Thursday, February 19, 2015

Chúc mừng năm mới 2015

Chỉ còn chưa vài phút nữa, pháo mừng xuân sẽ nổ đánh dấu thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới. Pháo giao thừa dùng để tống tiễn năm cũ với những xui rủi đeo bám cả năm. Pháo giao thừa đồng thời dùng để nghinh tiếp vận may đến cho năm mới. Bởi vậy tiếng pháo gần như gắn liền với người Việt với dân tộc Việt. Lâu lắm rồi kể từ lúc cấm đốt pháo ở Việt Nam, thì nay ngay tại xứ người tiếng pháo và xác pháo gợi cho người viễn xứ cái gọi là hoài cổ, hoài niệm cố hương. Tiếc là một cái văn hóa đẹp bị méo mó khi áp dụng và cuối cùng bị chết yểu ngay tại quê hương xứ sở. Tuy nhiên, cũng ấm lòng, khi người xa xứ được tận hưởng chút hương vị quê hương - tiếng pháo cái mà người quê nhà mơ chẳng có được.

Song song với tục đốt pháo, lập bàn thờ cúng gia tiên là một phong tục hay và được duy trì cho đến ngày nay mặc cho thế sự có đổi thay. Có nhiều người chưa hiểu kỹ cái hay cái đẹp của việc cúng kiếng, thay vào đó họ cứ chăm chăm vào việc phê bình cái rườm rà và mất thời gian của nó. Quan niệm của mình không dựa vào khuôn phép sách vở, ai thích thì tìm hiểu. Mình chỉ vắn tắt hai điều. Thứ nhất, việc nấu nướng sắm lễ cúng tuy mệt mỏi nhưng có tác dụng tưởng nhớ ông bà. Chẳng hạn, mình điểm danh với ông bà rằng mình đang làm gì ở đâu. Chứ bao năm mình lưu lạc tận đâu và chẳng có một phút giây chăm sóc phần mộ ông bà. Đó cũng là cách để con cái sau này học hỏi cách coi trọng nguồn gốc của mình.  
Con người có tổ có tông 
Như cây có gốc, như sông có nguồn
Thứ hai, việc thiết lập bàn thờ với đèn nến một góc nhà làm cho nhà trở nên ấm cúng hơn, gia chủ cảm thấy an lạc thân tâm. Theo phong thủy thì nhà ở phải cân bằng âm dương, thế nên cách đặt bàn thờ phù hợp có thể khắc chế được những yếu điểm khác của nhà như hướng, màu sắc nhà, phòng ngủ .v.v. Việc này khá quan trọng, nhiều người giàu có đó, công danh sự nghiệp đầy đủ nhưng sự an lạc thì không có được. Có thể gia đình họ lục đục vì những việc rất nhỏ hoặc giả ra đường, đến sở làm, họ gặp nhiều khó khăn không đáng có. Nên nhớ rằng sự an lạc chẳng mua được bằng tiền bằng đổi chác với sự nghiệp công danh. Vậy chẳng cớ gì mình không thay đổi một chút để mang về cho mình sự thoải mái ở thân tâm.

Trong những ngày cuối năm, tục lệ cúng ông Táo cũng khá hay. Khá nhiều người cho rằng đây là hủ tục cần loại bỏ, lý do sông lắm rác do tập tục thả cá, nhà hay cháy vì đốt vàng mã. Tuy nhiên, mình rất thích thú với tập tục đẹp này đặc biệt là nên áp dụng nó ở Tây phương. Việc cúng tiễn ông Táo về trời cốt để nhắc nhở gia chủ rằng bớt thị phi. Vì ai cũng biết, nhà bếp Tây thường gắn với nơi tổ chức ăn uống, mà trong tiệc thì rượu vào lời ra. Khổ nổi con người ít khi nói điều hay lẽ đẹp mà hay nói đến một ai đó, cái mà nhân gian hay gọi là buông lời thị phi. Ở Việt Nam, thì không nói nhiều, ai cũng biết qua câu nói ''chuyện xó bếp''. Nhắc đến nó ta biết ngay là đang nói gì. Cho nên cúng ông Táo là dịp gia chủ nhớ lại những ''chuyện xó bếp'', gia chủ sẽ tự thẹn và tự sửa.

Tóm lại, việc cúng kiếng cốt chẳng để cầu cạnh ông bà, tổ tiên mà chính là dịp để tự răn mình những điều chưa tốt. Đồng thời, nó mang lại cho gia đình một không khí ấm cúng, gia chủ an lạc. Hơn thế nữa, thông qua một kênh truyền tâm linh gia chủ có thể kết nối sẻ chia với người thân ở hai bờ đại dương. Ý thiện thì nó cùng hội tụ về một điểm. Để tóm gọn lại, nhắc câu ông bà xưa ''Có thờ mới thiêng, có kiêng mới lành''. Cuối cùng, năm cũ Giáp Ngọ vừa qua, năm mới Ất Mùi đến, cầu chúc bà con xa gần sức khỏe, thành công, hạnh phúc và bình an!!!

No comments: