Tuesday, October 27, 2009

Khái niệm đỗ đại học không còn ý nghĩa

Dễ như... đỗ đại học!?

(ANTĐ) - Có lẽ chưa bao giờ các vị phụ huynh lại thấy việc cho con học đại học, cao đẳng lại dễ dàng như hiện nay. Thi trượt, không cần thi, thậm chí kể cả trượt tốt nghiệp THPT cũng vẫn được “mời” đi học. Thực trạng đó đang diễn ra ở nhiều làng quê ngoại thành Hà Nội.

Tuyển sinh ồ ạt chất lượng đào tạo sẽ như thế nào?

Nhà nhà có con em đỗ đại học

Làm văn thư tại xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín đã nhiều năm nay, nhưng chưa bao giờ bà Nguyễn Thị Nhàn lại thấy công việc của mình quá tải như 2 tháng vừa qua. Chỉ riêng trong tháng 8 và tháng 9 mỗi ngày bà Nhàn phải đạp xe tới hàng chục cây số để đi đưa những giấy báo trúng tuyển của các trường đại học, cao đẳng trên khắp cả nước tới tấp gửi về địa phương.

Chưa bao giờ tôi thấy học sinh quê tôi lại “học giỏi” đến như vậy, có đứa nhận tới 15-17 giấy báo trúng tuyển và gọi nhập học - bà Nhàn nói. Tính trung bình mỗi ngày bà Nhàn phải đưa tới 9 xã trong huyện Thường Tín khoảng 20 giấy báo. Lật giở cuốn sổ thống kê, bà Nhàn ước tính hiện cũng đã có xấp xỉ cả nghìn giấy báo trúng tuyển đại học. “Đơn cử như ngày 10-8 người ta gửi về cho tôi cả thảy 87 giấy báo trúng tuyển đại học, cao đẳng, những ngày tiếp theo thì thưa hơn, nhưng cũng phải từ 40-50 giấy một ngày. Sang tháng 9, tưởng ít đi, nhưng thực tế lại không phải vậy. Ví dụ như ngày 3-9 tôi phải đi đưa tới 71 trường hợp có giấy báo đỗ đại học và cao đẳng” - bà Nhàn nói tiếp.

Cũng giống như bà Nhàn, ông Trần Văn Đủ - bưu tá xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội lắc đầu ngán ngẩm khi được hỏi về công việc của mình: “Trong cuộc đời đưa thư của tôi có một loại thư mà bao giờ khi đi đưa cũng để lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất, đó chính là giấy báo nhập học đại học. Tôi nhớ ngày xưa, dù chỉ là giấy báo học trung cấp thôi, khối người nhận đã ôm chầm lấy tôi mà hôn lấy hôn để. Những tấm giấy đó là sự hy vọng, là ước mơ, hạnh phúc, tự hào của người nông dân đối với con em họ. Nhưng bây giờ thì nhàm rồi… Không hiểu bây giờ chúng nó học kiểu gì mà đỗ đạt “kinh khủng” thế. Nếu cứ căn cứ vào số giấy tôi phải đi đưa trong thời gian vừa qua thì ở xã tôi có đứa đỗ tới gần 20 trường đại học, cao đẳng và trung cấp các loại. Nhiều tới mức, khi tôi tới đưa giấy người ta cũng chỉ ném toẹt lên bàn rồi bỏ đi tát nước chứ chẳng thèm đọc xem giấy báo đỗ của trường nào”.

Mỗi học sinh nhận được hàng chục giấy báo nhập học

Sẽ bội thực cử nhân?

Ngày đưa con đi thi đại học, ông Nguyễn Văn Chiến, cán bộ LĐTBXH xã Thắng Lợi cứ khấp khởi đợi ngày có giấy báo. Thế rồi giấy báo về thật, nhưng không phải trường con ông đã thi trên Hà Nội mà là của một trường lạ hoắc lạ huơ đâu tận Nam Định. Một giấy, hai giấy rồi cả chục giấy cứ gửi về ùn ùn. Tìm hiểu kỹ, ông Chiến mới hiểu, thì ra bây giờ, các trường đại học, cao đẳng dân lập cứ thi nhau mọc lên như nấm tại khắp các tỉnh. Trường nào cũng thiếu học sinh, trong khi đó, danh sách thí sinh thì được cập nhật trên mạng Internet. Những thí sinh trượt NV1 vào các trường công lập là lập tức họ cũng có danh sách và cứ thế gửi giấy báo mời mọc về tận nhà. Ông Chiến than phiền: “Học phí của những trường đó cao gấp đôi những trường công lập. Mà chất lượng lại chẳng biết thế nào. Cho con mình đi học ở đó chẳng biết sau mấy năm có nên cơm cháo gì không nên tốt nhất, họ gửi giấy thì mặc họ”.

Trong số những gia đình có con em nhận được giấy gọi đi học đại học của xã Thắng Lợi thì gia đình ông Nguyễn Văn Bảo, ở thôn Đào Xá được liệt vào dạng quán quân vì có tới 15 giấy cả thảy. Dù làm nghề sửa xe đạp cọc cạch nhưng ông Bảo cũng mong con cái được học hành đến nơi đến chốn, thế nhưng con gái ông Bảo lại nhất quyết không chịu đi học mà quyết chí đi học ôn để năm sau thi lại. “Tôi cũng đã bảo con, thôi thì trường nào cũng là trường, học phí cao thật, nhưng con cứ chọn lấy 1 trường mà đi, bố nuôi được. Thế nhưng cháu nó lại lắc đầu quầy quậy: Mấy cái trường tào lao ấy thì học làm gì. Tốn tiền rồi ra lại chẳng xin được việc thì con học phí công” - ông Bảo nói.

Ông Lương Hữu Đốc - Chủ tịch MTTQ xã Đại Thắng là người đã kiêm nhiệm chức Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã được vài năm. Hôm tôi đến, ông Đốc vừa trao xong giấy khen và phần thưởng cho số học sinh của xã đỗ đại học, cao đẳng năm 2009. Tổng cộng có 15 trường hợp cả thảy. Ông Đốc bảo: “Tổng giá trị số phần thưởng ấy khoảng 1 triệu. Năm nay chúng tôi chỉ trao cho những trường hợp đỗ chính quy thôi. Nếu không thì quỹ khuyến học của xã phá sản mất”. Lý giải cho việc này, ông Đốc than phiền: Nếu căn cứ trên giấy gọi nhập học thì có lẽ cả xã tôi đỗ đại học vì bây giờ các trường dân lập mới thành lập vơ vét học sinh khiếp quá. Đứa nào cũng có giấy gọi, kể cả các cháu không đi thi. Mà trường nào cũng đủ các hệ đào tạo từ liên kết đến từ xa, tới dạy nghề, văn bằng 2, rồi tại chức… Tâm lý con em nông dân thì cứ đi học đại học là oách, chẳng biết rồi học bừa phứa, không có hoạch định tương lại như thế sau này ra sẽ làm gì?

Nguyễn Long

No comments: