Sunday, December 27, 2009

Rất may GS Tuấn đưa ra ánh sáng của hành động vô đạo đức của tụi làm phim Bắc Việt

Chuyện của Thiên Lý

Chuyện điện ảnh vốn không phải là đề tài tôi quan tâm, nhưng đọc mãi những tin về diễn viên bỏ vai đóng phim cũng làm mình chú ý. Mới đây, diễn viên Phạm Văn Phương bên Sinagpore tuyên bố rút lui khỏi một vai quan trọng mà cô cho là do người làm phim đi lệch kịch bản bằng cách lồng cảnh sex vào. Ở nước ta, cũng có ít nhất 2 trường hợp diễn viên rút lui sau khi mới quay một vài tuần. Trong số này có Dương Trương Thiên Lý, con của anh bạn tôi mà tôi có dịp đề cập đến trong một entry trước đây. Trong chuyến về quê lần này, tôi có dịp ghé thăm bạn tôi, anh D và bà xã anh là chị A. Hôm đó có cả cháu Thiên Lý, người vừa rút khỏi vai Trần Thị Dung trong phim dự kiến sẽ trình làng nay mai “Trần Thủ Độ”. (Phim Trần Thủ Độ lúc ban đầu có tên là Trần Thủ Độ và người tình nhưng hình như có người phản đối nên tựa đề phim đơn giản hơn). Ở ngoài, tôi đã theo dõi chuyện Thiên Lý rút khỏi vai quan trọng này, nhưng tin tức thường bị “nhiễu”, nên nhân dịp này tôi tìm hiểu lí do chính xác hơn.

Những thông tin về nguyên nhân Thiên Lý bỏ đóng phim Trần Thủ Độ thì có nhiều, và hình như sự thật đằng sau những nguyên nhân này cũng có phần mâu thuẫn. Về phía nhà làm phim, khi giải thích cho sự rút lui của Thiên Lý, ông Đặng Tất Bình, Giám đốc Hãng phim truyện I cho biết vì Thiên Lý chỉ có 4 tháng nghỉ học để đóng phim, và thời gian này không đủ để hoàn thành cuốn phim. Tuy nhiên, giải thích này không thuyết phục vì sự thật là Thiên Lý đã xin hoản học một năm bên Mĩ để về đóng phim.

Một người khác trong đoàn làm phim thì chát miệng ác mồm hơn, cho rằng Thiên Lý đóng phim chưa đạt yêu cầu! Trả lời nhận xét này, Thiên Lý cho biết đã được mời đóng phim ngay từ lúc còn ở bên Mĩ chứ “Tôi không hề chạy chọt để có được vai Trần Thị Dung. Đoàn làm phim lựa chọn tôi vì thấy tôi phù hợp với vai diễn. Đây là một vai nặng kí nên có yêu cầu rất khắt khe. Tôi vào vai một nguyên phi chứ không phải một nàng hầu. .. Trong quá trình làm phim, chính đạo diễn Tất Bình đã nói, Lan Hương, vợ ông, người vào vai Đàm hoàng hậu và là một diễn viên kì cựu, đã đánh giá rất cao khả năng diễn xuất của tôi. Sau mỗi lần quay, cả đoàn làm phim đều vỗ tay ngợi khen và chúc mừng tôi. Tôi cho rằng, tôi đã hoàn thành trách nhiệm của một diễn viên về mặt diễn xuất”.

Còn báo chí, phần lớn giới phóng viên đều cho rằng vì cảnh phim có “màu sex” thô thiển, nên Thiên Lý không tiếp tục tham gia đóng phim. Trên Doanh Nhân Sài Gòn (số ra ngày 23-29/12/2009) trong bài “Người ít tuổi vào phim ‘nhiều tiền’”, tác giả viết như sau: “Cũng thất vọng vì diễn viên trẻ: Lý do để không tin tưởng vào thế hệ diễn viên mới toanh ấy là những lùm xùm chung quanh hậu trường của các đoàn làm phim. Sau khi bấm máy chưa đầy một tháng, Dương Trương Thiên Lý đã lên tiếng dừng hợp đồng với phim Trần Thủ Độ vì liên quan đến cảnh sex.”

Vậy sự thật ở đâu? Tôi nhân cơ hội gặp cháu nên phải tìm hiểu cho biết. Thật ra, cháu nói ít, còn mẹ của cháu là chị An thì giải thích cặn kẽ hơn. Tôi nghĩ những thông tin của chính đương sự sẽ làm cho “bức tranh” Thiên Lý bỏ đóng phim sáng tỏ hơn. Do đó, nhân dịp gặp “đương sự” tôi tranh thủ tìm hiểu nguyên nhân.

Theo chị A, tín hiệu về sự mất niềm tin vào đoàn làm phim đã nhen nhúm từ những 3 tuần trước khi Thiên Lý quyết định rút lui. Một diễn viên múa từ Hà Nội tham gia đóng một vai trong phim, sau nhiều lần quay phim, với những đoạn và cảnh lệch đi so trong kịch bản ban đầu, kể cả những đoạn có màu sắc … sex, làm cho cô ta rất bức xúc. Có lẽ vì không có ai cố vấn nên cô đành chịu trận với những cảnh quay, chẳng những với nhiều ống kính của đoàn làm phim mà còn có sự “tham gia” của hàng chục người trong đoàn làm phim dùng máy điện thoại di động để quay những cảnh đó. Có một người phía Nam trong đoàn làm phim (anh là người miền Nam duy nhất trong đoàn quay phim) nhìn thấy cảnh này thốt lên rằng “Tội nghiệp cho cô ấy quá”. Những đồng nghiệp miền Bắc nhìn anh như con cừu đen xa lạ! Người diễn viên múa đó được đoàn làm phim cư xử một cách thô bạo. Người ta thậm chí không cho cô một cái vé máy bay để về Hà Nội. Họ chở cô đến gần trạm xe lửa và cho cô xuống xe để tự mua vé xe lửa về Hà Nội. Cách cư xử với diễn viên như thế đã để lại một dấu hỏi lớn về tính chuyên nghiệp và tình đồng nghiệp của những người làm phim.

Đến phiên Thiên Lý, đoàn làm phim cư xử tương đối tốt hơn so với người diễn viên kém may mắn đó. Theo kịch bản thì trong một đoạn phim, Thiên Lý sẽ đóng vai Trần Thị Dung trong cảnh mới thức giấc, mặc yếm và có mặc “nội y”. Nội y ở đây có lẽ hiểu chính xác hơn là loại đồ lót được làm bằng silicon, nên sẽ không thấy qua ống kính từ xa. Không ai có vấn đề với cảnh này. Trong lần quay phim này, đạo diễn chính về Hà Nội, nên một người khác đứng ra thay thế đạo diễn để quay phim. Tuy nhiên, khi quay phim, người quay phim còn yêu cầu Thiên Lý cởi yếm. Vì nghĩ rằng vẫn còn nội y, nên việc cởi yếm cũng chẳng “quan trọng”, nhưng khi được yêu cầu cởi cả nội y thì Thiên Lý không thể nào chấp nhận được. Hơn thế nữa, theo chương trình thì chỉ một máy quay phim duy nhất được sử dụng cho cảnh quay, và máy phải ở vị trí xa diễn viên để tạo hình mờ nhạt. Tuy nhiên, khi ra trường quay thì có đến 2 hay 3 máy quay, và lại quay rất gần.

Thiên Lý báo tin này cho mẹ biết, và chị Mỹ An bị sốc. Chị khóc gần 5 giờ đồng hồ vì sự lệch kịch bản này. Chị A yêu cầu người quay phim cho xem đoạn vừa mới quay, nhưng yếu cầu của chị bị từ chối. Trong khi từ chối không cho chị Mỹ An xem khúc phim đó, những người quay phim tụ tập nhau bên ống kính và có vẻ cười đùa khoái trá như là vừa thu tóm được một “chiến lợi phẩm”. Chẳng những thế, những người này còn tuông ra những ngôn từ xúc phạm phụ nữ, những câu nói vô giáo dục chỉ có thể thấy ở những thành phần lưu manh đường phố. Chị A lại bị sốc thêm về thái độ cực kì vô văn hóa của những người đang làm cái công việc văn hóa này. Chị và Thiên Lý quyết định ngưng hợp đồng, và yêu cầu phải xóa bỏ đoạn phim vừa quay.

Phát biểu về sự rút lui này, Thiên Lý nói rõ ràng: “… khi quan điểm về nghệ thuật bất đồng, tôi gần như suy sụp và quyết định chọn giải pháp rút lui. Tôi không muốn hình ảnh một Trần Thị Dung nổi danh trong lịch sử dân tộc được dựng lên sai lệch. Những người làm phim có thể sợ phim nhàm chán khi làm theo lối chính luận nên luôn muốn đưa những cảnh ‘tươi mát’, gợi cảm vào. Nếu đạo diễn có tài, diễn viên giỏi thì vẫn có thể lột tả được nhân vật Trần Thị Dung rất phụ nữ, trân trọng tình yêu nam nữ thiêng liêng nhưng trên hết là biết sống vì nghiệp lớn cho một sơn hà xã tắc hùng cường, cho một dân tộc đoàn kết, một nền chính trị ổn định. Đâu nhất thiết phải xây dựng một Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung gợi cảm, với những cảnh hở hang trên phim. Thế hệ trẻ sẽ nghĩ gì, những bậc cao niên sẽ nghĩ gì khi thấy một Trần Thị Dung lồ lộ da thịt được khai thác triệt để trong phim?”

Câu chuyện Thiên Lý ngưng đóng phim hơi giống với lí do Phạm Văn Phương bên Sinagpore rút lui khỏi vai một phim quan trọng vì người làm phim bắt cô ta vào vài những cảnh không có trong kịch bản, thậm chí tạo điều kiện cho vai nam quấy nhiễu tình dục bạn diễn. Tuy trường hợp của Thiên Lý chưa đến mức độ quấy nhiễu, nhưng với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, quyết định rút lui khỏi phim Trần Thủ Độ là một cách bệnh voyeurism hay vì một động cơ thiếu lành mạnh nào đó.

Một đạo diễn nổi tiếng khi gặp Thiên Lý trong một buổi liên hoan ra mắt phim của Johnny Trí Nguyễn, ông hỏi: “nguyên nhân thật mà cháu rút lui khỏi cuốn phim là gì”. Ông nhấn mạnh cụm từ “Nguyên nhân thật”. Chỉ nghe qua vài câu trả lời, và với cái nhìn của dân trong nghề ông tóm lược rằng đấy là vì diễn viên không tin tưởng vào đạo đức nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp của đoàn làm phim.

NVT

No comments: