Saturday, March 26, 2011

Buồn nôn, ngộp thở vì sông Ba ô nhiễm

Cứ theo đà này thì Đà Rằng còn đâu
Nước sông Ba chảy qua Thạch Hội
Lỡ quen biết rồi, nỡ vội đi đâu...

Cả một đoạn dài của con sông dài nhất miền Trung đang khô cạn, chỉ còn đọng lại những vũng nước thải từ các nhà máy, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Hơn một tháng nay, hầu hết trẻ em, người già ở hai phường An Bình, Tây Sơn thuộc thị xã An Khê (Gia Lai) nằm ven sông Ba phải đến nơi khác ở nhờ để lánh nạn ô nhiễm.
Trẻ em, người già đi lánh nạn ô nhiễm
Mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ lòng sông Ba đang ngày càng lan rộng, bao trùm cả một vùng phía tây thị xã An Khê, xộc thẳng vào hàng ngàn ngôi nhà. Bà Trần Thị Thu (ở khu phố 8, phường An Bình) kể: “Gia đình tôi phải gửi hai đứa con nhỏ đến nhà người thân. Hôm Chủ nhật vừa rồi, hai đứa nhớ nhà đòi về. Mới ở nhà một buổi một đứa bị nôn mửa, một đứa viêm mũi không thở được. Vậy là lại tức tốc đưa đi”.
Bước vào Trường THPT Quang Trung ở phường Tây Sơn, một cảnh tượng lạ lùng như nơi đây đang có dịch: hầu hết học sinh đều mang khẩu trang ngay cả trong giờ học. Một giáo viên kể: “Gần đây hầu như ngày nào cũng có hàng loạt học sinh bị nôn mửa vì không chịu nổi mùi hôi thối nồng nặc”.
Lòng sông Ba đoạn qua thị xã An Khê (Gia Lai) khô cạn, chỉ còn đọng lại những vũng nước thải đặc quánh. Ảnh: TẤN LỘC
Tiếp chuyện người viết, nhiều người dân phường An Bình, Tây Sơn cũng mang khẩu trang. Bà Võ Thị Tám (ở khu phố 8, phường An Bình) có nhà cách sông Ba vài trăm mét than: “Suốt ngày người cứ ngầy ngật, khó thở. Đến bữa ăn không sao nuốt nổi vì mùi hôi át cả mùi thức ăn. Ban đêm muỗi bay dày đặc”.
Dưới sông hầu như không còn dòng chảy, chỉ đọng lại những vũng nước đặc quánh, đen ngòm, phủ lên cả những bãi đá trơ ra ở đáy sông. Hầu hết người dân thị xã An Khê đều bức xúc cho rằng các vũng nước gây nhiễm môi trường này là nước thải từ các nhà máy sản xuất công nghiệp đang đọng lại do thủy điện chặn dòng, sông bị khô cạn.
Xả thải, vứt rác thẳng ra sông
Bà Đặng Thị Yến, Trưởng phòng TN&MT thị xã An Khê, cho biết: “Hiện nay nguồn nước sông này ô nhiễm đến mức không thể sử dụng để cấp nước sinh hoạt, bảo tồn động thực vật thủy sinh, thậm chí không thể dùng để tưới cây cối, hoa màu”.
Tuy nhiên, Nhà máy cấp nước An Khê vẫn sử dụng nguồn nước này để cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 2.500 gia đình.
18.000 hộ dân sống ven sông Ba bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm. Khu dân cư này nằm ngay phía dưới khu vực xả thải của hàng loạt nhà máy.
Bà Yến khẳng định: “Có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm sông Ba, trong đó nguyên nhân chính là nước thải từ các nhà máy đường, chế biến tinh bột sắn, sản xuất ván ép... chưa xử lý triệt để nhưng xả thẳng ra sông. Khi thủy điện An Khê - Ka Nak chặn dòng tích nước trên thượng nguồn ở khu vực Kbang, dòng sông bị khô cạn khiến nước thải đọng lại, đậm đặc, bốc mùi hôi thối”.
Ngoài ra, bà Yến cũng cho rằng rác thải sinh hoạt của người dân vứt ra sông cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình hình ô nhiễm càng trầm trọng hơn. Vừa qua chính quyền thị xã An Khê đã huy động hơn 1.000 người tham gia làm vệ sinh hai bên bờ sông nhưng tình hình ô nhiễm vẫn không hề thuyên giảm.
Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê, cho biết chính quyền thị xã An Khê đang yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra nguồn nước thải tại các nhà máy. Trước mắt, thị xã đã yêu cầu Nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak điều hòa lượng nước xả ra sông mỗi ngày 12 tiếng đồng hồ với lưu lượng 8-10 m3/giây để làm sạch lòng sông. Tuy nhiên, vừa qua nhà máy thủy điện này chỉ xả một lần trong vài tiếng đồng hồ nên tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Nước thải ô nhiễm vượt chuẩn
Kết quả kiểm nghiệm, phân tích cho thấy các mẫu nước thải của Công ty TNHH Veyu và Nhà máy đường An Khê xả ra sông Ba đoạn qua thị xã An Khê có nhiều chỉ tiêu ô nhiễm vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nước thải công nghiệp từ 1,7 đến 5,4 lần. Đặc biệt, các mẫu nước mặt trên sông Ba đoạn dưới khu vực xả thải của các nhà máy có gần 10 chỉ tiêu vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt từ 1,5 đến... 80 lần; trong đó có những chỉ tiêu như tổng dầu mỡ vượt 80 lần, BOD5: 9,6 lần, COD: 5,7 lần, phosphat: 4,7 lần...
TẤN LỘC

No comments: