Sunday, April 1, 2012

April Fools' Day 2012

Lời bàn: Với vốn kiến thức kinh nghiệm ít ỏi của 8 năm làm giảng viên, tui muốn nêu lên vài ý kiến cá nhân nhằm xây dựng một hình ảnh đẹp của người thầy. Thú thật, con người với sự nghèo nàn về tri thức, cực khổ mặt chuyên môn như tui cũng chẳng dám múa rìu qua mắt thợ các bậc trưởng thượng, lên mặt dạy đời.

Lạm bàn: Nói theo kiểu châm chích (của loài ong) thì nhột, nhức, nhói và thậm chí có thể toi đời. Một kẻ say mà bị con ong mật chích một phát thì bừng tỉnh ngay, còn những con khác chích thế nào các bác qua tham khảo trang thế giới động vật. Hehe. Gia chủ sẽ luôn kềm chế để làm con ong dễ thương để níu kéo các "tình yêu" lại với nhau. Ngôn ngữ xài nhẹ nhàng thâm thúy, không chơi kiểu chửi cha không tha thằng nào.

Miễn bàn: Quy tắc gia chủ đã nêu, ai cảm thấy không hợp xin mời rời khỏi hiên trà. Nhà gia chủ không phải quán cơm tù, nên gia chủ không hề bắt hay ép các vị ngồi lại.

Ngày này gọi là ngày nói xạo, nhưng tui lại thích nói thật. Xã hội ngày càng lộn xộn, nguyên nhân sâu xa không ngoài cái gọi là giáo dục. Chủ thể của nó không ngoài người thầy. Thế người thầy chân chính là phải thế nào và trong xã hội hiện tại người thầy nó ra răng? Vế đầu nó mang tính triết lý và quá nhiều cái gọi là chân lý được đem ra định nghĩa nó. Do vậy tui không dám bàn nữa, đầu tôm như tớ móc nó ra không khéo lại làm hư thêm. Ngày này tui chỉ dám lạm bàn một xíu với một chút châm biếm cho vế sau.

Người thầy đưa đồng tiền lên cao hơn tất cả các giá trị khác và hệ lụy

Hiện tại, có một thực trạng không thể coi thường, đó là một bộ phận không nhỏ giáo viên xem trọng đồng tiền và họ sẵn sàng đánh đổi tất cả.
Trong thời kỳ kinh tế khốn khó, mọi ngành mọi nghề đều có khó khăn, đồng lương chi trả cho người trong nghề quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản. Nghề giáo không thoát khỏi vòng kim cô đó. Nhiều người sống trong kham khổ. Đành rằng bao nhiêu năm trui rèn trên ghế giảng đường với tư cách là sinh viên, họ được dạy nghề giáo là nghề cao quý. Thế nhưng họ hưởng thụ sự cao quý ở chỗ: "luôn nhận sự trân trọng của sinh viên" trong sự "bần hàn trong cuộc sống". Trải qua một năm, năm năm, mười năm, và thậm chí dài hơn, đến một lúc sự chịu đựng của họ vượt quá giới hạn. Lúc đó, sự phản tỉnh bắt đầu. Họ nhận thức, nếu nghề giáo được kinh tế hóa thì họ cũng kiếm tiền chẳng thua kém. Chạy sô là một hình thức. Nhiều người dạy từ sáng tới tối, thời gian nghỉ chừng 30 phút (đủ ăn uống) cho mỗi buổi chính thức. Làm thêm bên ngoài cũng là nghề phụ có lương thì gấp nhiều lần nghề chính. 

Những việc làm đơn cử như trên chẳng có gì sai, nếu những việc làm thêm có bổ sung kiến thức giảng dạy, việc chạy sô không ăn gian giờ sinh viên. Vấn đề ở chỗ, những việc làm này quá lố, gây ra những thiệt hại. Nhiều vị vì chạy sô nhiều mà sức người có hạn, nên dạy cắt xén, rút bớt nội dung. Thậm chí, họ còn ra quy định dạy gì thi nấy, sinh viên chẳng bao giờ kiện. Theo họ, chiêu này là lợi cả đôi đường, học trò khỏe, giáo viên khỏe, nhưng sản phẩm ra đời thì hơi mệt! Việc làm thêm cũng lắm nhiêu khê, nhiều vị làm cái chẳng liên quan gì đến cái mình giảng dạy. Nhiều vị bốc mấy cái linh tinh trong mớ kiến thức, làm vài cái sản phẩm short-term bán được cho thị trường. Ấy thế các vị nâng quan điểm lên, dạy cái cần cho xã hội cần. Nghĩa là ở đâu có cầu thì ta tiêu, ý lộn ta cung! Haha. Trong khi đó cái nền tảng kiến thức thì không gia cố cho sinh viên, bốc cái lung tung cà lang tang làm cái chính yếu cho môn học. Đã thế, trong giờ giảng, các bác tung hứng như lên đồng, tựa hồ như các "cô" các "cậu" vội vã trở về phán rồi vội vã ra đi (vì còn sô khác).

Những việc trên có vẻ đơn giản nhưng nó là mầm bệnh và có nhiều biến chứng để cho ra những loại bệnh không thuốc chữa. Đơn giản thôi, sản phẩm bán được, dù dưới góc độ khoa học, nó chẳng là cái đếch gì, nhưng qua miệng quan ý lộn miệng thầy/cô, nó thành chiếc đũa thần làm hành trang vào đời cho sinh viên. Sinh viên thì có biết chi đâu, lăn lộn theo những chiếc chìa khóa vàng. Nhiều vị biến chất được dịp ra tay, giảng trên lớp không đủ, ta luồn dạy thêm. Và kết quả, trong lịch sử giảng dạy đại học thời hiện đại, sinh viên đi học thêm, cái này phải gọi theo cách chuẩn không cần chỉnh là "bó tay mà phải chấm cơm nhé" (không phải chấm Tiên Lãng như lão gì ở đất xa lơ xa lắc xứ Bắc).

Căn bệnh có vẻ trầm kha hơn, khi nó len lỏi vào nghiên cứu khoa học chính thống. Quái, nghiên cứu khoa học thì nói ngắn gọn rứa thôi, chính làm gì mà với chả thống nữa cơ. Mần răng mà nhà cháu thích giông giông dài dài mà ai cũng ứ thèm thế. Bởi lẽ, các đề tài nghiên cứu khoa học hiện tại làm ăn đàng hoàng, kết quả đàng hoàng, đó là những mặt hàng quý hiếm thuộc dạng bảo châu của nhân loại. Nghe câu của vị từng làm ở vị trí lãnh đạo nghiên kíu pha hộc, các bác cố gắng tham gia nghiên cứu vào để tăng thu nhập. Nghe câu nói, mình thấy mình bỗng dưng bị hạ thấp, sự nghiệp giáo dục của mình bị sỉ nhục. Nghiên cứu khoa học là 50/50, năm ăn năm thua. Lắm lúc, mình làm tới làm lui, kết quả chẳng như ý thậm chí sai hoàn toàn. Đó là sự thật. Sorry những bác thông minh, mình đầu tôm nên chỉ đến thế là vừa. Nếu thế thì làm sao mà mình tăng thu nhập được nhỉ. Ngược lại, nếu kết quả biết 100%, vậy bác nghiên cứu cái gì nữa. À quên, cái vụ 50/50 không phải phát minh của mình nhé, nguồn gốc từ miệng quan ý lộn miệng vị lãnh đạo trường đấy. Các bác đừng ép nhà cháu vô thế nhà phát minh vĩ dại nhé. 

Ấy thế liếc ngang liếc dọc các đề tài, có đề tài của các vị bự, nhưng nội dung chẳng đâu vào đâu. Những đề tài hoành tráng về tiền lại tang tóc về kết quả. Có lần nhà cháu xem cái đề tài đã duyệt về xử lý rác, ngốn khá nhiều ... tiền (chứ không phải rác). Chờ triển khai, nó (đề tài) trôi vào quên lãng. Đau là ở chỗ, cái vụ PR nó rầm rộ, nổ banh trời. Thế nhưng nó bỗng dưng tắt ngấm trong phút bắt đầu của bình minh. Ngó nghiêng một xíu, một nhóm là  đề tài chạy lũ. Gọi thế bởi vì giáo viên làm đề tài để khỏi trừ giờ giảng bắt buộc. Không biết lãnh đạo đề ra có biết vụ này không? Hay là các bác biết mà im/lờ để cho nó cứ làm. Cái này nhà cháu đoán nhé chứ không khẳng định. 

Thế nếu nó là chạy lũ thì bệnh có lây hay virut có đột biến gen tạo bệnh mới không? Một hình thức rầm rộ các đề tài được báo cáo, được thẩm định với một ban bệ đầy đủ. Nhìn có vẻ hợp lý, tui lại vẽ một cảnh chẳng hợp lý tý nào. Thứ nhất, nếu yêu cầu có báo nộp ở đâu đó, thì ok chấm hết (không chấm cơm chấm cháo ở đây nhé). Thứ hai, kết quả của cái thứ nhất, dẹp ngay cái ban bệ chấm, tốn cơm tốn thời gian (cái này gọi là chấm cơm chấm cháo đây). Đây cũng là cách làm của các nước tiên tiến. Chả có ai rảnh mà tụ tập đông người như thế cả. Nhà nước đã cấm, các bác cứ gọi là vi phạm pháp luật. Hehe. Còn có một cái nữa mà mỏi tay quá, nên cho qua cái này (viết dài oải lắm).

Những cái đẻ ra ở trên chẳng thấm vào đâu, đó là cái đinh rỉ. Cái đinh xịn nằm ở chỗ tham chức tham quyền. Nhiều vị quen với cách dùng tiền, đâm ra sáng chế ra nhiều cách kiếm tiền. Bởi vậy VNN từng đăng bài giảng viên có xe hơi nhà lầu chẳng hạn. Trong khi đó, đồng quan điểm với tui, nhiều đồng nghiệp từng nói họ dạy căng hết sức ra, tiền lãnh được không đủ mua thuốc chữa bệnh nghề nghiệp. Một cách sáng chế kiểu kiếm tiền đó là leo làm chức này chức nọ miễn là có chức. Có chức xong, họ không dễ từ bỏ, cứ cố bám víu. Mà nói thật, về tâm và tầm, họ không đủ để làm những vị trí đó. Ấy thế, có người đồng nghiệp rời bỏ trường, quý vị lại nói, nếu mi còn ở lại thì ngon rồi. Tui có đùa rằng nếu ở lại thì anh ngon hay là bị nướng giòn. Thực ra, là người thầy thực sự, mối quan tâm nhiều nhất là làm sao cho học trò mình giỏi. Vì chúng ta muốn đánh giá người thầy thì hãy quan sát học trò của thầy. Âu cũng là vì cái xã hội trọng chức quyền. Một câu chuyện nhỏ mà đau: Có lần trong một đợt luyện thi đại học, vị lãnh đạo đứng lên phát biểu, nào khuyên nào răn các em nó cố mà học blah blah. Có tiếng xì xào, ông này tốt nghiệp đại học tại chức mà đứng ra khuyên tụi mình. Đấy: làm thầy khó lắm ai ơi, đã mang cái nghiệp thì chơi tới cùng. Các bác phải là tấm gương sáng để các em noi theo. Hãy đừng làm lấy được, hãy đừng khua môi múa mép, học trò biết cả đấy!

Một người thầy cũng là con người. Nếu loại trừ hết những cái ở trên thì anh có thể là người thầy mẫu mực. Ngược lại, nếu anh nào lỡ mang (dính) một hay vài những cái trên cũng chẳng sao. Vì sống là để hoàn thiện, theo thời gian, các bác sẽ bỏ dần những khuyết điểm. Đến một lúc, chúng ta sẽ thành những người thầy mẫu mực nhất.

P/S: 1 - Bài này không đả kích cá nhân. Mục đích là nêu ra những khuyết điểm mà có thể các bác dính hoặc nhà cháu dính. Từ đó, chúng ta tự soi xét, quán chiếu lại mình. Nhắc lại: Hy vọng chúng ta sẽ trở thành người tốt còn thầy tốt thì chưa biết vì xem cái P/S 2. Hehe.
2 - Chưa hết đâu, còn 3 cái phía dưới nữa. Nhưng vì mỏi tay quá, entry dài quá, hẹn tái ngộ. Hy vọng loại bỏ hết những cái ở trên và những cái dưới này thì sẽ không còn câu ca: "Đi giữa phố đông, không thấy mặt người" (câu này nhà cháu lấy từ bác nhà báo).
3 - Cũng là ngày của cố nhạc sỹ mà các bạn nói chung và cá nhân gia chủ nói riêng rất quý mến. Xin post lại vài bài của nhạc sỹ tài hoa:








4 - Ngày này năm 1975 cũng là ngày cộng sản Bắc Việt tràn vào chiếm đóng một loạt tỉnh miền Trung, trong đó có Phú Yên quê tui. Đất nước chuyển mình sang một trang sử mới. Nhà tui cũng theo tinh thần đó với một cú chuyển mình, từ một nhà khá giả đi đến nghèo nàn. Tuy tiền có thể mất và thực sự nó đã mất, nhưng lòng tự trọng và ý chí vươn lên không bao giờ lụi tàn.

Người thầy hiện tại mang chất giả dối và nâng quan điểm để đặt nó vị trí thượng tôn

Người thầy bỏ quên giá trị nhân văn và đạo đức làm thầy

Người thầy nửa mùa
Le Thanh Tan

No comments: