Saturday, July 30, 2011

Năm trăm, một nghìn đồng - thưa đi thưa lại

Đọc xong bài này cũng thấy có cái lý, nhưng có vẻ cái lý hơi cùn và hơn thế nữa bộc lộ những cái yếu điểm. Hơn nữa, đọc xong bài này, tui vẫn chưa biết ý đồ của người viết là gì. Thế nên, tui đành phải đoán thôi, thứ nhất phàn nàn vì ai đó nói lạm phát. Thứ hai, nói chuỵên khác biệt giữa người giàu và kẻ nghèo trong xài 1000 đồng hay sự khác biệt ở thành thị và vùng quê hẻo lánh. Thứ ba, chuỵên các vị phớt lờ chuỵên thối tiền vì tiền nhỏ.
 
Thứ nhất, chúng ta phải thừa nhận rằng lạm phát đang ở mức cao, nói đúng hơn là khá cao, đồng tiền đang mất giá thật sự. Đừng nói rằng người ở thành thị hay nông thôn, nhà đại gia hay nhà nghèo không hay vẫn còn xài tiền năm trăm, một ngàn, hãy nói cho đúng tiền đó không còn đáng giá thực sự. Lấy một ví dụ đơn giản, ngồi ngay Sài gòn, một ly cafe tầm chừng 15 ngàn-20 ngàn. Đó là quán bình thường còn quán sang thì hơn nữa. Về Tuy Hòa là miền quê, ly cafe cũng giá đó. (Không nói cafe vỉa hè, vì cafe vỉa hè là chuỵên khác). Nghĩa là ngồi trong quán đàm đạo với vài ba chiến hữu thì bữa cafe sáng đi tong 100 - 200 ngàn là chuỵên bình thường. Một ngàn lúc đó không có giá trị.

Để đáp lại suy đoán thứ hai, phần trên có nói sơ sơ, nhưng người viết bài này mà lập luận kiểu này thấy phi lý quá. Bạn là sinh viên mà là sinh viên nghèo mà xài điện thoại di động. Không lẽ tiết kiệm tiền là để ăn xài hoang phí. Theo lẽ thông thường nhà nghèo phải tiết kiệm từng đồng từng cắc để nhằm đáp ứng nhu cầu tối thiểu: ăn vừa đủ no, mặc vừa đủ ấm và tuyệt đối không xài hoang phí. Thế nên tui nghe đến xài bao nhiêu tin nhắn cho mạng Viettel sinh viên sao thấy chướng. Nhớ lại cái thời sinh viên, tui phải lăn lộn ngoài đời dạy kèm để kiếm tiền và hầu như chẳng biết thế sự nó đang tiến triển thế nào, còn các em sinh viên thời nay nó hiện đại quá mà lại nói chuỵên một ngàn hay năm trăm. Ngay cả thời mới đi dạy, tui vẫn chưa xài điện thoại di động vì không thấy cần thiết cho nhu cầu tối thiểu. Do vậy nếu bạn đã là sành điệu, thì một ngàn hay năm trăm đó cũng chẳng đáng là gì. Không lẽ bạn tiết kiệm 1 ngàn hay năm trăm để mua được cái điện thoại 200 ngàn (tui lấy ví dụ này vì cái điện thoại tui xài không biết bán được 20 ngàn không, nhưng make sure điện thoại các teen thời này chắc không dưới 1 triệu). Nhân tiện cũng đáng ra một tý, chúng ta đừng nhầm rằng ở Sài Gòn mới giàu có, ngay thành phố Vinh, xe hơi cũng có đầy, đại gia không thiếu. Các vị ngoài đó xài tiền còn dữ dằn hơn cả Sài Gòn. Và cũng từ nhầm lẫn đó, các công nhân ở miền quê vào Sài Gòn với mức lương 2 triệu/tháng, họ bĩu môi, tưởng vào Sài Gòn lương 5 hay 10 triệu, chứ bèo thế vào làm gì. Nghe họ nói thế, tui cũng hơi giật mình, một GV ThS mà chừng 5 triệu, bỏ bao năm ăn học, đánh đổi nhiều thứ (ở đây không nói những kẻ cơ hội, mà là người ăn học thực sự và làm thực sự). Còn người công nhân làm công ăn lương ít học, thế mà họ lại ... 

Về ý thứ ba, Việt nam là lai căng. Nghĩa là sao? Có khá nhiều lần tui đi taxi từ sân bay Tân Sơn Nhất về nhà, tiền dư 20 ngàn hay 25 ngàn. Nhiều lúc bác tài không thối, tôi cũng hay phớt lờ vì không đáng. Vì hỏi ra thì họ lại nói không tiền lẻ rồi họ đẩy về phía mình, bác có tiền lẻ thì đưa. Đi xa về mệt, phải làm ba chuyện tiêu tốn nơron, thà dành nhiêu nơron đó kiếm nhiều tiền hơn. Chuỵên thứ hai, đi uống cafe ở Sài Gòn, mỗi lần lấy xe, mặc dù quán không quy định trả tiền xe, nhưng vài quán, mình phải chuẩn bị tiền lẻ để tip (bo) cho các người giữ xe, 5000 hay 10000. Kể ra để làm gì? Ngày tui sống đất Hàn, mỗi lần ăn uống, mua đồ, tiền lẻ dư rất ít 100-200 Won gì đó, cứ nghĩ giống Việt Nam, tui không lấy. Mấy lần đó suýt bị đấm cho vỡ mặt (thậm xưng chút). Vì văn hóa Hàn, bạn làm thế là sỉ nhục người khác đấy. Mà cho kiểu tiền lẻ thế thì cái giá của họ thấp quá, họ càng đánh. Thế còn Canada thì sao, vào quán ngồi, ăn uống gì không biết, bạn phải tip. Tùy hỷ thôi, nhưng mỗi người là 1C$ là giá chót. Thậm chí bạn uống ly cafe chừng 1.5 C$, tip 1C$, còn không thì food-to-go, mua xong, xách đít chạy chỗ khác ăn. Và tip cũng là văn hóa Canada, bạn đừng làm điều gì trái với nếp sống của họ. Quầy bán thức ăn, uống đều có hộp dành cho tip. Cho nên, cũng có nhiều trường hợp họ phớt lờ chuỵên thối là bình thường bởi vì quan niệm của họ tiền nhỏ. Cuối cùng, Việt Nam thì sao. Tui không biết sao cả? Ha ha. Tự hiểu!!!

Không biết tự đoán và tự diễn thế có đúng ý không nhỉ?


 
Hồi âm bài “1.000đ thì mua được cái gì”
(Dân trí) - 1.000đ đối với người khác có thể không mua được gì, nhưng đối với sinh viên là cả 1 ngày gửi xe, một bát canh dưa, 10 cuộc tin nhắn nội mạng và v..v…
 >>  "Một nghìn đồng thì mua được cái gì?"
Đối với cư dân ở thành thị, các thủ đô thì 1.000đ có thể không mua được gì cả. Nhưng đối với những sinh viên khu vực miền Trung chúng tôi, 1.000đ là cả một vấn đề đáng để "kỳ kèo" và mua được nhiều thứ, dùng được nhiều việc.

Những dẫn chứng sau đây sẽ trả lời cho bài viết “ 1.000đ thì mua được cái gì?” đăng trên dantri.com.vn hôm 28/7.
 

1.000 đồng với sinh viên nông thôn vẫn còn khá nhiều ý nghĩa

1.000đ - 1 ngày gửi xe

Trong bài viết “1.000 đ thì mua được cái gì”  tác giả viết; “tiền 500 đồng thậm chí 1.000 đồng cũng đang bị đào thải bởi đơn giản là không mua được cái gì với chừng đó tiền”. Đó có thể là thực trạng ở các thành phố lớn, ở các giới, tầng lớp khác. Nhưng đối với tầng lớp sinh viên, đặc biệt là sinh viên miền Trung thì tiền mệnh giá 500đ và 1.000đ lúc nào cũng có trong túi áo, thậm chí được tích trữ thành từng xấp to.
 
“Đại gia đô 500” là biệt danh mà các bác các cô trông xe ở nhiều trường cao đẳng, đại học đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An phong cho sinh viên theo học tại đây. 1.000đ đối với người khác có thể không mua được gì, nhưng đối với sinh viên là cả 1 ngày gửi xe.
 
Nhưng có một thực trạng tại các điểm gửi xe ở những trường đại học, cao đẳng tại Nghệ An là: dù nhà trường niêm yết giá gửi xe đạp là 500đ/lần, xe máy là 1.000đ, nhưng cứ hễ sinh viên đi xe đạp đưa 1.000đ là luôn không được thối lại (mặc dù họ có rất nhiều tờ 500đ).  Nhiều sinh viên ngại không dám đòi đi luôn, một số sinh viên con nhà giàu thì “bo” lại để tỏ ra ga lăng. Còn đối với sinh viên nghèo như tụi tui thì đứng kèo nèo cãi vã với cô chú gửi xe, quyết đòi lại cho được 500đ tiền dư mới chịu đi vì 500 đó là phần gửi xe buổi chiều tới lớp.

Cứ nhiều lần gửi xe mà không lấy lại được tiền dư, giới sinh viên chúng tôi rút ra 1 kinh nghiệm: chuẩn bị sẵn tờ 500đ đỏ chót. Nhờ nó chúng tôi đỡ tốn thời gian, đỡ mất công kỳ kèo "xin lại" tiền dư dù đó là tiền của mình. Biệt danh “Đại gia đô 500” xuất hiện từ đó.

1.000đ - 10 cuộc tin nhắn, 1 ôm lá cải...

Đến với chợ Quyết thuộc phường Bến Thuỷ, TP Vinh, với 1.000đ sinh viên có thể mua được 1 vộc ớt hoặc một bó hành lá hay một bịch mắm tôm… Vào mùa cải, các nhà buôn thường lấy lá bắp cải già trữ lại thành đống bán cho những người chuyên muối dưa. Nhưng đối với sinh viên khi đến hỏi mua, các chủ buôn thường nói: Sinh viên cứ bốc đầy túi, đưa chú 1.000đ.

Thêm nữa, đối với sinh viên 1.000đ có thể mua 1 lọn dưa chua về nấu 1 nồi canh... cực hấp dẫn.

Cũng với 1.000đ, sinh viên có thể nhắn được 10 tin nhắn nội mạng Viettel đối với sim sinh viên…
 
Và còn ngàn lẻ một cách tiêu 1.000đ trong giới sinh viên, mà trên đây chỉ xin đưa một vài ví dụ dẫn thực cho bài viết.
                                                           
Nguyễn Thị Hằng Nga
Ngách 1, ngõ 5, khối Tân Yên, phường Hưng Bình, Vinh, Nghệ An

No comments: