Sunday, December 27, 2009

Cái bài quýnh giá này cũng được - đọc cho vui

Sinh viên đánh giá giảng viên- phù hợp hay không?

Dùng khái niệm "đánh giá" là một yêu cầu quá cao đối với sinh viên. Vì muốn đánh giá một sự vật, hiện tượng gì đó thì cần phải có tiêu chí, nội dung, phương pháp đánh giá. Hiện nay tiêu chí đánh giá, xếp loại giờ dạy ở các cấp học còn mỗi nơi một khác.


Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đề ra 10 giải pháp đổi mới quản lý giáo dục đại học, trong đó giải pháp thứ 7 có ghi rõ "Xây dựng quy định về hoàn thiện việc đánh giá quản lý giáo dục đại học: Sinh viên tham gia đánh giá giảng dạy của giảng viên. Giảng viên tham gia đánh giá hoạt động của lãnh đạo trường. Các đại học, cao đẳng tham gia đánh giá chỉ đạo quản lý của Bộ GD và ĐT, Bộ chủ quản và UBND tỉnh, TP nơi trường đóng". Việc đánh giá sẽ được triển khai từ tháng 5/2010.

Đây là một chủ trương mới, thể hiện đời sống sinh hoạt dân chủ trong các trường ĐH, CĐ được quan tâm hơn trước, hướng tới mục đích góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, riêng phần sinh viên tham gia đánh giá giảng dạy của giảng viên, người viết bài này xin tham góp như sau.

1. Không nên dùng khái niệm "đánh giá" như trò đánh giá thầy, sinh viên đánh giá giảng dạy của giảng viên vì có người còn cho rằng trò "đánh giá" thầy thế nào được, nhất là các thầy giáo già, các giáo sư, tiến sĩ đã có tiếng, có tên tuổi trong nước và trên thế giới.

Tôi cho rằng dùng khái niệm "đánh giá" là một yêu cầu quá cao đối với sinh viên. Vì muốn đánh giá một sự vật, hiện tượng gì đó thì cần phải có tiêu chí, nội dung, phương pháp đánh giá. Hiện nay tiêu chí đánh giá, xếp loại giờ dạy ở các cấp học còn mỗi nơi một khác. Thực tiễn cho thấy, đánh giá giờ dạy ở bậc học phổ thông của các thầy, cô ở tổ chuyên môn sau khi dự một tiết dạy, cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau với nhiều lí do chủ quan và khách quan. Điều đó, đã biến không ít giờ dạy chưa đạt yêu cầu thành giờ dạy khá, tốt và ngược lại.

Vì vậy trong chỉ đạo, ngành GD chỉ nên đề ra yêu cầu học sinh, sinh viên tham gia góp ý kiến giảng dạy môn học. Việc tổ chức cho sinh viên góp ý kiến về giảng dạy môn học thì đối tượng góp ý không chỉ là thầy, cô mà còn có cả chương trình và các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ việc giảng dạy và học tập môn học ấy như phòng thí nghiệm, thư viện...

Hiện nay có những môn học thầy giảng nhưng không có giáo trình và tài liệu, hay thư viện không có sách tham khảo. Sinh viên có thể đề nghị nhà trường, khoa, bộ môn...những vấn đề cần thiết mà mình cảm thấy chưa thỏa mãn để học tập tốt bộ môn. Nếu nói đến trò đánh giá thầy thì nhiều sinh viên cũng còn e ngại, tự ti cho rằng mình đâu dám đánh giá giảng dạy của thầy hoặc sợ va chạm, không phù hợp truyền thống tôn sư trọng đạo của nước ta.

2. Giải pháp sinh viên "đánh giá" giảng dạy của giảng viên nếu không thận trọng cũng dễ bị lợi dụng, có khi lợi bất cập hại. Việc tổ chức cho người học đánh giá người dạy không phải là mới. Ngay từ những năm đầu thập kỉ 60 của thế kỉ trước, nhiều trường THPT tỉnh Nam Hà (cũ) đã tổ chức cho đoàn viên thanh niên góp ý kiến cho giáo viên bộ môn và cho tới những năm gần đây vẫn có những trường, nhất là trường ngoài công lập có nhiều giáo viên dạy hợp đồng, hiệu trưởng nhà trường cũng tổ chức thu thập ý kiến học sinh đánh giá giáo viên.

Thực tế cho thấy việc tổ chức cho học sinh đánh giá giảng dạy của giáo viên là vấn đề không đơn giản, dễ va chạm tới tình cảm giữa người với người, phải hết sức thận trọng. Không nên làm như Phòng GD t/p Phan Rang tỉnh Ninh Thuận, cấp thẻ công chức cho giáo viên đeo trước ngực, một số thẻ có ghi "giáo viên chưa chuẩn" như báo chí đã nêu.

Thứ nhất, vì trong đời sống giáo dục, ở bất cứ trường học nào cũng vậy, không chỉ có mối quan hệ qua lại giữa thầy và trò mà còn liên quan đến giữa trò và trò, giữa thầy và thầy, giữa thầy và lãnh đạo nhà trường...Nhiều trường hợp có nhóm học sinh A cảm tình với thầy, đánh giá thầy dạy tốt nhưng lại có nhóm học sinh B đánh giá thầy giảng dạy chưa tốt. Từ đó hai nhóm học sinh A và B có khi sinh bè phái và cuối cùng thầy cũng biết được học sinh nào đánh giá về mình như thế nào.

Hai là quan hệ giữa thầy với thầy nếu đoàn kết thân thiện với nhau thì không có vấn đề gì, nhưng nếu có va chạm về chuyên môn hay trong cuộc sống thì các thầy lại có thể dựa vào đánh giá của trò để làm căn cứ phê bình, đả kích đồng nghiệp...

3. Quan hệ giữa lãnh đạo và giảng viên. Nếu giảng viên được góp ý kiến là giảng dạy chưa tốt như đi muộn về sớm, đánh giá học sinh không công bằng, thậm chí bán điểm, nhưng nếu được lãnh đạo yêu mến, bênh vực thì cũng chẳng sao. Trái lại có giảng viên được học sinh đánh giá tốt nhưng không được lòng lãnh đạo thì cũng không được nêu gương phát huy.

Vì việc trò đánh giá thầy vốn thông qua tổ chức hay cá nhân lãnh đạo nên những thông tin nửa kín nửa hở có khi bị xuyên tạc nên phải rất thận trọng.

Để mở rộng dân chủ trong học đường, các cấp quản lý giáo dục nên tạo điều kiện cho các thầy được tiếp xúc với học trò của mình để thầy biết được trò học tập như thế nào. Trò có thể trực tiếp đề nghị với thầy những yêu cầu cần thiết như giảng lại, nói thêm về một nội dung nào đó của bài giảng hoặc việc cho điểm chưa chính xác, trò còn bị thiệt thòi...

Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, nhiều trường vùng giải phóng thầy trò cùng sống chung nội trú hay sơ tán trong nhân dân, có điều kiện gần gũi giúp đỡ nhau trong học tập, giảng dạy nên tình cảm thầy trò thân thiện, làm cơ sở tinh thần cho việc dạy tốt học tốt. Ngày nay các cơ quan quản lý giáo dục cần có cơ chế chính sách tạo điều kiện cho thầy trò được tiếp xúc gần gũi ngoài giờ lên lớp, như cùng tham gia các câu lạc bộ, cùng thảo luận các chuyên đề, tổ chức cho học sinh nghiên cứu khoa học để thầy trò hiểu biết nhau hơn. Thầy yêu mến trò, trò kính trọng thầy mới là nền tảng tinh thần giúp nhau cùng học tốt dạy tốt.

  • Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả

No comments: