Wednesday, January 6, 2010

Cấm rượu - nên không?

Nga cố gắng trị nghiện vodka

Tổng thống Dmitry Medvedev chúc rượu vodka các cựu binh Thế chiến II ở Moscow hôm 9/05/2009

Hầu hết người Nga coi vodka là 'quốc hồn quốc tuý' của họ.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hy vọng rằng sang năm mới, người dân nước ông sẽ hạ quyết tâm cai rượu – một vấn nạn nhức nhối và đau đầu ở Nga.

Kể từ ngày 1/1, một số hạn chế về giá vodka ở Nga bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, giá một chai rượu vodka (500 ml.) rẻ nhất sẽ là 89 rúp (khoảng ba đô-la Mỹ). Mặc dù giá này vẫn rẻ nhưng luật mới này nằm trong kế hoạch chống nghiện rượu của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev.

Chuyện người Nga uống rượu nhiều không phải chuyện đùa. Trung bình cả nước mỗi người uống khoảng 18 lít cồn nguyên chất một năm.

Năm ngoái, khi ông Medvedev phát động chiến dịch của mình, ông gọi vấn nạn rượu chè ơ Nga là một điều “đáng xấu hổ của quốc gia” và tuyên bố quyết tâm cắt giảm 25% con số trên vào năm 2012.

Tuy nhiên việc chống tiêu dùng thức uống mà người Nga xem là thức uống quốc gia của mình là một động thái chính trị can đảm trong bối cảnh các người tiền nhiệm của ông đã không mấy thành công.

Không được bán nước hoa

Cách đây 24 năm đã có người thử làm tương tự. Lúc đó, nước Nga còn thuộc Liên bang Xô-viết.

Luật này không phải là giải pháp mà chỉ là một bước nhỏ mà thôi, nhưng cũng tích cực, trong cuộc chiến chống nghiện rượu.

Bác sĩ Elena Igorevna thuộc Trung tâm Khoa học Mát-cơ-va về Chất gây nghiện

Thời đó, lãnh tụ Xô-viết Mikhail Gorbachev đã cắt giảm sản xuất vodka đáng kể và không cho phép bán trước 2 giờ chiều.

Đáng nói là, nước hoa cũng không được bán trước ngọ bởi vì người ta bắt đầu uống cả nước hoa.

Số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ người chết và nghiện rượu giảm. Tuy nhiên, doanh thu của nhà nước Liên Xô đã bị ảnh hưởng nặng nề và danh tiếng của ông Gorbachev cũng giảm.

Tổng thống Medvedev không thể để cho một trong hai điều trên xảy ra.

Một điều mà ông Medvedev biết chắc là nếu ông có thể giảm nạn rượu chè ở Nga, ông có khả năng cải thiện sức khỏe và tuổi thọ và qua đó tăng GDP của Nga.

Vào thời điểm này, rượu vodka lậu đang được bán với giá 40 rúp cho 500 ml. Do đó ngay cả giá bán 3 đô-la/một chai vodka vẫn còn rẻ đối với nhiều người, giá này gấp đôi giá bán rượu lậu.

Một điều quan trọng đối với nhà nước là mức giá sàn do luật này áp đặt đang tạo ra cách phân biệt hàng hợp pháp và bất hợp pháp, đồng thời cũng thu được vài nguồn thu từ thuế.

Một bước nhỏ

Vodka

Nga có mức tiêu thụ vodka lớn nhất thế giới

Nhưng liệu việc đưa ra mức giá sàn như vậy có hiệu quả không?

Các bác sĩ đang xử lý vấn đề này không chắc lắm.

Cô Elena Igorevna từ Trung tâm Khoa học Moskow về chất gây nghiện nói: “Luật này không phải là giải pháp mà chỉ là một bước nhỏ mà thôi, nhưng cũng tích cực, trong cuộc chiến chống nghiện rượu,”.

“Tôi nghĩ rằng cần phải xử lý mọi vấn đề một cách tổng thể. Nạn nghiện rượu là vấn đề quan trọng có tầm cỡ quốc gia”.

Vấn đề đối với ông Medvedev là, lịch sử đã cho thấy, mỗi khi Nga cố gắng chống tệ nạn rượu chè thì việc bán rượu lậu cũng tăng lên.

Các chuyên gia ước tình rằng rượu vodka lậu được sản xuất ngoài giờ tại các hãng chưng cất rượu hợp pháp – chiếm gần 50% tổng số vodka đang được người Nga tiêu thụ.

Chất uống có cồn này không được kiểm soát và là nguyên nhân chính cho con số 35,000 ca tử vong/năm do ngộ độc rượu bia.

Đầu năm nay, tạp chí y tế The Lancet ở Anh đã ước tính một nửa các ca tử vong ở Nga trong độ tuổi từ 15 đến 54 đều có liên quan đến rượu.

Trò chơi

Nhà phân tích chính trị Dmitry Oreshkin nói, con số trên có thể còn cao hơn số tử vong do tai nạn giao thông, bởi vì các ca tử vong do tai nạn lao động hoặc do các tai nạn khác ở Nga thường liên quan đến việc quá chén.

Tuy nhiên, ông nói rằng việc tăng giá vodka lên 89 rúp nghe chừng có vẻ như một trò chơi chính trị hơn là giải quyết vấn đề một cách triệt để.

Theo ông Oreshkin, cách làm hiệu quả hơn sẽ là thay đổi văn hóa và thái độ đối với việc uống rượu – nhưng làm như vậy sẽ phải mất mấy thế hệ.

Trong khi đó, vấn đề kinh niên là Nga luôn muốn có một giải pháp cấp thời.

No comments: