Monday, December 28, 2009

Đòn thù - có lẽ 7 năm gắn bó với nghề dạy cái làm tôi thất vọng nhất và bất ngờ nhất là bị sinh viên kiện vì dạy dở (nguyên nhân nằm ở chỗ đỏ).

Khi thầy phải lắng nghe trò
29/12/2009 07:01

(HNM) - Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2009-2010 khối các trường ĐH, một nội dung được Bộ GD-ĐT đề cập đến và coi đó là một trong nhiều giải pháp để phát triển đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo là triển khai việc sinh viên (SV) đánh giá giảng viên (GV). Đến nay, dường như không còn mối băn khoăn về việc có nên để SV "chấm điểm" thầy hay không nhưng nỗi lo mới đã xuất hiện từ quá trình thí điểm. Dự kiến, tháng 1-2010, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn.

Lạ rồi sẽ thành quen

Giáo viên Trường Cao đẳng Thủy sản (Bộ NN & PTNT) nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị giáo án trước giờ lên lớp. Ảnh: TTXVN

SV đánh giá GV không phải là việc mới ở nước ta và là chuyện bình thường trong quy trình đào tạo ở các nước trên thế giới. Tại một cuộc hội thảo về đánh giá chất lượng các trường ĐH, 2 giáo sư đến từ Viện Chính sách Giáo dục Canada còn cho biết: Gần đây, các cuộc điều tra SV về trường học cũng như kinh nghiệm học tập của họ bắt đầu có vai trò quan trọng trong cả việc đánh giá xếp hạng các trường. Lợi ích của việc SV đánh giá GV không ít, bởi nó sẽ tạo ra một diễn đàn công khai, có tác dụng minh bạch hóa việc giảng dạy. Trên thực tế, SV vẫn khen thầy này, chê thầy kia, có thể chỉ là những câu chuyện sau giờ học, ngoài diễn đàn nhưng cũng có lúc đã trở thành vấn đề nóng trong các trường. Bởi thế, tạo cho họ một cơ hội để bày tỏ suy nghĩ một cách có tổ chức là việc làm cần thiết. Nó sẽ khiến cho thế hệ trẻ có thái độ đúng đắn với GV nói riêng, với việc học tập nói chung. Chỉ khi ấy, SV sẽ tự học để tiếp thu và phát triển kiến thức, GV là người hướng dẫn, gợi ý chứ không phải là người áp đặt, điều mà đổi mới phương pháp giảng dạy đang hướng tới.

Trước khi Bộ GD-ĐT có chủ trương thí điểm việc SV đánh giá GV bằng hình thức khác nhau, nhiều cơ sở đào tạo, nhất là các trường ngoài công lập đã lắng nghe ý kiến người học. Năm học 2007-2008, nhiều trường ĐH phía Nam đã đi tiên phong và kinh nghiệm của ĐH Sư phạm ĐH Huế được PGS-TS Ngô Đức Chứng, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học cho thấy, việc làm này ở nhiều nơi đã bài bản hơn. Để cho tế nhị, trường gọi việc làm này là "Thăm dò ý kiến SV về chất lượng giảng dạy của GV". Một phiếu thăm dò gồm 3 phần, với 20 câu hỏi về nội dung kiến thức, phương pháp giảng dạy, việc sử dụng các phương tiện giảng dạy, cách kiểm tra đánh giá, quan hệ giao tiếp của GV; trong đó có 2 câu mở để SV phát biểu ý kiến, còn chủ yếu là câu hỏi trắc nghiệm. PGS-TS Ngô Đức Chứng khẳng định: "Kết quả phiếu thăm dò cho thấy, SV đã đưa ra những nhận xét nghiêm túc và khách quan về những ưu, nhược điểm của thầy, cô. Công việc này tuy mới với chúng tôi, cả về lý luận và thực tiễn nhưng được GV và SV ủng hộ, bởi mục tiêu chính của việc làm này là giúp GV nhận được phản hồi từ SV để tự điều chỉnh". Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm, việc này mới triển khai trong phạm vi nhỏ và tính công khai thấp.

Công khai đến đâu, tham khảo thế nào?

Dù quy mô triển khai việc SV đánh giá GV khác nhau, mức độ công khai kết quả cũng không giống nhau nhưng quan điểm thống nhất giữa lãnh đạo các trường ĐH, CĐ là một kênh để đánh giá, sử dụng, đãi ngộ đối với GV. Kể cả SV, người được đánh giá GV, cũng chỉ mong muốn thông qua việc làm này các thầy, cô giáo điều chỉnh nội dung, phương pháp để hiệu quả giờ dạy cao hơn.

Hiện nay, vì chưa có hướng dẫn chung, Bộ GD-ĐT còn đang tổ chức hội thảo, góp ý kiến cho văn bản hướng dẫn dự kiến sẽ ban hành vào tháng 1-2010, nên các trường vẫn tự mày mò, cả về cách thức tiến hành, hệ thống câu hỏi, mức độ công khai và cách xử lý kết quả đánh giá GV của SV. Nhiều hiệu trưởng cho biết, vì kết quả chỉ để hiệu trưởng nhắc nhở GV những điểm cần rút kinh nghiệm cho nên tác dụng, hiệu quả việc làm này không cao. Với những người thường xuyên bị đa số SV chê cũng không có cách nào xử lý, bởi chưa có trong tay "cây gậy pháp lý". Nếu không khéo léo và tế nhị trong việc làm này dễ dẫn đến mất đoàn kết nội bộ hoặc lợi dụng kết quả đánh giá để phục vụ cho những mục đích ngoài công việc.

Thực tế cho thấy, việc làm này tuy lạ nhưng rồi sẽ thành quen, nhưng ĐH Sư phạm (ĐH Huế) là một điển hình được Bộ GD-ĐT chọn để báo cáo kinh nghiệm mà cũng mới dừng ở mức độ "vừa phải", cho nên vấn đề công khai kết quả đánh giá đến mức nào và các cấp quản lý tham khảo kết quả ấy cho những việc gì là điều mà cả cơ sở đào tạo, người được hỏi ý kiến, người bị đánh giá lẫn dư luận quan tâm. Văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT liệu có trả lời được những câu hỏi đó?

Vân Vũ

No comments: