Friday, December 25, 2009

Lý do gì mà không hồi âm? Hỏi cũng chính là trả lời

Phản biện đến cùng dự thảo Chiến lược giáo dục

TP - Hội Tư vấn KHCN Quản lý TPHCM (HASCON) từng hai lần kiến nghị Bộ GD&ĐT cho phép phản biện về Dự thảo Chiến lược Phát triển Giáo dục Việt Nam, nhưng chưa nhận được phúc đáp. Tuy nhiên, lãnh đạo Hội khẳng định phản biện đến cùng.

Trao đổi bài sau giờ thi. Ảnh: Hồng Vĩnh

Tiến sỹ Nguyễn Bách Phúc – Chủ tịch Hội Tư vấn KHCN Quản lý TP HCM cho rằng, Dự thảo Chiến lược Phát triển Giáo dục Việt Nam của Bộ GD&ĐT đã dự thảo 14 lần và nếu kéo dài tình trạng này thì đến 100 lần cũng sẽ chẳng đi đến đâu. TS Nguyễn Bách Phúc khẳng định, vì sự nghiệp giáo dục, các nhà khoa học của Hội sẽ phản biện đến cùng.

Tuy nhiên TS Phúc cho biết thêm, Hội đã từng hai lần kiến nghị Bộ GD&ĐT cho phép phản biện Dự thảo Chiến lược Phát triển Giáo dục Việt Nam nhưng hiện chưa nhận được hồi âm.

Tiến sỹ Nguyễn Bách Phúc

Trả lời Tiền Phong, TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch HASCON, nói: Chúng tôi nhận thấy, Dự thảo Chiến lược Phát triển Giáo dục Việt Nam của Bộ GD&ĐT đưa ra đã lên đến con số lần thứ 14.

HASCON nhận thấy nếu kéo dài tình trạng này, cho dù dự thảo có đưa ra đến 100 lần cũng sẽ không đi đến đâu. Vì vậy, tất cả các hội viên của HASCON đều nhất trí làm phản biện tập thể.

Trong phần phản biện này, chúng tôi sẽ nói rõ dựa vào chuẩn nào, thước đo nào để phản biện. Để tiếng nói phản biện này không còn mang tính chất cá nhân nữa mà là tập thể các nhà khoa học, có liên kết chặt chẽ.

Ngoài ra, Hội không chỉ phản biện Dự thảo của Bộ GD&ĐT mà phản biện cả những ý kiến một số nhà khoa học riêng lẻ đã đưa ra trước đó.

HASCON dự kiến phản biện theo cách nào, thưa tiến sỹ?

Khi các nhà khoa học yêu cầu, lãnh đạo Hội đã mời họ ngồi lại với nhau để thống nhất phản biện theo cách nào, chúng tôi sẽ thành lập một ban chủ nhiệm đề tài phản biện, kết hợp với ban lãnh đạo HASCON để điều hành. Khác với phản biện của cá nhân là đôi khi có thể nói tùy tiện dù không hiểu sâu, chúng tôi dự định phản biện kết hợp hai cách: phản biện ngang và phản biện dọc.

Phản biện ngang là phân những nhà khoa học ra nhiều tổ để phản biện (triết lý giáo dục, pháp luật giáo dục, quản lý giáo dục, chuyên môn nhiệm vụ giáo dục, tổng hợp).

Phản biện dọc là chia các nhà khoa học thành bốn mảng để phản biện: mầm non - phổ thông, giáo dục ĐH, khối dạy nghề, khối Sau ĐH. Có như thế mới có thể tập trung trí tuệ của những người chuyên sâu trong từng vấn đề.

Việc thu thập tài liệu để phản biện, theo dự kiến của chúng tôi là khá công phu. Ví dụ như nói đến triết lý giáo dục, phải biết cả lịch sử, quá khứ, hiện tại để nói đến tương lai. Vì thế, tài liệu sẽ bao gồm cả tài liệu về lịch sử giáo dục Việt Nam, giáo dục Đông Phương, giáo dục châu Âu...

Ngoài ra, việc phản biện phải đứng trên nguyên tắc: biết nhìn vấn đề theo phương pháp biện chứng. Lúc ấy, mới có thể nhìn thấy tương lai đúng đắn.

Giả sử Bộ GD&ĐT không giao cho HASCON làm phản biện thì sao?

Chúng tôi cũng đã nghĩ đến việc này. Nếu Bộ GD&ĐT không giao cho chúng tôi phản biện Dự thảo Chiến lược Phát triển Giáo dục Việt Nam, chúng tôi sẽ tự đi xin tài trợ để làm. Khi làm xong, chúng tôi sẽ giao lại cho Bộ GD&ĐT kết quả phản biện của mình.

Nếu lúc này, Bộ GD&ĐT tiếp tục không nhận, chúng tôi sẽ trình lên T.Ư Đảng. Là tập thể của những nhà khoa học có tâm huyết với sự phát triển của giáo dục Việt Nam, chúng tôi sẽ không dừng lại và sẽ phản biện đến cùng.

Với phản biện này, nếu như Bộ GD&ĐT công nhận chúng tôi làm tốt, Hội sẽ đứng ra nhận xây dựng chiến lược luôn để trình lên Bộ GD&ĐT.

Hội có tự tin những gì mình dự định làm sắp tới sẽ thành công, thưa ông?

Hiện nay mong muốn bức thiết nhất là được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ phản biện. Chúng tôi muốn làm một việc công khai, minh bạch, khoa học vì lợi ích của đất nước. Còn có gây được tác động lớn hay không, thành công đến mức độ nào vẫn còn phải xem xét kết quả sau này nữa.

Cảm ơn ông.

* Hội Tư vấn KHCN & Quản lý TPHCM được thành lập vào năm 2006 và đã quy tụ được hơn 200 hội viên cá nhân, trong đó phần lớn là các nhà giáo dục, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường - có trình độ cao.

* Đầu năm 2009, Bộ GD&ĐT đưa ra Dự thảo Chiến lược Phát triển Giáo dục Việt Nam lần thứ 14 để lấy ý kiến Dự thảo đặt vấn đề: “Chiến lược Giáo dục Việt Nam 2001-2010 đã tiến hành được 8 năm. Thực tiễn phát triển giáo dục đất nước đã khẳng định những định hướng đúng đắn của chiến lược nhưng đồng thời cũng cho thấy cần có sự điều chỉnh. Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2009-2020 tiếp tục thực hiện giai đoạn cuối của Chiến lược giáo dục 2001-2010 với những điều chỉnh cần thiết, tạo những bước chuyển căn bản của giáo dục trong thập niên tới”.

Ngay từ khi đưa ra, Dự thảo lần thứ 14 cũng vấp phải nhiều ý kiến cá nhân trái chiều.

Đăng Khoa thực hiện

No comments: