Tuesday, November 10, 2009

Nghề

Lao đao trường cao đẳng nghề

TT - Đầu vào hạn chế, đầu ra khó khăn, các chính sách về liên thông chưa có, định mức đào tạo thấp... là những trở ngại trong quá trình phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường nghề.

Sinh viên ngành cơ khí Trường CĐ Nghề TP.HCM thực hành môn phay. Cơ khí là ngành khó tuyển sinh ở nhiều trường CĐ nghề - Ảnh: Như Hùng

Năm 2009, Trường CĐ Nghề An Giang được giao trên 3.500 chỉ tiêu cho cả hai bậc CĐ và trung cấp. Tuy nhiên, số lượng học sinh - sinh viên tuyển được chỉ trên 2.000. Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề An Giang Huỳnh Thanh Quang cho biết từ khi được nâng cấp lên CĐ năm 2007 đến nay, chưa năm nào trường tuyển đủ chỉ tiêu.

Mặc dù mùa tuyển sinh nào trường cũng tổ chức hướng nghiệp tại các trường THPT trong tỉnh nhưng thiếu vẫn hoàn thiếu. “Nhận thức phải vào được ĐH lâu nay đã ăn sâu vào nhiều phụ huynh và học sinh. Vào trường nghề chỉ là giải pháp tình thế, bất đắc dĩ” - ông Quang chia sẻ.

Lấy ngắn nuôi dài

"Liên thông là tính chất đặc trưng giữa các ngành nghề, các bậc đào tạo. Tuy nhiên hiện nay Bộ GD-ĐT và LĐ-TB&XH vẫn chưa có tiếng nói chung về vấn đề liên thông của trường nghề"

Ông Trần Văn Giáp (hiệu trưởng Trường CĐ nghề Hàng hải TP.HCM)

Trường CĐ nghề Giao thông vận tải trung ương III có trụ sở tại TP.HCM cũng trong tình cảnh tương tự. Chỉ tiêu bậc CĐ của trường năm 2009 là 500. Thế nhưng sau đợt xét tuyển lần một, số lượng tuyển được chỉ khoảng 300 sinh viên.

Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Văn Quynh trầm tư: “Thường năm nào trường cũng xét tuyển hai đợt nhưng hầu như rất khó tuyển đủ chỉ tiêu. Năm nay tình hình tuyển sinh còn khó khăn hơn. Những ngành đóng tàu, cơ khí tuyển sinh rất khó. Nghề đặc thù của trường là xây dựng cầu đường năm nay cũng ít người học. Riêng những ngành như hàn, vận hành máy xây dựng hầu như không tuyển được người học”.

Theo ông Quynh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tuyển sinh của trường nghề gặp khó khăn. Trong đó, quan trọng nhất là nhận thức của người học. Nhiều học sinh không vào thẳng được ĐH đã chọn đi đường vòng để sau đó liên thông. Tuy nhiên hiện tại bậc CĐ nghề vẫn chưa thể liên thông lên ĐH nên người học không mặn mà. Thêm vào đó, sự phát triển của các khu công nghiệp ở các địa phương nên người học có xu hướng chọn học và làm việc gần nhà.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo nghề hiện tại khá dài (ba năm đối với đối tượng tốt nghiệp THPT và bốn năm đối với THCS), đầu ra còn khó khăn nên người học chưa mấy mặn mà. Hiện số lượng học viên nghề sơ cấp (ba tháng) tại trường khá lớn. Nhiều học viên sau ba tháng đã có thể đi làm được. Các lớp hệ sơ cấp là đối tượng chủ yếu trong hoạt động của trường thời điểm hiện nay. Nói như ông Quynh là “lấy ngắn nuôi dài”.

Với những trường tuyển được số học sinh - sinh viên tương đối so với chỉ tiêu thì lại gặp sự thiếu hụt cục bộ ở một số ngành. Tại Trường CĐ Nghề Cần Thơ, hiệu trưởng Nguyễn Mỹ Loan cho biết so với chỉ tiêu 900 trường tuyển gần đủ. Số chỉ tiêu còn lại sẽ xét tuyển đợt hai và đưa về dạy tại các huyện. Tuy nhiên, một số ngành khối kỹ thuật tuyển sinh khó khăn, riêng ngành hàn không tuyển được.

Tại Trường CĐ Nghề Đà Lạt tỉ lệ đầu vào đạt khoảng 80%, riêng ngành cơ khí hầu như không tuyển được. “Nhận thức của học sinh khi chọn ngành nghề chưa tốt nên nhiều em khi vào học được một thời gian đã bỏ học. Tỉ lệ này trên 10%” - hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Đà Lạt Trương Thúc Hiếu cho biết.

Cần nhiều chính sách cho dạy nghề

Theo nhiều trường CĐ nghề, sự thiếu hấp dẫn của trường nghề bắt đầu do chưa có sự hợp tác giữa hai bộ GD-ĐT và LĐ-TB&XH. Hai bộ với hai hệ thống giáo dục riêng rẽ, chưa có sự liên kết, liên thông nên sinh viên CĐ nghề muốn học liên thông ĐH cũng không có con đường nào để đi. Một hiệu trưởng khác nhận định: “Đa số học sinh nhìn vào sự liên thông khi chọn trường nghề. Khi chưa có sự liên thông, nhiều em đã không vào trường nghề mà chọn con đường khác”.

Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Giao thông vận tải trung ương III Nguyễn Văn Quynh nhấn mạnh: “Cần thống nhất một đầu mối quản lý để làm sao có chính sách chung trong đào tạo. Hai bộ hiện đi hai đường khác nhau”. Để thu hút người học, ông Quynh đề xuất nên rút ngắn chương trình đào tạo nghề so với hiện nay.

Thêm vào đó nên đào tạo theo học phần, khi có thời gian sinh viên sẽ theo học, khi không có điều kiện thì bảo lưu. Khi hoàn thành chương trình sẽ cấp bằng. Việc đầu tư vào trường nghề phải theo chiều sâu và tập trung để có lao động chất lượng cao - hiện vẫn thiếu. Trường ĐH “ba không” cũng có thể đào tạo được, riêng trường nghề đòi hỏi phải có đầy đủ trang thiết bị thực hành thực tập.

Theo phản ảnh của các trường nghề, học phí hiện nay không đủ trang trải chi phí đào tạo. Ông Quynh dẫn chứng: chi phí đào tạo (bao gồm vật tư thực hành) ngành điện kỹ thuật khoảng 7,4 triệu đồng/khóa/SV trong khi học phí thu được chỉ 6 triệu đồng. Hiệu trưởng một trường nghề cho biết rất khó để sinh viên thực hành đầy đủ 70% theo chương trình, vì như vậy chi phí sẽ tăng gấp ba lần so với học phí theo quy định.

Mặc dù thiếu hụt kinh phí nhưng theo ông Trương Thúc Hiếu, thật khó thực hiện công tác xã hội hóa dạy nghề hay tăng học phí bởi hầu hết học sinh - sinh viên trường nghề đều là con em lao động, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Thay vào đó, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ về mặt kinh phí, định mức đào tạo để nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo của trường nghề.

MINH GIẢNG

No comments: