Sunday, March 27, 2011

Từ Avalokitesvara Ðến Quán Thế Âm Bồ Tát (*)


GS Tiến Sĩ CHUN-FANG YU, 
Khoa Trưỏng Phân Khoa Tôn Giáo, The State University of New Jersey
Tâm Hà Lê Công Ða chuyển ngữ
Lời Nói Ðầu của Dịch Giả
Gieo Duyên Lành Cùng Bồ Tát Quán Thế Âm
Bồ Tát Quán Thế Âm đang thực sự có mặt bên cạnh chúng ta mang sứ mệnh Bồ Tát vào đời để cứu vớt nhân sinh qua cơn khổ nạn hay chỉ là một nhân vật huyền thoại tôn giáo? Với những người mang nặng tinh thần duy lý cho rằng Ðạo Phật không hề đặt cơ sở trên những niềm tin mù quáng và do đó,  tin vào sự cứu độ của một tha lực bên ngoài –ví dụ như Quán Thế Âm Bồ Tát- theo họ là một hình thức dị đoan mê tín, khó chấp nhận. Tuy nhiên nếu là Phật tử, khi đặt vấn đề này họ đã quên mất một điều rằng, những năng lực phi thường của chư Phật và Bồ Tát có thể thực hiện những chuyện rất khó tin mà người đời quen gọi là « phép lạ », đã được đề cập đến rất nhiều trong các kinh sách Phật giáo thuộc cả hai truyền thống Nam Tông lẫn Bắc Tông. Những « phép lạ » này thực ra cũng chỉ là một trong muôn ngàn phương tiện thiện xão mà quý Ngài đã ban phát cho những kẻ hữu duyên để làm tăng trưởng thêm niềm tin ở nơi họ. Ngay cả Ðức Phật Thích Ca, tuy không khuyến khích việc sử dụng thần thông, nhưng chính bản thân Ngài trong một vài dịp cũng đã phải thi triển thần thông để nhiếp phục người.
Chuyện kể rằng, trong chuyến về thăm hoàng thành Ca Tỳ La Vệ lần đầu tiên sau khi thành đạo, vua cha Tịnh Phạn và các bậc trưởng lão trong hoàng tộc, vẫn mang cái ấn tượng vai vế trong gia tộc, coi Ngài là  người trẻ  tuổi thuộc vào hàng con cháu nên đã không bày tỏ sự tôn trọng đúng mức đối với một vị Phật. Ðể cảnh tỉnh họ, Phật đã dùng thần thông làm hiện ra một cây cầu pha lê ở trên không nối dài từ Ðông sang Tây thành Ca Tỳ La Vệ. Ngài bay lên đứng ở trên đó, chung quanh vây bọc bởi hằng hà sa số những vị Phật của thời quá khứ, và từ trên tòa giảng này Phật đã đưa cánh tay vươn dài ra chạm vào mặt trời, mặt trăng rồi nói với họ: « Ðây là nơi không nhiễm một hạt bụi trần ». 

Chứng kiến phép lạ này cùng với những thần thông khác của Phật, Ðức vua Tịnh Phạn quá đổi hân hoan và kính phục, bèn chắp tay lên trán cung kính: « Hỡi vị Phật nhân từ và cao cả, xin vui lòng tha lỗi cho người cha già này và tất cả những người dân thành Ca Tỳ La Vệ tụ họp nơi đây ! Tôi xin quy y cùng Ngài là vị Phật, cùng Pháp và Tăng !». Tất cả hoàng tộc của giòng họ Thích Ca đã cúi đầu đãnh lễ Phật sau lời xưng tán của Ðức vua Tịnh Phạn. (1)
Phật giáo không phải chỉ cung cấp cho con người một mớ giáo điều hay lý thuyết suông nhưng đồng thời cũng chỉ rõ ra những con đường tu tập để hướng đến giác ngộ, giải thoát. Thông qua tu tập, tức là trải qua một hành trình thể nghiệm tâm linh, hành giả đồng thời cũng khám phá ra, hiểu và cảm nghiệm được những năng lực vô bờ bến của chư Phật, Bồ Tát và từ đó trưởng dưỡng lòng tin. Thế nên đôi khi chỉ với một câu chú, một câu niệm Phật mà người ta cho là rất đơn giản nhưng trong đó lại ẩn chứa những năng lực mầu nhiệm, phi thường chỉ có người trong cuộc có tu chứng mới thấy, mới biết được sự cảm ứng, linh nghiệm.
Nhớ lại thuở còn bé, là một đoàn sinh oanh vũ của Gia Ðình Phật Tử, vào những ngày rằm, mồng một phải tham dự khoá lễ tối và sinh hoạt tại chùa làng, đi xuyên qua một cánh rừng thưa dài hơn hai cây số, tôi không khỏi cảm thấy lo sợ. Sợ ma! Chuyện dĩ nhiên thôi. Một cậu bé 7, 8 tuổi, một thân một mình trong đêm vắng, nhất là vào những đêm trăng, nội chỉ nhìn thấy những bóng cây lung linh nhảy múa trên con đường mòn cát trắng là cũng đủ chết khiếp rồi, huống gì con đường này nổi tiếng là lắm ma. Tôi đã nghe người trong làng đồn đãi rằng trên con đường này -nhất là đoạn băng ngang qua một ngôi mộ cổ gọi là “Lăng Mụ Hạp”, ma đã hiện ra cả giữa ban ngày, rượt đuổi những người đàn bà đi chợ trưa về. Cũng chính trên con đường này, một câu chuyện “ma dấu” nổi tiếng mà tất cả những người trong làng không ai là không biết. Nạn nhân của vụ “ma dấu” này là anh ruột của một người bạn cùng học lớp thời Tiểu học với tôi. Anh này rất giỏi võ vì đã là võ sư chưởng môn nhân của môn phái Thiếu Lâm ở trong vùng trước khi bị động viên phục vụ tại Sư Ðoàn I BB với cấp bậc Thượng sĩ. Anh cũng là người đã từng đoạt giải nhất toàn Quân Khu về môn đi bộ băng rừng. Gan góc và võ nghệ đầy mình như thế mà anh lại bị “ma dấu!” 
Số là một hôm được nghỉ phép về thăm gia đình, anh lội bộ về làng, khi đi ngang quảng đường này thì trời cũng đã chạng vạng tối. Ðang hối hả bước nhanh anh suýt đâm sầm vào một người đang đi ngược chiều. Nhìn lên thì hoá ra là một người bạn thân cũ cùng xóm. Hai bên mừng rỡ chào hỏi nhau và rồi người bạn bảo anh:
- Tao có chút việc phải đi ra chợ, nhưng gặp mày về phép mừng quá, thôi tao trở lại để ở chơi với mày.

Thế là hai người nắm tay nhau cùng đi trở về làng. Người bạn móc túi lấy ra một gói bánh in (2) mời anh ăn và anh đã ăn một cách ngon lành. Ðó là điều anh kể lại sau này với mọi người, bởi vì ngay từ thời điểm đó thì có lẽ anh đã bị mê đi rồi, không còn biết gì nữa, và anh đã bị con ma dẫn đi loanh quanh đâu đó trong rừng suốt cả đêm. Ðến gần sáng thì con ma dẫn anh xuống con sông đầu làng, có lẽ là định dìm anh xuống sông cho chết đuối. May cho anh là lúc này những trẻ chăn bò trong làng đã thức dậy dẫn bò đi ăn sớm. Ðàn chó nghe có tiếng động lội bì bỏm dưới sông thì sủa ran lên. Ðám trẻ chăn bò nghĩ rằng đâu có ai lại đi tắm sông sớm như thế, chắc có lẽ một bợm nhậu nào quá chén trên đường về nhà đã trợt chân lọt té xuống sông rồi. Thế là bọn chúng nhảy xuống sông kéo anh lên. Lúc này anh vẫn chưa tỉnh. Miệng thì dính đầy phân bò còn tay thì khư khư giữ chặt một miếng phân bò khô mà anh vẫn còn gọi là bánh in! Phải một lúc sau anh mới tỉnh lại khi người làng kéo đến khá đông và anh bắt đầu kể lại đầu đuôi câu chuyện.
Sau khi vụ này xảy ra thì bà nội tôi dứt khoát không để cho tôi đi đêm một mình. Tôi tuy mắc cỡ với bạn bè là đã lớn rồi mà đi đâu cũng có một bà “vú em” kè kè theo một bên, nhưng trước sự cương quyết của bà tôi đành phải nhượng bộ. Thế là từ đó, Gia Ðình Phật Tử của chúng tôi lại có thêm một đoàn sinh “bất đắc dĩ”. Kể lại câu chuyện này để mọi người thấy rằng, cái gì đã làm cho một đứa bé 7, 8 tuổi vượt qua nỗi sợ hãi, một mình đêm hôm trên con đường vắng vượt qua một khu rừng lắm ma như thế? Cái gì đã làm cho một đứa bé trông thấy một bóng trắng đứng hỏng chân trên một gò mả bên đường mà lại không ù té chạy? Thưa, đó là niềm tin! Tin tưởng vào Phật pháp. Tin tưởng vào năng lực cứu khổ cứu nạn của Bồ Tát Quán Thế Âm. Tin rằng nếu vừa đi tay vừa bắt ấn vừa niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm thì không một thế lực ma quỷ nào dám xâm phạm đến ta. Tôi đã lớn lên trong một niềm tin tưởng sâu xa về Bồ Tát Quán Thế Âm như thế. Niềm tin này càng ngày càng được củng cố vững chắc, không hề suy suyển.
Sau này khi lớn lên, muốn tìm hiểu thêm một vùng đất mới của đất nước mang rất nhiều huyền thoại tôn giáo cũng như một bản sắc văn hoá đặc biệt, khi ra trường tôi đã chọn nhiệm sở về hành nghề “gõ đầu trẻ” tại một tỉnh ở miền Nam. Trong những dịp rãnh rỗi có cơ hội đi đó đi đây, có lẽ do bản tính yêu văn chương nghệ thuật của một thầy giáo dạy văn đã đưa tôi đến chỗ quen biết với một nghệ sĩ nghiệp dư cổ nhạc, đồng thời cũng là một giáo viên đang dạy học tại trường Tiểu học Bình Thạnh Ðông, quận Lấp Vò, Sa Ðéc mà người ta quen gọi theo lối xưng hô Nam Bộ là thầy Bảy. Từ chỗ quen biết đó, hễ sau này nếu có dịp đi tạt ngang qua vùng này, tôi lại thường tìm đến thăm anh để nghe anh biểu diễn trình tấu cổ nhạc. 
Quận Lấp Vò nằm kế Bắc Vàm Cống trên đường liên tỉnh Sa Ðéc – Long Xuyên là một vùng thuộc ảnh hưởng Phật Giáo Hoà Hảo, thế nên điều ngạc nhiên đầu tiên của tôi khi đặt chân đến nhà anh là không thấy anh thờ tấm Trần Ðiều như những gia đình PGHH khác mà ngay chính giữa nhà, là một bàn thờ Phật với đèn nến khói hương và bức hình của Quán Thế Âm Bồ Tát khá lớn. Ðiều thắc mắc này tuy tôi không nói ra nhưng anh đã cho tôi lời giải đáp sau này. Anh lúc này đã trên bốn mươi và vẫn còn độc thân, sống một mình trong một ngôi biệt thự lớn nhất và cũng “nổi tiếng” nhất tại địa phương này. Nổi tiếng vì đây là ngôi nhà ma: ngôi biệt thự của ông Hội Ðồng Tự, một dinh cơ đồ sộ tọa lạc ngay tại chợ Lấp Vò, không ai là không biết. Ngôi biệt thự này trong thời chiến tranh Việt Pháp đã bị Pháp trưng dụng làm tổng hành dinh cho cơ quan an ninh điều tra cuả Phòng Nhì. Trong khoảng thời gian này, hàng ngàn người tình nghi hoạt động chống Pháp đã bị bắt đưa về đây điều tra, lấy khẩu cung. Rất nhiều nạn nhân đã bị tra tấn đến chết và xác của họ người Pháp không cần phải mất công chôn cất, chỉ việc liệng bỏ xuống con sông ngay sau nhà là xong chuyện. Những vết máu của nạn nhân sau hàng mấy chục năm vẫn còn đọng lại dấu vết trên nền gạch bông không cách gì chùi rửa được là một chứng tích của sự khủng bố này.
 Sau năm 1954, ngôi biệt thự này được hoàn trả lại cho cố chủ, nhưng cả gia đình, thân quyến của ông Hội Ðồng không ai dám dọn đến ở vì bị ma hoành hành. Ma lộng hành đến độ có người thân trong gia đình vì tiếc của nên bạo gan đến ở thử một đêm, đã bị ma nắm đầu liệng ra khỏi cửa sổ! Từ đó không ai còn dám thử nữa. Một dinh cơ đồ sộ như thế mà đành phải bỏ hoang trong một thời gian khá dài đến cả 10 năm! Cho đến đầu thập niên 60 thì thầy Bảy được đổi về đây. Mang dòng máu nghệ sĩ đảng tử, Thầy tuy đã nghe danh về ngôi nhà này, nhưng với bản tính bướng bỉnh không tin chuyện ma qủy lại không có chỗ trọ, thấy ngôi biệt thự này quá “ngon lành” nên cũng đánh liều muốn thử thời vận một phen. Thế là Thầy tìm đến ông Hội Ðồng Tự và ngõ ý muốn thuê mướn ngôi nhà.
Ông Hội Ðồng cười sốt sắng:
- Nếu Thầy ở được, tôi cho Thầy ở không chứ chẳng phải thuê mướn gì cả!
Vì đã nghe danh ngôi nhà này rồi nên Thầy Bảy nghĩ đến kế hoạch đối phó. Thầy kể lại chuyện này với tôi như sau:
“Thầy biết không, vì ngôi nhà này bỏ hoang đã lâu nên không vô điện. Ðể chuẩn bị cho đêm đầu tiên, tôi đã phải chạy đi mua hàng chục cây đèn Hoa Kỳ cỡ bự, dầu mỡ đàng hoàng, đốt đèn thử trước cho chắc ăn là không cây nào bị trở ngại. Trước đó tôi cũng đã vào lớp kêu gọi khoảng chục đứa học trò lớn, bặm trợn, tối nay mang giàng thun, gậy gộc đến trợ lực tôi. Tất cả bọn chúng đều y hẹn đến tiếp tay thầy vào buổi tối đầu tiên. Thế là tôi yên bụng, thầy trò chúng tôi ngồi chờ đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra xem có đúng như lời đồn đãi hay không.
Mọi sự đều có vẽ yên lành cho đến khoảng 10 giờ tối. Ðột nhiên những cây đèn mà tôi đặt ở mỗi góc nhà từ từ tàn lụi dần và tắt hẵn như có ai đó đã lấy tay đè lên tim đèn. Mà không phải tất cả chúng đều tắt một lượt đâu nghe. Từ từ từng cây một, cây nọ đến cây kia như có ai đó đang cố tình đùa nghịch với tôi. Khi cây đèn cuối cùng tắt hẵn thì đồng thời ở ngoài cữa, cửa lớn lẫn cửa sổ, hàng đàn con chim ụt, con nào con nấy to như con gà mái bay vào tấn công chúng tôi. Tôi hô đám trẻ vung gậy và bắn giàn thun chống trả. Thế là chúng biến đi. Rồi một lát, cả một đàn mèo mun, con nào con nấy to bằng con heo con, mắt xanh lè phóng vào như muốn cắn xé chúng tôi. Tôi lại hô đám trẻ chống trả. Thế là chúng lại biến đi. Tình hình trở nên yên tĩnh trong một lúc và tôi nghĩ rằng trò quấy phá này có lẽ đến đây là chấm dứt.
Nhưng không, khoảng chừng 11 giờ tối, trên rầm thượng bỗng nhiên có những tiếng xiềng xích khua  rổn rảng, rồi tiếng dao vằm thớt và tiếng những người đàn bà nói chuyện ì xèo với nhau như người ta đang tụ lại nấu nướng để làm đám giổ. Chúng tôi yên lặng chờ xem “họ” sẽ giở trò gì nữa đây để tìm cách đối phó. Một lát, những tiếng động kia chợt im bặt. Ðang từ ồn ào, không khí rơi vào một sự tĩnh mịch đến rợn người. Ðột nhiên trong sự im vắng đó bỗng nỗi lên những tiếng kêu than rên xiết của những người đang bị hành hạ tra tấn. Tiếng kêu than ai oán và thê lương xoáy mạnh vào đầu, vào tim tôi, đến độ bây giờ cả 10 năm sau, tôi vẫn nghe như chúng vẫn còn văng vẳng bên tai.  Tiếng kêu than thê thảm này quả là quá sức chịu đựng đối với một con người. Tôi hết còn chịu nỗi và kêu đám học trò “rút binh”!

Tuy nhiên do vẫn còn “tiếc của đời”, tôi kêu đám học trò giúp tôi thử thời vận thêm một đêm nữa. Cái đêm thứ hai này, tấn tuồng lại xảy ra y như đêm trước và đến khoảng 11 giờ khuya thì tiếng kêu than rên xiết lại trổi dậy. Bỗng nhiên trong lúc này, từ đâu trong tiềm thức, miệng tôi bật lên câu niệm: NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT. Bỗng dưng, tất cả những tiếng rên xiết thê thảm kia đều im bặt ngay lập tức.”
Thầy Bảy ngưng một lát, xong bắt đầu tiếp tục câu chuyện với giọng nhiệt thành hơn:
- Thầy biết, tôi là người theo đạo Ông Bà, không hẵn là một người theo Phật giáo. Lúc niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm có thể là do truyền thống tin Trời Tin Phật đã có từ lâu đời trong gia đình nên mới buột miệng ra như thế. Nhưng khi mới niệm lên một câu mà linh ứng như vậy, quả thật là lúc đó lòng tôi rất khoái chí. Tôi nghĩ thầm: “Thế là tao đã có biện pháp trị chúng mày rồi nghe!” Nhưng rồi một hồi tĩnh trí lại, tôi bỗng suy nghĩ: “Ma qũy là có thật –vì chúng đang phá mình muốn chết đây- thế mà khi niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, chúng ngưng ngay sự quấy phá, tức là chúng cũng kính sợ Ngài, điều này có nghĩa là Bồ Tát Quán Thế Âm cũng có thật. Tôi chỉ suy luận đơn giản như thế và rồi tôi tin tưởng tuyệt đối vào công năng và uy lực của Ngài. Thế rồi tôi nghĩ đến vong linh của những oan hồn uổng tử đã chết trong căn nhà này chưa được siêu độ, có lẽ họ đang đau khổ lắm, thế là tôi hứa với họ rằng tôi sẽ mời Thầy về làm lễ  cầu siêu cho họ vào ngày mai.

Tôi đã giữ đúng lời hứa. Chỉ vào bức hình Bồ Tát giữa trang thờ, Thầy Bảy tiếp, hôm sau tôi đi Long Xuyên thỉnh tôn tượng của Ngài đem về thờ và tôi trở thành một người tin tưởng hoàn toàn vào sự linh ứng nhiệm mầu của Bồ Tát Quán Thế Âm. Tôi cũng đã làm lễ cầu siêu chu đáo cho “họ” và từ đó “họ” không còn quấy phá tôi nữa. Nhưng chỉ phòng của tôi ở thôi à nhen. Những phòng khác tôi không bảo đảm đâu à. Không tin Thầy cứ ngủ thử lại một đêm, nếu không có chuyện gì xảy ra, sáng mai tôi sẽ bao Thầy đi ăn sáng!”
Dĩ nhiên tôi từ chối sự thách đố này. Không phải là vì tôi sợ ma, nhưng vì với tôi, đây không phải là chuyện để đem ra đánh cá!
Những chuyện linh ứng của Bồ Tát  thì nhiều vô số kể. Trong cuộc chiến khốc liệt vừa qua. Trong cuộc hành trình vượt biển Ðông bi thảm của người Việt tỵ nạn, bao nhiêu gia đình, bao nhiêu sinh mạng đã được Ngài cứu độ, vượt thoát khỏi hiểm nghèo, được Ngài đưa từ cõi chết trở về lại với cõi sống. Bao nhiêu chuyện mà tôi được nghe, được thấy và đôi khi chính mình là nhân vật trong cuộc, tôi chỉ đơn cử ra một vài truyện ma nói trên để mọi người thấy rằng có những cảnh giới vẫn luôn hiện hữu ngay bên cạnh chúng ta nhưng do khả năng giới hạn của mình, chúng ta đã không thấy được, nhưng không có nghĩa là chúng không hiện hữu. Cũng vậy, Bồ Tát Quán Thế Âm không phải là một nhân vật huyền thoại tôn giáo mà là một vị Bồ Tát có thực, đã và đang có mặt trong cảnh giới này, bên cạnh chúng ta, luôn luôn lắng tai nghe những tiếng kêu thương của chúng sanh để tìm đến giúp đỡ cứu độ. 
Ðại sư Tinh Vân, một danh tăng Trung Hoa hiện đại, trong bài tựa cuốn “Phổ Ðà Sơn Dị Truyện” đã nhận định rằng:
“Một điều rất đáng tiếc và rất lấy làm lạ là lòng người thời nay, cứ nói đến sự cảm ngộ linh nghiệm của Bồ Tát là thấy đôi phần nghi hoặc, nói đến sự hiện thân của Bồ Tát thì bao giờ cũng cho đó là truyện thần thoại. Người không tin Phật giáo như thế đã đành, mà cả những người tín ngưỡng Phật giáo cũng phạm những sai lầm đó. Một điều không thể tha thứ được, đó là những người tín ngưỡng Phật giáo và đã nghiên cứu khá sâu về Phật pháp, thế mà từ lời nói đến bài viết, họ cũng không dám đề cập đến sự hiện thân vô hình hoặc hữu hình trong sự cảm ứng của Phật Bồ Tát, chính họ cũng sợ người ta cười là truyện thần thoại, điều đó quả thực là một sai lầm vô cùng to lớn!
Khi chúng ta lần đọc tạng kinh, nhất là đọc đến Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh, Bách Dụ Kinh, Kinh Luật Dị Tướng, Lục Ðộ Tập Kinh, v.v… trong đó chẳng đã ghi lại những sự việc rất kỳ lạ đó sao? Nếu coi tất cả những truyện đó là thần thoại, thì quả thực, tôi không thể hiểu nổi chúng ta dựa trên cơ sở nào mà xây dựng lòng tin đối với tôn giáo và sự ngưỡng mộ lý tưởng tôn giáo.”
Và Ngài sách tấn:
“Thời đại ngày nay, quả thực là hỗn loạn rối ren đến cực điểm, ma quỷ múa may, tà thuyết lộng hành, nhân tâm không chốn quy y, tinh thần chẳng nơi ký thác, biển khổ mênh mông, rồi con người sẽ đi về đâu? Thiên tai nhân họa, làm sao giải thoát cho được? Ðó là một vấn đề đang nung nấu trăn trở trong lòng mỗi người. Có cách nào giải quyết vấn đề này chăng? Duy nhất chỉ có một câu trả lời, đó là hãy tin vào Quán Thế Âm Bồ Tát! Hãy đem tất cả bản thân mình quy y, gởi gắm vào Quán Thế Âm Bồ Tát, hiểu rõ Quán Thế Âm Bồ Tát là sự thị hiện của Ðại Từ, Ðại Bi, Ðại Trí Tuệ, Ðại Dõng Mãnh, dù trước mắt chúng ta là những gì đau khổ, tai họa, phiền não, chỉ cần chúng ta nhất tâm bất nhị, thực lòng tín ngưỡng, xưng niệm, lễ bái, nếu chúng ta có được lòng từ bi, trí tuệ và dõng mãnh của Quán Thế Âm Bồ Tát, thì  Quán Thế Âm Bồ Tát nhất định sẽ giải cứu chúng ta”. (3)
Trong tâm thành và niềm tin tưởng như thế, tôi có duyên may được đọc tác phẩm “Bồ Tát Quán Thế Âm”của GS Tiến sĩ CHUN-FANG YU, đương kim Khoa trưởng Phân khoa Tôn giáo Ðại Học TB New Jersey. Tiến sĩ Yu lúc còn bé 4, 5 tuổi đã thường được nghe bà nội tuyên xưng về Bồ Tát, lớn lên niềm tin tưởng của Bà vẫn không hề thoái chuyển và đó là động cơ chính thúc đẩy Bà tiến hành công trình nghiên cứu này, một công trình nghiên cứu có thể nói là đầy đủ nhất về Bồ Tát Quán Thế Âm từ trước đến nay mà qua đó, chúng ta sẽ hiểu được lý do tại sao Bồ Tát Quán Thế Âm đã được kính ngưỡng trong các quốc gia Phật giáo -cả Nguyên Thủy lẫn Ðại Thừa- và đặc biệt tại Trung Quốc, quê hương của tác giả, tín ngưỡng tôn thờ Bồ Tát Quán Thế Âm đã phổ cập trong dân gian từ bao đời nay, thể hiện qua câu ngạn ngữ: “Người người niệm Di Ðà, nhà nhà thờ Quán Âm”.

Cũng trong tâm thành và niềm tin tưởng như thế, tôi xin phép tác giả được chuyển tác phẩm này sang Việt ngữ. Hy vọng là sẽ có thêm nhiều người có dịp được gieo duyên lành cùng Bồ Tát. Cầu mong chư Tôn Ðức, quý vị thức giả bổ khuyết cho những chỗ sai lầm trong khi chuyển ngữ.
NAM MÔ ÐẠI TỪ ÐẠI BI QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT.
Tâm Hà Lê Công Ða
(1) : “The Book of Miracles”, Kenneth L. Woodward, Dimon & Scuster xb, 2000. p. 320-321.
(2) : Một loại bánh ngọt làm bằng bột gạo khô và đường phổ biến ở miền Trung, nhất là vào dịp Tết.
(3) : Phổ Ðà Sơn Dị Truyện. Pháp sư Chử Vân. NVP dịch. Sách ấn tống, xb1999. p. 6-7.
 
 
CHƯƠNG I
Phần Dẫn Nhập
Quán là xem xét lắng nghe, Âm là âm thanh, tiếng kêu. Quán Âm hay Quán Thế Âm (Kuan-Yin) là danh hiệu bằng tiếng Trung Hoa của Bồ Tát Avalokitesvara, vị Bồ Tát tiêu biểu của phẩm tính Ðại Từ Bi mà công năng và hạnh nguyện chính là chuyên tâm xem xét, lắng nghe những tiếng kêu thương của cuộc đời để tìm đến giúp đỡ, cứu độ.

Tín ngưỡng tôn thờ Bồ Tát Quán Thế Âm là một tín ngưỡng rất phổ thông tại các quốc gia Phật giáo Á Châu, đặc biệt là Trung Quốc được thể hiện qua câu ngạn ngữ: «Người người niệm Di Ðà, nhà nhà thờ Quán Âm». Các quốc gia trong vùng Tây Á do ảnh hưởng của Trung Quốc, cũng đã gọi Ngài bằng danh hiệu này: Nhật gọi là Kannon hay Kanzeon, Triều Tiên là Kwanse’um còn Việt Nam như chúng ta đều biết, danh  hiệu của vị Bồ Tát chuyên cứu khổ cứu nạn này là Quán Thế Âm. Thế nhưng không phải chỉ tại các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Bắc Tông trong vùng Tây Á là có  khuynh hướng tôn thờ Ngài mà nói chung là cả toàn vùng Á Châu. Thậm chí người ta còn xem Ngài như là một vị nữ thần linh hiển mà qua những hình tượng được nghệ nhân sáng tạo trong các thế kỷ 17 và 18 hiện được trưng bày trong các bảo tàng viện, Ngài được trình bày dưới dạng nữ thân. Tuy nhiên tại Ấn Ðộ, Tây Tạng, Tích Lan và Ðông Nam Á, Bồ Tát Avalokitesvara đã không hề  được thờ  phượng như là một vị nữ thần.
Ngay cả tại Trung Quốc qua những tranh vẽ tìm thấy tại Ðôn Hoàng sáng tác vào khoảng thế kỷ thứ mười, thoạt tiên Ngài cũng được trình bày dưới dạng nam thân với hàng ria mép (1). Như vậy do đâu lại có sự hoá thân từ một nam thân Bồ Tát Avalokitesvara trở thành nữ thân Quán Thế Âm Bồ Tát? Ðây là một hiện tượng đặc thù Trung Hoa đã gây hứng khởi cho nhiều nhà học giả đặc biệt quan tâm nghiên cứu.
Bồ Tát Quán Thế Âm ngày nay đã được biết đến tại Hoa Kỳ và lục địa Âu Châu như là kết quả của một sự kết hợp bởi chủ nghĩa nữ quyền cùng với làn sóng di dân của các tăng sĩ Phật giáo vào các nước phương Tây. Mặc dù Phật giáo đã được biết đến tại Hoa Kỳ kể từ thế kỷ thứ 19, nhưng có thể nói rằng những biến cố chính trị tại Á Châu sau thời Thế chiến thứ hai đã góp phần lớn lao trong việc du nhập tôn giáo này vào các nước phương Tây. Khi Trung Hoa rơi vào tay Cộng sản năm 1949, một số lớn các tăng sĩ Phật giáo đã đào thoát qua Hồng Kông, Ðài Loan, Tân Gia Ba và Hoa Kỳ. Cũng tương tự như vậy, khi Trung Cộng xâm lăng Tây Tạng, các vị Lạt Ma đã trốn thoát qua Ấn Ðộ và một số cũng đã đến được Hoa Kỳ. Rồi đến khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc vào năm 1975, một đợt di dân mới từ Việt Nam và các quốc gia Ðông Nam Á trong thập niên 1980 đã giới thiệu đến người bản địa nhiều sắc thái khác nhau của Phật giáo cũng như một số các vị Bồ Tát khác mà họ thờ phượng. Trong tất cả các truyền thống Phật giáo này, Bồ Tát Quán Thế Âm hầu như đều được kính ngưỡng. Chưa kể là trong những năm gần đây, các nhà học giả Hoa Kỳ thuộc khuynh hướng nữ quyền đã bắt đầu thích thú đi sâu vào việc khám phá một truyền thống nữ thần - của Tây phương trước thời kỳ hưng khởi của giáo hệ Cơ Ðốc hoặc là những linh thần không thuộc truyền thống tôn giáo phương Tây (2), trong trường hợp này Bồ Tát Quán Âm cũng như Tara, Kali, và Durga là những biểu tượng được đặc biệt chiếu cố.

Mặc dù đây có thể là điểm nổi bật hơn cả tuy nhiên không phải là nét đặc thù duy nhất  khiến cho Bồ Tát Quán Thế Âm được đặc biệt lưu tâm. Những đặc tính khác của Ngài cũng có sức thu hút tương tự. Chẳng hạn như, tại sao tín ngưỡng tôn thờ Bồ Tát Avalokitesvara đã trở nên phổ quát trong Phật giáo thế giới, kể cả các quốc gia chịu ảnh hưởng truyền thống Nguyên thủy, Ðại thừa hay Mật Tông? Những vị Bồ Tát mang hạnh nguyện vào đời cứu độ tất cả mọi loài chúng sanh. Ðể thực hiện hạnh nguyện cao cả đó, các Ngài đã chọn con đường hoàn thành Phật đạo thay vì đi tìm kiếm niết bàn riêng rẽ cho cá nhân mình như các vị A la hán. Bồ Tát, như thế, đã trở thành những mục tiêu mới cho các người theo tông phái Ðại thừa và Mật tông; trong khi đó truyền thống Nguyên thủy chỉ tôn thờ Ðức Phật Thích Ca, còn danh xưng « Bồ Tát » chỉ nhằm liên hệ đến những tiền thân của Ðức Phật trước khi Ngài giác ngộ đạt thành chánh quả. Thêm vào đó, truyền thống Nguyên thủy chỉ tin tưởng vào một số lượng Bồ Tát rất giới hạn, cụ thể như tiền thân của Ðức Phật Thích Ca, và vị Phật tương lai, Bồ Tát Di Lặc; còn khuynh hướng Ðại thừa thì tin tưởng rất nhiều vị Bồ Tát khác nhau, đồng thời qua đó kêu gọi Phật tử phát khởi Bồ Ðề tâm (tâm thức thúc đẩy con người thực hành Bồ tát đạo nhằm đạt thành Phật quả) là một trong những khác biệt có ý nghĩa nhất giữa hai truyền thống Phật giáo.
Có hai lý do để cho ta có thể giải thích tại sao tín ngưỡng tôn thờ Bồ Tát Quán Thế Âm lại bám rễ đâm chồi một cách thành công tại nhiều quốc gia Á Châu như thế. Trước tiên, kế cận Ðức Phật, Bồ Tát Quán Thế Âm là một trong số những vị Bồ tát hiếm hoi được quần chúng tôn thờ một cách liên tục và phổ biến tại Ấn Ðộ. Kể từ những thế kỷ đầu tiên của Công Nguyên cho đến khi Phật giáo biến mất khỏi xứ này vào thế kỷ thứ 12, Bồ Tát Avalokitesvara đã dành trọn sự tôn thờ kính ngưỡng của những người Phật tử thuần thành. Những kinh sách, những hình tượng nghệ thuật mới về Ngài đã luôn được sáng tạo theo với thời gian. Bởi vì Ấn Ðộ là quê hương của Phật giáo, nếu Ngài được đặc biệt tôn thờ tại đây thì điều tất nhiên, hình ảnh của Ngài cũng dễ dàng được đón chào và chấp nhận tại các quốc gia Phật giáo khác.
Lý do thứ hai khiến việc tôn thờ Bồ tát phát triển mạnh mẽ bên ngoài lãnh thổ Ấn Ðộ liên hệ đến bản chất cơ bản của Phật giáo như là một tôn giáo. Cũng giống như việc Phật giáo đã cộng tồn  một cách hài hoà với Bà La Môn giáo và Ấn Ðộ giáo tại Ấn Ðộ, Phật giáo đã không tìm cách để thay thế các tôn giáo bản địa khi Phật giáo được du nhập vào những quốc gia này. Ðược gọi là Lokesvara (Thế Giới Vương: Vua của Thế Gian ) tại Cam Bốt, Java và Việt Nam (Chàm); Lokanatha (Thế Tôn, Người Bảo Hộ Thế Giới) tại Miến Ðiện; Natha Deviyo tại Tích Lan; và Chenresi (Kẻ Nhìn Bằng Cặp Mắt Sáng Suốt) tại Tây Tạng, Bồ Tát Avalokitesvara  có thể được gọi bằng những danh hiệu khác nhau, nhưng tựu trung toàn vùng văn hóa Phật giáo khu vực Nam, Ðông Nam và Tây Á người ta đều biết đến Bồ  Tát và thờ phượng Ngài.
Mặc dù Bồ Tát là hiện thân của lòng từ, tuy nhiên tùy thuộc vào khung cảnh văn hoá của mỗi quốc gia,  hình ảnh này đã được thể hiện một cách khác nhau. Trung Quốc và những quốc gia chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi nền văn hoá này như Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam đã xem Bồ Tát Quán Thế Âm như là một hình ảnh biểu trưng của trí tuệ cho những thiền gia và đồng thời cũng là vị « Phật Bà Cứu Khổ Cứu Nạn », đặc biệt rất quan tâm ưu ái đến giới phụ nữ; trong khi đó tại Tích Lan, Tây Tạng và Ðông Nam Á, hình ảnh Bồ Tát gắn liền cùng với các vương triều. (Theo Boisselier 1965, 1970; Chutiwongs 1984; Holt 1991; Kapstein 1992; Monnika 1996).
Sự thần thánh hóa những vị vua, sự tạo dựng nên những hình ảnh đầy tính cách quyền phép về các vị thần linh, cũng như niềm tin tưởng của vương quyền vào quyền năng của các ảnh tượng là những tư tưởng một thời rất thịnh hành trong vùng lục địa và quần đảo Ðông Nam Á. Học giả Stanley J. Tambiah (1982: 5-19) đã nói  về tín ngưỡng này cũng như sự thờ phượng các ảnh tượng của cả Phật giáo lẫn Ấn Ðộ giáo tại vương quốc Khmer của Cam Bốt, vương quốc Chiêm Thành của Việt Nam và vương quốc Nam Dương trước đây. Cụ thể như vua Bhavavarman II (trị vì khoảng giữa thế kỷ thứ 7) của thời kỳ tiền- Khmer, Cam Bốt, đã sùng bái Lokesvara hay Chúa Tể của Thế Giới như là vị thần bản mệnh của mình và cho tạo dựng nên những tôn tượng của Ngài để thờ phượng. Những vị vua của triều đại Indrapura vương quốc Chiêm Thành (875-920 C.E.) là những tín đồ thuần thành của Bồ Tát Avalokitesvara. Vua Indrapura II đã cho xây dựng lên một ngôi đền tráng lệ để thờ phượng Ngài vào năm 875 và đặt tên cho ngôi đền là Laksmindralokesvara, bằng cách ghép tên của mình cùng với danh hiệu của Bồ tát Avalokitesvara (Howard 1996a :233).
Tất cả các quốc gia trong vùng Ðông Nam Á ngoại trừ Miến Ðiện đều cùng chia xẻ chung một ý hệ về sự sùng bái « thiên vương » (devaraja), mà qua đó họ đã đồng hoá vị vua đang cai trị với hình ảnh của một vị thần linh Ấn Ðộ giáo hay Phật giáo. Một thí dụ cụ thể là ngôi đền nổi tiếng Ðế Thiên Ðế Thích (Angkor Wat), một ngôi đền bằng đá lớn nhất thế giới được xây dựng trong khoảng thế kỷ thứ 12 và 13 tại Cam Bốt. Ngôi đền Ðế Thiên Ðế Thích được xem như là nơi trú xứ của các thiên thần kể cả các vị thiên vương. Ðây là nơi mà các vị thần linh Phật giáo lẫn các vị thiên vương được tôn thờ trộn lẫn xen kẻ cùng nhau, nổi bật lên trên tất cả là vị vua của các tầng trời, Ðế Thích. Người ta tin rằng những tín đồ thờ phượng Lokesvara sẽ được sinh về nơi Thiên giới dưới sự cai quản của vua Jayavarman VII (1181-1218), người đã xây dựng nên ngôi đền Bayon tại trung tâm vương thành Angkor Thom. Vua là người đưa Phật giáo trở thành quốc giáo.
Tại Bayon còn lưu lại những ngôi tháp lớn chứa hình tượng những khuôn mặt vĩ đại mà người ta tin rằng đó là những hình ảnh của vị vua được thần thánh hoá mang nhân dạng Lokesvara. Không phải chỉ riêng nhà vua được đồng hoá với hình ảnh của Bồ tát mà ngay cả Hoàng hậu, Jayavaradevi, cũng có thể đã được ghi dấu lại sau khi băng hà bằng một bức tượng của Tara, vị thị giả của Bồ Tát (Jessup và Zephir 1997: 304; Bunnag 1984:161; Zwalf 1985:176).
Cũng tương tự như thế, Bồ Tát Avalokitesvara đã được tôn thờ như là một vị thần bảo hộ vương quốc của các vương triều Tích Lan kể từ thế kỷ thứ 15 và các vị vua của đảo quốc Java trong thời kỳ tiền Hồi giáo, thế kỷ thứ 13 đến thế kỷ thứ 15. Tại Tây Tạng, Bồ tát Avalokitesvara cũng được tôn thờ như là vị thần bảo hộ đất nước, mà một vị vua nổi tiếng nhất trong lịch sử Tây Tạng, Srong-bstan sgam-po (649) và Ðức Ðạt Lai Lạt Ma được quần chúng Phật tử tin tưởng là những hóa thân của Bồ Tát Avalokitesvara. Người Pai sinh sống tại vùng Vân Nam, khai sinh ra các vương quốc Nam Châu và Ðại Lý dưới các triều đại Ðường (618-906), Tống (960-1279) cũng chia xẻ một niềm tin tưởng như thế. Ðược biết đến dưới danh hiệu A-ts’o-yeh Quán Âm, Bồ tát  đã được thờ phượng như là vị khai quốc và đồng thời cũng là vị thần bảo hộ của các vương triều này (Yu 1991; Howard 1996a).
 Người Pai đã chia xẻ vương hiệu của Bồ tát Avalokitesvara với các quốc gia lân bang mà họ giao dịch mật thiết. Sau này trong các kinh sách Phật giáo Ðại thừa và Mật Tông, Bồ Tát Avalokitesvara đã được trình bày như là một khuôn mặt bao trùm lên tất cả, là kẻ sáng tạo và cứu vớt muôn loài, mọi thế giới. Vương hiệu mang hình tượng Ngài đã xuất hiện một cách tự nhiên trong khung cảnh mà trước đó cũng như đương thời không có một hình ảnh cao cả nào có thể so sánh được.
Một cách rõ ràng là trước đó Bồ Tát Avalokitesvara đã chưa hề trở thành một vị nữ thần. Thế thì tại sao tại Trung Quốc Bồ Tát đã không gắn liền với các vương triều như tại các quốc gia Phật giáo khác? Phải chăng một điều khá dễ hiểu là vì ý hệ quân chủ và biểu tượng vương quyền của Trung Quốc đã được thiết định trước khi Phật giáo du nhập vào quốc gia này thế nên đã không chấp nhận một hình ảnh nào khác? Vị Hoàng Ðế Trung Quốc chịu Mệnh Trời mà trị dân. Ý niệm này đã được hình thành từ thời nhà Chu (1122 -256 trước Công Nguyên –B.C.E.). Vua là Thiên Tử và là một nhân tố quan trọng trong Tam Tài: Thiên - Ðịa – Nhân. Tất cả những ý niệm này đã được tinh lọc lại thêm một lần nữa dưới triều đại nhà Hán (206 B.C.E – 220 Công Nguyên – C. E.). Ý thức hệ Khổng Giáo hầu như chi phối trọn vẹn các thể chế vuơng quyền tại Trung Quốc trãi qua các triều đại. Thản hoặc thỉnh thoảng trong lịch sử có một vài vị quân vương đã có ý định dùng tư tưởng Phật giáo làm chỗ tựa cho vương quyền, nhưng những cố gắng này tỏ ra rất hạn chế và không kéo dài được bao lâu.
Chẳng hạn như Hoàng Ðế Bắc Ngụy, Văn Thành Ðế (453-465) đã cho xây năm hang động tạc tượng Phật tại Vân Cương mà mỗi vị Phật tiêu biểu cho một vị Hoàng Ðế tiên triều, chứng tỏ là ông đã có ý muốn sáng tạo ra một chủ thuyết thần quyền trên căn bản Phật giáo. Nữ Hoàng Ðế Vũ Tắc Thiên (684 – 704) cũng đã  tự xưng mình là Di Lặc giáng trần và Hoàng Ðế Càn Long (1736- 1765) thì coi mình là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt của Từ Hi Hoàng Thái Hậu cuối thế kỷ thứ 19 đã ăn bận y phục mô tả như là giống với hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm để tạo sự chú ý trong các buổi hội hè giải trí, lịch sử Trung Quốc không cho thấy có một vị quân vương nào tự xem mình là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Ý tưởng về một vị Bồ Tát - với lòng từ bi vô lượng và công năng cứu độ luôn luôn đáp ứng mọi tiếng kêu than để giúp đỡ mà không hề phân biệt đẳng cấp, phái tính, thậm chí tư cách đạo đức- là một ý tưởng tương đối mới mẻ đối với người Trung Quốc. Ðây là một vị linh thần mới, chẳng những có thể giúp cho con người đạt đến giác ngộ, mà còn cứu vớt họ ra khỏi những nghịch cảnh khổ đau của đời thường, giúp cho họ được sống như ý,  « chết an lành » và lại còn đảm bảo cho cả kiếp sau. Ðã không có một ông Trời, một nữ thần nào trước đó tại Trung Quốc có khả năng tuyệt vời như Bồ Tát Quán Thế Âm, thản hoặc nếu đã có những vị nữ thần như thế, không có hình ảnh nào khả dĩ tồn tại lâu dài có khả năng thu hút tín đồ trước khi Quán Âm xuất hiện. Như thế, đã có một khoảng trống tín ngưỡng tại Trung Quốc mà hình ảnh của Bồ Tát Quán Thế Âm xuất hiện đã có thể lấp đầy một cách dễ dàng và đúng lúc.
Trong khi nghiên cứu những lý do tại sao người Trung Quốc dưới triều đại nhà Hán đã mở vòng tay đón nhận Phật giáo một cách dễ dàng nhanh chóng, học giả Eric Zurcher đã đưa ra nhận định rằng: « Thay vì vay mượn ngôn ngữ từ đạo Khỗng và đạo Lão (hoặc nếu có cũng rất hiếm hoi), điểm nổi bật đặc sắc nhất của Phật giáo thời Hán là sự mới mẻ, sáng tạo của nó. Quan điểm cho rằng Phật giáo được chấp nhận bởi vì, trên một phương diện nào đó, nó phù hợp với truyền thống cổ truyền của người bản địa là một quan điểm hoàn toàn sai lầm khó có thể chấp nhận được: Phật giáo có khả năng thu hút không phải chỉ vì nó là  một cái gì gần gũi thân quen, mà bởi vì trên căn bản nó là một cái gì đó mới lạ » (1991:291). Ðiều mà ông ta cho rằng Phật giáo thời Hán là «sự tiếp thu có chọn lựa từ bên ngoài» cũng có thể áp dụng được vào trường hợp của Bồ Tát Quán Thế Âm. Người Trung Quốc cảm thấy bị thu hút bởi Bồ Tát không phải vì bà/hay ông ta mang một hình ảnh tương tự với bất cứ vị thần linh nào của người bản địa mà chắc chắn là vì không có vị thần linh nào của người Trung Quốc lại giống bà/hay ông ta.

No comments: