Monday, December 21, 2009

Phải tự hào là chỉ có ĐHBK TP.HCM làm tốt điều này

Hụt hơi với đào tạo tín chỉ

TT - Hiện nay nhiều trường đã chuyển sang đào tạo tín chỉ (ĐTTC). Việc triển khai ĐTTC còn nhiều lúng túng, đăng ký môn học của SV cũng gặp không ít khó khăn.

Đào tạo tín chỉ đòi hỏi SV tự học nhiều hơn. Trong ảnh: SV Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) tự học trong khuôn viên trường - Ảnh: NHƯ HÙNG

Học kỳ rồi T.N.V.K., SV năm 3 Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, đăng ký môn học theo danh sách do phòng đào tạo đưa xuống. Một tuần sau K. nhận được thông báo môn này bị xếp trùng giờ học nên phải đổi. K. lên phòng đào tạo để đăng ký môn học theo lịch mới.

Tuy nhiên K. được thông báo môn này học kỳ tiếp theo mới mở do quỹ phòng đã hết. Số tín chỉ K. chuẩn bị học trong học kỳ này đã bị rút xuống, đồng nghĩa với học kỳ sau K. sẽ học vất vả hơn do phải đăng ký môn học nhiều hơn.

Ít được chủ động

“Học kỳ này lớp em phải học bốn môn ở cơ sở Thủ Đức, ba môn ở cơ sở Đinh Tiên Hoàng (Q.1). Do sắp xếp các môn học ở hai cơ sở cách xa nhau nên việc thực tập, thực hành gặp rất nhiều khó khăn. SV không được chủ động trong việc chọn môn, giờ học cũng như giảng viên, nơi học thích hợp nhất cho mình” - K. nói thêm. Không chỉ bị động khi môn học bị hủy, nhiều lúc trường sắp xếp quá nhiều môn học khiến SV quá tải.

L.T.M., SV năm 3 Trường ĐH Hồng Bàng, băn khoăn: “Quy định của trường là phải đăng ký toàn bộ các môn trong danh sách khiến nhiều bạn quá tải, không theo kịp chương trình. Việc đăng ký các môn chuyên ngành khiến SV như ngồi trên lửa, khi các môn này tùy thuộc vào thời gian của giảng viên thỉnh giảng, có môn bị tạm hoãn một tuần, một tháng, đôi khi bị hủy môn để chờ giảng viên, thời gian học tập kéo dài”.

Không chỉ các môn bắt buộc, việc đăng ký các môn tự chọn cũng có rất ít sự lựa chọn một cách đúng nghĩa bởi số môn học tự chọn do trường đưa ra quá ít. N.T.K., SV năm 3 Khoa kinh tế (ĐHQG TP.HCM), nhận xét: “Thường SV chỉ biết lựa chọn các môn tự chọn do phòng đào tạo sắp sẵn, nhưng mỗi kỳ cũng chỉ có vài ba môn”.

Trong khi đó, các điều kiện phục vụ việc tự học của SV còn nhiều hạn chế. L.Q.D. (ĐH Kinh tế TP.HCM) nói hầu hết giáo trình D. đang sử dụng đều là photocopy nên có chỗ rất mờ, khó học. Thư viện trường không đủ chỗ cho các bạn tự học, nhiều khi lên trễ phải quay về trong khi số tài liệu thư viện cho mượn về nhà cũng hạn chế. Các phòng học hầu như không khi nào trống để có thể học nhờ.

Vừa làm vừa sửa

TS Phạm Tấn Hạ - phó phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) - cho biết học kỳ tới sẽ thử nghiệm cho đăng ký môn học trực tuyến để kiểm tra phần mềm như thế nào trước khi tiến hành đại trà. Tuy nhiên ông Hạ cũng lo lắng: SV phải có kỹ năng tối thiểu về vi tính mới có thể tìm lớp, đăng ký cũng như theo dõi lịch mở lớp, hoãn. Hiện nay nhiều SV năm 1 vẫn chưa biết sử dụng vi tính.

Trong khi đó tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - phó hiệu trưởng - cho biết tình trạng hủy, chuyển lớp vẫn còn, chưa thể đáp ứng hoàn toàn theo nhu cầu của SV. Hiện phòng ốc và giảng viên của trường đáp ứng được việc ĐTTC nhưng một số lớp thực hành phải căng ra dạy cả thứ bảy, chủ nhật.

PGS.TS Võ Văn Sen, hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), cho rằng giáo trình và tài liệu có vai trò đặc biệt trong ĐTTC. Các trường cần có giải pháp nâng cao chất lượng giáo trình cũng như cung cấp đầy đủ các loại sách: giáo trình, sách tham khảo và sách chuyên khảo để SV tự học. Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH ngoài công lập cho rằng tình trạng sử dụng giảng viên thỉnh giảng sẽ khiến việc ĐTTC gặp khó khăn.

Đội ngũ giảng viên chưa đủ để giảng dạy theo niên chế, khi chuyển sang tín chỉ sẽ càng thiếu nhiều hơn. Nhà trường chưa thể chủ động thời gian của giảng viên thỉnh giảng nên tình trạng hủy, chuyển lớp sẽ phổ biến khiến kế hoạch và sự chủ động học tập của SV bị ảnh hưởng rất nhiều.

TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM - cho rằng ĐTTC phải có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, giảng viên, giáo trình phải đủ đáp ứng nhu cầu học tập của SV, phải có đủ môn học để SV tự chọn. Hiện các thành viên ĐHQG TP.HCM đã chuyển sang ĐTTC nhưng nói là triệt để thì hầu như chưa có trường nào. Những trường như ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên đã ĐTTC hơn chục năm nhưng cũng chỉ là tương đối triệt để chứ chưa thể nói là triệt để như các trường nước ngoài.

ĐTTC, SV tự học, làm bài tập là chủ yếu nhưng phải dựa trên sự hướng dẫn của giảng viên. Ở nước ngoài, một giáo sư sẽ có một giảng viên trợ giảng để hướng dẫn SV làm điều đó. Ở VN hiện nay cũng đã thực hiện việc này nhưng giảng viên chưa đủ.

MINH GIẢNG - TRƯỜNG GIANG

“Bán tín chỉ”

Hầu hết các trường ĐH công lập đã chuyển sang ĐTTC. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là “bán tín chỉ” hay tín chỉ chưa triệt để. Trường ĐH Đồng Tháp đã chuyển sang ĐTTC từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa thể cho SV đăng ký môn học mà xếp lịch như khi đào tạo theo niên chế. Tương tự, Trường ĐH Luật TP.HCM bắt đầu chuyển sang ĐTTC từ khóa 2009 nhưng vẫn xếp lịch học cho SV như niên chế.

Ông Tạ Quang Lâm - phó phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho biết hiện trường đang chuẩn bị để năm 2010 chuyển sang ĐTTC.

Trong khi đó, nhiều trường ĐH ngoài công lập vẫn chưa thể chuyển sang ĐTTC do thiếu giảng viên, phòng ốc. TS Nguyễn Mạnh Cường, phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM, khẳng định chưa thể triển khai ĐTTC trong năm 2010. “Chúng tôi chưa có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, giảng viên, chương trình đào tạo để thực hiện” - thầy Cường cho biết.

No comments: