Tuesday, January 4, 2011

GIẢNG GIẢI KINH CHIẾC LƯỚI ÁI ÂN

GIẢNG GIẢI KINH CHIẾC LƯỚI ÁI ÂN
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Phiên tả: Chân Giác Lưu

1. (Đây là bài pháp thoại Sư Ông giảng vào ngày 2.5.2010 tại thiền đường Trăng Rằm, chùa Từ Nghiêm, xóm Mới. )

Kinh "Chiếc lưới ái ân" được dịch từ kinh Pháp Cú, Hán Tạng. Chữ "ái ân" nằm ngay trong bài kệ thứ ba của kinh, câu “Nhân vi ân ái hoặc”. Trong kinh có sử dụng hình ảnh chiếc lưới để ví với sự mất tự do của một người khi bị vướng vào ái dục. Chữ lưới được lặp lại hai lần (ái võng và dục võng), vì vậy ý niệm về chiếc lưới thấy rất rõ trong kinh. Mới đọc qua kinh chúng ta có cảm tưởng kinh được dạy riêng cho người xuất gia, nhưng nghiên cứu kỹ chúng ta thấy những người tại gia cũng có thể thừa hưởng rất nhiều từ kinh này. Những người tại gia, dù sống đời sống lứa đôi, dù đã có vợ, có chồng nhưng họ vẫn có thể bị sa vào lưới ân ái rồi gây khổ đau và làm tan nát gia đình của mình.

Đứng về phương diện hành trì thì người xuất gia dễ thực tập hơn người tại gia, tại vì người xuất gia sống trong một môi trường rất thuận lợi cho sự thực tập. Những vị xuất gia tại Làng Mai vì không xem truyền hình, không đọc tiểu thuyết tình cảm nên không thấy những hình ảnh khêu khợi ái dục trong phim ảnh hay sách báo, do đó hạt giống ái dục không bị tưới tẩm. Trong khi đó, người tại gia sống ngoài đời, phải tiếp xúc, chung đụng, lại không có những giới luật bảo hộ nên những hạt giống của ái dục rất dễ bị tưới tẩm hơn. Đứng về phương diện đó mà nói thì tu tại gia và tu chợ khó hơn tu chùa. Con đường xuất gia vốn là con đường dễ nhất, còn hành trì với tính cách cư sĩ thì khó hơn. Vì vậy, ban đầu Đức Thế Tôn có ý dạy kinh này cho những người xuất gia nhưng những người tại gia cũng phải nên học.

Ngày hôm qua các thầy, các sư cô có trách nhiệm dịch kinh ra tiếng Anh và tiếng Pháp hơi băn khoăn, không biết nên dịch chữ “ái dục” như thế nào. Mình có thể dịch chữ ái là love. Ái không phải chỉ là tình cảm giữa nam và nữ mà nó còn có nghĩa khác là lòng nhân ái, là tình người, tình yêu nhân loại. Yêu nước là ái quốc. Ái nhân như ái thân (thương người như thể thương thân). Chữ ái không có nghĩa là vướng mắc mà có nghĩa là thương yêu.

Chữ dục đứng riêng thì nó có nghĩa là khao khát, thèm muốn, mình có thể dịch là desire. Khi hai chữ đứng riêng ra thì rất dễ dịch: một bên là tình thương (ái) và một bên là ham muốn (dục). Nhưng khi gộp hai chữ lại thành chữ ái dục thì hơi khó dịch tại vì trong ái có dục. Giới thứ ba của Năm Giới có nói: Tình yêu và tình dục là hai cái khác nhau. Khi văn bản của Năm giới tân tu đưa ra thì đã nhận được sự phản ứng rất thuận lợi của các bạn Tây phương. Các bạn chấp nhận một cách dễ dàng câu: Tình yêu và tình dục là hai cái khác nhau.

Tên của kinh, trong nguyên văn là Ái Dục Phẩm, mình có thể dịch là “Sensual love”, “L’amour sensuel”. Ở Tây phương có thứ tình yêu gọi là tình yêu suông (amour platonique) tức là tình yêu không có sự chung đụng xác thịt. Thi sĩ Pháp Félix Arvers có làm một bài thơ rất nổi tiếng tên “Sonnet d’Arvers “ nói về tình yêu không có xác thịt:

Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu
Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay

Đọc bài thơ của thi sĩ Arvers ta thấy trong đó chất chứa một khối khổ đau. Mình yêu người đó nhưng người đó không biết và mình vẫn cứ âm thầm yêu. Yêu mà mang một nỗi thảm sầu thì tình yêu ấy chẳng vui vẻ, hạnh phúc gì. Tình yêu xuông (l’amour platonique ) cũng đem lại biết bao nhiêu khổ đau, vì trong đó có sự vướng mắc, vướng vào đó thì mình cũng đánh mất tự do, nó không nằm trong tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ và xả).

Hỡi ơi người đó ta đây
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân.
Dẫu ta đi trọn đường trần
Chuyện riêng dễ dám một lần hé môi

Người dù ngọc nói hoa cười
Nhìn ta như thể nhìn người không quen.
Đường đời lặng lẽ bước tiên
Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình.

Một niềm tiết liệt đoan trinh
Xem thơ nào biết có mình ở trong.
Lạnh lùng lòng sẽ hỏi lòng
Người đâu tả ở mấy dòng thơ đây.


Người dịch bài thơ này là nhà văn Khái Hưng. Bài thơ của Félix Arvers rất nổi tiếng, người Pháp hầu như ai cũng thuộc bài thơ này. Thi sĩ sống vào nửa đầu thế kỷ thứ 19 và làm bài thơ này lúc 25 tuổi. Dưới đây là nguyên văn tiếng Pháp của bài thơ:

Mon âme a son secret, ma vie a son mystère
Un amour éternel en un moment conçu:
Le mal est sans espoir, aussi j'ai dû le taire,
Et celle qui l'a fait n'en a jamais rien su.

Hélas! j'aurai passé près d'elle inaperçu,
Toujours à ses côtés et pourtant solitaire;
Et j'aurai jusqu'au bout fait mon temps sur la terre,
N'osant rien demander et n'ayant rien reçu.

Pour elle, quoique Dieu l'ait faite douce et tendre,
Elle ira son chemin, distraite et sans entendre
Ce murmure d'amour élevé sur ses pas.

Al'austère devoir pieusement fidèle,
Elle dira, lisant ces vers tout remplis d'elle:
"Quelle est donc cette femme ?" Et ne comprendra pas!


Bản kinh mà chúng ta đang học được trích trong Kinh Pháp Cú Hán Tạng. Kinh Pháp Cú Hán Tạng là kinh số 210 trong Đại Tạng Taisho, có tất cả 39 phẩm và 752 bài kệ. Kinh Pháp Tập Yếu Tụng là kinh số 213 trong Đại Tạng Tân Tu và có 32 phẩm. Cuối cùng chúng ta có Dhammapada (Kinh Pháp Cú) của tạng Pali, có 26 phẩm và 403 bài kệ. Kinh Pháp Cú Hán Tạng được dịch vào thế kỷ thứ ba, Kinh Pháp Tập Yếu Tụng được dịch vào thế kỷ thứ mười nên kinh trước có sớm hơn kinh sau khoảng 700 năm.

Chúng ta có ba kinh nói về ái dục, một kinh bằng tiếng Pali và hai kinh bằng chữ Hán. Khi nghiên cứu ba kinh tôi thấy bài kinh trong kinh Pháp Cú là hay nhất. Kinh được dịch vào khoảng năm 225 tức nửa đầu của thế kỷ thứ ba. Phẩm Ái Dục còn có trong kinh Pháp Tập Yếu Tụng, hình như được dịch vào thế kỷ thứ 10, lời văn chải chuốt hơn nhưng không hay và không đầy đủ bằng bản trước. Bản văn chúng ta đang học hay hơn cả bản văn trong tạng Pali nên tôi chọn bản này. Khi học, có thể quý vị sẽ thích thú khi so sánh bản văn này với bản văn tạng Pali và với phẩm Ái Dục của Kinh Pháp Tập Yếu Tụng.

Chúng ta đọc bản văn bằng tiếng Việt:

1. Tâm ý đi về hướng ái dục thì cây ái dục sẽ đâm chồi trổ nhánh rất mau. Tâm ý phân tán vì đối tượng ái dục sẽ làm cho lửa ái dục bừng cháy trong ta. Kẻ đi tìm ái dục cũng giống như một con vượn chuyền cành tìm trái, từ cành này sang cành khác.
2. Ái dục buộc mình phải gánh chịu khổ đau. Ái dục làm cho mình bị vướng mắc vào cuộc sống trần tục. Những lo lắng và hoạn nạn do ái dục đưa tới cứ tăng trưởng đêm ngày, mọc kín như cỏ tranh.
3. Bị ái ân mê hoặc người ta sớm muộn gì cũng sẽ bị vướng vào dục tình. Cái lo lắng kia càng ngày càng lớn, giống như dòng nước rỉ, rỉ mãi cũng đầy hồ.
4. Ở đời có nhiều thứ lo lắng và đau buồn, nhưng không có thứ lo buồn nào lớn hơn cái lo buồn do ái dục đem lại. Buông bỏ được ái dục mới hết lo buồn.
5. Muốn tâm ý được an vui thì phải quyết tâm dứt bỏ ái ân. Không ân ái thì không còn phải đi vòng quanh trong cõi luân hồi, không còn phải mang nặng ưu tư, không còn thấp thỏm mong cầu những gì ô nhiễm. Không còn ái nhiễm thì sẽ được thực sự an vui.
6. Ân ái thâm trọng thì đến giờ lâm chung, bao quanh bởi những người thân thuộc, sẽ thấy con đường của lo lắng và sầu khổ dài như thế nào. Cái khổ do ân ái gây nên thường đưa ta tới những hoàn cảnh không an toàn, đầy tai ách.
7. Là người tu đạo, ta không nên đi về hướng ái dục. Phải bắt đầu bằng cách tìm diệt tận gốc cái cây ái dục để cho những cái rễ của nó không còn có thể đâm chồi lên được. Đừng làm như cắt cỏ lau, để sau khi được cắt rồi lau lại mọc lên như cũ.
8. Gốc cây ái dục sâu và vững. Tuy cây đã bị đốn, nhưng cành lá vẫn có thể sinh ra trở lại. Tâm ái dục chưa dứt trừ thì theo lẽ thường cái khổ do ái dục đem tới vẫn còn trở lại như thường.
9. Như con vượn nhảy ra khỏi cây này thì lại nhảy vào cây khác, người đời cũng thế, ra khỏi được một ngục tù ái dục này rồi lại lao mình vào một ngục tù ái dục khác.
10. Tâm ái dục là một dòng chảy thường xuôi theo dòng tập khí và dòng kiêu mạn. Những tư duy và nhận thức của ta đều có thể được tô điểm theo màu sắc ái dục và do đó chính mình tự che lấp sự thật và không thấy được sự thật.
11. Dòng suối tâm ý ấy cứ mặc tình trôi chảy khiến cho những nút thắt ái dục đan kết lại với nhau chằng chịt. Chỉ có tuệ giác chân thực mới có khả năng phân biệt và thấy rõ được đìều này và giúp ta đoạn trừ được căn nguyên của nó nơi tâm ý.
12. Dòng suối ái dục thấm vào tư duy và nhận thức để lớn mạnh và quấn vào nhau. Nguồn suối ái dục sâu không đáy kia làm cho cái già và cái chết tăng trưởng một cách rất mau chóng.
13. Những cành nhánh của cây ái dục cứ tiếp tục sinh trưởng không dừng nghỉ cũng bởi vì chúng được nuôi dưỡng bằng thực phẩm ái dục. Thực phẩm này nuôi dưỡng oán hận, un thành gò thành đống. Người thiếu trí tuệ thì cứ nôn nóng đi về hướng ấy.
14. Trong ngục thất có gông có cùm, nhưng người có trí tuệ không thấy những dụng cụ này là thứ gông cùm vững chắc nhất. Cái loại gông cùm ái nhiễm cột người ta vào vòng hệ lụy mới thật là loại gông cùm kiên cố.
15. Người có trí tuệ thấy ái dục là một thứ ngục tù kiên cố, khó thoát ra khỏi. Người ấy biết rõ rằng phải đoạn trừ ái dục thì mới thực sự được an vui.
16. Thấy sắc mà bị mê hoặc đó là vì không biết quán vô thường. Kẻ u mê tưởng rằng cái sắc ấy là một cái gì lành và đẹp, không biết rằng cái bóng dáng bên ngoài kia không chứa đựng được một cái gì bền bỉ chắc thật bên trong nó.
17. Tự nhốt mình trong sắc dục thì cũng như con tằm kéo chiếc kén để tự mình giam hãm lấy mình. Bậc trí giả có khả năng đoạn trừ và buông bỏ dục tưởng, không thiết tha gì đến những đối tượng ái dục, cho nên mới tránh thoát khỏi mọi khổ nạn.
18. Kẻ có tâm ý phóng đãng khi nhìn vào một đối tượng ái dục thì có thể cho đó là một cái gì tinh khiết, không biết rằng sự tăng trưởng lớn mạnh của ái ân sẽ đem tới bao nhiêu hệ lụy tù ngục sau này.
19. Những ai thực tập chánh niệm sẽ có khả năng thấy được rằng cái đối tượng của ái dục kia là bất tịnh, do đó diệt trừ được dục ý, ra khỏi ngục tù và thoát khỏi tai nạn già và chết.
20-21. Tự quấn lấy mình trong chiếc lưới ái dục, tự che mình bằng chiếc dù ái dục là tự trói mình trong vòng hệ lụy như con cá tự chui vào trong một chiếc nơm, bị cái già và cái chết bắt theo và luẩn quẩn bên cạnh đối tượng ấy như một con bê đi tìm vú mẹ. Lìa bỏ được dục, không đi theo vết xe của ái, thì có thể vượt thoát ra ngoài chiếc lưới ái ân, không còn bị bất cứ một cái gì làm hại nữa.
22. Đi trọn được con đường, cởi bỏ được mọi ràng buộc hệ lụy, giải phóng được mọi phân biệt kỳ thị, vượt qua được các ý niệm lưỡng nguyên, đó mới thật là bậc xuất sĩ đại trí.
23. Đừng thân cận với những kẻ đi ngược chánh pháp cũng đừng bị lôi kéo theo con đường ái nhiễm. Nếu chưa vượt thoát được thời gian, thì hành giả vẫn còn bị kẹt vào cái thấy nhị nguyên.
24. Thấy và hiểu được tự tánh các pháp, không còn bị vướng vào một pháp nào, biết cách gỡ ra được mọi sợi dây ái dục trong tâm ý, như thế là đã nắm được ý chỉ của Bụt.
25. Trong các thứ hiến tặng, hiến tặng chánh pháp là quý hơn cả. Trong các mùi hương, hương đạo đức là thơm tho hơn hết. Trong các thứ hạnh phúc, được sống trong chánh pháp là hạnh phúc lớn nhất. Không có phương pháp nào chiến thắng được khổ đau một cách tận cùng bằng sự thực tập chấm dứt ái dục.
26-27. Người u mê thường lấy sợi dây tham dục để tự trói mình. Người ấy chưa có ước mong vượt sang bờ bên kia. Tham dục gây bại hoại, đem lại tai họa cho mình và cho kẻ khác. Tâm tham dục là ruộng đất, tham sân si là hạt giống. Đối với người có khả năng bố thí và độ đời thì những phúc đức thu hoạch được không thể đo lường.
28. Người đồng hành thì ít, hàng hóa chuyên chở thì nhiều, kẻ thương nhân lâm vào trạng thái lo lắng kinh sợ. Biết rằng cái đam mê dục lạc là tên giặc, có thể làm tổn hại thân mạng của mình, bậc trí giả không còn chạy theo tham dục.
29. Năm thứ tham dục phát sinh khi tâm mình cảm thấy có sự khả ý. Mau chóng chấm dứt được cả năm thứ tham dục, đó mới thật là người dũng sĩ.
30. Hết tham dục thì không còn sợ hãi. Lúc ấy ta mới được thảnh thơi an lạc. Dục hết thì kiết sử cũng hết, do đó hành giả ra khỏi được vực sâu.
31. Này ái dục ta ơi, ta biết gốc gác của mi rồi: Dục ý là từ ước muốn và nhận thức sai lầm mà phát khởi. Nay ta không còn ước muốn và nhận thức sai lầm về mi thì làm sao mi còn có thể phát sinh?
32. Đốn cây ái dục mà không tận gốc thì cây ái dục sẽ mọc trở lại. Đốn cây ái dục mà tận gốc thì vị xuất sĩ đạt tới Niết Bàn.
33. Nếu không chịu chặt cây ái dục thì cành lá ái dục ít nhiều vẫn còn phát sinh. Tâm còn vướng vào ái dục thì người ta vẫn còn như một con bê phải luôn luôn cần đến vú mẹ.


Trong bài kệ 26 có câu: Người u mê thường lấy sợi dây tham dục để tự trói mình và trong bài kệ thứ 20 nói: Mình tự quấn lấy mình trong chiếc lưới ái dục. Không phải người khác tới bắt mình nhốt vào mà chính mình tự nhốt mình. Trong kinh có sử dụng hình ảnh con cá tự chui vào trong chiếc nơm, con tằm tự kéo kén để nằm trong đó. Cái nơm nhốt con cá, chiếc kén giam hãm con tằm. Đó là do chính mình làm ra, đó là vì mình muốn như vậy chứ không ai bắt ép mình.

Trong Truyện Kiều, lúc sư Giác Duyên tham vấn với đạo cô Tam Hợp để hỏi về tương lai của Kiều thì đạo cô nói rằng Kiều phải khổ đau nhiều lắm tại vì Kiều còn vướng vào lưới tình. Đạo cô nói:
Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành.
Lại mang lấy một chữ tình
Khăng khăng mình buộc lấy mình vào trong.
Vậy nên những chốn thong dong
Ở không yên ổn ngồi không vững vàng.
Ma đưa lối quỷ dẫn đàng
Lại tìm những chốn đoạn tràng mà đi


Kinh nói rất rõ, tại mình chứ không phải tại người khác. Trong đạo Bụt, Bụt dạy rất nhiều về vấn đề thương yêu. Chúng ta đã có một cuốn sách tựa là “Teaching on love” (Bụt dạy thương yêu). Thương yêu có thể đem lại rất nhiều hạnh phúc và bình an cho con người. Nhưng thương yêu và ái dục có khác nhau, thương như thế nào để đừng làm ra một chiếc lưới tự nhốt mình và nhốt người kia, thương như thế nào để đừng gây khổ đau cho mình và cho người kia. Thương như vậy mới đúng là thương, cho nên Tứ Vô Lượng Tâm là con đường thương yêu của Bụt dạy mà mình phải học.
Trong phòng khách của chùa Tây Thiên ở Huế có câu đối, trong đó các thầy dùng chữ rất là táo bạo:

Bất tục tức tiên cốt
Đa tình thị Phật tâm

Bất tục tức tiên cốt:
Bất tục là không có tục 俗. Cốt là xương, người có cốt của tiên thì nhẹ nhàng, không có tục lụy, không có cái thô tháo của trần tục. Xương của tiên không có mùi tục lụy, nếu muốn làm tiên thì phải rời xa tục lụy.

Đa tình thị Phật tâm: Trái tim của Bụt có rất nhiều tình (đa tình). Tình mà Bụt dạy là cái tình rộng lớn. Câu đối này nói Bụt là một người đa tình, tức Bụt là người có tình thương rất lớn. Nhờ có tình thương lớn nên Bụt mới ôm trọn được thế gian. Tâm bảo thái hư là tấm lòng ôm trọn cả thế gian.

Chúng ta là con cháu của tổ Lâm Tế. Tổ dạy, hễ là con người thì mình có thể thành Bụt, người nào cũng có thể thành Bụt. Nhưng khi thành Bụt rồi mình vẫn tiếp tục được làm người, có nghĩa là thành Bụt rồi thì không phải là hết được làm người, mình vẫn là một con người. Điều kiện tiên quyết để thành Bụt là phải là một con người, cho nên chúng ta có giáo lý : Phật sanh bất nhị (the non duality of Buddhas and human beings).

Đã là con người thì phải có hạt giống của tình dục. Con người được làm bằng năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), con người có hình hài, có cảm thọ. Nếu nhìn Bụt như một con người (sách “Đường xưa mây trắng” tìm cách giúp chúng ta nhìn Bụt như một con người mà không phải là một vị thần linh) thì chúng ta thấy rõ là trong con người của Bụt cũng có hạt giống của tình dục. Bụt đi xuất gia năm 29 tuổi và thành đạo năm 35 tuổi, mới có 35 tuổi là còn rất trẻ nên năng lượng tình dục vẫn còn trong con người đó. Bụt vẫn còn là con người như mình. Nhưng tại vì khi thành Bụt rồi thì mình có đủ trí tuệ, có đủ thương yêu, đủ tinh thần trách nhiệm, đủ tuệ giác cho nên mình biết xử lý năng lượng tình dục của mình một cách dễ dàng.

Ai nói Bụt không có yêu thương? Bụt yêu thương rất nhiều, tim Bụt vốn đa tình. Mình phải thấy rằng, hễ là con người thì có hạt giống của tình dục. Tình yêu phần nào có gốc rễ trong tình dục, chúng ta phải công nhận chuyện đó. Sự khao khát có cơ hội để thương yêu và được thương yêu có trong tất cả mọi người chúng ta. Tu tập không phải là để quét sạch, để lấy đi hết những thứ đó; lấy đi hết những thứ đó thì mình không còn là con người nữa. Mình tu tập là để có đủ khả năng đối phó với những thứ đó, cười với nó khiến nó không làm gì được mình. Hễ là con người, có một hình hài thì còn những hạt giống tình dục. Thỉnh thoảng khi nó trở về, mình có chánh niệm có tuệ giác, mình mỉm cười với nó và mình được tiếp tục làm người. Bụt đã thành Phật rồi mà vẫn tiếp tục làm một con người, vì vậy mình mới tới được gần Bụt. Nếu Bụt là một vị thần linh thì làm sao mình tới gần được? Và nếu Bụt xử lý được năng lượng tình dục thì mình làm cũng được như Bụt.

Khi đã chọn con đường xuất gia thì mình phải khép lại cánh cửa ái ân. Như vậy không có nghĩa là mình cho ái ân là một tội ác, nhưng tại vì có nhiều con đường và mình đã chọn một con đường, con đường đó là con đường thương yêu lớn, con đường thương yêu của Bụt, con đường không bị hệ lụy. Con đường này không làm mình khổ và đem lại niềm vui cho rất nhiều người khác. Sau khi lựa chọn rồi thì mình phải đóng cánh cửa kia lại; mình không thể bắt cá hai tay, vừa muốn làm cái này lại vừa muốn làm các kia.

Mình thương mẹ, nhưng mình có lý tưởng xuất gia nên mình phải xuất gia thôi, mình không thể ở nhà để ăn chuối ba hương, ăn xôi nếp một, ăn đường mía lau. Ở đời luôn luôn phải có sự chọn lựa, đã chọn lựa rồi thì mình phải đi con đường đó chứ đừng thụt tới thụt lui để rốt cuộc cũng không đi được tới đâu. Mình có quyền làm người, Bụt có quyền làm người. Nhờ cách học làm người cho đàng hoàng nên mình có thể thành Bụt.

Kinh này có những bài kệ rất sâu, mình phải học từ từ.

Đọc kinh cẩn thận, mình thấy Bụt chỉ cho mình nguồn gốc của ái dục gọi là dục ý 欲 意. Dục ý là cái tâm muốn đi về hướng đó, khi có dục ý rồi thì mình không còn bình an nữa. Thi sĩ Xuân Diệu làm một bài thơ bốn câu để giải nghĩa tình yêu là gì:

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.

Tự nhiên mình có một cảm giác nhớ nhung và thiếu vắng, đó là định nghĩa của Xuân Diệu về tình yêu. Hễ yêu là thấy nhớ nhung, thấy thiếu vắng. Mình đổ lỗi tại nắng nhạt, mây nhẹ và gió hiu hiu, nhưng có người khác đứng cạnh mình, trời cũng có nắng nhạt, mây nhẹ và gió hiu hiu nhưng người ta có làm sao đâu. Thế nên trước đó đã có cái gì rồi chứ không phải là tự dưng.

Theo sự phân tích của Bụt thì ban đầu phải có xúc, sparśa (contact), xúc giữa mắt và hình ảnh, xúc giữa lỗ tai với âm thanh. Xúc đi với tác ý (attention), manaskara. Tại sao mình không chú ý tới cái khác mà lại chú ý tới cái đó? Có nhiều loại tác ý, có loại tác ý có lợi cho sự tu tập của mình như khi nghe tiếng chuông mình để tâm vào tiếng chuông. Đó gọi là như lý tác ý, để tâm vào tiếng chuông thì tự nhiên tâm mình lắng lại. Thành ra đối tượng của tác ý quyết định là mình có bình an hay không có bình an. Mỗi ngày, người tu phải học như lý tác ý, để tâm tới những cái không làm cho mình mất bình an. Thọ (vedanā) là cảm thọ, cảm thọ khó chịu hay dễ chịu. Mình thấy một hình ảnh, nghe một âm thanh và mình có một tri giác (một nhận thức) về cái đó. Tri giác đó gọi là tưởng (samjñā), nó tùy thuộc nơi thọ. Khi tiếp xúc với một cái gì đó và có một cảm thọ thì tự nhiên mình có tưởng (tri giác). Mình cho cái đó là xấu hay đẹp, là dễ chịu hay không dễ chịu. Có cảm giác dễ chịu là có lạc thọ, có cảm giác không dễ chịu là có khổ thọ. Mình tiếp xúc với một đối tượng và cho đối tượng đó là thường, là lạc, là ngã, là tịnh. Nếu có chánh niệm và trí tuệ, mình biết đối tượng đó là vô thường và nó có thể đem lại khổ đau cho mình. Nếu có trí tuệ mình thấy nó là trống rỗng, nó không có chủ thể bền chắc lâu dài và nó là bất tịnh. Lúc đó cái tưởng của mình không phải là một vọng tưởng mà là một nhận thức đúng đắn . Mình sẽ không bị nội kết, nội kết đó gọi là tư, volition (cetana). Tư là một nhớ tưởng, một mong cầu.

Một tia nắng nhạt, một đám mây nhè nhẹ, một cơn gió hiu hiu làm cho mình cảm thấy thiếu vắng một cái gì, mình mong cầu một cái gì đó. Đó gọi là tư, là nhớ mong (cái gì như thể nhớ mong). Tư do cái tưởng sinh ra. Sau khi có xúc, tác ý và thọ thì mình có một nhận thức về đối tượng đó. Nếu mình cho đối tượng đó là tịnh, là lạc, là ngã, là thường thì mình có một nội kết êm ái. Nội kết êm ái sinh ra tư, cái tư đó là cái thiếu vắng, cái nhớ mong bồn chồn không quên được. Tư là tư niệm thực tức nguồn thực phẩm thứ ba trong bốn loại thực phẩm. Tư là nghĩ tới nó và cứ muốn ao ước nó.

Trong kinh này có nói về nội kết, về tư và về tưởng. Trong bài kệ thứ 31 có nói: Này ái dục ta ơi, ta biết gốc gác của mi rồi. Dục ý là từ ước muốn và nhận thức sai lầm mà phát khởi. Chữ ước muốn được dịch từ chữ tư và chữ nhận thức sai lầm được dịch từ chữ tưởng. Bụt chỉ cho mình rất rõ ràng gốc rễ của ái dục. Vọng tưởng đưa tới tư niệm, tư niệm làm cho mình thiếu thốn, đau khổ, bất an. Và tư đưa tới những phiền não như lo lắng, sợ hãi, buồn phiền, giận hờn, v.v… Với chánh niệm, mình để ý tới xúc, tác ý, thọ và khi đi tới tưởng mình sẽ không bị vọng tưởng. Mình thấy đối tượng kia là vô thường có thể đem lại khổ đau, nó không có gì chắc thực ở trong và nó bất tịnh; lúc đó tự nhiên mình không có vọng tưởng và không có vọng tưởng thì mình sẽ không có nội kết êm ái, sẽ không bị “mây nhè nhẹ gió hiu hiu” bắt cóc đi.

Bài kệ 1
Tâm phóng tại dâm hành 心 放 在 婬 行  
Dục ái tăng chi điều 欲 愛 增 枝 條   
Phân bố sanh sí thạnh 分 布 生 熾 盛
Siêu dược tham quả hầu 超 躍 貪 果 猴

Tâm ý đi về hướng ái dục thì cây ái dục sẽ đâm chồi trổ nhánh rất mau. Tâm ý phân tán vì đối tượng ái dục sẽ làm cho lửa ái dục bừng cháy trong ta. Kẻ đi tìm ái dục cũng giống như một con vượn chuyền cành tìm trái, từ cành này sang cành khác.


Tâm phóng tại dâm hành: Phóng là đi tới. Dâm hành là hướng của ái dục. Tâm ý đi về hướng của ái dục.
Dục ái tăng chi điều: Cây ái dục tăng thêm cành thêm nhánh.
Phân bố sanh sí thạnh: Sí thạnh là cháy bùng lên. Tâm ý phân tán vì đối tượng ái dục sẽ làm cho lửa ái dục bừng cháy trong ta.
Siêu dược tham quả hầu: Tham quả là ham đi tìm trái cây. Hầu là con khỉ. Con khỉ đi tìm trái cây, nhảy nhót từ cây này sang cây khác.
Ngay trong bài kệ này chúng ta đã thấy đây không phải chỉ là giáo lý cho người xuất gia. Người tại gia cũng rất cần tại vì người tại gia sống trong một hoàn cảnh có rất nhiều cơ hội bị vướng mắc. Sống trong chùa mình được nhắc nhở, được thực tập và mình có tăng thân. Còn sống ngoài đời, mình đi tới sở làm gặp gỡ người này người khác nên có hoàn cảnh kéo người tại gia đi theo rất mau. Mình đã có vợ, có chồng, có con rồi nhưng mình vẫn bị kéo theo ái dục, mình muốn bỏ người này để theo người kia. Trong kinh dùng hình ảnh của một con vượn nhảy từ cành này sang cành khác để tìm trái cây. Nó ăn một trái rồi nhưng còn thèm nên tìm trái khác. Ở ngoài đời chuyện ngoại tình xảy ra rất nhiều, sự thực tập đối với người cư sĩ còn khó hơn đối với người xuất sĩ. Cho nên đi xuất gia là con đường dễ nhất và mình đừng đợi đến lúc già rồi mới xuất gia.

Kinh hay ở chỗ là đưa ra rất nhiều hình ảnh, có trên mười hình ảnh và những hình ảnh tự nó đã nói ra được giáo lý.

Bài kệ 2
Dĩ vi ái nhẫn khổ 以 為 愛 忍 苦   
Tham dục trước thế gian 貪 欲 著 世 間   
Ưu hoạn nhật dạ trưởng 憂 患 日 夜 長   
Đình như mạn thảo sanh 莚 如 蔓 草 生

Ái dục buộc mình phải gánh chịu khổ đau, ái dục làm cho mình bị vướng mắc vào cuộc sống trần tục. Những lo lắng và hoạn nạn do ái dục đem tới cứ tăng trưởng đêm ngày, mọc kín như cỏ tranh.


Bài kệ này cũng để dành cho người cư sĩ. Các vị xuất gia đừng tưởng ở ngoài đời thì khỏi phải hành trì. Ở ngoài kia mà không hành trì thì cũng khổ lắm.
Dĩ vi ái nhẫn khổ: Ái dục buộc mình phải gánh chịu khổ đau.
Nhẫn là chịu đựng, nhẫn khổ là chịu đựng nhiều khổ đau. Trong chúng ta có người đã nếm được vị này.

Tham dục trước thế gian: Vướng mắc vào vòng ái dục là vướng mắc vào thế giới của trần lụy, không giải thoát được. Thế gian là cuộc sống trần tục.

Ưu hoạn nhật dạ trưởng: Những lo lắng và hoạn nạn do ái dục đem tới cứ tăng trưởng đêm ngày.
Ưu là lo lắng, hoạn là tai nạn. Đó là hai cái đi đôi với ái dục. Làm tổng thống như ông Bill Clinton hay Sarkozy cũng khổ vì ái dục. Bên Do Thái có một vị tổng thống vì bị vướng vào ái dục mà phải bỏ chức tổng thống. Các vị nguyên thủ quốc gia phải học kinh này, tại vì khi bị vướng mắc thì trong lòng mình sẽ có những lo lắng, buồn phiền, sợ hãi. Khi ấy làm sao mình có đủ minh mẫn, có đủ thông minh để giải quyết những vấn đề trọng đại của quốc gia, làm sao mình có thể dẫn dắt cả một dân tộc cho đàng hoàng. Kinh này không phải chỉ dành cho người xuất gia mà còn dành cho người tại gia tới Làng Mai tu học, nhất là các nhà chánh trị, nhà doanh thương.
Nhật dạ là ngày đêm. Nhật dạ trưởng là tăng trưởng ngày đêm.

Đình như mạn thảo sanh: Rễ đan chằng chịt với nhau như cỏ tranh. Mạn thảo là cỏ tranh, trong bản Pali cỏ này là dirana, rễ của nó đan chằng chịt với nhau và hình như nó có chất ngọt nên có người muốn đào. Vì vậy nên tôi dịch mạn thảo là cỏ tranh vì nước của rễ cỏ tranh uống vào hơi ngọt ngọt. Trong bản Pali nói, nếu tưới thì cỏ đó sẽ mọc lên chằng chịt, phải tìm cách đào cho hết thì nó mới không mọc lên nữa.
Trong tự điển mạn thảo là Antropogon muricatus và tự điển của Phạm Hoàng Hộ gọi là hồng thảo chứ không phải mạn thảo, chữ Sanskrit là Virana.

Bài kệ 3
Nhân vi ân ái hoặc 人 為 恩 愛 惑   
Bất năng xả tình dục 不 能 捨 情 欲    
Như thị ưu ái đa 如 是 憂 愛 多   
Sàn sàn doanh vu trì 潺 潺 盈 于 池

Bị ái ân mê hoặc người ta sớm muộn gì cũng bị vướng vào dục tình. Cái lo lắng kia càng ngày càng lớn giống như dòng nước rỉ, rỉ mãi cũng đầy hồ.

Nhân vi ân ái hoặc: Khi con người bị mê hoặc. Hoặc là bị cám dỗ, bị hớp hồn. Khi con người bị cám dỗ bởi ân ái thì Bất năng xả tình dục, không thể buông bỏ được tình dục, thế nào cũng đi tới chuyện tình dục và rốt cuộc cũng sẽ đi tới chỗ chung đụng xác thịt.
Thi sĩ Félix Arvers nói l’amour platonique (chỉ yêu xuông thôi), nhưng nếu hoàn cảnh thuận tiện thì thế nào ông cũng phạm giới. Thái Hư đạo sư nói: Tình yêu, nếu cứ tăng trưởng thì chắc chắn sẽ đưa tới tình dục và đưa tới tình dục thì sẽ làm tan vỡ tất cả, nhất là đối với người xuất gia. Vì vậy mình không thể coi thường, mình đừng tưởng là không sao mà phải lo ngay từ lúc ban đầu.

Nếu đó là tình huynh đệ thì không sao nhưng nếu nó có hơi hướm của ái dục thì mình phải biết là nó sẽ đẩy mình tới tình dục. Chuyện này đã có xảy ra trong đại chúng, đồng tính cũng như dị tính. Một sư chú với một sư cô và hai người đã rủ nhau đi. Vì vậy mình phải thấy cho rõ, đây có phải là tình huynh đệ hay không? Nếu nó có màu sắc của ái dục thì mình phải cẩn thận, nếu để cho nó lớn thì sẽ đưa tới sự gần gũi. Đây chỉ là vấn đề con người, nhưng tại vì mình đã xuất gia, mình đã có chí nguyện đi theo sự nghiệp của Đức Thế Tôn nên mình phải chọn lựa. Muốn thành công mình phải làm như vậy, mình phải nhắc nhở nhau. Khi người khác nhắc mình thì mình phải chắp tay lại cám ơn. Mình không nên nói: “ Đâu có gì đâu!“ Những vị đã bỏ đi, ngày xưa cũng đã từng nói như vậy.

Như thị ưu ái đa: Cái lo lắng kia càng ngày càng lớn. Mình phải cẩn thận lắm mới được tại vì ở dưới cỏ mọc rất mau, nó mọc chằng chịt vướng vào nhau, cho nên Đức Thế Tôn nói nó mọc chằng chịt như cỏ tranh. Bụt dạy mình đừng nghĩ rằng đó là chuyện không quan trọng.

Sàn sàn doanh vu trì:
Nó là dòng nước rỉ, nhưng mai mốt sẽ đầy hồ, và khi hồ đầy rồi thì nước sẽ tràn ra. Đây là hình ảnh thứ ba trong kinh. Hình ảnh đầu là con vượn chuyền cành, hình ảnh thứ hai là cỏ tranh mọc kín, hình ảnh thứ ba là nước rỉ đầy hồ.


2. (Đây là bài pháp thoại Sư Ông giảng vào ngày 06.05.2010 tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng Làng Mai trong khóa tu mùa Xuân.)

Nhìn một cái cây ngoài vườn chúng ta thấy nó có những chiếc rễ cắm sâu vào lòng đất, nhờ vậy nên nó vững chãi, xinh tươi và hùng tráng. Có những cái cây khi nhìn thì thấy có vẻ khá vững nhưng chỉ cần một trận bão kéo tới đã ngã đổ, trong khi những cái cây khác trải qua vài ba trận bão mà vẫn không sao. Mình biết rằng những cây kiên cường đứng vững được trong bão tố là vì chúng có những chiếc rễ rất vững chắc bám sâu vào lòng đất. Người tu cũng vậy, người tu cũng phải có những chiếc rễ cắm sâu vào lòng đất thì mới đứng vững và có thăng bằng. Nhiều khi mình tưởng mình đã có thăng bằng, nhưng thật ra thì cái thăng bằng đó rất mong manh, chỉ cần một ngọn gió thổi tới là mình có thể ngã xuống. Thế nên, mình phải cẩn thận lắm mới được, đừng nên nghĩ rằng mình đã có thăng bằng rồi thì sẽ không có chuyện gì xảy ra.

Tín

Chiếc rễ đầu tiên của người tu đó là tín. Tín là niềm tin, niềm tin này không phải là tin vào một đấng thần linh hay tin vào một người khác. Nếu tin vào một đấng thần linh thì có thể sau này mình sẽ đánh mất niềm tin đó, hoặc nếu tin vào một người khác thì rất có thể mình cũng mất đi niềm tin nơi người ấy. Niềm tin đó không phải là cái rễ sâu sắc, mình phải tin vào một cái gì bền chặt hơn. Cái đó là cái gì? Trước hết mình tin ở Tam Bảo tức tin vào Bụt, Pháp và Tăng. Bụt là khả năng hiểu biết, thương yêu và hiến tặng hạnh phúc cho bản thân và cho người khác, chúng ta gọi là Phật bảo. Mình phải tin rằng, nếu thực tập thì mình sẽ mở rộng được sự hiểu biết, tình thương yêu và niềm hạnh phúc. Đó là khẳ năng của tất cả mọi người - tin vào Phật tánh của chính mình. Không có niềm tin đó thì không "làm ăn" gì được. Không có niềm tin đó thì mình không phải là huynh đệ cùng đi trên một con đường. Sở dĩ chúng ta là huynh đệ với nhau, sở dĩ chúng ta là một tăng thân là vì tất cả chúng ta đều tin vào một điều: Trong con người của mình có khả năng hiểu nhiều hơn, thương nhiều hơn và có hạnh phúc hơn. Niềm tin này không phải là sự mê tín tại vì mình thấy con người có khả năng mở rộng hiểu biết, làm lớn thương yêu, chuyển hóa khổ đau và tạo dựng hạnh phúc. Đó là tin vào Phật tánh trong con người của mình. Niềm tin này không phải là lý thuyết, mà là một thực tại tại vì trong khi quán chiếu mình thấy người nào có hiểu, có thương thì người đó có hạnh phúc và có khả năng làm hạnh phúc cho mọi người. Người nào không có khả năng hiểu và thương thì người đó sẽ có nhiều khổ và làm khổ người khác. Niềm tin của mình căn cứ trên sự nhận xét đó chứ không phải mình tin vào một sự hứa hẹn nào khác.

Nhìn vào thế giới, chúng ta thấy khả năng hiểu và khả năng thương của con người quá ít; vì vậy mới có sự chia rẽ, sự kỳ thị, sự độc ác và tàn hại. Chúng ta biết con đường hiểu và thương là con đường chúng ta phải quyết chí đi theo. Thấy được như vậy mới gọi là có niềm tin. Niềm tin này được gọi là chánh tín, nó căn cứ trên một cái thấy trực tiếp chứ không phải do mình nghe hay do mình bị tuyên truyền. Trong kinh Kalama có kể câu chuyện của một thanh niên tới hỏi Đức Thế Tôn:

- Có nhiều vị đạo sư tới với chúng con. Người nào cũng nói là họ có chân lý và bảo mình phải nên đi theo họ. Chúng con không biết phải theo ai? Vậy Đức Thế Tôn dạy chúng con phải nên làm như thế nào?
Bụt dạy rất hay, Bụt nói:

- Đừng tin vào một điều gì dù điều đó do một đạo sư nổi tiếng nói ra. Đừng vội tin vào một điều gì dù điều đó đã được ghi chép trong kinh sách. Đừng vội tin vào một điều gì dù điều đó tất cả mọi người đều tin theo. Không phải tại mọi người đều tin thì mình cũng phải tin. Đừng vội tin vào một điều gì dù điều đó nằm trong truyền thống. Nghe một điều gì, mình hãy quán sát, suy luận và đem ra áp dụng. Nếu áp dụng có kết quả thì lúc đó mình mới tin. Nếu không có kết quả thì mình không tin cho dù điều đó tới từ truyền thống, tới từ kinh điển hay tới từ một vị đạo sư nào.
Đó là kinh Kalama, một kinh rất hay! Cái rễ đầu tiên giữ mình đứng vững là có một niềm tin, niềm tin do sự thực chứng, do sự nhận xét của chính mình chứ không phải do mình nghe tuyên truyền mà có.

Thứ hai là tin vào giáo pháp mà mình đang hành trì. Đó là những giáo pháp linh động đã được trao truyền lại qua bao nhiêu thế hệ. Ví dụ như mình đang hành trì Năm Giới, Mười Bốn Giới, mình đang thực tập thiền ngồi, thiền đi, thiền thở, thực tập ái ngữ và lắng nghe,... Đó chính là pháp, mình phải tin rằng những pháp đó đem lại sự chuyển hóa và an lạc.

Khi được trao truyền pháp môn thiền đi, mình dùng trí năng để tìm hiểu thiền đi có những lợi ích nào và có khả năng giúp mình đạt tới cái gì? Khi hiểu rồi mình mới đem ra áp dụng, nếu áp dụng chưa thành công thì mình có thể học hỏi thêm và áp dụng lại. Thực tập mà có kết quả thì niềm tin trong mình sẽ ngày càng lớn mạnh.

Mình đã được nghe dạy và hiểu rằng nếu thực tập thiền thở thì mình sẽ làm lắng dịu được những tâm hành xáo động, buồn tủi mỗi khi nó xuất hiện. Ban đầu mình thực tập chưa thành công nhưng nếu tiếp tục thực tập thì mình sẽ thấy có kết quả. Do thấy được hiệu năng của sự thực tập nên từ từ niềm tin nơi Pháp của mình cứ lớn dần lên. Đức tin của mình luôn luôn được căn cứ trên thực nghiệm mà không căn cứ trên sự lặp đi lặp lại nhiều lần của người khác.

Khi đã tin vào Bụt và Pháp thì mình phải tin vào Tăng, tăng nghĩa là tăng thân, là đoàn thể mà mình đang tu học, trong đó có những người cũng tin vào Phật tính và họ cũng đang đi trên con đường thực tập cùng với mình. Nếu không có niềm tin nơi tăng thân thì mình sẽ không đi tới đâu cả. Tăng thân như một mảnh đất và mình phải có những chiếc rễ cắm sâu vào trong tăng thân. Cái rễ đó không cắm vào một người mà cắm vào tất cả tăng thân. Mình phải hoàn toàn nương tựa vào tăng thân, phải bám lấy Tăng thân, bởi vì mất Tăng thân là mất Phật thân và mất Pháp thân tại vì Tăng thân (nếu là Tăng thân tốt) sẽ chuyên chở được Phật thân và Pháp thân. Khi đã cắm rễ vào trong tăng thân, mình sẽ thấy mình không thể sống mà không có tăng thân. Những chiếc rễ của mình bắt đầu hút được những chất bổ dưỡng từ tăng thân để lớn mạnh và tăng thân giữ cho mình đứng vững. Sự tu học của mình là làm cho Tăng thân càng ngày càng có phẩm chất. Người tu phải có tăng thân và có niềm tin nơi tăng thân. Một Tăng thân có phẩm chất là một Tăng thân có tu, có học. Cách mình đi, cách mình thở, cách mình làm việc với nhau, cách mình nói năng chứng tỏ Tăng thân có phẩm chất tu học hay không, Tăng thân đó có chuyên chở Pháp thân hay không? Nếu Tăng thân chưa được như mình mong ước thì mình phải làm cho Tăng thân mạnh hơn, làm cho Tăng thân mạnh không phải bằng cách đòi hỏi nơi người khác mà chính mình phải thực tập để giúp cho Tăng thân càng ngày càng vững mạnh. Làm cho Tăng thân vững mạnh là một việc làm rất cụ thể, ví dụ như việc bước một bước chân đi là có hơi thở đi kèm theo. Làm được như vậy thì vừa tốt cho mình vừa tốt cho Tăng thân. Nếu mọi người trong Tăng thân ai cũng làm được như vậy thì phẩm chất thực tập của tăng thân sẽ rất cao và Pháp thân sẽ lớn lên trong Tăng thân, mà Pháp thân lớn lên thì Tăng thân mới thật sự là Tăng thân.

Nguyện

Chí nguyện là một ước mong, một lý tưởng. Nó là tư niệm thực, là nguồn thực phẩm thứ ba trong bốn nguồn thực phẩm (xin tham khảo Kinh Bốn Loại Thức Ăn). Khi mình có một ý chí, có một lý tưởng trong trái tim thì mình sẽ có một sức mạnh để đi tới, bằng không thì mình sẽ chẳng có chút năng lượng nào. Lời nguyện đem lại cho mình rất nhiều năng lượng. Người tu là người có chí nguyện, có lý tưởng. Đó là tâm bồ đề tức tâm ban đầu của mình. Mình phải sống làm sao để cho chí nguyện của mình ngày thêm vững vàng, càng lớn tuổi thì nguyện càng bền chắc mà không bị sói mòn đi. Nếu chí nguyện mà bị sói mòn, bạc nhược thì mình sẽ không thành công trên con đường tu tập. Mình phải muốn và muốn rất nhiều. Mình phải đêm đêm ngày ngày, tâm tâm niệm niệm làm cho được việc đó. Mình phải có một ước mong để theo đuổi. Theo đuổi ước nguyện nhưng không bỏ đi giây phút hiện tại, mà sử dụng giây phút hiện tại để thực hiện ước nguyện. Ngoài xã hội có nhiều khổ đau mà trong lòng mình cũng có nhiều khổ đau. Mình có mong muốn giải tỏa khổ đau trong lòng và giúp tháo gỡ những khổ đau ngoài xã hội. Vì vậy mà mình hết lòng tu học với tăng thân. Mình học hỏi Phật pháp để giúp đời và để xây dựng tăng thân. Nguyện là nguồn năng lượng rất lớn. Không có nguyện thì mình sẽ bệ rạc và không có sức sống. Hãy nên tự hỏi mình rằng sức mạnh đó, nguồn năng lượng đó đã có đủ trong mình hay chưa? Nếu nó chưa đủ thì mình vẫn chưa vững chãi, chỉ cần một trận gió thổi tới có thể làm mình ngã đổ như thường.

Hạnh

Hạnh là hành động (action). Khi có một niềm tin và một chí nguyện rồi thì nó sẽ đưa tới hành động. Hành động này có nguồn gốc từ đức tin và chí nguyện. Có những người làm việc rất nhiều, họ bận rộn suốt ngày nhưng họ làm như vậy chỉ để phủ lấp những khó khăn trong họ. Họ làm để quên đi những khổ đau, những vấn đề của chính mình và họ tin rằng làm càng nhiều thì càng tốt. Làm việc như vậy không phải là một cách hay, nó chỉ là một sự trốn tránh tại vì hành động đó không dựa trên chí nguyện và niềm tin.

Khi có chí nguyện và niềm tin lớn thì tự nhiên sẽ đưa tới hành động và hành động ở đây là sự thực tập. Mình nấu cơm cho đại chúng, mình quét nhà, mình làm thiền đường, đó là hành. Hành đem lại niềm vui tại vì nó biểu lộ niềm tin và chí nguyện của mình. Mình làm những việc ấy vì tình thương, vì chí nguyện chứ không phải vì bị bắt buộc phải làm. Ngồi làm việc trong văn phòng trước máy tính mình cũng có rất nhiều niềm vui tại vì mình làm việc không phải để khỏa lấp thì giờ mà là để biểu lộ niềm tin và chí nguyện của mình. Vì vậy việc làm hàng ngày của mình phải có gốc rễ ở niềm tin và chí nguyện. Hành động này đem lại rất nhiều niềm vui cho mình, cho đại chúng và cho con người.

Niềm tin, chí nguyện và hành động là ba chiếc rễ cần phải có để cắm sâu và mảnh đất tăng thân, khi rễ đã ăn sâu rồi thì mình sẽ vững chãi, không bão tố nào có thể quật ngã được. Thường thì chúng ta chỉ cần làm sao để có thể sống sót mà đừng ngã lăn ra. Nhưng ở đây không phải là vấn đề sống sót, mà là vấn đề về sức sống. Muốn có sức sống thì ít nhất cái cây phải có ba chiếc rễ đó. Chúng ta phải xét lại mình, nếu mình không có năng lượng, mình còn nghi ngờ và không có niềm vui, đó là tại vì cái rễ của mình đang còn non yếu.
Bây giờ chúng ta sẽ học tiếp bài kệ thứ 4 của kinh:

Bài kệ 4 
 
Phù sở dĩ ưu bi 夫 所 以 憂 悲  
Thế gian khổ phi nhất 世 間 苦 非 一    
Đãn vi duyên ái hữu 但 為 緣 愛 有  
Ly ái tất vô ưu 離 愛 則 無 憂

Ở đời có nhiều thứ lo lắng và đau buồn, nhưng không có thứ lo buồn nào lớn hơn cái lo buồn do ái dục đem lại. Buông bỏ được ái dục mới hết lo buồn.

Phù sở dĩ ưu bi: Câu này nói tới cái lo lắng, ưu buồn khi vướng vào ân ái. Người nào đã đi “qua cầu“ thì sẽ có kinh nghiệm ấy. Khi vướng vào một ai đó mình luôn lo sợ người kia bỏ mình, phản bội mình. Những tri giác sai lầm sẽ khiến cho mình thường xuyên rơi vào sự ghen tuông, tuyệt vọng và khổ đau.

Thế gian khổ phi nhất: Thế gian khổ là những cái khổ trong cuộc đời. Phi nhất có nghĩa là không phải là một cái. Những đau khổ trong thế gian không phải chỉ một thứ.
Đãn vi duyên ái hữu: Phần lớn những đau khổ trong cuộc đời là do ái dục sinh ra. Duyên ái hữu là có gốc rễ từ ái dục.
Ly ái tất vô ưu: Xa lìa được ái dục thì không còn lo lắng nữa.

Bài kệ 5 
  
Dĩ ý an khí ưu 己 意 安 棄 憂   
Vô ái hà hữu thế 無 愛 何 有 世    
Bất ưu bất nhiễm cầu 不 憂 不 染 求   
Bất ái yên đắc an 不 愛 焉 得 安

Muốn tâm ý được an vui thì phải quyết tâm vứt bỏ ái ân. Không ân ái thì không đi vòng quanh trong cõi luân hồi, không còn phải mang nặng ưu tư, không còn thấp thỏm mong cầu những gì ô nhiễm, không còn ái nhiễm thì sẽ được thật sự an vui.

Dĩ ý an khí ưu: Muốn cho tâm ý được an vui thì phải bỏ đi những ưu tư lo lắng.
Vô ái hà hữu thế: Không có ái dục thì không còn quanh quẩn trong cõi luân hồi. Thế là thời gian, là đi vòng quanh trong cõi luân hồi.
Bất ưu bất nhiễm cầu: Không lo lắng, không tìm cầu những chuyện ô nhiễm.
Bất ái yên đắc an: Không có ái dục thì sẽ đạt tới an lạc.
Trong bài kệ tương đương của văn hệ Pali có một hình ảnh mà trong bài kệ này không có, đó là hình ảnh một lá sen. Không có ái dục thì sẽ có an vui. Những giọt nước rơi xuống lá sen không thấm được vào trong lá. Người tu tập giống như một lá sen, ái dục không thấm vào được mình nên mình giữ được sự an vui và sự tươi mát của mình.

Bài kệ 6   
Hữu ưu dĩ tử thời 有 憂 以 死 時   
Vi trí thân chúc đa 為 致 親 屬 多    
Thiệp ưu chi trường đồ 涉 憂 之 長 塗   
Ái khổ thường đọa nguy 愛 苦 常 墮 危

Ân ái thâm trọng thì đến giờ lâm chung bao quanh bởi những người thân thuộc sẽ thấy con đường của lo lắng và sầu khổ dài như thế nào. Cái khổ do ân ái gây nên thường đưa ta tới những hoàn cảnh không an toàn, đầy tai ách.

Hữu ưu dĩ tử thời: Tử thời là giờ lâm chung. Ái ân thâm trọng thì đến giờ lâm chung,
Vi trí thân chúc đa: bao quanh bởi những người thân thuộc. Đa là nhiều.
Thiệp ưu chi trường đồ: sẽ thấy con đường của lo lắng và sầu khổ dài như thế nào. Trường đồ là con đường dài. Ưu là lo lắng.
Ái khổ thường đọa nguy: Cái khổ do ân ái gây nên sẽ đưa ta tới những hoàn cảnh không an toàn, đầy tai ách.
Tên của kinh dịch ra tiếng Anh là “The net of love sutra“. Chữ “love” trong kinh này mang ý nghĩa hơi tiêu cực. Vướng vào tình yêu như một con cá mắc phải lưới rất bức bách, mất tự do. Tuy nhiên, chữ “love” có thể có một nghĩa rất đẹp, đó là tình thương. Học Năm giới trong “Giới bản tân tu”, chúng ta thấy con đường hành trì năm giới đúng là con đường của thương yêu đích thực (true love). Giới thứ nhất là sự thực tập thương yêu, giới thứ hai cũng là sự thực tập thương yêu, giới thứ ba, giới thứ tư và giới thứ năm cũng vậy. Vì vậy chữ thương yêu này có ý nghĩa rất tích cực, giáo lý Bụt dạy về thương yêu rất rõ ràng. Chúng ta không thể nói đạo Bụt không phải là đạo thương yêu. Đạo Bụt là đạo thương yêu nhưng thương theo nghĩa của Tứ vô lượng tâm, của đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Đó là sự thương yêu đích thực.
Chữ love (yêu) trong kinh này có nghĩa là sensual love tức là một thứ tình có dục ở trong mà không phải là sự thương yêu đích thực. Vì vậy trong “Giới bản tân tu” có câu: Tình yêu và tình dục là hai cái khác nhau. Ngoài “The net of love sutra” (kinh chiếc lưới ái ân) mình cũng có “The sutra on love” (kinh thương yêu) và chữ love ở đây có nghĩa là true love.

Bài kệ 7 
    
Vi đạo hành giả 為 道 行 者  
Bất dữ dục hội 不 與 欲 會  
Tiên tru ái bổn 先 誅 愛 本     
Vô sở thực căn 無 所 植 根   
Vật như ngải vi 勿 如 刈 葦  
Lệnh tâm phục sanh 令 心 復 生

Là người tu đạo ta không nên đi về hướng ái dục, phải bắt đầu bằng cách tìm diệt tận gốc cái cây ái dục để cho những cái rễ của nó không còn có thể đâm chồi lên được. Đừng làm như cắt cỏ lau để sau khi được cắt rồi lau lại mọc lên như cũ.

Vi đạo hành giả: Một người đang đi trên con đường đạo.
Bất dữ dục hội: Không nên đi về hướng ái dục. Hội là associated with.
Tiên tru ái bổn: Bắt đầu bằng cách tìm diệt tận gốc cái cây ái dục. Tiên là trước hết. Tru là diệt đi. Ái bổn là gốc rễ của ái dục. Ái dục không chỉ ở cành lá, ái dục chính là gốc rễ. Nó là tập khí, là mặc cảm của mình.
Vô sở thực căn: để cho những cái rễ của nó không còn đâm chồi lên được.
Vật như ngải vi: đừng làm giống như cắt cỏ lau.
Lệnh tâm phục sanh: sau khi cắt rồi tâm ái dục mới sinh ra trở lại.

Có một vị thiền sinh là nhạc sĩ, từng làm trong một hộp đêm nhiều năm có nhận xét rằng: Trong hộp đêm người ta nghe nhạc, uống rượu và khiêu vũ. Lúc ban đầu người ta vui vẻ, cởi mở, cười nói với nhau. Nhưng càng về khuya người ta càng khép kín. Người ta không để ý tới nhau nữa mà chỉ để ý tìm một người để chung chạ trong đêm đó. Âm nhạc, rượu và thức ăn đã tưới tẩm hạt giống ái dục trong họ. Ban đầu thì mọi người đều cởi mở, vui tươi chơi với nhau, nhưng càng về khuya người ta càng khép kín và chỉ nghĩ tới chuyện ái dục. Sáng mai thức dậy, họ nhìn người mà đêm qua mình đã gần gũi như nhìn một người xa lạ. Họ chào nhau rồi chia tay, không nhớ đêm qua mình đã chia sẻ hết những gì sâu kín nhất của thân thể và tâm hồn của mình cho người ấy. Vị thiền sinh kia thấy rõ trong hành động đó chỉ có sự thèm khát tình dục mà không phải là tình yêu. Tuần sau tới hộp đêm, họ có thể lặp lại chuyện đó với một người khác. Cứ như vậy từ người này tới người khác, từ đam mê này tới đam mê khác, từ sự thèm khát này tới sự thèm khát khác, nó làm tiêu hoại thân tâm của mình cho đến khi thức tỉnh mới thấy rằng mình cần đi tìm một sự thương yêu đích thực. Đó là ý kiến đóng góp trong buổi pháp đàm vừa qua; nó cho chúng ta thấy, tình dục tiêu hoại thân tâm và không đem lại sự thỏa mãn, an lạc, hạnh phúc.

Một vị thiền sinh khác nói: cô có rất nhiều khó khăn trong khi chung sống với người chồng và hai đứa con. Bây giờ cô đã ly dị, mỗi người có một đời sống riêng. Cô thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, thanh thản hơn, cũng là lúc cô cảm thấy thương chồng con nhiều hơn. Bây giờ mới thật sự là thương yêu tại vì những hệ lụy kia không còn nữa. Cái gọi là love không còn thì bắt đầu thật sự có true love. Bây giờ cô bắt đầu thương, hiểu và chăm sóc chồng con nhiều hơn.

(Nguồn: Làng Mai)


No comments: