Friday, November 20, 2009

True love

Chuyện của mẹ và thầy giáo

Cập nhật lúc 09:28, Thứ Tư, 19/11/2008 (GMT+7)

Hôm nay tôi không viết về tôi, tôi viết về câu chuyện của mẹ tôi…

Ảnh minh họa: Deviantart.com


Trong một dịp tình cờ, tôi và mẹ đi đám cưới con người bạn của mẹ tôi. Mẹ tôi gặp lại người xưa mà sau này tôi mới biết người ấy từng là thầy của mẹ. Bây giờ, cả hai tóc đã hoa râm, những vết chân chim đã hằng trên khuôn mặt của mỗi người. Mẹ tôi và bác ấy nói chuyện khá lâu trong bàn tiệc, tôi cứ ngồi quan sát, bác khác điển trai, cái nét đẹp của người luống tuổi, gương mặt chữ Điền,ánh mắt khá buồn_ sau này tôi biết chính ánh mắt ấy đã từng làm mẹ tôi xao lòng.

Mẹ là người Bến Tre, sống từ nhỏ đã xa cách cha mẹ, được bà ngoại nuôi nấng và cho đi học. Bà ngoại của mẹ là người tu hành nên rất khắc khe chuyện lễ giáo và dạy cháu rằng:"Con gái có thì, con sông có lúc, phải chọn chồng cho đáng tấm chồng". Mẹ tôi từ nhỏ đã được bà dạy bảo rất nhiều từ nữ công gia chánh đến cách hành xử khi tiếp xúc với ai, có thể nói bà là người vừa cấp tiến vừa cổ hủ vì ít khi có con gái nào ở quê được học đến hết cấp 3.

Theo lời mẹ kể, khi mẹ còn là một cô nữ sinh năm đệ nhất (bây giờ là lớp 12) trường tỉnh, bác là thầy mới ra trường về quê dạy học. Gia đình thầy cũng là người Bến Tre nhưng khá giả, có thể nói thời ấy, gia đình thầy có tiếng ở thị xã. Thầy chọn nghề giáo chứ không chọn nghiệp kinh doanh như ba mẹ thầy vì thầy yêu tiếng cười, nét thơ ngây của học trò, cả việc nghịch phá của chúng, thầy yêu ngôi trường mà thầy từng học và yêu cả quê hương của mình. Không biết xui rủi thế nào, thầy là người đứng lớp chủ nhiệm khóa của mẹ tôi. Ấn tượng đầu tiên của mẹ về thầy đó là thầy quá trẻ so với cái tiếng "thầy". Mẹ lúc ấy trầm lặng, có lẽ vì sống xa cha mẹ và anh em, sự tủi thân đã tạo cho mẹ một vách ngăn so với mọi người. Mẹ chỉ biết dồn tâm trí và suy nghĩ của mình vào những bài thơ hay bài văn mẹ viết. Những trang báo tường đầy ấp chữ viết nắn nót và cẩn thận của mẹ. Lúc ấy, mẹ chỉ là một cô học trò tóc dài, chỉ có duy nhất cái tài viết văn. Thời đó có khá nhiều người thích trang báo và cả con người mẹ.Nhưng có một người, có lẽ mẹ không hay biết, người ấy vẫn hay đọc những bài văn hay thơ của mẹ_người ấy là thầy. Có lẽ thầy quý cô học trò nhỏ này qua những nét chữ, câu thơ. Và với mẹ, thầy vẫn là thầy.

Một lần học ngoại khóa, nói cho sang thế thôi chứ cả lớp cũng tụ tập dưới sân trường, quây quần đàm thoại những vấn đề của học trò hay xã hội.Thầy dạy Tóan, cái khô khan cứng ngắt của số học không làm thầy trở nên tẻ nhạt. Một cô bé ngồi dưới gốc cây bàng, xa cách bạn bè, nhìn ngắm những tán lá xanh trên cao, cúi nhặt một chiếc lá bàng rơi, dõi mắt nhìn theo những đường gân chiếc lá, suy tư.Thầy đến bên, đơn giản để chia sẻ và gần gũi cô học trò cách biệt này. Cô bé ít nói, chỉ trả lời thầy bằng ánh mắt hoặc một nụ cười. Thầy ngồi đọc hai đọan trong bài thơ "Hai sắc hoa Tigon" của TTKH một cách ngẫu hứng. Mẹ nhớ khi ấy ánh thầy trông rất lạ…

Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người ấy với yêu thương

Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong,
Và phương trời thẳm mờ sương cát,
Tay vít dây hoa trắng lạnh lòng.

Mẹ còn nhớ như in cái khung cảnh buổi đầu ấy. Thế rồi mẹ và thầy đến với nhau vì những bài thơ buồn. Thầy không khô khan như những con số thầy dạy, mẹ cũng chẳng có nét buồn như những câu chuyện mẹ viết. Tiếng cười_ hạnh phúc, đó là những gì mẹ và thầy có với nhau. Những lần thầy chờ mẹ trước cổng trường hay có khi cả hai chia sẻ với nhau bài thơ mới do mẹ sáng tác. Thầy với mẹ chỉ đến với nhau chỉ bằng cái nắm tay ái ngại, vậy mà cũng thành một tình yêu. Những lần tựa đầu vào vai thầy mà khóc vì nhớ cha mẹ hay tủi thân với cái cảnh bà cháu một mình, mẹ hay tìm đến thầy với một nỗi buồn riêng. Có khi mẹ chỉ ngồi cạnh thầy, cạnh thầy và im lặng. Thầy cũng chỉ im lặng nhìn mẹ, nhìn đôi mắt ngấn lệ có thể trào rơi nước mắt bất cứ lúc nào. Thầy và cô học trò ấy không còn giới hạn của tình thầy trò. Một trở ngại đầu với thầy và mẹ đó là mọi người xung quanh. Thời ấy, cái thời bao cấp, mối quan hệ giữa mẹ và thầy thật đáng để mọi người quan tâm, họ xầm xì, họ bàn tán và họ không hiểu chuyện. Mẹ nản lòng vì với mẹ, mọi chuyện đã quá sức chịu đựng và đầy áp lực. Còn thầy luôn là người vững tâm, tạo hi vọng và niềm tin để mẹ vượt qua mọi chuyện. Mẹ tin thầy.

Thời gian trôi đi, mẹ tốt nghiệp ra trường.Thầy có đến nhà xin phép bà ngoại để cưới mẹ. Bà ngoại không nói gì, nhường câu trả lời ấy cho mẹ vì bà biết hạnh phúc ấy là của mẹ chứ không phải của bà. Có một vấn đề làm mẹ đắn đo đó là nếu mẹ và thầy lấy nhau, mẹ sẽ sang định cư bên Mỹ với gia đình thầy, xa bà ngoại tuổi đã cao, xa cha mẹ, em út (mặc dù mẹ rất ít khi gặp mọi người). Một đi một ở, mẹ chẳng thể nào quyết định được. Nhiều lần thầy hỏi mẹ, mẹ cũng chỉ im lặng không trả lời. Nhưng mẹ không thể im lặng mãi và mẹ đã chọn cách ở lại.Thầy vì chữ hiếu đành phải ra đi. Thế là chuyện của mẹ và thầy dang dở. Mẹ còn nhớ ngày thầy đi, thầy vẫn hi vọng từ mẹ một sự thay đổi. Nhưng mẹ quyết tâm và mẹ khóc. Mẹ biết làm gì hơn khi không thể để bà ngoại già một mình, mẹ còn là chị cả của một đàn em nheo nhóc…

Ảnh minh họa: Deviantart.com

Chuyện tình ấy theo mẹ mãi đến bây giờ. Mẹ lập gia đình và có con. Thầy cũng đã cưới một người con gái khác và sống với nhau đến bây giờ. Ngày mẹ và bác gặp nhau, cả hai chỉ còn ngồi ôn lại những kỉ niệm xưa, những câu hỏi thăm sau lâu ngày bặt tin nhau.

Đấy là câu chuyện của mẹ tôi. Có thể tôi viết hay diễn tả không hết những chi tiết và tình cảm của cả thầy và mẹ tôi dành cho nhau. Nhưng với tôi, đó là một mối tình đẹp như bao mối tình khác.M ột mối tình trong trẻo và thuần khiết.

Để kết thúc entry này, tôi xin trích những lời tâm sự từ mẹ :" Có thể với ai đó, bác ấy là một người thầy, nhưng với mẹ, bác ấy vừa là người anh, người thầy, cả một người yêu. Người thầy ấy không chỉ dạy mẹ những kiến thức còn chỉ bảo, chăm sóc và có khi trở nên cứng rắn chỉ để làm mẹ tốt hơn. Có lúc mẹ muốn quên để lòng nhẹ nhàng nhưng không thể được vì với mẹ, người ấy là người mà mẹ kính trọng và yêu thương."







No comments: