tế không còn.

Thúy Hà; ...tlv@gmail.com

Tôi làm cả đời không bằng các bác ấy làm một năm

Tại sao lại phải trả lương cao như thế trong khi đang thua lỗ, nước ta còn nghèo, dân ta còn khổ? sao lại lĩnh 2 lương trong khi nhà nước quy định chỉ được hưởng một lương cơ bản còn kiêm nhiệm thì được hưởng phụ cấp.

Trong khi hàng ngàn sinh viên ra trường vất vả tìm việc, hàng triệu cán bộ trẻ lương không đủ tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt hàng ngày thì các " sếp" lương quá cao?

Có lẽ với mức lương đó tôi phải làm cả đời không bằng các bác ấy làm một năm? Đúng là người ăn không hết kẻ lần chẳng ra?

Văn Lâm; ...23450@yahoo.com.vn

Bà Tống thị Minh là vụ trưởng bộ LĐTBXH sao không biết một cty cổ phần như Jestar có vốn nhà nước lên đến trên 80% thì những người đại diện phần vốn Nhà nước ở cty này không thể chỉ là một mà ít nhất là 3/4 số thành viên HĐQT.Luật Doanh nghiệp đã quy định rõ điều này.

Ngoài ra nếu cty cổ phần có vốn nhà nước trên 50% thì doanh nghiệp loại này phải thực hiện các chính sách quản lý nhà nước về tài chính,về lao động tiền lương,không thể tự ý chi trả lương thưởng như bà Minh nói.

Vụ việc chi tiền lương không tuân thủ một quy định nào ở SCIC và JESTAR thể hiện sự cẩu thả ,thiếu kỷ luật trong quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp này.

Chính phủ nên làm rõ sai phạm và quy rõ trách nhiệm của những người có liên quan để giữ kỷ cương xã hội.

Phạm Đình Thi; ...thi@yahoo.com

Chúng tôi đang họp hội nghị quân chính và rất sốc khi được biết, cơ quan Kiểm toán nhà nước Việt Nam vừa phát hiện lương tháng của lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lên tới trên 78 triệu đồng (4.500 đôla Mỹ).

Báo cáo của kiểm toán cho hay thu nhập bình quân của lãnh đạo SCIC khi xây dựng kế hoạch trình Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội là 40 triệu đồng/tháng, nhưng thực tế, năm 2008 lên tới 78,5 triệu đồng/tháng, cao gấp 1,96 lần so với kế hoạch. Thí dụ, lương cựu Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Tá, người hiện là Tổng giám đốc SCIC là 942 triệu đồng/năm (trên 52.000 đôla Mỹ).

Lý do là vì trong cách tính lương, hệ số lương của SCIC cao đột biến so với các công ty, tập đoàn nhà nước. Số lao động của tổng công ty này cũng thấp hơn nhiều so với kế hoạch.

Quỹ tiền lương của HĐQT và Tổng giám đốc SCIC được duyệt là hơn 1,473 tỷ đồng; nhưng thực tế năm 2008 SCIC đã trả lương đối với các thành viên HĐQT chuyên trách và tổng giám đốc là trên 2,642 tỷ đồng, vượt quỹ lương so với kế hoạch gần 1,169 tỷ đồng.

Một điều khiến dư luận xôn xao nhất là việc ban lãnh đạo của SCIC bao gồm nhiều quan chức đương quyền. Chủ tịch HĐQT (gồm bảy vị) là Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh. Ba ủy viên HĐQT khác là các thứ trưởng Công thương, Kế hoạch-Đầu tư và Tài chính.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được thành lập theo Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/06/2005 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tập trung cổ phần của Nhà nước vào một mối để quản lý và điều phối cho hiệu quả.

Chúng tôi đã có gần 40 năm phục vụ trong quân ngũ rất bất bình về chuyện này.

Cong Chuc; ...chuc@gmail.com

Mới hiểu vì sao họ giàu thế ?

Tôi là công chức thuộc ngành tài chính hơn 15 năm, đã tốt nghiệp đại học chính qui từ các năm 85, phải học đầy đủ các bằng cấp (Anh văn, vi tính,quản lý nhà nước, kế toán...).

Hằng năm chúng tôi phải qua các kỳ kiểm tra trình độ... hàng tháng chúng tôi phải thực hiện cơ chế anh em cùng phòng đánh giá nhận xét chất lượng và bình xét có được hưởng nguyên lương, hay chỉ 0,8 hoặc 0,6 lương hay không; Hàng quí phải bình xét lại, 6 tháng phải đánh giá lại, cả năm có sáng kiến cải tiến.. mới được hưởng mức lương cao....

Chúng tôi làm cả ngày, mờ mắt, vì bây giờ cải cách mạnh mẽ, chúng tôi phải không ngừng nâng cao nghiệp vụ mới làm nổi.

Trong giờ làm việc, chúng tôi phải làm việc cật lực, ít có khi nào chúng tôi ra khỏi cơ quan trước 5h30 chiều... vậy mà lương hàng tháng có khi anh em trong phòng tôi chỉ khoảng 2 triệu hơn chút đỉnh... cao nhất ở phòng tôi (người gần về hưu) lĩnh cỡ 4 triệu hơn...

Vì vậy khi đọc tin bài trên, tôi mới hiểu ra vì sao họ giàu thế....và thấy buồn ...

Nguyễn Tử Siêm; ...tu@yahoo.com

Hoan nghênh Kiểm toán Nhà nước

Hoan nghênh Kiểm toán Nhà nước đã làm rõ vốn nhà nước (hay tiền thuế của dân) đã được SCIC và Bộ Tài chính đã sử dụng như thế nào.

Hoan nghênh báo Tiền phong đã cho công luận biết sự thực đáng ngạc nhiên này.

Các vị quyền cao chức trọng mà còn làm thế thì thử hỏi làm sao chống được tham nhũng. Đây là những thông tin góp phần hết sức thiết thực để xây dựng cho bộ máy công quyền của chúng ta ngày càng minh bạch.

Huỳnh Thị Thu Thủy; ...httla@yahoo.com.vn

Tôi thấy lương của những người lãnh đạo các công ty nhà nước luôn cao ngất, trong khi đó những người trực tiếp đem sức lao động của mình làm ra sản phẩm, dịch vụ thì lại ở dưới đáy. Thật bất công!

Minh Phương; hong.anh93@...

Câu hỏi PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG - PHÒNG AI, CHỐNG AI? không biết đến bao giờ có lời giải.

Lương hay lậu trong việc chi trả đối với ban lãnh đạo SCIC thì chỉ có ông Nguyễn Văn Ninh - Bộ trưởng Bộ Tài chính mới trả lời được.

Dù là LƯƠNG hay LẬU cũng là lách luật, là rút tiền của nhà nước.

Nguyen Van Hung; hungvong58@yahoo.com

Đọc thông tin nêu trên có thể nói rất nhiều người không thể tin dù có thể đó là sự thật. Liệu có thể nói đây là một hình thức THAM NHŨNG TRÁ HÌNH được tiếp tay của một số người có quyền lực trong các cơ quan nhà nước.

Thật không thể tin được một doanh nghiệp nhà nước, quản lý nguồn vốn nhà nước (tiền của nhân dân) lại tự cho mình được hưởng mức lương cao hơn quy định.

Hiện còn rất nhiều cán bộ công chức có năng lực nhưng không được hưởng mức lương cao hơn do nhưng quy định bó buộc của Bộ lao động thương binh và xã hội.

Trần Ngoc Tân; ...cuong71@yahoo.com

Thật buồn !

Sau khi tôi được các phương tiện thông tin đại chúng công bố kết quả của Kiểm toán, trong đó có thông tin đến hiệu quả kinh doanh của Công ty kinh doanh vốn Nhà nước SCIC thì thấy thật buồn. Càng buồn hơn nữa khi được biết lương lãnh đạo SCIC của ông Trần Văn Tá lên đến 80 triệu đồng/ tháng. Ở đây xét về lương tâm của một người cán bộ, một "đày tớ của nhân dân" tôi thấy họ thật là vô cảm!

Nguyễn Văn; ...khac@fpt.vn

Không những thất vọng mà còn lo...

Không một Tổng công ty nhà nước nào có một Ban lãnh đạo, có chức vụ cao như SCIC : Một Bộ trưởng , bốn Thứ trưởng , lại nắm một số vốn không lồ của Nhà nước như SCIC .

Những tưởng SCIC sẽ là trụ cột của nền kinh tế , sẽ là mô hình mẫu cho các doanh nghiệp khác noi theo về hiệu quả làm ăn , nhất là việc thực hiện các chế dộ chính sách tài chính của Nhà nước. Vậy mà báo cáo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước công bố đã cho thấy không phải như vậy .

Là một người dân tôi không chỉ thất vọng mà còn lo, liệu những doanh nghiệp khổng lồ khác nếu kiểm toán sẽ ra sao? Tốt hơn hay xấu hơn nữa?

Điều lạ là việc như vậy mà Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ đề nghị Bộ tài chính chỉ đạo HĐQT, Ban Tổng Giám đốc SCIC kiểm điểm ... Xin lưu ý, ông Bộ Trưởng Tài chính cũng chính là Chủ tịch HĐQT SCIC.

Nguyễn Sơn; ...09@yahoo.com.vn

Và điều bất hợp lý không chỉ một cái công ty KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC đó mà ngay cả nhiều tập đoàn, tổng công ty hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản đều lấy tài nguyên của quốc gia đi bán rồi tự đề xuất lương, thưởng trên trời cho cá nhân mình. Đây là điều hết sức phi lý mà nguy hiểm hơn đó là cố khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên để “tận thu” trong quãng đời làm “đầy tớ” của mình.

Hệ thống thang bảng lương của nhà nước ban hành để đâu hay đó chỉ là cái dùng cho loại cán bộ thường - những công bộc của nhân dân?

Luật lao động và các văn bản ban hành về chế độ làm việc, nghỉ hưu đâu ?Sao đã được nghỉ hưu rồi mà vẫn "phải làm" Tổng giám đốc. Không lẽ nước Việt hết người tài đức rồi sao ?

Đau xót quá!

Các bác trong HĐQT của Cty SCIC có cảm thấy vất vả và cực khổ khi hàng ngày, hàng tháng, hàng năm phải còng lưng nhận những đồng lương...bạc tỷ, không biết rồi các bác sẽ sống ra sao?

Hoàng Công; ...mac99@yahoo.com

Theo tôi không thể chấp nhận được thực tế này, 1 doanh nghiệp nhà nước mà lại có mức lương khủng khiếp như vậy thật khiến chúng ta phải bức xúc (nếu như làm ăn có lãi thì không thành vấn đề nhưng ở đây lại là thua lỗ).

Hãy nhìn lại mức lương của 1 công chức nhà nước bình thường (tốt nghiệp đại học ra) 1 tháng cũng chỉ 2 triệu, của 1 tiến sỹ giảng viên đại học cũng chỉ có 3-4triệu /tháng tức là 1 năm chỉ có thu nhập (từ lương) là 24-48 triệu đồng.

Hãy nhìn lại con số đó thật là giật mình, khi nghĩ tới mức lương của các vị trên.

Đặng Đăng Phước; ...phuoc2007@gmail.com

Lợi dụng kẻ hở của pháp luật, tự lên đề án lương với mức lương cao ngất ngưỡng không doanh nghiệp nào có được. Phải chăng đó là cách bòn rút của cải của Nhà nước và nhân dân một cách hợp lý!

Đề nghị kiểm toán Nhà nước vào cuộc để điều tra xem dự án đó do ai đề xuất và tính bất hợp pháp của nó để quy trách nhiệm cho các đối tượng có liên quan nhằm thu hồi lại ngân sách cho Nhà Nước, đảm bảo công bằng xã hội.

Le minh; ...minh@yahoo.com

Theo ý kiến của bà vụ trưởng rằng Nhà nước không có quyền can thiệp chuyện trả lương cho lãnh đạo là sai.

Việc nhà nước chiếm đến 76% vốn điều lệ thì không những vấn đề tiền lương mà ngay cả thay đổi điều lệ hoạt động của công ty, miễn nhiệm thành viên hội đồng quản trị, ban giám đốc nếu công ty làm ăn kém hiệu quả nhà nước cũng có thể can thiệp được vì theo luật doanh nghiệp, chỉ cần chiếm 75% phiếu biểu quyết thì có thể thông qua hầu hết các quyết định.

Vấn đề là có muốn can thiệp hay không.

Nguyễn Thị Nhỏ; ...nguyen47@yahoo.com

Qua bài báo đã đưa, trong việc trả lương cho lãnh đạo SCIC, là vụ việc cần làm rõ và xử lý nghiêm sai phạm.

Vì những người tham gia đều là những người nắm rất rõ những nguyên tắc quản lý tài chính doanh nghiệp nhà nước nhưng vẫn cố ý sai phạm khi họ nắm giữ các chức vụ liên quan.

Nguyễn Linh; ...99@ymail.com

Tôi cũng là công chức, có thâm niên gần 30 năm, nhưng thật ngạc nhiên khi biết rằng có những công chức mà mức lương gấp 300 đến 400 lần của mình. Không thể chấp nhận được !

Cảm ơn Tiền Phong vì loạt bài này. Rất mong quý báo mở một chuyên đề về nội dung này để rộng đường dư luận

Nguyen Ca; ...ca@yahoo.com.vn

Cứ theo như bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐTB&XH) nói thì chúng ta phải hiểu vì trong HĐQT thì đại diện sở hữu vốn nhà nước cũng chỉ có một phiếu, nên dù Nhà nước chiếm cổ phần chi phối thì Nhà nước cũng khó mà can thiệp hay chi phối được vấn đề trả lương có đúng như thế hay không?

Vậy thì còn gì là DO DÂN VÀ VÌ DÂN nữa ?

Hoàng Tiến Điệp; ...diep@yahoo.com

Mấy ngày nay, dư luận rất quan tâm đến kết quả công bố của Kiểm toán Nhà nước đối với một số doanh nghiệp và Tổng công ty.

Với con số sai phạm lên đến hàng ngàn tỷ đồng, vậy trách nhiệm của cơ quan chủ quản, cơ quan thực thi và cơ quan liên quan đến đâu.

Ở đây không chỉ sai phạm là thu hồi, mà cần phải làm rõ sai phạm đó đến đâu, hình thức xử lý như thế nào. Có như vậy mới tạo được lòng tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nói đến chuyện lương tại SCIC, với một mức lương cao ngất ngưởng, quá ưu đãi như vậy từ Tổng giám đốc đến nhân viên, thậm chí còn được hưởng 2 lương đã tạo nên khoảng cách quá lớn đối với mặt bằng chung của cán bộ, đảng viên.

Trong khi đó, lương của công nhân, của cán bộ công chức chung còn rất thấp, đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn. Vậy xảy ra những vấn đề trên, trách nhiệm thuộc về ai?

Phan Mạnh Tuấn; ...1210@yahoo.com.vn

Phải thu hồi lại !

Thật không thể tưởng tượng được một mức lương như thế.Tất nhiên trong chúng ta ai cũng luôn muốn đất nước phát triển để tiến tới có một thu nhập cao hơn.

Nếu Jestar làm ăn thuận lợi ,sinh lãi lớn thì đó là điều hoàn toàn bình thường, đằng này làm ăn thua lỗ mà vẫn nhận mức lương như thế thì thật đáng xấu hổ.

Liệu đây có phải là một kiểu tham nhũng?

Chúng ta cần phải thu hồi lại giống như nước Mỹ đã làm với các tập đoàn ngân hàng. Hãy nhìn lương cán bộ công chức nói chung và giáo viên nói riêng để thấy.

Nguyen Dang Minh; ...minhvkt@yahoo.com

Ông Trần Văn Tá có nộp thuế thu nhập các nhân không?

Nghe qua thấy có vẻ vô lý. Có một điều tôi băn khoăn là ông Trần Văn Tá có nộp thuế thu nhập các nhân hay không? Nếu nộp thì là bao nhiêu mà tại sao bây giờ mới té ngửa ra là cao đến vậy?

Văn Lâm; manh_23450@yahoo.com.vn

Là doanh nghiệp thì lương thưởng phụ thuộc kết quả kinh doanh,ngoài ra nếu là doanh nghiệp nhà nước thì phải theo quy định nhà nước về thang bảng ,khung bậc, tỷ xuất,quỹ tiền lương được duyệt v v v.

Việc doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ mà lãnh đạo lĩnh lương tháng dăm bảy chục triệu đồng thể hiện các thể chế bộ máy quản lý của ta quá yếu.Sự việc hàm chứa điều gì đó rất không ổn.

Tôi nghĩ Chính phủ không thể xem nhẹ việc này!

>> Tiếp tục cập nhật...

TPO

No comments: