Monday, April 23, 2012

Sinh nhựt



Đến ngày sinh, tui cũng có nhiều suy nghĩ về chuyện kỷ niệm ngày sinh. Với tiếng khóc chào đời, mỗi người dường như hiểu rằng họ sẽ đón nhận cái khổ. Để đó rảnh viết tiếp. Hehe

Quãng đời trong nước mắt

Kể từ sau năm 1975, gia đình bắt đầu sa sút theo tinh thần chung của nền kinh tế Việt nam. Cái thời điểm mà kinh tế thị trường không được chấp nhận ở Việt nam. Trong khi đó, gia đình tui là một gia đình thủ công nghiệp. Ba tôi phải chấp nhận vào hợp tác xã như một lựa chọn duy nhất. Ông làm chủ nhiệm hợp tác xã may mặc. Cũng nói thêm rằng, tài sản hợp tác xã là của gia đình tui đóng góp, xã viên là các vị vô sản và nghiệp dư. Tiền làm ra từ hợp tác xã được trưng thu và chia đều. Cắn răng chịu đựng cảnh tiền trong nhà cứ đội nón ra đi trong vài năm, ba tôi quyết định nghỉ vào thời điểm giải thể hợp tác xã. Và cũng thời điểm đó, gia đình trắng tay.

Trong hoàn cảnh đó, tui ra đời năm 1979. Mẹ tôi vẫn thường nói, con là đứa con khổ nhất. Vì đơn giản, các anh chị con sinh ra ở thời điểm mà gia đình khá giả, ăn uống đầy đủ. Những năm học cấp 1, 2, 3 là thời điểm hard time đối với tui. Chuyện học thêm hầu như không có hoặc rất hạn chế. Do đó, tự học là một lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên, điều làm tuy luôn tự hào đó là, ba tui luôn khuyến khích con cái học hành trong hoàn cảnh khó khăn tứ bề về mặt kinh tế. Con cái mà học giỏi, thì ông cụ luôn có thưởng (trong khả năng có thể). Tui nhớ có lần trong đợt thi học sinh giỏi vật lý lớp 9. Tui là dân ở trường nghèo, không có sách gì nhiều, thế nhưng tui thi được 9.5/10 và 9.75/10 (2 vòng). Ngày thi tui biết làm bài được, tui đạp xe chạy băng băng về nhà cốt để báo cho ba vui. Trong khi đó, trời mưa tầm tã, tui lại không có áo mưa. Đường quốc lộ trơn trượt, thế là tui trượt từ trên đường xuống cái hố sâu bên vệ đường. Áo quần dơ hết, người mệt, đói (mặc dù sáng sớm ba tui đã mua cho bánh mỳ để ăn trước lúc đi thi). Về đến nhà, người tèm lem nhưng nước mưa rửa sạch bớt vết dơ, mẹ hỏi sao con lại ướt hết thế này, sao không đợi hết mưa rồi về .v.v. Tính mẹ tôi vẫn thế, bà vẫn hay lo cho con. Đến lúc có kết quả, người của phòng giáo dục đến báo tin trước. Ba tui rất tự hào. Vì điểm cách biệt của người thứ hai rất cách xa tui (không phải như bây giờ, học sinh ai cũng được điểm 10/10, hehe). Và thế là tui lại được ba chở đi ăn phở. Với bạn bè trang lứa, phở có thể là món bình thường. Ngược lại, với tôi đó là phần thưởng lớn. Vì hoàn cảnh gia đình tui lúc đó sống nhờ ăn cái món tai bồ (một dạng họ bàn chải, mà dân quê tui vẫn dùng cho heo ăn); Gạo thì chạy ăn từng bữa.

Sang cấp ba, theo như những người bạn, họ chọn trường chuyên Lương Văn Chánh làm điểm đến. Tui chọn một trường nghèo Ngô Gia Tự. Một lý do hết sức bình dị, tiền cho tui đi học không có, nên tui phải chọn trường cách vài bước đến trường. Thế nhưng, những đợt đi thi học sinh giỏi tui đều có tham gia. Mặc dù không đạt kết quả cao, nhưng tui có cơ hội giao lưu với các bạn học giỏi ở Lương Văn Chánh. Mặc cảm thằng nhà nghèo thế mà lại hay. Tui phải chọn cách học và chỉ học. 

Đến thời điểm thi đại học, một sự thật mà khó ai tin nổi. Thông thường, các bạn đồng môn đăng ký 5 7 trường chi đó. Mục đích là ensure xác suất đậu đại học (ở quê cách nghĩ họ thế). Còn tui, lúc đăng ký 3 trường (BK, Luật, Kinh tế), tui chọn thêm trường trung cấp bưu chính viễn thông cho đợt thi cao đẳng. Trớ trêu nhà không có đủ tiền đóng phí mặc dù có mấy chục ngàn. Một hoàn cảnh mà khó tả thành lời. 

Tuy nhiên, dù trong khó khăn nhưng ba tôi vẫn là người luôn động viên nhiều nhất. Xem điểm thi, tiễn con vào Sài Gòn, ông luôn luôn dành đi mặc dù nhiều lúc người ông không khỏe. Mẹ tôi vẫn thường nói, ba con bệnh nhiều lắm hay cáu gắt, nhưng nghe tin con về là ông cứ thức cả đêm đợi, người khỏe hẳn.

Tóm lại, có hai điều đáng để nói nhân ngày sinh cũng cận kề ngày 30-4. Thứ nhất, nhiều người cứ hô hào ngày 30-4 với những mỹ từ đẹp. Riêng tui, tui mong muốn ngày này như bao ngày bình thường khác. Bởi vì tui là một nhân chứng, gia đình tui cũng gánh chịu khó khăn. Ngày sinh cũng thế. Đời người là bể khổ, là một đoạn trong chuỗi luân hồi muôn kiếp người và ngày sinh là đánh dấu sự bắt đầu đó. Thế nên, thay vì chúng ta kỷ niệm nó thì chúng ta hãy làm những việc khác hay ho hơn. Thứ hai, văn hóa Á đông có vẻ coi trọng ngày giỗ hơn là ngày sinh. Truyền thống từ xưa đến giờ, người Việt thường hay tổ chức đám giỗ để tưởng nhớ đến người mất. Điều này có vẻ lại hay. Thế nên từ ngày, kinh tế thị trường len lỏi vào Việt nam, cái hầm bà lằng Tây Ta lẫn lộn bắt đầu manh nha. Ai đời, người đã mất rồi mà lại dựng đầu dậy kỷ niệm 50 năm, 70 năm, 100 năm ngày sinh. Ai chứng cho việc này?

P/S: - Ngày này tui làm một việc hay ho là nhớ về đấng sinh thành, hai cụ nhà tui. Thế nên chèn thêm vào bài, chứ tui ít viết về các cụ. Tình thương các cụ là để deep inside thôi. Hehe
- Cái clip hơi châm biếm các thầy. Nhưng tui thích thì tui cứ để thôi.
- Lẽ ra tui viết nhiều, nhưng tui thích ngắn gọn dù mới chuyển tải một phần. Rảnh viết tiếp.
Le Thanh Tan

Sinh nhật

No comments: