Wednesday, March 23, 2011

Tu Tập Để Tâm An Định

Viết bởi Tuệ Dũng

Hỏi: Vẻ bên ngoài của con rất điềm tỉnh nhưng bên trong thường không yên, vọng tưởng nổi lên như sóng cồn. Cầu mong đạo sư chỉ dạy cho con pháp môn tu tập giúp cho tâm con được an định.

Garchen Rinpoche:

Đối với những hành giả sơ căn mới bước trên con đường tu tập thì cách tốt nhất là suy gẫm và quán chiếu về Bốn Tư Tưởng Chuyển Tâm. Bốn Tư Tưởng Chuyển Tâm đó là:

(1) thân người hiếm quý khó tìm, với đầy đủ thuận duyên để có thể bước đi trên con đường đạo
(2) nhân quả
(3) vô thường
(4) những khiếm khuyết của cõi ta bà

Tất cả những vọng tưởng đều phát xuất từ tâm vị kỷ. Gốc rễ của mọi vọng tưởng là do chấp ngã. Nếu con chấp ngã càng nhiều thì những xúc cảm ô trược và vọng tưởng trong con sẽ càng trở nên ào ạt. Khi càng quán chiếu về Bốn Tư Tưởng Chuyển Tâm thì sẽ càng hiểu được rằng tâm vị kỷ và chấp ngã là điều sai trái, tạo thêm ý nghiệp, làm cho con thêm phiền não, đánh mất đi thời giờ tu tập quý báu mà thôi. Hiểu được như vậy rồi thì con sẽ thực tập vị tha. Khi bớt chấp ngã và tâm vị kỷ không còn mãnh liệt thì vọng tưởng cũng sẽ dần lắng xuống vì những phiền não sẽ không dễ nổi lên, hoặc nếu có nổi lên thì cũng sẽ được nhận diện để chặt đứt đi ngay tức khắc.

Đối với những hành giả trung căn thì phải luôn luôn nuôi dưỡng và thực hành Bồ Đề tâm, là tâm nguyện cao cả hy sinh cho người khác, luôn luôn quên mình mà xả thân làm những công việc lợi lạc cho chúng sinh, cùng với ý nguyện muốn đắc quả giác ngộ cũng vì lợi lạc cho chúng sinh. Các con phải luôn luôn cố gắng nuôi dưỡng một tâm lành. Tâm tốt lành hay tâm hòa nhã là điều mà đức Đạt Lai Lạt Ma thường xuyên nhắc nhở chúng ta. Khi tâm lành và tâm hòa nhã được nuôi dưỡng trong mỗi một phút giây thì vọng tưởng cũng sẽ dần dần giảm thiểu.

Riêng đối với các hành giả thượng căn thì các con phải quán chiếu để hiểu về bản chất của tâm, về bản chất của các xúc cảm của tâm ô trược. Tâm ô trược hay các xúc cảm phiền não không khác chi những cơn sóng ồ ạt trong biển cả. Sóng chính là biển, biển không thể không có sóng. Sóng không khác biển. Cả hai đều hợp nhất. Cũng thư thế, vọng tưởng không nằm ngoài chân tâm. Vọng tưởng và chân tâm trên thực chất chỉ là một. Khi sóng tan đi, thì tan đi về đâu? Không đi đâu cả. Sóng trở thành biển. Sóng và biển hợp nhất.

Khi các con thực tập yêu thương, luôn quan hoài đến kẻ khác trong tinh thần vô chấp thì đó chính là tình yêu tối thượng không gì sánh bằng. Khi trong tâm lúc nào cũng chan hòa tình yêu thương tối thượng thì sân hận sẽ giảm thiểu, đố kỵ sẽ giảm thiểu, vọng tưởng sẽ giảm thiểu. Nguồn gốc đưa chúng sinh đọa vào các cõi thấp chính là tâm sân hận và tâm oán ghét. Do đó, ngay cả bây giờ có phải mất mạng đi nữa thì các con cũng không được phát tâm sân hận hay oán ghét một ai, tuyệt đối không được xoay lưng với tình yêu thương! Đây chính là những phẩm hạnh cao cả của giác ngộ.

Cái gì có thể giúp các con thực hành được những điều trên? Chánh niệm và tỉnh thức có thể giúp được các con. Khi tâm sân vừa lóe lên, thì hãy ngay lập tức lấy chánh niệm ra để dập tắt. Rồi sau đó, hãy tỉnh giác và quán chiếu xem cơn giận này từ đâu đến, do đâu mà ra. Hãy cố gắng nhìn vào bản chất của cơn giận. Cơn giận này có thật hay không có thật? Thực chất của cơn giận nằm ở đâu? Hay cũng chỉ là duyên khởi nên trong cơn giận, hãy nhận ra được tánh Không. Nếu các con chịu khó giữ chánh niệm và quán chiếu sâu sắc trong mỗi một phút giây thì một ngày kia, các con sẽ tự giải thoát mình ra được hết tất cả các vọng tưởng và xúc cảm ô trược.

Đức Jigten Sumgon [vị tổ khai sáng dòng truyền thừa Drikung Kagyu của Phật Giáo Tây Tạng] đã từng nói: Tất cả chư Phật đều nằm trong tâm của chúng sinh.

Điều này có nghĩa là chư Phật trong ba đời phát xuất từ chính sự thực hành chánh niệm và tỉnh giác của chúng sinh. Tâm của Phật và tâm của chúng sinh cùng một bản chất. Khi thực hành chánh niệm và tỉnh giác thì các con sẽ biết được đâu là sai, đâu là đúng. Từ đó, trí tuệ nảy sinh. Khi trí tuệ nảy sinh thì các xúc cảm ô trược và vọng tưởng sẽ được tiêu trừ ngay từ trong trứng nước.

Thật ra, tâm của Phật và tâm của chúng sinh cùng một bản chất, cùng là nước. Nhưng tâm của Phật giống như nước trong văn vắt, trong khi tâm của chúng sinh thì giống như nước bùn đục ngầu. Bùn đục trong tâm của chúng sinh chính là những xúc cảm ô trược và vọng tưởng, là tâm chấp ngã, bám víu vào cái ta hư huyễn. Dù là như vậy nhưng bùn đục này cũng đâu có nằm ngoài nước, đâu có tách rời khỏi nước? Giống như những xúc cảm ô trược và vọng tưởng cũng không nằm ngoài tâm, không tách biệt khỏi tâm nhưng khi biết cách thanh tịnh hóa thì bùn dơ sẽ lắng xuống, nước trong sẽ trồi lên.

Nếu ngày hôm nay, các con biết quán chiếu để giúp cho bùn dơ lắng xuống và để cho nước trong trồi lên thì mỗi ngày mỗi chút, mối tháng mỗi chút, mỗi năm mỗi chút, bùn cạn sẽ càng lắng và phía trên mặt nước sẽ chỉ còn toàn nước trong. Đến một lúc nào đó, khi tâm tỉnh giác của các con hoàn toàn sáng ngời và mãnh liệt nhất, đó là khi các con sẽ thành đạt Phật quả.

Đức Phật đã giảng dạy 84.000 pháp môn, nhưng các con chẳng nên lo lắng có quá nhiều pháp môn [chẳng hạn nên theo pháp môn nào]. 84.000 pháp môn đó cũng không nằm ngoài hai chân lý huyền diệu, là tục đế và chân đế, là sự thật tương đối và sự thật viên mãn. Sự thật thứ nhất là sự thật tương đối, là tình yêu thương, lòng quan hoài vô chấp, vô vị kỷ đến vô lượng chúng sinh. Đây chính là tâm Bồ Đề tương đối, là tâm tốt lành, tâm hòa nhã, tâm từ ái. Nhưng muốn thực hành được tâm Bồ Đề tương đối thì các con cần có một hiểu biết đúng đắn về nhân quả! Còn sự thật thứ nhì, sự thật viên mãn là dùng chánh niệm và tỉnh giác để quán chiếu trực nhận tánh Không, trực nhận vô ngã. Khi trực nhận vô ngã thì Bồ Đề tâm sẽ viên mãn như trăng tròn. Chỉ cần các con thực hành sâu sắc hai chân lý huyền diệu này là các con đã thực hành hết 84.000 pháp môn của đức Phật rồi.

Garchen Rinpoche
Việt dịch: Liên Hoa

No comments: