Thursday, March 25, 2010

Rước xá lợi của Đức Phật: của trao và cách nhận

Rước xá lợi của Đức Phật: của trao và cách nhận

Lễ rước xá lợi Phật và thỉnh kinh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người phật tử, bởi trong Tam bảo, xá lợi Đức Phật (hay hình, tượng) là Phật bảo, kinh là Pháp bảo và nhà sư là Tăng bảo. Đó là ba ngôi báu - đối tượng quy kính của người theo đạo Phật.

LTS: Sau khi đăng bài Phật xá lợi và những chiếc xe đời mới đắt tiền của Họa sĩ Lê Thiết Cương, Tuần Việt Nam nhận được bài viết phản hồi của Đại đức Thích Thanh Thắng - Ủy viên Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN.

Tôn trọng tính đa chiều của thông tin và để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng nguyên văn bài viết này.

Ngày 4/3/2010, Báo Vietnamnet đăng tin tức và hình ảnh lễ rước Xá lợi Phật từ Ấn Độ về Việt Nam qua bài viết: "Nghẹt thở rước xá lợi Phật từ Ấn Độ về Việt Nam". Bài viết có ba điểm nhấn: Điều kỳ diệu ở đất Phật, Niềm an lạc vượt lên trên không gian tôn giáo, Giữ gìn bảo vật xá lợi Phật cho muôn đời sau. Trong đó có đoạn: "Thượng tọa Thích Huyền Diệu cho biết ông đã nói với mọi người rằng với những bảo vật quý này, chỉ có thể rước bằng một chuyến bay trang trọng, không ngờ nay đã thành hiện thực".

Giáo hội Phật giáo Việt Nam được nhà nước giao cho việc đứng ra tổ chức sự kiện này, đồng thời lễ rước cũng nhận được sự gia trì từ 11 phái đoàn Phật giáo của 11 quốc gia. Và điều Thượng tọa Thích Huyền Diệu "không ngờ" ấy, đến từ sự phát tâm cúng dường của một phật tử, mà không phải đến từ tiền đóng thuế của nhân dân hay từ sự vận động tài trợ của các doanh nghiệp như những cuộc lễ lớn thường thấy.

Ngày 16/3/2010, người Phật tử ấy đã xuất hiện (dù không mong muốn) qua bài viết: "Đại gia bí ẩn" chi 100.000 USD đưa xá lợi Phật về Việt Nam trên VTC News. Người phật tử đó bộc bạch: "Việc tôi làm nếu người khác có cơ hội cũng sẽ làm như vậy. Thành tâm hướng Phật thì sẽ được Ngài phụ hộ độ trì"; "100.000 USD để cùng Giáo hội Phật Giáo Việt Nam rước xá lợi Phật về hay là hàng triệu USD cũng không thể mua được cái tâm của những người hướng Phật".

Những tưởng sự việc đã rõ, càng rõ như ban ngày về "cái tâm của những người hướng Phật". Nhưng tôi thật bất ngờ khi đọc bài viết "Phật xá lợi và những chiếc xe đời mới đắt tiền" của Họa sĩ Lê Thiết Cương, đăng ngày 19/3/2010.

Hòa thượng Thích Giác Toàn nhận ngọc xá lợi Phật tại Bồ Đề Đạo Tràng. Ảnh: VNN

Họa sĩ Lê Thiết Cương gần như không nắm hết những thông tin trước đó, nên đưa ra một số câu hỏi như "Không biết tiền thuê chuyên cơ và thuê 3 xe hơi hạng sang tổng cộng là bao nhiêu? Ai bỏ ra?". Nhưng điều làm người phật tử bị tổn thương chính là những lời "kết luận" của Họa sĩ Lê Thiết Cương:

"Một chiếc chuyên cơ của hãng Hàng không Quốc gia bay trong ngày khứ hồi Việt Nam - Ấn Độ để chở 3 viên Ngọc xá lợi Phật. Đoàn đi gồm khoảng 100 nhà sư, phật tử, nhiều nhà báo, có cả nhà sử học. Về đến phi trường Nội Bài, 3 viên xá lợi được chở tới Bái Đính (chùa Bái Đính mới, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) bằng 3 chiếc xe đời mới đắt tiền (2 chiếc Lincoln Crystal và 1 chiếc Limousine Hummer).

Đức Phật dạy: Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là thiếu hiểu biết

Đọc đoạn: "những người bình thường thì cho rằng đây là một sự kiện văn hóa, những Phật tử thì cho rằng duyên. Những người biết thì bảo, cái sự kiện rước xá lợi Phật đắt đỏ, lãng phí, tốn kém nêu trên nếu soi bằng giáo lý nhà Phật thì không đúng, không sai nhưng nó là biểu hiện của vô minh. Thiện ác còn chả có nữa là sai đúng. Nhưng vô minh".

Kinh Kim Cương bảo: vô minh giống như tấm gương bị bẩn, phải lau sạch đi, không những thế phải đập cả cái gương đi. Gương sạch mới thấy Tâm, thấy tính, kiến tính thành Phật. Thế mà cuối cùng cũng không còn tâm nữa, không chấp vào tâm nữa mới đến được bờ bên kia huống hồ lại chấp vào chùa to, tượng to, chấp vào xá lợi, cho dù là xá lợi của Đức Thích Ca"

Họa sĩ khu biệt ba đối tượng: người bình thường, người phật tử, người biết ("người biết"? - NV). Và người cho mình cái quyền đại diện cho "người biết" này bảo: "cái sự kiện rước xá lợi Phật đắt đỏ, lãng phí, tốn kém nêu trên nếu soi bằng giáo lý nhà Phật thì không đúng, không sai nhưng nó là biểu hiện của vô minh. Thiện ác còn chả có nữa là sai đúng. Nhưng vô minh".

Tuy nhiên, "người biết" càng mâu thuẫn hơn khi dùng "giáo lý nhà Phật" để "soi" sự việc. Bởi nếu đã nhận ra "không đúng, không sai", "thiện ác còn chả có nữa" thì làm gì có điểm tựa để phê bình, lý luận. Khi không có điểm tựa để phê bình, lý luận thì không thể đưa ra bất cứ kết luận nào dù là "vô minh" hay "kiến tánh"...

Giáo lý Phật giáo là giáo lý trung đạo, không rơi vào chấp có (có thể hiểu là hình thức chùa to, Phật lớn, xá lợi...), không rơi vào chấp không (có thể hiểu không cần đến phương tiện truyền đạo như chùa to, Phật lớn, xá lợi...). Giáo lý đạo Phật có "đốn" (giác ngộ ngay lập tức), "tiệm" (giác ngộ dần dần), "mật" (sâu kín, khó diễn tả), "hiển" (rõ ràng), tuỳ xứ, tuỳ thời, tuỳ căn cơ mọi người mà vận dụng những phương tiện thích hợp để đạt hiệu quả truyền pháp, có thể y cứ vào "danh" để sáng tỏ "nghĩa", có thể y cứ vào "nghĩa" làm sáng tỏ "danh". Nhiều khi muôn bài thuyết pháp cũng không bằng việc tỏ bày một hình thức để cho người khác khởi niềm tin kính hướng thiện.

Đức Phật nói vô thường, vô ngã trong một quốc độ mà căn tính của con người vốn chấp thường, chấp ngã. Nếu một thế giới mà con người không còn chấp thường, chấp ngã thì việc gì Ngài phải mất công nói về vô thường, vô ngã. Nếu một thế giới mà không còn tư duy nhị nguyên thì việc gì phải bàn về "đúng - sai", "thiện - ác", "danh - nghĩa". Nếu một thế giới mà mọi người đều không còn chấp vào "đúng - sai", "thiện - ác", "danh - nghĩa", thì thế giới ấy không cần đến giáo dục, khuyến hoá.

Vậy những "người biết" mà Họa sĩ Lê Thiết Cương nói họ đang có tư duy nhị nguyên, hay không còn tư duy nhị nguyên? Xác định được điều này thì mới có thể lấy giáo lý mà "soi" được. Bằng không, anh không có cái để bỏ và anh không thể bỏ được những cái anh đang sở hữu (chấp), đang vun đắp cho bản thân, thì sao anh có thể khuyên người khác hãy bỏ, đừng chấp và hãy coi mọi chuyện là không có gì hết được?

Trong Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh (được lập vào năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 7, 1126), thiền sư Giác Tính Hải Chiếu có viết: "Tạc nên hình tượng để biểu thị "sự thâu tóm"; dựng nên đền tháp để có "sự hướng về". Hết tâm sức để kinh doanh, bỏ châu ngọc mà không tiếc. Cho nên đường thì đặt ranh giới bằng dây vàng, hiên thì phô sự quý giá của rèm châu. Tuy rằng hết đỗi trang nghiêm, mà vẫn không hề xa xỉ. Bởi vì mục đích là ở sự tìm cái "nhất" và cái "chân", chứ đâu phải chỉ cốt làm cho bụng dạ và con mắt chói lòa để khoe khoang sự tráng lệ. Từ khi có Phật giáo tới nay, sự thờ phụng ngày càng thêm mới...".

Lễ rước xá lợi Phật và thỉnh kinh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người phật tử, bởi trong Tam bảo, xá lợi Đức Phật (hay hình, tượng) là Phật bảo, kinh là Pháp bảo và nhà sư là Tăng bảo. Đó là ba ngôi báu - đối tượng quy kính của người theo đạo Phật. Trong những ngày đầu nhà nước Đại Việt giành lại quyền độc lập tự chủ, lịch sử dân tộc từng ghi nhận những sự kiện thỉnh kinh tạng từ Trung Hoa, và việc rước xá lợi Phật từ Ấn Độ về Việt Nam là một "cơ duyên" chưa từng có.

Tôi xin trở lại bài báo Nghẹt thở rước xá lợi Phật từ Ấn Độ về Việt Nam để nêu ra cái "cơ duyên" chưa từng có này: "Cơ duyên để phật tử Việt Nam được chiêm bái những viên ngọc xá lợi Phật quý giá ở chính đất Phật, đến từ chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từ ngày 30/9 đến 5/10/2009. Khi đó, chủ tịch Hội phật giáo thế giới tại Ấn Độ, hòa thượng U Nyanerinda đã trao tặng cho Phó chủ tịch nước chín viên xá lợi Phật".

Lễ rước xá lợi Phật từ Ấn Độ về Việt Nam chính thức được thông qua con đường ngoại giao. Nước bạn đã trân trọng trao tặng một bảo vật vô giá cho Việt Nam. Vì vậy, "của trao" và "cách nhận", "văn" và "chất" của sự kiện phải được ý thức như vấn đề thuộc "phương diện quốc gia", không phải cuộc mua bán ở chợ để có thể tuỳ tiện dùng đến những từ "đắt đỏ", "lãng phí", "tốn kém" (nói như người phật tử đã phát tâm cúng dàng kia, dù có hàng triệu đô cũng không thể mua được cái tâm của những người hướng Phật), và càng không thể dùng những từ "vô minh" để hạ thấp lễ rước xá lợi Phật có ý nghĩa thiêng liêng đối với người Phật tử Việt Nam. Người Việt có câu: "Để thì hòn đất, cất thì ông Bụt", việc trân trọng các giá trị văn hoá tinh thần chỉ hơn nhau qua hành động "để" và "cất". Và người phật tử Việt Nam từ nghìn đời nay vẫn luôn cần mẫn ý thức "cất" cho dân tộc mình một bàn thờ thiêng liêng đối với Phật, Thánh, Ông Bà Tổ Tiên như thế.

Với chi phí 100.000 USD = 1,9 tỉ đồng (hoàn toàn do phật tử tự nguyện cúng dường), không bằng 30 phút bắn pháo hoa đêm giao thừa xuân Canh Dần ở Hà Nội (5 tỷ đồng) mà họa sĩ Lê Thiết Cương nặng lời với hàng triệu người phật tử Việt Nam như vậy có phải đã thái quá trong ngôn ngữ rồi không?

No comments: