Wednesday, July 27, 2011

Dân dã bánh tro Phú Yên


Bánh tro, một loại bánh được làm bằng gạo nếp phổ biến ở 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên. Và trong tất cả các buổi lễ, giỗ chạp, cưới xin thì lại càng không thể không có món bánh tro để đãi khách.

Chỉ nhìn vào dĩa bánh tro thôi thì khách đã có thể đánh giá được sự chịu thương, chịu khó, sự đảm đang, khéo tay của người phụ nữ chủ gia đình. Vì để làm được một chiếc bánh tro không phải là một điều đơn giản.

Mô tả ảnh.

Khác với cách làm bánh tro của Bình Định là có pha thêm bột lọc, đôi khi lại có thêm nhưn đậu xanh, cách gói giống như gói bánh ít hay bánh ú. Bánh tro Phú Yên chỉ làm thuần bằng gạo nếp, và gói chiếc bánh theo hình ống. Muốn có một cái bánh tro ngon, trước tiên là phải lựa gạo nếp ngon, rặt, không bị lộn gạo.

Sau đó đem ngâm với nước vôi ( gạn lấy nước trong) để một đêm, vớt ra vút gạo nếp lại cho sạch rồi ngâm tiếp với nước tro ( dùng tro củi, chứ không dùng tro than) thêm một đêm nửa, vớt ra rửa lại gạo cho sạch, để ráo, dùng lá cau, hay lá dừa (ngày nay do lá cau hơi bị hiếm nên người ta thường gói bánh bằng lá chuối), để gói thành cây bánh to hơn ngón tay cái, dài chừng 30cm rồi đem nấu. Và để chiếc bánh có được màu nâu đỏ, khi xếp bánh vào nồi, người ta thường xếp cứ một lớp bánh, một lớp măng khô và nấu trong chừng 4 tiếng đồng hồ là được. Một chiếc bánh tro đạt yêu cầu là khi cắt lát bánh ra, thì bánh phải dẻo và mịn.

Bánh tro, chỉ nội cái tên của nó thôi cũng đủ để thấy đó là một món ăn của người quê chân chất. Và có thể nói không ngoa rằng đó là một món bánh thuần Việt 100%. Không hề có bất kỳ yếu tố ngoại lai nào lẫn vào trong chiếc bánh tro dân dã của vùng Phú yên- Bình Định. Nhìn những lát bánh tro có màu nâu đỏ trông thật bắt mắt được xếp chung quanh dĩa, kèm một ít đường cát trắng.

Cầm miếng bánh tro, chấm một ít đường, đưa vào miệng nhai một cách chậm rãi, bạn sẽ cảm thấy cái vị bùi bùi, dẽo thơm của gạo nếp, cái nhân nhẩn của măng, vị ngọt của đường hòa lẫn vào nhau khiến cho bạn có cảm giác như có cái mùi hương thoang thoảng của cả một cánh đồng lúa chín ngạt ngào ùa về trong vị giác của bạn…Tuy nhiên theo những bậc cao niên thì bánh tro phải ăn kèm với đường mật mía thì mới đúng kiểu của nó.

Như đã nói ở trên, chiếc bánh tro không thể nào vắng mặt trong tất cả các buổi tiệc cưới xin, giổ chạp của người dân Phú Yên, vì chính ở đó, những người phụ nữ thôn quên chân chất, quanh năm bám với ruộng đồng mới có thể thể hiện được sự khéo tay, đảm đang của mình qua từng lát bánh. Mời bạn, nếu có về thăm vùng đất Phú Yên, nhớ tìm cho được một cái bánh tro để có thể thấy được tình quê trong món bánh thuần Việt, dân dã của người quê Phú Yên.

Theo Công Tâm
CA TPHCM

No comments: