Thursday, July 28, 2011

Toán học của ta sau kỳ thi Olympic toán quốc tế 2011

Chỉ có cái đính chính là trường THPT Lê Hồng Phong ở Phú Yên không phải là trường chuyên, mà là trường làng, hẻo lánh. Thế nên, đôi lúc con người giỏi thật sự thì cũng chẳng cần sự trợ giúp không cần thiết bên ngoài, đại loại, phải dùi, phải luỵên với thầy giỏi. Tự thân vận động, mày mò và tìm tòi là kim chỉ nam của thành công. 
Còn chuyện nhiều người khuyên phải thực dụng trong việc dạy và học. Nói cách khác, họ không thích người Việt chú trọng đến toán mà phải học cái gì đó để tạo ra sản phẩm công nghệ. Nói theo nghĩa đen là học xong điện tử, tự động chẳng hạn, người đó phải chế ra con robot điều khiển tự động chạy vòng vòng múa may tý đỉnh. Hehe. Tuy nhiên, cốt lõi của cái làm nó chạy nó múa như lên đồng đó chính là toán. Mà người biết làm toán, thì cái giải thuật nó chính xác, muốn nó múa điệu nào cũng được thậm chí có thể strip dance (múa cột) ở quán bar cũng được. Hì hì.


Olympic Toán VN thấp nhất trong lịch sử 35 năm
- Với sáu huy chương đồng, xếp thứ 31 trong số 90 quốc gia và vùng lãnh thổ tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế lần thứ 52, đoàn Việt Nam năm nay có kết quả thấp nhất trong lịch sử 35 năm dự kỳ thi này.
Đội tuyển Olympic Toán Việt Nam tại IMO 2011

"Cú ngã đáng lo ngại" hay tin vui?

Ông Hồ Sĩ Đàm (Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội) bình luận trên Tiền Phong: "6 huy chương đồng cho Toán và không có huy chương vàng nào cho môn học vua này là một cú ngã ghê gớm của Việt Nam".

Lần đầu tham dự IMO vào năm 1974 và thường đứng trong tốp 10 đoàn có thành tích cao nhất, đội tuyển Toán học Việt Nam từng đoạt thành tích cao nhất của đội là vị trí thứ 3. Năm nay, hai nước ASEAN có thành tích tiến bộ vượt bậc Singapore (đứng thứ 3 trong khi trước đây ít khi lọt vào top 10) và Thái Lan (đứng thứ 5).

Bên lề cuộc làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa, GS Ngô Bảo Châu cho hay ông không quá bất ngờ với kết quả này.

"Cách đây 4-5 năm, Hội Toán học Việt Nam đã trình Nhà nước chương trình quốc gia về toán học, như là một cái phao để toán học Việt Nam không bị chìm. Vào thời điểm đó, những người làm toán chúng tôi đã không nhìn thấy lực lượng kế cận của toán học Việt Nam. Còn bây giờ nhiều người đã nhìn thấy rõ điều này" - ông nói với Tuổi Trẻ.

5-6 năm nay,  rất ít em thi toán quốc tế đeo đuổi theo ngành toán. Điểm thi ĐH vào khoa toán ở các trường tốt nhất cũng rất thấp, chứng tỏ rất ít học sinh theo ngành toán nói riêng và khoa học cơ bản nói chung. Với GS Châu, đó là điều rất đáng lo ngại.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của người ngoài cuộc cho rằng "đây là tin vui mới đúng".

Phân tích về yếu tố "vui", bạn đọc Thanh Hoa trên Tuổi Trẻ Online viết:

"Chúng ta đã dành bao nhiêu thế hệ học sinh ưu tú nhất để lao vào môn toán. Nhưng rốt cuộc, bao nhiêu người trong số họ có khả năng phát triển, nghiên cứu hay lại rẽ ngang sang con đường khác?"

Trong đội tuyển năm nay, có một học sinh trường huyện là Võ Văn Huy (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Phú Yên) - hiện tượng hiếm hoi ở các đoàn Olympic Toán học. Dù kết quả không chói lọi, nhưng câu chuyện "vượt khó vươn lên" của Huy khiến nhiều người ấn tượng hơn so với tấm huy chương Đồng của Huy.

Nhiều người cho rằng, "không phải các em học kém mà đã thực dụng hơn". Còn kết quả IMO không thể là tiêu chí đánh giá toán học Việt Nam tụt hạng hay lên hạng... và nên coi kết quả này là bình thường.

Nguyên nhân?

Năm nay, điểm số cao nhất của đoàn là 21 còn thấp nhất là 17 điểm. Chỉ có một thí sinh đạt được 1 điểm ở câu 6 (câu mặc định là khó nhất của đề thi). Không nói chi tiết, trên VnMedia, một giáo viên lâu năm kinh nghiệm am hiểu về thi IMO cho biết, cách thức và mục tiêu chọn đội tuyển hiện tại "có nhiều điều tế nhị".

Trên Tiền Phong, ông Đặng Đình Tới, Chủ nhiệm bộ môn Vật lý, Trường THPT Chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) nhìn nhận, phụ huynh và học sinh ở các thành phố không còn mặn mà với việc học hành để vào lớp chuyên, đội tuyển để đi thi quốc tế.

Ngoài Võ Văn Huy, đội tuyển có 5 thành viên đến từ các trường:  THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), THPT Chuyên Bắc Ninh, THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) và  THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định).

Theo quan sát của báo VnMedia, khác với nhiều năm trước, thành phần đội tuyển hoàn toàn vắng bóng học sinh của các trường THPT chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, những đơn vị thường xuyên là chủ lực trong đội tuyển Olympic Toán quốc tế. Những năm trước, có năm, cả 6 thành viên đội tuyển đều là học sinh Trường THPT Chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội.

Ở lĩnh vực gần với Toán là Tin học, GS Hồ Sĩ Đàm là người đã nhiều lần dẫn các đoàn Olympic Tin học đi thi quốc tế, và từng có huy chương Vàng. Nhưng nay, ông không tham gia dẫn đoàn với lý do không đồng quan điểm với người tổ chức.

Ông Đàm lý giải nguyên nhân, chính sách không còn tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia vào đại học có tác động đến tâm lý của nhiều học sinh giỏi. Các em không mặn mà để tập trung cho đội tuyển.

Không phải đội tuyển "vua", năm nay các đoàn Olympic Vật lý và Tin học của Việt Nam đều mang về mỗi đoàn 1 huy chương vàng. Tuy nhiên, các đội tuyển khác như Hóa học, Sinh học năm nay cũng khiêm tốn với kết quả là các huy chương Đồng.

Tuy nhiên, với GS Ngô Bảo Châu, nay đang là Giám đốc Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và đang làm việc ở Việt Nam thời gian này thì nghĩ khác.

Ông cho rằng, "để toán học Việt Nam không tụt hậu thêm, cần thôi nghĩ rằng Việt Nam là một nước nhỏ. Một đất nước có hơn 80 triệu dân, là một trong số các quốc gia đông dân nhất thế giới thì không thể là một nước nhỏ được. Và như vậy, ngoài phát triển kinh tế là điều vô cùng cần thiết, cần phải có tham vọng xây dựng một nền giáo dục từ phổ thông đến đại học và nền khoa học tương xứng với vị thế của đất nước. Cái đó ai cũng đồng ý nhưng ít người đồng ý với những giải pháp cụ thể".


10 đội xếp cao nhất tại IMO 2011:
1. Trung Quốc
2. Mỹ
3. Singapore
4. Nga
5. Thái Lan
6. Thổ Nhĩ Kỳ
7. Triều Tiên
8. Đài Loan
9. Romania
10. Iran
  • Vân Phong (tổng hợp)

No comments: