Wednesday, May 26, 2010

Thời kỳ ??? của công cuộc cách mạng vĩ đại

Nhớ một thời buôn… chui

27/05/2010 09:27:22

- Hà Nội - cái thời người dân đi chợ xếp hàng cả nửa ngày mới mua được nửa lạng thịt, nhà nào liền hai, ba ngày xách thịt cá về chén đều là y như rằng "được" công an vào "hỏi thăm" ngay. Thậm chí, mua một cái ti vi đen trắng cũng phải chở đi quanh Hà Nội mất mấy vòng mới dám về nhà chỉ vì "sợ" công an tịch thu. Giữa lúc "nước sôi lửa bỏng", làm gì cũng cấm, thậm chí cấm tiệt ấy, vẫn có một đội quân "đông như kiến cỏ" tập hợp đa số "chị em" làm nghề "buôn intershop" hay còn gọi là "con phe chợ xốp" ("xốp" từ chữ "shop" - PV).

TIN LIÊN QUAN

"Con phe chợ xốp"


Cửa hàng Intershop ở địa chỉ C4 phố Giảng Võ được thành lập từ những năm 1980 với mục đích phục vụ những người Việt Nam từ nước ngoài trở về hoặc các cá nhân là người nước ngoài sang Việt Nam học tập, công tác. Họ được các suất mua đồ miễn thuế tại cửa hàng.

Trong hoàn cảnh khó khăn, hàng hóa khan hiếm lúc bấy giờ, được mua đồ ở intershop là niềm ao ước của biết bao nhiêu người. Chính vì cái sự "nằm mơ giữa ban ngày" đó đã dần hình thành nên một nghề với tên gọi chẳng hay ho gì cho lắm - nghề "con phe chợ xốp".

s
Trong hoàn cảnh khó khăn, hàng hóa khan hiếm, được mua đồ ở intershop là niềm ao ước của biết bao nhiêu người.

Những người làm nghề này chỉ mua "suất" của "anh A" để bán lại cho "chị B" hưởng chênh lệch hoặc có chút vốn liếng thì mua "suất" rồi "ôm" hàng về bán lại cho những người có nhu cầu để kiếm lời.

Đơn giản thế thôi, nhưng giữa lúc những người không có tiền chịu khổ đã đành, người có tiền cũng không được quyền "sướng" thì "cái tội" của "con phe chợ xốp" được đẩy lên chót vót, nào là buôn gian bán lận, đầu cơ, trục lợi...

Nhiều người gom góp tiền của đi "phe" chưa hòa vốn đã bị công an "quơ" một mẻ, sảy chân vào chốn lao tù, tiền tài tứ tán. Bà Nguyễn Thị Thọ ở số 29 ngõ Thổ Quan, Khâm Thiên, Hà Nội là một "con phe" có tiếng thời bấy giờ. Bà Thọ nguyên là nhân viên Công ty Xây dựng số 1 Hà Nội.

Nhớ lại một thời đi buôn chui, bà kể: "Chồng tôi lúc đó mới vào ngành công an, đi miền Nam, cả năm trời không thấy mặt. Tôi một mình nuôi 3 con nhỏ ăn học với đồng lương ít ỏi. Một lần, con bé lớn đi học về, sang hàng xóm xem ti vi nhờ, chả biết thế nào mà bị người ta đạp ngã từ trên giường lăn ra đến tận cửa. Vô tình chứng kiến cảnh đó, tôi xót con, ức nghẹn cả họng, bế cháu về nhà tự hứa với mình sẽ cố đi "chợ" để mua được cái ti vi cho con khỏi phải đi xem nhờ".

Khởi nghiệp từ 5 đồng bạc


Vay của người bạn thân 5 đồng bạc, bà Thọ khởi nghiệp buôn từ bánh mì đến bánh nướng, bánh dẻo, dép nhựa tái sinh, bia, thuốc lá. Vì lúc bấy giờ thuốc lá thuộc loại "hàng quốc cấm" nên "đổ" thuốc lá đem lại món lời cao hơn cả.

Nhưng bà Thọ bảo rằng dù cất giấu kĩ đến đâu, "đổ" hàng tinh vi thế nào cũng có bận bị lực lượng chức năng phát hiện, tịch thu hết. Số lượng ít thì coi như mất trắng, nhiều thì đi "bóc lịch" như bỡn.

Lâu dần, bà được các "chị em bạn" giới thiệu nghề mới ra intershop làm ăn. Từ ngày buôn bán lặt vặt đã vài ba năm, đời sống tuy bớt chật vật hơn nhưng vẫn chưa thể mua nổi cho con cái ti vi đen trắng để xem nên bà Thọ quyết chí làm giàu.

s

Lúc đầu, vốn liếng chưa có, bà chỉ mua lại suất mua hàng ở intershop của những người Việt Nam từ nước ngoài trở về rồi bán lại cho những người có nhu cầu để hưởng chênh lệch vài ngàn đồng. Khi tích góp đủ vốn liếng, bà "ôm" thật nhiều hàng rồi bán lại.

Hàng hóa gồm đủ loại: ti vi, tủ lạnh, xe máy, xe đạp, đèn neon, quạt, may ơ, xích líp, xà phòng, nồi, xoong, chảo, chăn, màn... Tóm lại là tất cả những thứ đồ gia dụng mà ngoài intershop ra người dân không còn biết tìm mua ở đâu.

Thời ấy, những người được ra nước ngoài cũng hiếm hoi nên việc tìm mua lại các suất mua hàng của họ chẳng phải là việc dễ dàng. Bà Thọ cùng nhiều chị em "phe" khác tiếp tục "lùng" những cán bộ, sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học tập, công tác để "hợp tác".

Họ đưa tiền cho những người này - được gọi là "cóc" để "nhờ" mua hàng từ intershop chuyển ra cho họ. "Cóc" sẽ được nhận vài ngàn đồng tiền công tùy theo giá trị hàng hóa mà họ mua cho "phe".

Khi "phe" nhận hàng xong, bao giờ cũng có cả một đội quân "ninh dừ" chầu bên ngoài để "luộc" - bán đi bán lại hàng. Khi hàng đến được tay người tiêu dùng có thể đã phải qua 2 - 3 lần "ninh dừ". Toàn bộ nguồn ngoại tệ phục vụ việc mua bán ở intershop được các "phe" đổi trên phố Tạ Hiền. Con phố này thời ấy là trung tâm giao dịch thu đổi ngoại tệ vô cùng nhộn nhịp của các "phe".

Hoạt động đó tất nhiên cũng bị lực lượng chức năng truy quét gắt gao nhưng cả "phe xốp", "cóc", "phe đô" lẫn "ninh dừ" vẫn sớm chiều cần mẫn cất hàng, đổ hàng một cách tấp nập. Chỉ khi có "biến" tức có sự xuất hiện của lực lượng chức năng thì mới a lê hấp, tất cả ù té chạy, bỏ của chạy lấy người.

Bà Thọ bảo: "Bây giờ người ta buôn hàng giá trị từ vài trăm ngàn, triệu đô chứ ngày ấy chỉ có hai, ba trăm đô đã khủng khiếp lắm rồi, phải xé ra thành vài chục đô lẻ nhét khắp người mà còn run như giẽ khi thấy bóng công an".

"Áp tải" ti vi về nhà

Theo bà Thọ, thời ấy, tuy mang tiếng là buôn gian bán lận nhưng cánh "phe" chẳng ăn không, ăn hỏng cái gì của ai bao giờ. Họ làm ăn giữ chữ tín với khách hàng lắm chứ không phải chỉ cốt lừa lọc để nuốt không của khách.

Có lần, một khách hàng là bộ đội gom góp được một số tiền ra "chợ xốp" để mua ti vi. Thấy ông khách cứ bo bo tiền trong túi áo ngực, biết người ta cũng đổ bao mồ hôi công sức mới có được chút tiền để mua chiếc ti vi đen trắng cho con xem như hoàn cảnh của mình, bà Thọ đành lòng để rẻ lại cho ông khách vài giá.

s
Bà Thọ vẫn nhớ những ngày "buôn chui, bán lủi".

Sau đó, mặc dù địa chỉ nhà ông khách ở phố Đội Cấn, cách intershop có một đoạn ngắn nhưng bà phải giúp ông "áp tải" chiếc ti vi đi vòng quanh Hà Nội mấy vòng để tránh công an.

Khi chiếc ti vi đã "an tọa" trong nhà, ông khách mới thở phào: "May gặp bà thông thạo chứ như tôi thì chịu chết". Không chỉ đối đãi tử tế với khách hàng, giữa "thế giới" của các "con phe" với nhau cũng không bao giờ có chuyện "giành giật đâm chém".

Gần như đã thành luật, khách của ai người đó bán, hàng của ai người đó nhận, chỉ đoàn kết một lòng "tẩu tán" người và hàng khi có "biến" mà thôi. Ấy vậy nhưng nhiều "phe" gặp "xui", cũng không tránh khỏi cảnh đi "bóc lịch".

Bà Thọ may mắn hơn bởi trong 15 năm đi "phe" tuy có bị trắng tay vài lần nhưng đều thoát thân. Chỉ có điều khiến trong thâm tâm bà luôn day dứt là vì mình "trót" làm cái nghề buôn gian bán lận mà chồng không được vào Đảng, "tương đối" mất uy tín trước các đồng nghiệp trong cơ quan.

Hơn trăm "con phe xốp" thời ấy bây giờ đều đã "giã từ" nghiệp cũ. Hàng hóa không còn khan hiếm, nhu cầu tiêu dùng của người dân được đáp ứng đầy đủ đã khiến họ không còn "đất" hành nghề. Nhưng đọng lại trong kí ức của họ vẫn là những ngày tháng căng thẳng vì "buôn chui", lén lút, tẩu tán và trốn chạy...

Hồng Tiến

No comments: