Thursday, January 7, 2010

Chào năm mới với những câu nói ấn tượng - cái câu màu đỏ được cá nhân tôi bình chọn câu nói năm 2009

Phát ngôn, hành động ấn tượng: Mừng hội “cướp bông”

"Chờ điều kiện chín muồi giải quyết tranh chấp Biển Đông"

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường vừa có cuộc họp báo đầu năm tại Hà Nội để đánh giá về tiến trình hợp tác 60 năm giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Tuy nhiên, những câu hỏi chủ yếu của báo chí đều xoay quanh tình hình quan hệ Việt - Trung gần đây liên quan tới biên giới trên đất liền và Biển Đông, cũng như cách Trung Quốc đối xử với ngư dân Việt Nam.

Ông Tôn Quốc Tường khẳng định: "Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng anh em. Nhưng cũng giống như quan hệ của các nước khác, trong quan hệ song phương của chúng ta chắc chắn tồn tại một số vấn đề. Tôi thường nói với các đồng chí lãnh đạo cũng như các bạn Việt Nam rằng trong gia đình dù là vợ chồng cũng có khi cãi nhau. Đây là vấn đề giữa anh em chúng ta".

Thực chất sự việc nghiêm trọng hơn thế nhiều: Đó không phải là chuyện lời qua tiếng lại thảng hoặc giữa "anh em chúng ta", mà là vấn đề liên quan tới chủ quyền của Việt Nam.

Cũng như việc Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam, tịch thu tàu, cứ cho là "một số là sự thật, một số không phải sự thật" như lời ngài Đại sứ, thì cũng phải được xác định là hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng cho dân thường, vi phạm nhân quyền và các nguyên tắc ứng xử văn minh.

Mặc dù coi "đây là vấn đề giữa anh em chúng ta", nhưng ngay sau đó ngài Đại sứ lại tuyên bố: "Làm thế nào giải quyết vấn đề đó cũng nêu ra thách thức to lớn đối với ý chí và thiện chí, trí tuệ và khả năng giải quyết vấn đề này. Nếu điều kiện chín muồi, hai bên giải quyết được vấn đề chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển quan hệ hai bên chúng ta".

Chuyện giữa hai anh em mà lại là "thách thức to lớn", đòi hỏi ý chí và thiện chí, trí tuệ, khả năng giải quyết sao? Nghe ra có vẻ tự mâu thuẫn.

Ngài Đại sứ phải dùng tới cả cụm từ "sáng kiến mang tính xây dựng" để nói về chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác" của Trung Quốc. "Sáng kiến" cho việc giải quyết "vấn đề giữa anh em chúng ta" ấy, thực chất không có gì mới, mà chỉ là: Cái gì của Trung Quốc thì Trung Quốc dùng, cái gì thuộc sở hữu Việt Nam (và các nước ASEAN) thì chia nhau.

Cách hành xử này tiếp tục thể hiện trong phát biểu của Đại sứ Tôn Quốc Tường về việc Trung Quốc đối xử với ngư dân Việt Nam vô nhân đạo: "Chúng tôi đã trao đổi riêng với các đồng chí Việt Nam. Chúng tôi cho rằng không nên đưa tin những việc xấu như thế này". Có vẻ như đây lại là phong cách thường thấy, "việc gì Trung Quốc làm mà gây ảnh hưởng xấu tới nước khác thì báo chí nước khác không nên đưa tin".

Năm 2010 kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc. Những phát biểu của ngài Đại sứ, nếu đại diện cho quan điểm của chính phủ Trung Quốc về Việt Nam, thì thật sự là không thực hiện được tinh thần của 16 chữ vàng hai nước đã đặt ra trong quan hệ Việt - Trung.

Mong người Việt trẻ ở nước ngoài "giữ được mình"

Vũ Ngọc Phan, sinh viên VN tại Seoul, Hàn Quốc, hỏi: "TW Đoàn và TW Hội đã, đang và sẽ làm gì để định hướng tư tưởng cho sinh viên du học nước ngoài vì đây là những người được tiếp xúc với các nền văn hóa khác, chế độ chính trị khác nhau và nhiều nguồn thông tin khác nhau?"

Trước câu hỏi này và trước băn khoăn về tình trạng người Việt trẻ ở nước ngoài tiếp xúc với nhiều luồng thông tin trái chiều, ít thông tin về đất nước, ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư TW Đoàn, bày tỏ hy vọng: "Chúng tôi mong các bạn có bản lĩnh để sàng lọc thông tin, giữ vững lập trường. Rất mong các bạn trẻ giữ được chính mình".

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư TW Đoàn. Ảnh: VNN
Nếu nhìn nhận một cách hiện đại và "thoáng" hơn, thì sẽ thấy rằng đại bộ phận lưu học sinh Việt Nam cần cù học tập cho tương xứng với thời gian và cơ hội họ có được ở nước ngoài (và với chi phí phải bỏ ra nếu là du học tự túc). Đa số không có vấn đề gì mà phải "giữ mình"; thậm chí nếu so với số lượng học sinh sinh viên trong nước, tỷ lệ lưu học sinh "hư hỏng" có thể nói là không đáng kể.

Bên cạnh đó, lưu học sinh cũng là những người trưởng thành, có khả năng nhận xét, đánh giá, xử lý thông tin. Vả lại, "đi một ngày đàng học một sàng khôn", có đi ra ngoài mới hiểu thêm về mình, du học sinh nếu có nhu cầu tìm hiểu cũng sẽ không thiếu gì thông tin về đất nước, nếu không nói là nhiều hơn người trong nước. Còn cá nhân nào làm điều gì sai thì phải tự chịu trách nhiệm. Thế nên, thiết nghĩ nỗi sợ lưu học sinh nhận được nhiều luồng thông tin trái chiều, cần định hướng, là có phần hơi quá.

Cả câu hỏi về việc "định hướng tư tưởng" cho lưu học sinh, lẫn câu trả lời mong các bạn trẻ "giữ được mình" đều phản ánh tư tưởng đánh giá thấp khả năng tư duy độc lập và bản lĩnh của lưu học sinh Việt Nam.

Đại biểu QH hay người đưa thư?

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2009 của đoàn ĐBQH Hà Nội chiều 6/1, ĐBQH Nguyễn Ngọc Đào nói về chất lượng của các cuộc tiếp xúc cử tri: Đại diện cử tri đến dự thường phát biểu khen ngợi ĐBQH, thay vì phản ánh đầy đủ những bức xúc của người dân. Bên cạnh đó, những người trực tiếp nắm giữ trách nhiệm giải quyết các khó khăn, "gỡ rối" cho nhân dân, là lãnh đạo, quan chức chính quyền thì không phải lúc nào cũng có mặt.

Ông Đào kiến nghị: "Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện khi tổ chức phải cố gắng mời bằng được, hay có chế tài với các quan chức chính quyền có mặt với các ĐBQH để giải quyết các bức xúc của nhân dân... Khi đó, ĐBQH mới thực sự là cầu nối, nếu không, họ chỉ là những người đưa thư trả lời mà thôi". (VietNamNet, 7/1)

ĐBQH Nguyễn Ngọc Đào. Ảnh: VNN

Thật ra, thực trạng này là một vấn đề không mới: ĐBQH nhận đơn, thư phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua các cử tri trong những cuộc tiếp xúc cử tri, rồi "chuyển cho cơ quan chức năng", sau đó cùng... chờ. Các nhân vật quan trọng, cần lắng nghe phản ánh nhất, thì không có mặt.

ĐBQH "kỳ cựu", ông Nguyễn Minh Thuyết, từng cho biết: "Tôi thấy rất nhiều trường hợp người dân gửi đơn, một số cơ quan hoặc im lặng, hoặc trả lời vắn tắt một cách hình thức. Chuyển đơn hộ người dân, tôi lại phải vào sổ theo dõi, rồi gửi thư giục, nhắc nhở, có trường hợp phải 4-5 lần".

Để giải quyết vấn đề "không mới" này, hoặc chúng ta phải có những giải pháp, những đổi mới căn bản về cơ chế, hoặc (trong ngắn hạn) phải thực hiện theo cách mà ĐB Nguyễn Ngọc Đào đã đề nghị, là có chế tài yêu cầu các quan chức có mặt cùng ĐBQH để "gỡ rối" cho dân.

Tất nhiên giải pháp này có thể vẫn chưa triệt để - vì hiện diện cùng ĐBQH chưa đủ để giải quyết hết các vấn đề - nhưng ít ra nó cũng tạo cảm giác cử tri và người dân được lắng nghe hơn. Sao cho không còn cảnh như ĐBQH Nguyễn Ngọc Đào phải than: "Chính quyền không nghĩ rằng đại biểu cũng chính là cánh tay của mình, cũng là lực lượng của mình cần để đi với dân, cùng với dân và làm cho dân".

Có chứng cứ khởi tố ông Huỳnh Ngọc Sĩ tội nhận hối lộ

Trả lời báo chí về tiến trình điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Ban QLDA đại lộ Đông - Tây liên quan đến ông Huỳnh Ngọc Sĩ, Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh nói: "Có chứng cứ đề nghị khởi tố bị can". Ông cho biết, sau khi cơ quan điều tra tiến hành dịch các tài liệu phía Nhật Bản đưa sang, các dấu hiệu về tội nhận hối lộ "đã rõ".

Thế là cũng mất tới gần một năm chờ đợi, tội nhận "hối lộ" của ông Huỳnh Ngọc Sĩ - mà công luận coi là rõ rành rành - mới được cơ quan điều tra Việt Nam đánh giá là "đã rõ". Đây là một sự thận trọng cần thiết để đảm bảo không làm người vô tội bị hàm oan, tuy nhiên giá mọi sự có thể diễn tiến nhanh hơn... thì tốt hơn!

Có gì đâu, nhỏ ấy mà

Đây là câu chuyện được thuật lại trên báo Tiền Phong, ngày 2/1. Về việc nhiều giáo viên tại Đồng Hới, Quảng Bình chưa được nhận lương tháng 12, phóng viên tìm cách liên lạc với ông Trần Đình Dinh, Chủ tịch UBND Thành phố Đồng Hới. Ông Dinh trả lời là bận họp. Trao đổi qua điện thoại, ông Dinh cho rằng: "Việc này có gì đâu, nhỏ ấy mà, có gì mà làm việc".

Khi phóng viên "phản biện" rằng đây không phải vấn đề nhỏ mà đang ảnh hưởng đến đời sống của nhiều giáo viên, Chủ tịch Trần Đình Dinh nói: "Trên địa bàn Đồng Hới chỉ có bảy trường và bảy, tám trường hợp chi đó là không có lương tháng 12 thôi. Việc này không có ai lỗi cả. Chẳng qua do cân đối quỹ lương thế nào đó nên xảy ra một số trường hợp thôi. Chúng tôi sẽ tổ chức họp để giải quyết".

Chuyện có lẽ cũng "nhỏ", nhưng đấy là với Chủ tịch UBND TP thôi, chứ với các giáo viên địa phương lương "ba cọc ba đồng", cần tiền để chi tiêu những ngày cuối năm, thì e là chẳng phải chuyện nhỏ chút nào.

Dù sao đi nữa, cũng xin ngợi khen tinh thần ham... họp của Chủ tịch: Lúc phóng viên liên hệ, ông đang họp, và ông hứa sẽ giải quyết câu chuyện nhỏ nói trên bằng một cuộc họp khác. Giá ông hoãn bớt các cuộc họp cuối năm để xuống cơ sở xử lý cho các giáo viên, thì lại còn đáng ngợi khen hơn nữa.

Những chuyện "lôm côm" tại Hội nghị văn học quốc tế

Hội nghị văn học quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam (diễn ra tại Hà Nội từ 5-10/1) mới bước sang ngày thứ hai nhưng đã bộc lộ nhiều sự "lôm côm" trong khâu tổ chức. Chẳng hạn, ngay từ cái tên tiếng Anh "International Conference to Introduce Vietnam Literature" đã là một cách dịch "rất Việt".

Tên gọi của hội nghị được dịch ra tiếng Anh một cách rất Việt Nam. Ảnh: VNE

VnExpress phản ánh, nhiều đại biểu phát biểu lan man, còn khi thảo luận nhóm thì các cuộc thảo luận phần lớn rơi vào tình trạng chuyện ai người ấy nói. Trong khi đó, lại có một nữ thi sĩ "tranh thủ" tự quảng bá thơ một cách thật thà (phát biểu quá giờ): "Hôm nay, tôi mang theo tập thơ mới nhất mà tôi đã tự dịch từ tiếng Mường sang tiếng Việt. Nếu các bạn yêu tôi một chút thì mong các bạn dịch sang tiếng nước các bạn..."

Có lẽ đã tiên lượng được những chuệch choạc nên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông Hữu Thỉnh, nói: "Hội nghị không thể không có những thiếu sót. Bởi chúng ta mới tổ chức đến lần thứ hai, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức những sự kiện thu hút nhiều đại biểu đến từ nhiều quốc gia như thế này". (VnExpress, 7/1)

Kể ra, tất nhiên là đã làm phải có sai (không làm gì cả thì mới không sai) nhưng nếu bảo mới làm lần thứ hai nên không thể không có những thiếu sót như ông Hữu Thỉnh, thì cũng khó chấp nhận. Bởi lẽ những hội thảo thế này, có khi chục năm mới làm một lần, thời gian chuẩn bị ắt có nhiều, đã "tiêu tốn tiền thuế của dân" (từ của nhà văn Võ Thị Hảo) thì cần làm chuyên nghiệp hơn nữa.

Nhân phát biểu của nhà văn Hữu Thỉnh, cũng lại là chuyện "tổ chức lần thứ hai, chưa có nhiều kinh nghiệm", là câu chuyện chính của phát ngôn & hành động ấn tượng tuần này: Lễ hội Hoa Hà Nội 2010 ven hồ Hoàn Kiếm (31/12-4/1).

Hành động ấn tượng: cướp hoa trong Lễ hội Hoa

Lễ hội Hoa Hà Nội diễn ra trong không khí tưng bừng và tâm trạng phấp phỏng của những người vốn đã biết đến vụ vặt hoa trưng bày ở lễ hội trước và bẻ hoa anh đào tại triển lãm tháng 4 năm trước. Không nói ra mặt... báo nhưng ai cũng thầm lo năm nay, những người "yêu hoa", "yêu lộc" sẽ tái diễn trò vặt hoa năm ngoái.

Thực tế, những ngày đầu diễn ra khá suôn sẻ, hiền hòa. Hoa đẹp, du khách đông, cảnh tượng rực rỡ sắc xuân bên Hồ Gươm thanh bình. Tiếc thay, người dân thủ đô lại chỉ "nhịn" được tới phút cuối cùng. Sáng 4/1, người ta đã xông vào cướp các rọ hoa khi BTC đang thu dọn sau lễ bế mạc.

Tranh nhau lấy hoa trong ngày cuối của Lễ hội Hoa Hà Nội. Ảnh: Người lao động

Mặc dù có ý kiến cho rằng "hiện tượng tranh giành hoa tuy có nhưng không tới mức hỗn loạn" (Người Lao Động, 5/1), song hình ảnh các nam thanh nữ tú và cả ông bà già tranh nhau những giỏ hoa giữa ban ngày, ngay trước khu tượng đài Lý Thái Tổ, trước sự "bó tay" của lực lượng an ninh đã để lại ấn tượng rất xấu về sự "thanh lịch" của người Tràng An.

Một vài bức ảnh báo chí ghi lại vẻ mặt hỉ hả của những người ra về với số hoa cướp được, cho thấy đây là biểu hiện của sự vô ý thức về nhiều mặt: về nếp sống văn minh, về sự tôn trọng trật tự đô thị và lợi ích công cộng, về thẩm mỹ, về ý thức bảo vệ cái đẹp tự nhiên...

Những người dân thủ đô ấy đã "xông đất", "mở hàng" cho năm mới dương lịch 2010 bằng hành động thật ấn tượng lắm thay!

"Như thế là thành công"

Đó là nhận định tổng kết của ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội về Lễ hội Hoa Hà Nội 2010.

Giải thích về tình trạng giá vé gửi xe của du khách vọt lên tới 10.000, 20.000 đồng mà không ai kiểm soát, ông Lợi cho biết: "Đúng là có nhiều bãi trông giữ xe đã thu tiền vé xe trái quy định, nhưng việc này đã phân cho quận Hoàn Kiếm đảm nhiệm. Còn quận thì người ta giao cho các phường bố trí được các điểm trông giữ. Chúng tôi cũng quán triệt, quy định rõ ràng, cũng có bảng biển rõ ràng nhưng vẫn xảy ra thu trái quy định". (Tiền Phong, 6/1)

Ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội. Ảnh: Hà Nội mới
Còn cảnh hỗn loạn, đua nhau vặt hoa trong buổi hạ màn, thì ông lý giải: "Hầu hết số hoa đã được chuyển về công viên ngay trong đêm bế mạc; người ta thấy còn hoa nên vào xin, vào lấy... Những loại hoa chính người ta chuyển đi hết rồi. Cái còn lại người ta (Ban tổ chức và các chủ hoa) cho thì nhiều người xin, tạo ra cảnh chen lấn".

Nói tóm lại, sau khi nghe đại diện của Sở VH-TT&DL Hà Nội giải thích, thì chẳng còn biết (những) ai là người chịu trách nhiệm, ai là người có lỗi. Thậm chí, ngay cả một phát biểu chỉ rõ rằng những việc này là do người dân thiếu ý thức, thì dù là đổ hết lỗi cho dân chúng, cũng còn hợp lý hơn là xuê xoa theo kiểu "chẳng hiểu sao vẫn xảy ra sai sót, đã quy định rõ ràng rồi kia mà" hay "dân người ta xin hoa cho vui ấy mà"...

Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Lợi vẫn đánh giá Lễ hội Hoa "có quá đông người tham quan, nên như thế cũng là thành công rồi". Nghĩa là con số khoảng 2 triệu lượt du khách là biểu hiện của thành công.

Đến đây thì chúng ta lại phải xét xem tiêu chí thành công, hay mục đích mà BTC đặt ra là gì, để nếu đạt được thì tức là thành công, không thì là thất bại. Theo báo chí đưa tin, Lễ hội Hoa 2010 là sự kiện được tổ chức nhằm "tôn vinh nét đẹp của hoa và văn hóa truyền thống Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến".

Nếu vậy thì, với việc các điểm giữ xe chặt chém khách du lịch, và cảnh tượng hỗn loạn hôm hạ màn do hàng trăm người lao vào "xâu xé" hoa cảnh, Lễ hội Hoa chắc chắn không đạt được mục đích đã đề ra. (Đấy là chưa bàn tới số tiền chi ra lên đến 17 tỷ đồng). Và nếu vậy thì phải phát biểu ngược lại: Như thế là thất bại!

No comments: