Friday, November 20, 2009

Copy từ tuần Vietnamnet

Phát ngôn và Hành động ấn tượng: Lòng dân và luật pháp

Kỳ họp thứ 6 QH khóa 12 "nóng" hẳn lên khi bước vào những phiên chất vấn trực tiếp tại Hội trường. Nếu như có thể gọi tuần vừa qua là "tuần căng thẳng" của các bộ trưởng, thì thật tốt, vì như thế chứng tỏ hoạt động chất vấn và giám sát của QH ta đạt hiệu quả cao.

Bộ Tư pháp và hồ sơ vụ PCI

Trả lời báo chí về quan điểm của Bộ Tư pháp sau khi phía Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam hồ sơ vụ PCI, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: "Nếu giả sử cái này mà được thu thập theo ủy thác của cơ quan điều tra Việt Nam hay cơ quan công tố Việt Nam, theo trình tự của pháp luật Việt Nam và nếu có sự tham gia hay chứng kiến của những người có thẩm quyền trong cơ quan tố tụng Việt Nam thì khác.

Còn đây là bên ngoài xét xử. Tôi không nghi ngờ họ xét xử sai, nhưng về mặt chính thức pháp lý không thể lấy cái này để buộc tội người ta ngay lập tức được". (Tuổi Trẻ, 18/11)

Bộ trưởng Hà Hùng Cường (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Xét từ phương diện luật pháp, Bộ trưởng có những nghi ngại như vậy là rất đúng đắn, để tránh làm người vô tội bị hàm oan.

Nhưng từ phương diện... lòng dân mà xét, việc các quan chức tư pháp của chúng ta cứ nhấn mạnh mãi sự khác biệt giữa tư pháp "ta" và "người", rồi những khó khăn trong quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin trong một vụ án tham nhũng trọng điểm, có thể làm nản lòng những người dân muốn chính phủ mạnh tay với tệ nội xâm này.

Cần lưu ý rằng đây là một vụ việc liên quan tới tham nhũng, là thứ tội danh "của riêng" giới quan chức và luôn được xem là nghiêm trọng, bởi trong một nhà nước pháp quyền, mọi quan chức đều phải bị kiểm soát nghiêm khắc hơn thường dân.

Có thể nền tư pháp mỗi nước một khác, nhưng các nguyên tắc chủ yếu thì về căn bản giống nhau, nên việc sử dụng các thông tin do phía nước ngoài cung cấp chỉ khó nếu chúng ta không muốn, hoặc nếu chúng ta có cách diễn giải và định nghĩa khác hẳn "bạn" về tội danh tham nhũng.

Nên "quản lý Internet" bằng cái gì?

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp (Ảnh: VNN)
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng sẽ là không công bằng nếu không nói đến "những cái hay của Internet và các trang thông tin điện tử, kể cả blog" (mà chỉ liệt kê cái xấu, cái độc hại rồi mong "quản lý" nó).

Về vấn đề quản lý, ông Hợp nói: "Quản lý Internet bằng các biện pháp kỹ thuật nhiều sẽ tạo ra ách tắc, tính thông suốt trong thông tin bị ảnh hưởng...". (VietNamNet, 17/11)

Ở điểm này, có lẽ Bộ trưởng còn cảm thông với Internet và đa số người tiêu dùng hơn là ĐBQH, bởi chính ĐB Cao Thành Văn (Bạc Liêu) là người đặt ra câu hỏi Bộ đã có những biện pháp gì để trực tiếp đề nghị các nhà cung cấp mạng tìm kiếm lớn như Yahoo, Google trong việc hạn chế sự lan truyền web của họ chưa?

Việc đề nghị nhà cung cấp nước ngoài hạn chế sản phẩm của họ e là một việc làm đi ngược với tự do thương mại, tự do thông tin. Thêm nữa, không thể phủ nhận Internet là một phát kiến vĩ đại của nhân loại, có vai trò cực kỳ to lớn trong sự tiến bộ của xã hội, phổ biến kiến thức, phát triển tri thức và dân trí, minh bạch hóa...

Các mặt tiêu cực của nó hoàn toàn có thể được giải quyết bằng công cụ pháp luật (như đa số các quốc gia trên thế giới đã và đang làm), thay vì "quản lý" theo một cách "thủ công nghiệp" là hạn chế kỹ thuật, dựng tường lửa, tạo cảm giác như tư duy ngăn sông cấm chợ thời bao cấp vậy.

Và nếu xét từ quan điểm kinh tế, trong thời đại CNTT hiện nay, chẳng nên đầu tư nguồn lực vào việc chạy đua "khóa mã" và "giải mã" để ngăn chặn người dùng Internet, vì vừa tốn kém, vừa mất thời gian, vừa không đạt 100% kết quả.

Cách tối ưu vẫn là nâng cao dân trí để sau đó tin tưởng vào sự lựa chọn tự giác của người dân. (Mà muốn nâng cao dân trí thì lại càng cần minh bạch và tự do thông tin).

"Khó chấm dứt chạy chức quyền vì người chạy có báo đâu"

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn (Ảnh: VNN)
Vị bộ trưởng cuối cùng trả lời chất vấn trong kỳ họp thứ 6 QH khóa 12, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn, đã có "màn trả lời" chuyên nghiệp trước đại biểu (ĐB): hòa nhã tiếp nhận mọi truy vấn, không tỏ vẻ trốn tránh trách nhiệm, trả lời điềm tĩnh và trôi chảy.

Trước các câu hỏi "tận bờ sát góc" của ĐBQH Lê Văn Cuông về tình trạng và giải pháp cho vấn nạn chạy chức, chạy quyền, ông Tuấn cho rằng: "Công tác cán bộ là việc khó..., người ta chạy chức, chạy quyền, người ta đâu có nói với ai mà có thể biết được". (VietNamNet, 18/11)

Mới nghe qua thì người nghe có thể thấy Bộ trưởng trả lời thật trôi chảy và xác đáng. Tuy nhiên, nếu nghĩ kỹ thì lại thấy điều Bộ trưởng nói cứ "làm sao đó". Lẽ dĩ nhiên là chẳng ai chạy chức chạy quyền lại đi báo cáo với Bộ trưởng; nếu lấy thế làm lý do để nói công tác cán bộ là việc khó thì chẳng khác nào nói "điều tra là công việc khó, vì người phạm tội có nói với công an đâu mà có thể biết được".

"Màn chất vấn" của ĐB Lê Văn Cuông chắc hẳn được nhiều cử tri ưa thích, vì ông tỏ ra quyết liệt và ráo riết, hỏi đến cùng. Nhưng trái với ĐB Cuông, Bộ trưởng Nội vụ lại chưa thể trả lời đến cùng. Ông chỉ nói chung chung: "Thì bây giờ cái chính phải bằng cơ chế, bằng sự giám sát của nhân dân, của tổ chức, của tập thể để đề bạt cán bộ. Nếu làm tốt được việc đó, tôi chắc công tác cán bộ sẽ có điều kiện đạt được kết quả tốt".

Vậy, cụ thể thì cơ chế đó là gì, làm thế nào để nhân dân, tổ chức, tập thể giám sát được công tác tổ chức cán bộ? Bộ trưởng không nói rõ thêm được. ĐB đành tự trả lời (rằng "chính việc không dân chủ và thiếu minh bạch làm phát sinh nạn chạy chức, chạy quyền").

Còn nạn chạy chức quyền, nhân tài còn là "nguyên khí tiềm ẩn"

Ông Nguyễn Đình Hương (nguyên phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương) phát biểu với báo chí: "Ai cũng có thể nói được câu "hiền tài là nguyên khí quốc gia", nhưng nếu chỉ treo bảng khuyến khích để làm "màu" mà không có giải pháp cụ thể thì chẳng để làm gì, thậm chí còn phản tác dụng... Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là khi còn nạn chạy chức chạy quyền thì nhân tài sẽ không có đất sống". (Tuổi Trẻ, 16/11)

Từ lâu nay, nhiều thắc mắc đã đặt ra về "cơ chế nào để phát hiện và sử dụng người tài". Trong khi chưa (ai) định ra được cơ chế cho việc đó thì một trong những nguyên nhân khiến người tài cứ mãi là "nguyên khí tiềm ẩn" đã được ông Nguyễn Đình Hương chỉ ra một cách đơn giản: vấn nạn chạy chức quyền.

Nhưng dẹp bỏ vấn nạn này lại rất khó vì "người chạy chức quyền có báo với ai đâu", như lời Bộ trưởng Nội vụ nói (đã dẫn). Từ đó suy ra, nhân tài nhìn chung rất khó có đất sống. "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" sẽ còn là khẩu hiệu dài dài.

Chống tham nhũng vẫn "đạt được kết quả bước đầu"

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (Ảnh: TPO)
Quan chức cuối cùng trả lời chất vấn của ĐB trong kỳ họp QH này là người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Sáng 19/11, Thủ tướng đã có 75 phút trả lời trực tiếp tại Hội trường.

Một trong những ĐB chất vấn, ông Lê Văn Cuông, nêu vấn đề: Tình hình phòng chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua không những chưa được đẩy lùi mà còn có chiều hướng gia tăng.

Với câu hỏi này, Thủ tướng đáp: "Có thể nói bằng sự nỗ lực kiên quyết của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được kết quả bước đầu như nâng cao nhận thức, trách nhiệm các cấp, các ngành, hoàn thiện thể chế công khai minh bạch theo kinh tế thị trường để nhân dân kiểm soát, quan tâm". (Tiền Phong, 19/11)

Nhớ cách đây 5 năm, nguyên thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã trả lời chất vấn của QH liên quan đến vấn đề chống tham nhũng. Ông Khải khẳng định, người sai phạm và bao che sai phạm, ở bất kỳ cương vị nào, cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh, đúng luật và công bố công khai.

Cựu thủ tướng nói: "Là người đứng đầu Chính phủ, tôi nhận rõ trách nhiệm và coi trọng tìm hiểu nguyên nhân, rút kinh nghiệm với từng trường hợp. Đây cũng là trách nhiệm và bài học của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về bổ nhiệm cán bộ cấp cao, nhiều trường hợp phải trình Quốc hội thông qua". (VnExpress, 2/12/2004)

Chấm điểm chất vấn: Nói chung tốt!

CT QH Nguyễn Phú Trọng
Kết thúc 5 phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đánh giá: "Không khí chất vấn thẳng thắn mà không đao to búa lớn, gay gắt, tranh luận nhưng thân tình. Thân tình mà không né tránh và nhân nhượng". (VietNamNet, 19/11)

Chủ tịch QH cho rằng, nhìn chung, nhiều đại biểu đã có những câu hỏi sắc sảo, theo sát vấn đề.

Đó là chất lượng chất vấn của ĐB. Còn về chất lượng trả lời của phía hành pháp, ông Nguyễn Phú Trọng nhận xét là các bộ trưởng đã chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, trả lời một cách nghiêm túc, chân thành, thẳng thắn.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, trách nhiệm và giải pháp đưa ra vẫn còn chưa rõ, ở cả phần trả lời của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, lẫn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Huy Hoàng và Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn.

Người đứng đầu QH cũng đánh giá phần trả lời của người đứng đầu Chính phủ (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) là "rất thẳng thắn, rành mạch, cụ thể và cũng làm rõ thêm nhiều vấn đề mà các vị đại biểu và cử tri quan tâm, chỉ tiếc là thời gian hơi ít".

Chủ tịch QH cho rằng thành công của các phiên chất vấn là tạo điều kiện cho đồng bào trong và ngoài nước thấy được không khí dân chủ, thẳng thắn trong hoạt động Nghị trường ở nước ta. Tất nhiên, để giải quyết mọi vấn đề, không thể chỉ trông chờ vào phiên chất vấn.

110 người dân xin ở tù thay cho bà Trần Ngọc Sương

Bà Trần Ngọc Sương tại tòa sơ thẩm (Ảnh: Tố Nhi)
Trong lịch sử tư pháp Việt Nam, chưa bao giờ có đông người xin chịu phạt thay cho một cá nhân như vậy: Không chỉ viết đơn xin xem xét lại bản án sơ thẩm, 110 người dân ở Nông trường Sông Hậu vừa tiếp tục có đơn gửi các cơ quan chức năng "xin ở tù thay" nguyên Giám đốc Trần Ngọc Sương.

"Hành động ấn tượng" của những người viết đơn kia nói lên điều gì?

Lá đơn viết: "Chúng tôi xin ở tù thay cô Ba, nếu quan tòa quyết đưa cô Ba Sương vào tù (mỗi người chúng tôi xin ở thay cho cô Ba 1 tháng, vì tội của cô Ba chỉ lo cho mọi người chứ không có động cơ vụ lợi cá nhân)". (VnExpress, 16/11)

Đây chính là lúc yếu tố "nhân thân tốt" được đặt ra, nhưng không phải từ phía ngành tư pháp, mà là từ phía người dân.

Nếu được hỏi, 110 con người ở Nông trường Sông Hậu chắc chắn không giải thích nổi vì sao nhờ "nhân thân tốt" mà có người như ông Huỳnh Ngọc Sỹ được giảm sự trừng phạt, trong khi "cô Ba Sương" nhân thân tốt là vậy lại bị xử 8 năm tù, buộc bồi thường 4,3 tỷ đồng.

Thật ra, một nền luật pháp nghiêm minh là chỉ có "hợp lý" mà không "hợp tình", cho nên chuyện "nhân thân tốt" không nên được đặt ra. Nhưng, từ góc độ dư luận xã hội, bản án dành cho bà Trần Ngọc Sương của Nông trường Sông Hậu vào thời điểm này, đặt cạnh kết quả phán quyết đối với ông Huỳnh Ngọc Sỹ của Ban QLDA Đại lộ Đông - Tây (dù hai vụ việc chẳng có mấy nét tương đồng), rất dễ gây hiệu ứng tiêu cực trong dư luận.

Những người dân thường, tự nhận mình không hiểu biết về luật pháp, sẽ sẵn sàng so sánh hai vụ việc và "đòi công lý" theo suy nghĩ của họ. Với họ, như thế là cùng "nhân thân tốt" nhưng bà Sương bị xử quá nặng, còn ông Sỹ quá được ưu ái. Liệu họ có nên tin vào sự công minh của hệ thống tư pháp không?

Sợ bị thầy cô đánh, trò uống thuốc ngủ

Tháng 10 vừa qua, trường THCS Trần Quốc Tuấn (Q.7, TP HCM) phát hiện cả trường có hơn hai chục học sinh lớp 7 dùng thuốc gây ngủ để trốn thầy cô xuống phòng y tế. Lý do là sợ bị thầy cô đánh. Một số em phản ánh thầy dạy địa đánh bằng "cây roi dài và dẻo", cô dạy sử "dùng tay tát vào mặt các bạn", còn cô giáo tiếng Anh dùng "roi gỗ ngắn".

Ông Ngô Xuân Đông, phụ trách chuyên môn bậc tiểu học và THCS, Phòng GD&ĐT Q.10, lý giải về dụng cụ thầy cô đã dùng để đánh: "Có thể đó chỉ là dụng cụ giảng dạy mà thôi. Nhiều khi HS hư quá thầy cô lại không kiềm chế được nên mới đánh". (VietNamNet, 16/11)

Không thuộc bài, làm mất trật tự trong lớp hoặc không là đầy đủ bài tập về nhà, v.v... đều là lỗi của HS. Có điều, giáo viên hoàn toàn có thể dùng điểm số và đánh giá hạnh kiểm để phạt lỗi các em, thay vì dùng "dụng cụ học tập" để đánh. Xét cho cùng thì dụng cụ học tập làm gì có chức năng ấy. Ngay cả việc dùng tay không để tát vào mặt các em cũng cần được xem lại.

Hơn nữa, nếu thực sự HS "hư quá" thì có lẽ đã không sợ hãi giáo viên đến mức phải uống thuốc ngủ để trốn tiết.

Những thầy cô "không kiềm chế được" như thế, nhân Ngày Nhà giáo 20/11, có cảm thấy tự hào khi nhận hoa, quà, thậm chí... phong bì từ HS và/hoặc cha mẹ các em không? Trong khi ngành giáo dục còn rất nhiều bất cập, với nguyên nhân kinh điển là "do cơ chế", chúng ta đành chỉ có thể kêu gọi mỗi thầy cô hãy cố gắng giữ gìn cho nghề của mình - nghề giáo vốn dĩ đã hưởng một "thương hiệu tự có".

No comments: