Sunday, February 24, 2013

Những chuyện loanh quanh ngày tết

Trước hết, tối hôm qua, một tiếng nổ lớn tại căn nhà đối diện chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn đã làm sập 3 căn nhà, tước đi 10 mạng sống và làm trọng thương 3 người. Đó là tin buồn. Tớ cũng chia buồn với những gia đình này. Cần nói thêm rằng, căn nhà phát nổ là của ông Lê Minh Phương, biệt danh "Phương khói lửa", giám đốc công ty Lạc Việt (công ty chuyên làm phim và hiệu ứng trong phim trường). Nghe lại câu đúc kết trong dân gian "sinh nghề tử nghiệp" sao thấy đắng cay!

Nghe tiếng thét (đọc trên báo) và tiếng khóc than (chiều nay trên đường về từ sân bay Tân Sơn Nhất, tớ đi ngang đoạn này), bất chợt tớ liên tưởng đến lễ hội chém lợn ở miền Bắc (nó có vẻ đối nghịch với chuyện ở trên). Xin thưa rằng, tớ không mang "sắc màu" kỳ thị ở đây, chuyện tớ nói hoàn toàn khách quan. Hình ảnh vung đao chém đứt đôi con lợn giữa tiếng hò reo đầy phấn khích của dân làng. Máu lợn văng tung tóe, kèm theo là dòng người ùa vào bôi máu lợn vào tiền để lấy may đầu năm. Những cảnh đó trông thật dã man, và nói cho ngắn gọn là ác. Đáng nói là người dân chọn cái ác để cầu may. Thật là bất phúc cho người Việt! Bởi cái ác không chỉ đơn giản ở hành động mà còn ngấm vào trong tư tưởng "hành ác cầu lành".

Những ngày đầu năm cũng là dịp phát ấn đền Trần. Chuyện mà năm nào cũng có là giẫm đạp lên nhau cốt để dành ấn. Người Việt vốn dĩ thích mong cầu từ đấng tối cao nào đó ban phát. Đây cũng chính là một nhược điểm làm cho người Việt xấu xí đi. Theo thiển ý của tớ, đó chính là sự mê tín đến cực đoan. Chúng ta cần loại trừ cái tâm ý đó ngay. Một phản biện đơn giản thôi, đó là chúng ta nếu có xin/rước ấn thì chúng ta muốn mong cầu sự yên lành và phát đạt trong năm đó. Tuy nhiên, chúng ta giành giật thì cái tâm của chúng ta đã không an rồi. Đã thế, người ngoài nhìn vào chẳng ai nói là xin ấn mà là "cướp ấn". Hehe. Có khi nào thằng ăn cướp mà được yên lành đâu?

Cũng trong những ngày đầu năm, tớ đi hầu hết các chùa. Việc đi chùa của tớ cốt chẳng để cầu điều gì. Cái chính là tớ thích cái sự yên tĩnh và không gian thoáng đãng nơi chùa chiền. Hơn nữa, tớ đi chùa thì vợ, con, anh, em và cháu cũng đi. Tớ cũng mong những người thân năng đến những nơi chùa chiền để tâm thanh tịnh. Cho nên, vào chùa, tớ chỉ đi loanh quanh chùa còn những người đi cùng thì cứ vào lễ bái hay cầu khấn tùy thích. Chính việc đi loanh quanh này, tớ có dịp quan sát một số hoạt động của khách hành hương. Đầu tiên, sau khi lễ bái xong, khách đến vuốt áo của Phật Bà Quan Âm rồi vuốt vào mặt của mình để cầu điều may mắn. Nhìn hình ảnh này, tớ thấy có cái gì không ổn. Thứ nhất, bản thân trụ trì của chùa cho phép mặc cái áo vải cho Phật Bà (tượng nằm ngoài trời) là không hay, vì hình thức giống cải lương. Thứ hai, cái cách làm của các vị khách kia mang dấu ấn của mê tín và hơi mất vệ sinh. Việc đi chùa cốt để tâm an chứ chẳng phải mong cầu. Bởi mong cầu cho đã, mà phước duyên chẳng đặng, chúng ta cũng chẳng được gì. Còn thử tưởng tượng, khách đi từ xa đến, tay chân chưa chắc gì đã sạch, thế nên cái hành động như trên là không phù hợp chút nào. Việc thứ hai mà tớ muốn nói là việc xin xăm và bói quẻ đầu năm ngay tại chùa. Việc này tớ từng nói là đi ngược với truyền thống của nhà Phật. Đã thế, chính việc này mới đẻ ra chuyện: Đi chùa thì phải chọn chùa linh. Từ đó, mê tín dị đoan lại có cơ hội bộc phát. Hệ lụy là Phật giáo bị mang tiếng là một giáo phái mê tín dị đoan. Tớ từng tai nghe mắt thấy tại chùa Thanh Lương, An Hải, Tuy An. Chùa này có một tượng Phật từ biển trôi vào và do đó được đánh giá là linh thiêng số 1 ở Phú Yên. Vào chùa ngày mồng 7 tết, cảnh người nối tiếp nhau ken đặt chánh điện để ... xin xăm khiến tôi thấy tội cho vị Phật bị trôi vào vùng đất này!!! Bởi không có vị Phật nào muốn như thế. Ngày lễ tết, chí ít, vị trụ trì cũng phải có bài pháp giảng dạy cho các Phật tử để hướng kẻ tu đi theo chánh pháp. Đằng này thì ...

Theo truyền thống từ trước đến giờ của riêng tớ, ngày tết thì tớ chỉ nhậu vào đúng buổi giao thừa. Ngoài ngày này ra, một cốc rượu hay một ly bia tớ cũng từ chối. Lý do rất đơn giản. Nhậu là đi kèm với mồi. Mà mồi là từ các loại động vật (chẳng có ai ngồi nhậu với rau, tương chao và đậu hũ cả!). Có nghĩa là nhậu là đi kèm với sát sinh (trực tiếp hoặc gián tiếp). Đó chính là điều tớ không thích. Tớ chỉ thích ăn rau cỏ thôi! Nhờ vậy, cả nhà tớ tiêu thụ một lượng lớn rau của Tuy Hòa. Giá cả rau rẻ mạt. Vài đồng là cả mớ!

Ngày hôm nay là rằm tháng giêng và cũng là Tết Nguyên Tiêu. Ngày này nếu được xem những hoạt động tích cực thì nó là ngày đẹp. Bởi Phú Yên có truyền thống tổ chức hội thơ ngay tại đỉnh núi Nhạn (hội ). Đây là nơi giao lưu của các thế hệ nhà thơ và các nhà thơ của Phú Yên nói riêng và các nhà thơ cả nước nói chung. Ai là con dân của đất Phú đều không thể nào quên ngày này, dù họ có lưu lạc ở phương trời xa lạ nào. Chúng ta có quyền tự hào về mảnh đất yêu thơ Phú Yên, vì trong khi cả nước có ngày hội thơ thứ 11 thì Phú Yên kỷ niệm ngày hội thơ thứ 33.

Vài dòng như trên để liệt kê vài chuyện mà tớ đã làm và đã gặp. Viết ra để rút tỉa và suy ngẫm. Thế thôi!

No comments: