Sunday, December 27, 2009

Có gì đâu mà choáng - thích thì chơi, điều kiện yêu cầu như thế vẫn còn thấp

“Choáng” với chuẩn đầu ra ngoại ngữ

Cập nhật lúc 06:04, Thứ Hai, 28/12/2009 (GMT+7)
,

- Chuẩn đầu ra mỗi trường một kiểu. Nhưng kiểu nào cũng khiến cả trường lẫn sinh viên lo sốt vó.

Hiện nay, nhiều trường đã ban hành chuẩn đầu ra cho các ngành. Có trường đã ban hành chuẩn đầu ra ngoại ngữ nhưng còn nhiều băn khoăn, có trường đến bây giờ vẫn chưa biết ban hành thế nào, có trường còn “lách luật” bằng quy định không rõ ràng.

Muốn có tấm bằng tốt nghiệp, SV phải đảm bảo đủ chuẩn đầu ra. Ảnh SV Trường CĐ Xây dựng số 2 ngày nhận bằng tốt nghiệp.

Dân khối D cũng "nhăn mặt"

Khi được biết quy định mức tối thiểu chuẩn đầu ra ngoại ngữ của trường mình, nhiều SV đã không khỏi choáng váng. N.V.Tuân, SV năm thứ 2 khoa Quản trị kinh doanh, Trường Học viện Hàng không Việt Nam đã phải chật vật học tiếng Anh ngay từ năm thứ nhất.

“Vừa bị áp lực học chuyên ngành, lại lo học thêm tiếng Anh bên ngoài để đạt được 550 điểm TOEIC thật không dễ dàng gì!” - Tuân chia sẻ. Theo Tuân, để đạt mức điểm này, cậu phải trải qua gần 10 lớp ở một trung tâm tiếng Anh bên ngoài với giá gần 7 triệu đồng. Mặc dù khi thi vào ĐH, cậu là dân khối D1.

Không riêng gì Tuân, nhiều “dân khối D1” ở các trường khác cũng khó khăn không kém. Thanh Hoa, SV năm thứ 4 khoa Ngữ văn Trung quốc, Trường ĐH KHXH&NV cho biết trong lớp cô, đến nay có hơn 70% SV chưa có bằng B tiếng Anh để nộp về khoa. Trong khi hơn 70% SV này thi vào trường ngoài khối D4 là khối D1.

“Nhiều bạn trong lớp là dân chuyên Anh trước kia nhưng sau 4 năm tập trung học tiếng Trung Quốc, các bạn quên tiếng Anh rất nhiều” - Hoa nói thêm.

H.Hòa, SV năm thứ 4 khoa Triết học của trường này nhiều lần cố gắng thi bằng B nhưng đến nay vẫn chưa có được tấm bằng này trong khi ngày ra trường đã cận kề. “Tụi em phải học chuyên sâu nhiều môn bằng cách đọc sách nên kỹ năng học tiếng Anh, khả năng nhớ kiến thức môn này cũng mất dần” - Hòa tâm sự.

T.H.Tín, SV năm thứ 4 khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết cậu không nghe đến việc phải học thêm tiếng Anh bên ngoài cho “đủ chuẩn” ra trường. Tuy nhiên, khi được hỏi trình độ tiếng Anh hiện tại, Tín cười nói: “Chắc là chỉ gần với bằng A thôi. Nhà trường mà thông báo quy định phải có bằng TOEIC 450 điểm thì vắt chân lên cổ đi học thì may ra”.

Mỗi trường một kiểu

Trong bản công bố chuẩn đầu ra các trường hiện nay, mỗi trường quy định một chuẩn khác nhau đối với chuẩn đầu ra ngoại ngữ.

Hiện nay, hầu hết các trường sử dụng bằng TOEIC để quy định trình độ tiếng Anh của SV khi ra trường.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, mỗi ngành lại có một mức khác nhau đối với trình độ tiếng Anh. Một số chuyên ngành của ngành Quản trị kinh doanh yêu cầu SV phải đạt tối thiểu 550 điểm TOEIC, trong khi phần lớn các ngành chỉ cần đạt tối thiểu 450 điểm.

Ở những trường đào tạo khối ngành kỹ thuật như Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng lấy mức điểm tối thiểu tương đương 450 TOEIC cho các ngành trong trường.

Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chỉ “dám lấy” mức điểm 350 điểm.

Khác với nhiều trường, Trường ĐH KHXH&NV lấy bằng A, B, C tiếng Anh để quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ. SV khi ra trường yêu cầu phải có bằng B. Học kì năm thứ 4, để được tiếp tục theo học, SV phải nộp về khoa bằng A tiếng Anh của mình.

Không quy định loại bằng A, B, C hay bằng TOEIC, TOEFL,v,v... Trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM chỉ quy định SV ra trường có “kỹ năng sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp” cho các ngành mà không đưa ra cụ thể công cụ đánh giá nào.

Có trường không dám đặt chuẩn

Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM không phải dễ dàng gì khi đưa ra mức bằng B tiếng Anh đối với SV.

Ông Nguyễn Khắc Cường, Trưởng phòng Đào tạo của trường tâm sự: Nếu quy định mức cao hơn sợ các em không đạt nổi, nhưng quy định mức thấp hơn lại không ổn. Vì bằng B đã là không cao lắm. Thế nhưng, SV cũng khá vất vả mới đạt được.

Từ nay, SV càng chật vật hơn khi học thêm tiếng Anh. Ảnh SV Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM trong ngày hội sách tại trường.

Để SV có quá trình rèn luyện ngay từ đầu, trường quy định năm thứ 2, SV phải nộp về khoa bằng A tiếng Anh.

Thế nhưng, tháng 9 năm nay, các khoa lại “xin được khất” tấm bằng này vì nhiều SV không đủ khả năng nộp bằng.

“Giờ trường phải gia hạn thêm 3 tháng, tức cuối tháng 12 này các em phải có bằng A. Có tấm bằng này các em mới được học tiếp chuyên ngành.” - ông Cường nói thêm.

Ông Cường cho rằng, do đặc thù của trường là quy tụ phần đông SV ở các tỉnh, vì thế trình độ tiếng Anh của SV là không đồng đều. Và SV ở các tỉnh ngay từ năm cấp 3 đã không có điều kiện để học tốt môn này, chưa kể những em học hệ tiếng Anh 3 năm từ thời phổ thông.

Đồng cảnh ngộ, nhưng có phần vất vả hơn, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đến nay vẫn chưa thể đưa ra loại công cụ, mức đánh giá trình độ cho chuẩn đầu ra ngoại ngữ.

Ông Nguyễn Văn Thư, Phó Hiệu trưởng của trường băn khoăn: doanh nghiệp yêu cầu trình độ ngoại ngữ cao, trong khi khả năng SV lại chưa tới. Trường không biết nên quy định mức nào cho hợp lý.

Theo ông Thư, nếu tổ chức dạy tiếng Anh căn bản cho SV tại trường là không đủ kinh phí, còn quy định mức trình độ cao lại sợ SV tốn nhiều tiền để học bên ngoài. Còn ở Trường ĐH KHXH&NV, giảng viên của trường đã phải dạy tiếng Anh chuyên ngành nên khó đảm bảo thời gian để dạy thêm tiếng Anh căn bản.

Sắp tới, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM sẽ họp để đưa ra chuẩn đầu ra ngoại ngữ hợp lý nhất.

Ông Thư dự kiến sẽ đưa ra mức chuẩn mềm dẻo hơn và có thể có nhiều mức như Trường ĐH Đà Nẵng đã thực hiện. “SV đạt được mức nào, tốt mức đó, nhưng mức “min” cũng phải bàn nhiều để doanh nghiệp không đánh giá SV quá thấp” - ông Thư lo ngại.

Ngày 15/1/2010 là hạn chót Bộ GD - ĐT yêu cầu các trường hoàn thành “Ba công khai” (Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, Chất lượng giáo dục thực tế và Thu chi tài chính). Khi các trường công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục thì bao gồm cả Chuẩn đầu ra. Chuẩn đầu ra ngoại ngữ cũng là một trong những chuẩn của Chuẩn đầu ra.
  • Minh Quyên

No comments: