Tuesday, January 4, 2011

NGŨ NHÃN LÀ GÌ?

Trích trong “Phật Học Quần Nghi” Người Dịch: Thích Minh Quang

Chúng ta thấy các tượng thờ trong Phật giáo thường có ba mắt. Có nghĩa ở chính giữa hai mắt lại có thêm con mắt thứ ba. Thực ra nhân loại không thể có ba mắt. Con mắt thứ ba chỉ có tính tượng trưng. Nghĩa là ngoài đôi nhục nhãn ra còn có tâm nhãn. Ý nghĩa tâm nhãn có cạn có sâu. Nghĩa cạn là chỉ hoạt động tư tưởng của người bình thường. Còn nghĩa sâu phải nói đến ngũ nhãn mới thấu đáo. Ngũ nhãn là ngoài nhục nhãn ra còn có bốn loại tâm nhãn khác nhau.

Ngũ Nhãn là chỉ năm công năng quán sát vạn vật ở mức độ sâu cạn khác nhau, từ phàm phu cho đến Phật quả. Có người bảo đôi mắt là cánh cửa trí tuệ, là cửa sổ tâm hồn. Mắt có thể phân biệt rõ vạn vật, tăng trưởng tri thức. Tu hành trình độ càng cao, phạm vi tác dụng của tâm nhãn càng rộng. Phàm phu với nhục nhãn do cha mẹ sinh, chỉ có thể trông thấy trong phạm vi, cự ly rất có hạn. Nếu quá nhỏ, quá lớn, quá xa, quá gần, quá tối hay quá sáng, thì nhục nhãn không thể nào trông thấy được. Nếu có thiên nhãn, sẽ không bị hạn chế bởi cự ly, thể tích, độ ánh sáng…, có thể quan sát thế giới vật chất một cách tự tại vô ngại.

Trong chư thiên cũng có thứ bậc khác nhau: Địa cư thiên, Không cư thiên và Thiền định thiên. Địa cư thiên là chỉ quỷ thần có phước đức mà dân gian tín ngưỡng cho đến Tứ thiên vương và chư thiên cõi trời Đao Lợi. Không cư thiên là chỉ chư thiên dục giới từ trời Dạ Ma cho đến trời Tha Hóa Tự Tại. Thiền định thiên là chỉ hai mươi hai cõi trời thứ bậc khác nhau của sắc giới và vô sắc giới. Thứ bậc càng cao, công năng thiên nhãn càng nhiều, phạm vi hoạt động càng rộng. Công năng của thiên nhãn có thể thấy những sự vật mà nhục nhãn không thể trông thấy. Ngoài sự không bị hạn chế bởi lớn nhỏ, xa gần, tối sáng ra, nó cũng có thể thấy được những sự vật trong suốt, hay bị ngăn cách, che giấu. Nó không cần nhờ vào sự phản xạ ánh sáng, mà chỉ dựa vào tác dụng phản xạ của sức mạnh tinh thần.

Thiên nhãn có hai loại: Một do tu mà được; hai, do phước báo mà được. Quỷ thần nói chung thường có thiên nhãn với trình độ sâu cạn khác nhau. Đó chính là do phước báo mà được. Quỷ thần do không có nhục thể trói buộc, chỉ có sức linh hoạt động, nên giảm bớt đi sự chướng ngại của vật thể. Những kẻ linh môi, người bị quỷ thần mượn làm công cụ dựa vào, nhờ sức thiên nhãn này của quỷ thần nên có thể trông thấy những thứ mà người bình thường không thấy được. Nhân loại có thể tu thiền định đắc thiên nhãn. Song mục đích của thiền định lại không phải vì được thiên nhãn. Tuy có phương pháp chuyên tu thần thông, song nếu tu được thiên nhãn cũng chưa chắc đã chứng được thiền định.

Công năng thiên nhãn ngoài ra còn có thể trông thấy hiện tượng sự việc sắp xảy ra trong tương lai.. Đây là do bất cứ hiện tượng nào phát sinh cũng đều có sự liên hệ nhân quả nhất định của nó. Khi tạo ra nghiệp lực nhất định, sẽ tạo thành hiện tượng quả báo nhất định. Khi hiện tượng chưa phát sinh, sức mạnh khiến phát sinh ra hiện tượng đó đã hình thành trước. Nếu không có nhân tố khác xen vào, thì đó là sự thật nhất định sẽ xảy ra. Cho nên người có thiên nhãn, có thể biết trước được vị lai. Năng lực thiên nhãn càng mạnh, thì càng thấy được lâu xa, và mức độ tinh xác cũng càng cao.

Nói đến mức độ tinh xác, tức nói rõ thiên nhãn không thể hoàn toàn tin cậy. Chỉ cần xen vào những nhân tố khác, sự việc vị lai không nhất định sẽ xảy ra đúng y như thấy trước. Điều này giống như hai tay cờ cùng chơi cờ vậy. Trình độ càng cao càng thấy trước nhiều nước cờ sẽ đi; trình độ thấp hơn, thấy trước nước cờ cũng ít hơn. Song không có việc hai tay cờ trình độ tương đương khi mới vào bàn đã biết trước kết quả thắng thua. Bởi vì, sự đời biến hóa quá nhiều, định số chỉ là hiện tượng có tính cục bộ, và trong thời gian ngắn. Vạn pháp nhân duyên sinh, nhân duyên thay đổi sẽ theo đó đổi thay. Cho nên Phật Pháp không chấp trước thiên nhãn, cũng không khích lệ người ta tu luyện để đạt được thiên nhãn.

Ngũ nhãn là ngoài nhục nhãn, thiên nhãn ra, còn có tuệ nhãn, Pháp nhãn và Phật nhãn. Tuệ nhãn là năng lực thấu được mười hai nhân duyên, hiện tượng sinh tử lưu chuyển của bậc A la hán. Cho nên bậc này có thể ra khỏi sinh tử luân hồi, không bị trói buộc bởi thân tâm thế giới, tức giải thoát khỏi năm ấm, ba cõi. Điều này thật khác xa với cách nói của người bình thường: Tuệ nhãn thức anh hùng ( tuệ nhãn biết được anh hùng), hay tuệ nhãn độc cụ (đầy đủ tuệ nhãn). Người đời nói tuệ nhãn là chỉ trí tuệ thế gian, tồn tại quan niệm ngã trong đó, chẳng qua nó tương đối sâu sắc, sáng suốt, nhạy bén mà thôi. Còn tuệ nhãn của A la hán thì vô ngã vô chấp.

Bồ Tát từ sơ địa trở lên thì có Pháp nhãn. Đây là khả năng thấy được bản tính vạn pháp (pháp tính), thân chứng một phần cho đến nhiều phần pháp thân Phật. Nó tuyệt nhiên không phải là Pháp nhãn của những kẻ có pháp thuật như người ta thường hiểu. Hiểu biết sơ lược Phật pháp cũng gọi là có Pháp nhãn. Thực ra pháp nhãn có liên quan đến việc chứng pháp thân. Nếu chỉ là kiến tính, thì chưa thể được xưng là đầy đủ Pháp nhãn, mà chỉ có thể xác tín sự tồn tại và công năng của Pháp nhãn.

Pháp thân trùm khắp mọi nơi, mọi lúc. Nó không phải sắc, chẳng phải vô sắc; chẳng phải tướng, chẳng phải vô tướng, chẳng phải phi hữu tướng, chẳng phải phi vô tướng. Nói phải, tất cả đều phải; nói không phải, tất cả đều không phải. Đối với kẻ chấp trước, tất cả đều không phải. Còn đối với người không chấp trước, tất cả đều phải. Bồ Tát đầy đủ Pháp nhãn gọi là pháp thân đại sĩ, không phải là điều phàm phu có thể tưởng tượng được.

Vô ngã có hai loại: Nhân vô ngã và pháp vô ngã. Chứng nhân vô ngã, ly nhân ngã chấp, tức A la hán. Bồ tát tiến thêm bước nữa, lìa pháp ngã chấp, chứng pháp thân, đắc Pháp nhãn, tuy trú tam giới, song không bị tam giới trói buộc, gọi là pháp thân đại sĩ. Có một số ngoại đạo dựa vào Phật pháp, hơi một chút liền bảo đã được tuệ nhãn hay Pháp nhãn. Thực ra đó ngay cả thiên nhãn cũng không phải, chẳng qua chỉ do tác dụng phản xạ của sự vận động khí mạch, hoặc nhờ vào sức linh quỷ thần mà thôi.

Còn như Phật nhãn thì có đầy đủ tất cả công năng của bốn loại nhãn trên. Nó là toàn thể trí tuệ, cũng là bản thân của Đại viên cảnh trí. Lại xưng là Đại viên giác, hay Vô thượng Bồ đề.

No comments: