Friday, October 30, 2009

Ông Nhân cần làm chứ đừng nói nữa!

30 năm chất lượng giáo dục đại học bị 'bỏ ngỏ'

Bộ GD&ĐT thừa nhận, do các trường chưa công bố chuẩn năng lực sinh viên tốt nghiệp nên chưa có đủ cơ sở để đánh giá chất lượng giáo dục một cách khách quan, toàn diện, chất lượng đào tạo còn thấp.
> Sinh viên công lập đóng học phí cao ngất ngưởng

Ngày 29/10, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã gửi Chính phủ báo cáo về sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học, các giải pháp đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo đó, Bộ GD&ĐT thừa nhận, việc thành lập trường, triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới trường ĐH, CĐ còn bộc lộ nhiều hạn chế. Khoảng 20% trường được thành lập mới hoặc nâng cấp lên đại học từ năm 2005 chưa thực hiện đầy đủ cam kết trong đề án khả thi thành lập trường và mở ngành, chưa chuẩn bị đồng bộ về đất đai, giảng viên, vốn đầu tư và điều kiện đảm bảo chất lượng khác.

Ngoài ra, hiện chưa có quy định bắt buộc về kiểm tra thực tế điều kiện cần thiết khi cho phép mở ngành đào tạo và tuyển sinh; chế tài xử lý các trường không thực hiện đúng cam kết chưa đủ mạnh; chưa có quy định các trường phải xây dựng chuẩn năng lực người tốt nghiệp (chuẩn đầu ra) nên chưa có cơ sở đánh giá đúng chất lượng đào tạo. Các trường ĐH, CĐ vẫn tập trung chủ yếu ở 5 thành phố lớn.

Bộ Giáo dục chủ trương thắt chặt tuyển sinh ĐH, CĐ để nâng cao chất lượng. Ảnh: Hoàng Hà.
Hiện, cả nước có 376 trường ĐH, CĐ với hơn 1,7 triệu sinh viên chính quy và 900.000 sinh viên tại chức, từ xa. Ảnh: Hoàng Hà.

Năm 2009, cả nước tuyển sinh hơn nửa triệu sinh viên, gấp 4 lần năm 1997 và 14 lần năm 1987. Còn về quy mô, tổng số sinh viên cả nước là 1,7 triệu em trong khi năm 1997 là hơn 700.000 và năm 1987 là 130.000. Năm 1987, một giảng viên đào tạo bình quân 6,6 sinh viên, năm 2009 một giảng viên đào tạo tới 28 sinh viên. Sau 22 năm, số sinh viên tăng 13 lần, số trường tăng 3,7 lần, nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. 20 năm qua, số giảng viên có trình độ tiến sĩ chỉ đạt hơn 10%.

Dù đã triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học nhưng Bộ GD&ĐT vẫn phải thừa nhận, quản lý chất lượng giáo dục là khâu yếu nhất hiện nay. Chưa trường nào công bố chuẩn năng lực sinh viên tốt nghiệp nên hiện chưa có đủ cơ sở để đánh giá chất lượng giáo dục của các trường một cách khách quan, toàn diện.

Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, nhìn chung chất lượng đào tạo còn thấp, chưa có chuyển biến trên diện rộng, chưa tạo được sự đồng hướng về lợi ích, sự quan tâm đủ mạnh đến chất lượng giáo dục giữa người học, người dạy, nhà đầu tư cho giáo dục, người sử dụng lao động và xã hội.

"Thực tế, gần 30 năm chúng ta chưa thực sự quản lý được chất lượng giáo dục đại học vì chưa có chuẩn đầu ra của các trường; chưa giữ được chuẩn của giáo viên, chương trình, cơ sở vật chất...; chưa có cơ quan chuyên trách quản lý chất lượng; hằng năm chưa có đánh giá thực tế và có báo cáo về chất lượng đào tạo của các trường và cả hệ thống giáo dục đại học", người đứng đầu ngành giáo dục nói.

Thêm vào đó, hiện nay việc quản lý và chịu trách nhiệm của cơ quan nhà nước về các trường đại học, cao đẳng rất phân tán. Phó thủ tướng lưu ý, trong tổng số 376 đại học, cao đẳng trên cả nước, Bộ GD&ĐT chỉ quản lý 54 trường (14%); các Bộ, ngành khác quản lý 116 trường (31%); UBND các tỉnh, thành phố là cơ quan chủ quản của 125 trường (33%); và có 81 trường dân lập, tư thục (22%).

Sau 22 năm, số sinh viên tăng 13 lần, số trường tăng 3,7 lần, nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần.
Sau 22 năm, số sinh viên tăng 13 lần, số trường tăng 3,7 lần, nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. Ảnh: Hoàng Hà.

Bộ GD&ĐT là cơ quan duy nhất được ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giáo dục cấp Bộ nhưng hiện nhiều Bộ, ngành khác cũng như UBND các tỉnh tự ý ban hành các văn bản chồng chéo. Ngoài ra, chưa có quy chế phối hợp giữa Bộ GD&ĐT và các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố về quản lý các trường này.

"Do đó, xét về tổng thể Bộ GD&ĐT chưa thể trả lời được 3 câu hỏi: Chất lượng đào tạo của các trường thế nào? Các trường tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến đào tạo thế nào? Hiệu quả đầu tư từ ngân sách cho các trường ĐH, CĐ công lập thế nào?", ông Nhân cho biết thêm.

Báo cáo của Bộ Giáo dục cũng nhấn mạnh, các trường ĐH, CĐ không thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo hàng năm. Kết thúc năm học 2008-2009, 46% số trường không gửi báo cáo. Vì vậy, đến nay Bộ vẫn chưa có cơ sở dữ liệu đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý của các trường ĐH, CĐ.

Quản lý nhà nước về giáo dục đại học còn nhiều trì trệ là nguyên nhân cơ bản của việc chất lượng giáo dục đại học không có cải thiện đáng kể và nếu không có giải pháp kiên quyết, có tính đột phá, chất lượng giáo dục đại học sẽ ngày càng tụt hậu trước đòi hỏi của phát triển đất nước.

Để đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2009-2012, Bộ GD&ĐT đề xuất tổ chức thảo luận trong toàn ngành và xã hội xung quanh chủ đề "Làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo" nhằm không vì tiếp tục phát triển quy mô giáo dục đại học mà lại buông lỏng quản lý chất lượng.

Đồng thời, đổi mới hệ thống quản lý bằng cách hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của nhà trường trước tháng 6/2010; Quy định về phối hợp và phân cấp quản lý giữa Bộ GD&ĐT, các Bộ ngành khác và UBND các tỉnh, thành phố đối với các trường ĐH, CĐ trước tháng 3/2010; Các trường phải xây dựng chuẩn đầu ra cho tất cả các ngành đào tạo trước tháng 12/2010.

Từ năm 2010 mỗi năm cử khoảng 1.000 giảng viên làm tiến sĩ ở trong nước và 1.000 giảng viên làm thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Từ năm học 2009-2010, thực hiện sinh viên tham gia đánh giá giảng dạy của 100% giảng viên. Triển khai xây dựng ký túc xá sinh viên, đảm bảo mục tiêu 60% sinh viên có chỗ ở tại ký túc xá vào năm 2020. Thực hiện thi và xét tuyển vào đại học nghiêm túc...

Tiến Dũng

No comments: