Tuesday, December 29, 2009

Phải chăng chúng ta muốn hội nhập là phải làm giống họ

Không biết anh/chị có hiểu việc đánh giá ở nước ngoài như thế nào không? Tôi cũng học và cũng đánh giá đấy chứ. Cuối học kỳ, tôi muốn biết điểm môn học, việc đầu tiên phải tick vào một loạt mục về cách dạy Giáo Sư, môn học hiệu quả đến đâu . v. v. Thế nhưng cái đó không hề quan trọng, đó là hình thức, và như thường lệ, good và very good là cái họ vẫn tick. Nhưng nếu có vấn đề gì trong quá trình dạy học, họ (sinh viên) có quyền report thẳng lên khoa, và mọi việc được xử lý ngay lập tức. Nghĩa là sự nghiêm túc thể hiện rõ ở ý thức, chứ không phải sự hời hợt hình thức.




Không "làm loạn" không phải sinh viên

Sinh viên được quyền chấm điểm giảng viên về chất lượng giảng dạy trên lớp - chuyện tưởng như hiển nhiên ở nhiều nước trên thế giới, lại đang là một câu chuyện gây tranh cãi ở nước mình.

Có nhiều lý lẽ để bênh vực quyền này: Sinh hoạt dân chủ trong trường ĐH, một biện pháp kích thích sự sáng tạo và nhiệt tình lao động của thầy giáo, hay để phản ánh đúng chất lượng giảng viên qua lăng kính sinh viên.

Nhưng cũng có nhiều ý kiến phản biện có lý cho rằng: Trình độ hiện nay của sinh viên không đủ để đánh giá giảng viên, sinh viên chỉ là một góc độ để soi chiếu năng lực của giảng viên...

Từ góc độ nào thì theo người viết bài này, cũng từng là một sinh viên nghĩ rằng, đây cũng là một dịp để hiểu hơn về tình trạng dạy và học ở các trường đại học. Những kiến giải dưới đây dựa trên một giả thiết: Các cơ quan giáo dục thực sự muốn tổ chức cho sinh viên đánh giá giảng viên, thực sự muốn qua đó để kích thích chất lượng giảng dạy của giáo viên, và thực sự muốn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Nếu không thực sự có những điều trên, nếu làm chỉ vì cần có "dự án đổi mới" một cái gì đó, hay chỉ để "bày trò", thì mọi giả thiết tiếp theo đều sai. Và không ai cần phải bàn thêm gì về chuyện này cả.

Sợ sinh viên "làm loạn"?

Khi còn ngồi trên giảng đường, tôi cũng đã từng mong mỏi một lần được "chấm điểm" các giảng viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy của mình. Chẳng phải để tỏ lòng yêu ghét gì với ai, mà chỉ hi vọng một lần được nói thật - và nói to lên suy nghĩ của mình- một sinh viên- về cung cách hành xử, dạy bảo, hướng dẫn của giảng viên trên lớp.

Nhưng trong buổi họp với toàn thể sinh viên trong khoa hôm ấy, thầy trưởng khoa trả lời: "Cách ấy thì cũng hay, nhưng mất thời gian đấy. Có vấn đề gì các em cứ nói với tôi. Tôi sẽ lắng nghe hết".

Chỉ buồn rằng "tôi" đã không biết, nếu sinh viên có thể làm thế, họ đã làm. Và nếu "tôi" có đủ thời giờ, đủ tấm lòng, đủ sự cầu thị đối với sinh viên, thì "tôi" đã không phải chờ đến khi sinh viên yêu cầu.

Trong hoàn cảnh cụ thể lúc đó, người sinh viên là tôi đoán rằng thầy trưởng khoa không cho làm thế không phải vì "mất thời giờ". Có thể vì thầy sợ sinh viên "làm loạn", một kết quả đánh giá xấu, sợ chuyện ấy bung ra thì mất thể diện của khoa, thầy "mất thiêng", và nhất là chưa có chủ trương và chỉ đạo của cấp trên....

Có nghĩa là, thầy chẳng có cái "sợ" nào liên quan đến chuyện nếu không làm thì sinh viên sẽ thiệt thòi lắm, hoặc có lỗi với sinh viên vì bắt họ phải chịu đựng những giờ giảng chán ngắt, hoặc dung túng cho lối làm việc cũ kĩ của các giảng viên.

Thế thì sao?

Không sao cả. Tạm thời thì mọi thứ vẫn có vẻ ổn. Vì tạm thời cho đến nay, sinh viên chưa có cách nào thật hiệu quả và tích cực để biểu lộ sự không hài lòng của họ trong trường học. Còn những cách phản ứng tiêu cực thì vô số: Bỏ học, ngủ trên lớp, nói xấu giảng viên, mất tin tưởng vào trường học...

"Gà công nghiệp" hay cá thể biết suy nghĩ độc lập?

Vẫn cần phải nhắc lại là tất cả những điều đang bàn về chuyện sinh viên tham gia đánh giá giảng viên đều dựa trên giả thiết: Người ta thực sự muốn tổ chức cho sinh viên đánh giá giảng viên để kích thích chất lượng giảng dạy của giáo viên, và thực sự muốn góp phần cải thiện chất lượng đại học.

Suy luận đơn giản là nếu muốn cải thiện chất lượng trường ĐH, không thể không lắng nghe sinh viên. Việc lắng nghe chỉ hiệu quả khi nghe được lời nói thẳng, nói thật. Cách để chuyển tải những lời nói ngàn vàng ấy có vẻ tốt hơn cả, là phát phiếu đánh giá cho sinh viên, và không cần phải "kí, ghi rõ họ tên".

Sinh viên sẽ "làm loạn" đấy nếu được đánh giá! Rất có thể họ sẽ đánh tuột một vị giáo sư đáng kính nào đó là "dạy khó hiểu, khô khan, không gần gũi sinh viên". Cũng có thể họ sẽ thẳng tay hạ bệ một ông tiến sĩ bằng cấp đầy mình là "trình bày vấn đề tản mát, hay trữ tình ngoại đề trong giờ, không nhiệt tình với các câu hỏi của sinh viên."

Thế thì "loạn" - có người nói. Đúng là "loạn" thật. Nhưng không "làm loạn" sao gọi là sinh viên? Không nói ra những điều mình thực sự nghĩ, để cùng tranh luận, tìm ra giải pháp tốt hơn, thì sao gọi là sinh viên?

Nếu không muốn sinh viên đánh giá, thì trường ĐH muốn sinh viên chỉ là gà công nghiệp hay là một cá thể biết suy nghĩ độc lập?

Sinh viên hoàn toàn có thể sai. Những đánh giá của họ rất có thể chưa thật chuẩn, thậm chí cực đoan. Nhưng "đặc quyền" của sinh viên là có thể sai. Và trường ĐH xin hãy là nơi giúp đỡ cho sinh viên đi đến cái đúng hơn, cái chuẩn mực, chứ không phải "cấm" họ sai - nếu như sự phản biện hay đánh giá của họ chưa chuẩn xác, chưa đúng.

Thay vì tước đi quyền đánh giá, thể hiện ý kiến của sinh viên vì sợ các kết quả gây "sốc" hay làm ảnh hưởng uy tín một ai đó trong trường, hãy trao cho họ quyền nói thẳng, nói thật họ cần một giảng viên thế nào, giáo trình thế nào, môi trường học thế nào. Thế nghĩa là, giảng viên và nhà trường có cơ hội biết được sinh viên đang cần mình thay đổi những gì.

No comments: