Wednesday, January 20, 2010

Bực mình nha, không muốn trả lời rồi mà cứ dí hỏi hoài! He he

Bao giờ giáo viên sống được bằng lương?

Câu hỏi này đã được đặt ra từ lâu nhưng chưa bao giờ có được câu trả lời. Mấy năm gần đây giá cả leo thang và sự thu nhập trong xã hội ngày càng phân hoá, chênh lệch nhau tới hàng mấy chục lần thì câu hỏi trên lại trở nên thời sự và bức xúc.

Nợ lương, phụ cấp giáo viên: Hàng trăm tỷ đồng

Ví dụ hiện nay có mười bảy vạn giáo viên mầm non, trong đó có hơn chín vạn cô giáo ngoài biên chế, lương giáo viên hợp đồng phổ biến là 500.000 đ/ tháng có nơi chỉ có 300.0000 đ thậm chí 100.000 đ/tháng. Nhìn chung toàn ngành giáo dục lương của giáo viên vào khoảng trên dưới 2.000.000 đ/ người/tháng. Bên cạnh việc đồng lương còn thấp, nhiều nơi còn nợ lương giáo viên, nhất là các khoản dạy thêm giờ và phụ cấp lương.

Theo Ban chính sách của Công đoàn Giáo dục Việt Nam thì có tới 2/3 các địa phương nợ lương giáo viên, phụ cấp lương lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Cuối năm tết đến xuân về trong khi nhiều cán bộ nhân viên các ngành khác vui mừng với các khoản tiền thưởng tết, thì đại bộ phận giáo viên nhất là giáo viên ở nông thôn, vùng núi xa xôi hẻo lánh không có tiền thưởng tết, hoặc nếu có, chỉ vào khoảng 30.000 đến 50.000 đ/ người. Cũng giống như Ngày nhà giáo Việt Nam nhiều giáo viên không được tặng một bông hoa nào.

Không thể nhìn vào thu nhập của một số giáo viên ở thành phố chạy show đi dạy thêm mà nghĩ rằng đời sống giáo viên đã quá cao so với ngày xưa. Gần đến Tết Kỷ Sửu năm ngoái, ngày 14 tháng giêng năm 2009, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã phải có bức thư gửi tới Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Chủ tịch MTTQVN các tỉnh, t/p đề nghị các địa phương chăm lo cho các thầy cô giáo trong dịp Tết.

Trong thư có câu: Là Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, tôi cảm thấy rất băn khoăn khi ngày Tết đến, không góp phần lo được cái Tết cho gia đình của một triệu thầy cô giáo viên mầm non và phổ thông. Tôi thiết tha đề nghị các đồng chí Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Chủ tịch UBMTTQ các tỉnh, t/p các quận huyện bằng khả năng tối đa của mình góp phần làm cho ngày Tết là những ngày vui hơn của gia đình các thầy cô giáo tại quận mình, huyện mình, tỉnh mình, t/p mình, để ít đi những giọt nước mắt phải chảy ngược vào trong lòng mỗi khi Tết đến.

Bao giờ dự án "cải cách tiền lương" ra đời?

Cách đây hơn 3 năm, lãnh đạo Bộ cho biết sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010 nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình. Nhiều người cho rằng đây là một giải pháp có tính đột phá.

Nhưng năm 2010 đã tới mà chưa thấy tăm hơi của đề án cải cách tiền lương nhà giáo như thế nào?

Trong khi cái mong chờ "đỏ mắt" không thấy thì lại thấy những đề án, những dự án chẳng ai mong muốn gì được ra đời như thực hiện chế độ hợp đồng giáo viên thay cho chế độ biên chế nhà nước hiện có. Bỏ miễn học phí sinh viên sư phạm thay bằng chế độ tín dụng.

Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo phải giảng dạy chín năm, giảng viên mới được xếp vào tiêu chuẩn giảng viên chính. Vì thế giảng viên trẻ thuộc dạng cận nghèo. Trong phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tháng 08/2009 Chủ tịch Uỷ ban pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng quy định này có tác động rất lớn đến xã hội, cần xem xét và tổng kết việc sinh viên học sinh không theo nghề như thế nào, và phải có chính sách phù hợp, động viên, khuyến khích họ bám ngành.

Tình trạng giáo viên hiện nay chưa sống được bằng đồng lương của mình dẫn đến nhiều hệ luỵ: Hàng triệu giáo viên mầm non phổ thông đang gặp khó khăn trong đời sống từ những bữa cơm hàng ngày cho đến chỗ ở, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non làm nhiều hưởng ít. Trong số 170.000 giáo viên mầm non có tới 55% giáo viên hợp đồng, ở miền Bắc có tới 90% số giáo viên hợp đồng lương phổ biến là 300.000 - 800.000 đ/tháng.

Các trường sư phạm đã không tuyển được sinh viên giỏi, nguồn tuyển sinh gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ nghiên cứu sinh sau khi hoàn tất chương trình tiến sĩ ở lại với ngành giáo dục khá thấp, chỉ khoảng 20- 25% do sử dụng họ chưa tốt, chưa tạo được điều kiện làm việc, họ "không có đất dụng võ". Mức lương của họ lại không đủ sống- vài triệu đồng/ tháng so với vài ngàn đô la/ tháng. Vậy nên giữ họ lại trong ngành hay để họ tự nguyện ra đi....

Tình trạng giáo viên bỏ nghề thôi việc, các trường thiếu giáo viên vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Ở huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đang thiếu hơn 200 giáo viên. Theo phòng giáo dục huyện này, nguyên nhân thiếu giáo viên là do đời sống kinh tế xã hội khó khăn, chính sách ưu đãi chưa thoả đáng nên huyện tuyển không đủ. Năm 2009 -2010 t/p Hồ Chí Minh tuyển mấy lần mới được 3.500 giáo viên, song vẫn còn thiếu 600 giáo viên tiểu học.

Lương chưa đủ sống, nhiều giáo viên phải làm việc khác để đảm bảo cuộc sống thường nhật cho bản thân và gia đình như giáo viên đại học phải chạy "show" như ca sĩ, có người ghi danh hợp đồng tới 5 trường đại học, cao đẳng thì còn hơi sức đâu mà họ nghiên cứu bài giảng, tiếp xúc với sinh viên, nghiên cứu khoa học...Trong khi đó Bộ lại đưa ra chủ trương "trò đánh giá thầy". Rõ ràng "cơm áo không đùa với giáo viên"!

Tình trạng dạy thêm tràn lan nhất là ở t/p, thị xã từ lớp 1 trở lên, vẫn tiếp tục gây áp lực nặng nề đối với học sinh. Còn có những thầy cô giáo phải chạy chợ, làm ruộng, chạy xe ôm ....

Bao giờ giáo viên sống bằng đồng lương của mình? Nếu câu hỏi này chưa trả lời được thì mọi hô hào nâng cao chất lượng đội ngũ chỉ là "suông" và mọi giải pháp khác nâng cao chất lượng giáo dục chỉ là hình thức.

Bởi từ xưa cha ông ta đã dạy: Có thực mới vực được đạo!

No comments: