Saturday, February 6, 2010

Đất nước không ngại khó để nâng tầm


Lý giải hiện tượng Hungary 'bội thu' Nobel
Cập nhật lúc : 10:10 AM, 06/02/2010
Chỉ vỏn vẹn 10 triệu dân nhưng đến nay Hungary có trên 15 người đoạt giải Nobel. Đây cũng là quốc gia có bình quân đầu người đoạt giải Nobel cao nhất thế giới.

Tại buổi seminar ra mắt cuốn sách “Người Hungary và các giải Nobel” vừa được tổ chức tại Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), nhiều nhà khoa học Việt Nam cho rằng, “ngôn ngữ khó, nền giáo dục tiên tiến, sự pha trộn hai nền văn minh …” là những điều đã làm nên thành công cho đất nước này.

Nước nhỏ “rinh” nhiều giải lớn

Hungary với diện tích 93.000 km2, chỉ chiếm 1% diện tích châu Âu với số dân khoảng 10 triệu người. Vậy mà chỉ sau 5 năm giải thưởng Nobel được tổ chức, người Hungary đã góp mặt.

Người Hungary ghi danh đầu tiên trên bục cao danh dự của giải Nobel là Lénárd Fülöp trong lĩnh vực Vật lý (năm 1905). Kể từ đó đến năm 2004, nước này tiếp tục “rinh” thêm 14 giải Nobel.

Chưa kể, giải thưởng cao nhất về toán học Fields cũng ghi nhận 8 gương mặt Hungary trong lịch sử trao giải hằng năm của mình. Bên cạnh đó, có rất nhiều nhà khoa học Hungary đoạt giải thưởng do Mỹ và Hoàng gia Anh trao tặng.

Pecs là trường đại học đầu tiên, thành lập năm 1367, cũng là đại học lớn nhất của Hungary hiện nay.

Hiện, Chủ tịch Hội Toán học thế giới, GS.TS Lovász László cũng là một người Hungary; Giải thưởng George Pólya Prize, giải thưởng lớn dành cho các nhà nghiên cứu toán tổ hợp cũng mang tên một nhà toán học, nhà sư phạm lỗi lạc người đất nước này: Pólya György.

Theo dõi lịch sử giải thưởng Nobel sẽ nhận thấy, cứ khoảng 10 năm, giải thưởng Nobel lại thuộc về một người Hungary. Riêng năm 1994 và 2004, mỗi năm có hai người Hungary được nhận vinh dự cao quý này.

Thành công nhờ triết lý giáo dục

Lý giải vì sao một đất nước đứng về phe thua trận trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai rồi sau đó bị chia năm, xẻ bảy có được những kỳ tích về khoa học như thế, tiến sĩ Giáp Văn Chung (người chuyển ngữ cuốn sách Những người Hungary đoạt giải Nobel ra tiếng Việt) cho rằng: “Ngôn ngữ, lịch sử khác thường và chính sách giáo dục đặc biệt chính là nền tảng tạo nên kỳ tích của người Hungary”.

Theo tiến sĩ Chung, tính logic của ngôn ngữ có thể tác động ngược lại với tư duy của con người. Và ngôn ngữ của Hungary vào loại khó nhất thế giới. Ngôn ngữ chính thức tại Hungary là tiếng Hungary, hay còn gọi là tiếng Magyar - một ngôn ngữ thuộc nhóm Finno-Ugric có liên hệ gần với tiếng Phần Lan và tiếng Estonia.

Tiếng Hungary là ngôn ngữ không thuộc hệ ngôn ngữ Ấn - Âu. “Đây là thứ tiếng mà khi anh nói thì cùng lúc cả hai bán cầu não phải hoạt động”, tiến sĩ Chung cho biết.

Ở góc nhìn dân tộc học, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên giảng viên Học viện Quan hệ quốc tế cho rằng, để có một đất nước Hungary như ngày nay, những người dân đã phải trải qua cuộc di dân “thần thánh” suốt 500 năm.

Những người dân đến từ các bình nguyên xa xôi thuộc châu Á đã khẳng định được mình ở mảnh đất trung tâm châu Âu. Nhưng điều đáng lưu ý, trước khi họ đến và trụ lại được ở đây, có nhiều bộ lạc, nhiều tộc người trước họ đã phải đầu hàng, đã bị bị diệt vong trên chính mảnh đất này. “Ngoài sự kiên cường và sức sống mãnh liệt, sự pha trộn giữa hai nền văn minh phương Đông và phương Tây cũng tạo nên những con người Hungary khác thường”, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nhận xét.

Nhưng hơn cả, Hungary được ghi nhận là đất nước sớm có nền giáo dục tiên tiến. Ngay từ cuối thế kỷ 19, sau khi đạt được Hòa ước Áo - Hung vào năm 1867, chính phủ Hungary đã lập ra những hội đồng nghiên cứu nền giáo dục của các nước làng giềng tiên tiến như: Đức, Pháp, Áo… để tìm ra chính sách giáo dục tốt nhất cho đất nước mình.

Điều khiến tiến sĩ Giáp Văn Chung đặc biệt chú ý đó là triết lý giáo dục của người Hungary: Phải đào tạo ra những người độc lập trong suy nghĩ. Đến nay, ở Hungary có một mạng lưới liên kết giáo dục giữa các cấp vô cùng mật thiết. Một tài năng được phát hiện ở bậc trung học có thể được gửi thẳng lên các bậc đào tạo cao hơn như đại học, cao học.
Kim Sen

No comments: