Thursday, August 27, 2009

Sự so sánh 2 bài viết - so sánh 2 nền giáo dục

Tại quê hương chúng ta:

Vụ SV tạt axit: Hệ quả lối sống chạy theo bằng cấp?

Cập nhật lúc 08:47, Thứ Sáu, 28/08/2009 (GMT+7)
,

- "Ham muốn có một tấm bằng đại học của hung thủ là hậu quả tất yếu của lối sống chạy đua theo bằng cấp vẫn còn tồn tại hiện nay. Tôi là một giảng viên trẻ đang học tập tại nước ngoài, luôn coi trọng tính trung thực, công bằng trong giáo dục nên rất phẫn nộ".

Từ Australia, bạn đọc Mai Khanh mổ xẻ câu chuyện "sinh viên tạt axit thầy giáo" đang gây dư luận trong tuần này.

Còn ở Hà Nội, bạn đọc Lương Việt, "đã có hơn 25 năm đi học, từ vỡ lòng đến bậc học cao nhất, đã từng học cả ở trong nước và cả chục năm học ở nước ngoài, đã học với nhiều thầy, cô giáo khác nhau, kể cả những thầy, cô được gọi là nghiêm khắc hay “khó tính” cho rằng, một nền giáo dục đại học suốt hơn 60 năm qua vận hành theo nguyên tắc “có vào chắc chắn có ra” theo tinh thần tư duy bao cấp, bình quân chủ nghĩa, đã biểu lộ những bất cập nguy hại.

VietNamNet giới thiệu các ý kiến trên và mong nhận được sự phân tích, mổ xẻ của bạn đọc từ câu chuyện này.

Mô tả ảnh.

Một sinh viên bị axít văng phải vẫn không hết vẻ kinh hoàng khi kể lại sự việc náo loạn trên giảng đường do cựu sinh viên Thanh gây ra. Ảnh: Tử Trực

Mai Khanh (Australia): Hậu quả tất yếu của lối sống chạy đua theo bằng cấp

Việc sinh viên này không thể hoàn thành được chương trình đại học có thể do một phần từ điều kiện gia cảnh khó khăn, nhưng trên hết vẫn là do năng lực bản thân hạn chế.

Ham muốn có một tấm bằng đại học của hung thủ là hậu quả tất yếu của lối sống chạy đua theo bằng cấp vẫn còn tồn tại hiện nay.

Hiện tượng các trường nghề mở ra không có người học, các trường đại học mọc lên như nấm sau mưa, các đơn vị thu nhận lao động phần lớn đánh giá ứng viên qua bằng cấp, và một lối suy nghĩ còn phổ biến ở nhiều gia đình là con cái phải vào được đại học để có “danh” có “phận” đã vô tình góp phần dẫn đến hành vi tội ác của những người như Trần Xuân Thanh.

Bản thân sinh viên này vốn yếu kém về năng lực nhưng không tự công nhận năng lực, thiếu lòng tự trọng để phấn đấu, manh nha của bản tính côn đồ và đâu đó sự tồn tại của nhiều hiện tượng tiêu cực trong giáo dục đã khiến cho tên Thanh dễ dàng có suy nghĩ cực đoan về sự liêm chính của thầy giáo Dũng, dẫn đến hành động độc ác.

Rồi đây những nhà giáo chân chính sẽ cảm thấy e dè trong việc bảo đảm đánh giá đúng mực năng lực học trò; bản thân những sinh viên chân chính cũng sẽ rất bất an về sự công bằng trong kết quả đánh giá, thi cử.

Để nền giáo dục luôn công bằng, để xã hội được an ninh - trật tự, phải đào tạo được những con người có tự trọng bản thân, tôn trọng người xung quanh và tôn trọng luật lệ. Đây là kết quả của một quá trình giáo dục “dài hơi” và có hệ thống, ngay từ trong mỗi gia đình, tới nhà trường, và cả xã hội.

Lương Việt (Hà Nội): Kịch liệt lên án thái độ của một số ít người tỏ ý đồng tình, thông cảm

Đã có hơn 25 năm đi học, từ vỡ lòng đến bậc học cao nhất, đã từng học cả ở trong nước và cả chục năm học ở nước ngoài, đã học với nhiều thầy, cô giáo khác nhau, kể cả những thầy, cô được gọi là nghiêm khắc hay “khó tính”, tôi hết sức bàng hoàng, phẫn nộ và kịch liệt lên án hành động côn đồ, lưu manh của sinh viên Thanh với thầy Dũng. Đối với một người bình thường khác hành động phi nhân tính ấy đã đáng bị lên án kịch liệt, đối với một sinh viên càng phải bị lên án mạnh mẽ gấp bội. Xin đề nghị những người có trách nhiệm và pháp luật hãy xử lý hành vi này thật nghiêm minh. Tôi cũng kịch liệt lên án thái độ của một số ít người tỏ ý đồng tình, thông cảm dù ở mức độ nhỏ nhất với hành động ấy.

Với bất cứ một nền giáo dục nào, không ai được quyền giảm bớt tiêu chuẩn cần đạt tới cho mỗi bậc học và mỗi môn học. Ai không đạt được chuẩn chung đó thì không thể nhận chứng chỉ hay bằng cấp tương ứng. Anh Thanh chưa đạt tới trình độ ngoại ngữ đã quy định như các sinh viên khác thì không thể cho anh Thanh điểm đạt về môn ngoại ngữ. Nếu “cho đạt” nghĩa là thầy Dũng đã hạ thấp tiêu chuẩn và đã không công bằng với nhiều sinh viên khác.

Chúng ta chỉ có thể yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có việc nâng cao tiêu chuẩn các bậc học theo trình độ phát triển đất nước để đuổi kịp các nền giáo dục phát triển trên thế giới. Có như vậy đất nước mới thoát khỏi tình trạng lạc hậu, kém phát triển và nguy cơ tụt hậu ngày càng xa so với các nước phát triển trên thế giới.

Hạ bớt tiêu chuẩn đồng nghĩa với việc đào tạo ra những sản phẩm kém chất lượng là có tội với dân tộc, với các thế hệ đã khuất và cả các thế hệ tương lai. Chúng ta có quyền đòi hỏi các thầy, cô giáo công bằng, trách nhiệm, lương tâm trong giáo dục chứ không thể đòi hỏi các thầy, cô giáo hạ thấp tiêu chuẩn của một sinh viên tốt nghiệp đại học. Sẽ là tai hoạ trong tương lai không xa cho dân tộc nếu bây giờ thầy, cô giáo nào cũng hạ bớt tiêu chuẩn giáo dục cho mỗi bậc học và mỗi môn học.

Nhẽ ra, anh Thanh phải cố gắng học tập để có thể vượt qua kỳ thi như các sinh viên khác, chứ không được có ý nghĩ về hành vi, càng không được có hành động côn đồ với thầy giáo như vậy. Thử hỏi mai sau nếu anh ta ra xã hội, bất cứ khi nào gặp khó khăn, không đạt được mục tiêu của mình, không đủ khả năng hoàn thành một nhiệm vụ nào đó anh ta đều hành động như thế chăng. Nguy hiểm biết bao nếu sản phẩm giáo dục của chúng ta là những người như anh Thanh. Nếu các vị nói rằng “nếu không có Thanh này thì sẽ có Thanh khác”, thì tôi cũng có thể nói rằng: nếu lúc này Thanh không hành động như vậy thì chắc chắn sau này Thanh sẽ hành động như thế ở một chỗ khác, với những người khác, vì những lý do khác.

Nếu quả thật thầy Dũng (tôi xin lỗi thầy Dũng trong giả định này) không công bằng, có tiêu cực, thì trong môi trường đại học Thanh vẫn có nhiều cách giải quyết hợp lý, hợp tình, hợp luật, hợp lòng khác, sao lại tàn bạo với chính người thầy của mình, của các bạn bè mình đến vậy? Thanh có thể trực tiếp gặp lãnh đạo nhà trường, các tổ chức đoàn thể và các tổ chức khác để phản ảnh và giúp Thanh, giúp thầy Dũng tiến bộ. Nếu Thanh thật sự gặp khó khăn trong cuộc sống, chưa đủ điều kiện để học tập thì Thanh cũng có thể trực tiếp gặp các thày, cô giáo, Ban Giám hiệu để phản ánh và chắc chắn sẽ nhận được sự giúp đỡ của các thầy, cô và nhà trường. Thậm chí, Thanh có thể tạm dừng việc học đi làm một thời gian rồi sau đó quay lại học. Ở nước ta pháp luật không cấm điều đó. Ở các nước phát triển đây là hiện tượng phổ biến.

Nếu ai đó đồng tình hay thông cảm với hành vi của Thanh, thì vô tình đã tiếp tay cho sự xuống cấp về đạo đức trong học đường và trong xã hội.

Điều đó sẽ hết sức tai hại cho tương lai đất nước, cho chính chúng ta. Trong khi ngành giáo dục và những người có luơng tâm, có trách nhiệm đang tích cực đấu tranh với những hành vi suy thoái đạo đức trong xã hội thì những người đó lại tiếp tay cho sự xuống cấp về đạo đức, cho hành vi phi nhân tính trong học đường. Xã hội sẽ lên án không chỉ hành vi của anh Thanh mà còn cần phải phê phán thái độ và tư tưởng sai lầm ấy.

Để một nền giáo dục phát triển mọi người phải đồng tình với sự nghiêm khắc, tính nguyên tắc của thầy, cô giáo và khắt khe với thái độ dễ dãi của họ. Những người học trò đúng nghĩa bao giờ cũng cảm nhận được và biết ơn các thầy, cô giáo nghiêm khắc và giữ đúng nguyên tắc bởi chính sự nghiêm khắc và nguyên tắc đó giúp họ trưởng thành. Nếu thầy cô, giáo dễ dãi, “độ lượng” theo cách nghĩ của một số người có thái độ đồng tình, thông cảm với anh Thanh (nghĩa là thầy Dũng cho anh Thanh đạt ngoại ngữ dù thực chất anh ta chưa đạt được trình độ cần có), thì thầy Dũng đã hành xử không công bằng. Các thày cô giáo là những người thay mặt xã hội cầm cân, nẩy mực trong giáo dục. Thầy, cô giáo mà hành xử không công bằng chắc chắn nền giáo dục nước nhà sẽ rối loạn.

Nếu có chăng, chúng ta chỉ có thể phê phán thầy Dũng đã sơ suất ở chỗ chưa phân tích rõ cho Thanh hiểu tại sao đã bốn lần thi mà vẫn chưa thể đạt để Thanh nhận thức rõ chính mình và cố gắng học tập hơn nữa, chứ không thể phê phán thầy Dũng là thiếu độ lượng, trù dập sinh viên. Hiện tượng giám thị “khủng”, giáo viên “thiếu độ lượng”, tiêu cực như thầy Chung Lý phản ánh, quả thực đang tồn tại trong nền giáo dục nước nhà, gây nhức nhối trong xã hội. Nhưng không vì thế mà chúng ta đi đến sia lầm cực đoan khác là hạ bớt tiêu chuẩn cấp học, môn học để ai “vào được thì cũng đều phải ra được”.

Việc học trò tạt axít thầy giáo và các bạn đồng môn là một nỗi đau của nền giáo dục đại học nước nhà. Thái độ đồng tình, thông cảm với anh Thanh là tiếng chuông cấp báo về sự đảo lộn thang giá trị trong xã hội hiện nay. Một nền giáo dục đại học suốt hơn 60 năm qua vận hành theo nguyên tắc “có vào chắc chắn có ra” theo tinh thần tư duy bao cấp, bình quân chủ nghĩa, đã biểu lộ những bất cập nguy hại. Tư tưởng ấy đã ít nhiều lan rộng trong xã hội, đã thấm vào chính các thầy, cô và sinh viên, đang kìm hãm nền giáo dục. Xoá bỏ tư tưởng ấy, tạo dựng tư tưởng, triết lý giáo dục mới, chấn chỉnh và cải tổ lại nền giáo dục là việc không thể trì hoãn.

  • VietNamNet

Tại Tây Âu:

Sinh viên Anh 'bán dâm' để kiếm tiền học

Cập nhật lúc 17:37, Thứ Năm, 27/08/2009 (GMT+7)
,

Cô sinh viên 20 tuổi Catherine đã trang điểm xong, mặc vội chiếc áo choàng hiệu Mango và kiểm tra túi xách lại một lần nữa trước khi bước ra khỏi cửa. Cô đã sẵn sàng làm việc.

Mô tả ảnh.
Ngày càng nhiều sinh viên Anh "bán mình" kiếm tiền đi học

Ba lô của Catherine có một số còng tay, đủ loại bao cao su, ống thuốc bôi trơn Jumbo, và một cặp quần lót dự phòng. Tất nhiên, đây không phải là những thứ đồ cá nhân bình thường có thể bắt gặp trong ba lô của bất kỳ một sinh viên đại học năm thứ hai nào. Catherine là một gái bán dâm và cô chỉ là một trong vô số các sinh viên khác làm công việc này.

Theo một bản điều tra của Trường Đại học Kingston, London thì con số những sinh viên làm nghề bán dâm hiện nay đã tăng lên 50% so với những năm trước.

Một bản điều tra lần đầu tiên được công bố năm 1999 đã hỏi 500 sinh viên xem họ có quen người bạn nào làm công việc bán dâm không, hơn 4% trong số đó cho biết họ có biết những người bạn làm gái nhảy, gái bán dâm trong khi còn đi học.

Một bản báo cáo thứ hai công bố năm 2006 chỉ ra rằng số lượng sinh viên làm các nghề này lại tăng lên 6% và với một cuộc điều tra thứ ba đang được tiến hành, thì hơn 8% trong tổng số sinh viên hiện thời có “dính dáng” đên “nghề” mại dâm.

Tiến sĩ Ronald Roberts, nhà tâm lý học đứng đầu nhóm điều tra nói rằng: “Chúng tôi cho rằng số lượng sinh viên bán dâm sẽ còn tiếp tục tăng. Những gì chúng tôi có thể dám chắc là chừng nào số nợ của sinh viên còn tăng lên thì số lượng sinh viên sa chân vào con đường này cũng nhiều thêm. Năm 1998, khi sinh viên bắt đầu phải nộp học phí thì đã không hiếm sinh viên tìm đến loại công việc này”.

Đó là một việc hoàn toàn có thật của nhiều sinh viên nghèo. Ở Pháp, Bộ trưởng Giáo dục Pháp đã hứa sẽ tăng cường chi thêm tài chính cho sinh viên sau khi quyển nhật ký của một sinh viên năm nhất và quyển sách gồm các bài phỏng vấn những sinh viên đại học về những kinh nghiệm thực của họ trong việc bán dâm được công bố.

Theo một bản báo cáo gần đây của Ngân hàng Natwest thì với một khóa học 3 năm, sinh viên sẽ phải chi khoảng 33.512 bảng Anh, sau đó sẽ rời trường với số nợ ước tính lên đến 14.770 bảng.

Với hi vọng sẽ tránh được món nợ đó, Catherine đã làm việc cho một công ty môi giới mại dâm tư nhân. Trong suốt năm học thứ nhất, dù dã làm việc cật lực trong một quán rượu 20 tiếng một tuần nhưng kết thúc học kỳ thứ 2, cô mắc nợ 5.000 bảng và không có nhiều thời gian cho việc học.

“Nhờ công việc này, tôi sẽ thanh toán hết mọi khoản nợ từ năm thứ nhất và dành thời gian học để có được một tấm bằng loại giỏi. Tôi có thể làm công việc sắp hàng lên giá ở siêu thị Tesco với giá 5 bảng 1 giờ nhưng tôi đã chọn công việc này vì nó giúp tôi kiếm được nhiều tiền trong vài giờ, và sau đó có thời gian để thực hiện công việc chính của mình”.

Tiểu sử sơ lược của Catherine được quảng cáo trực tuyến trên trang web của công ty môi giới nơi cô làm việc. Trang web này giới thiệu cô là một sinh viên đại học thông minh, trẻ trung và quảng cáo những dịch vụ mà Catherine sẽ làm bao gồm cả dịch vụ sex trọn gói.

Mỗi tuần với 2 đêm làm việc, Catherine kiếm được khoảng 900 bảng và cô cho biết các công ty môi giới mại dâm thường “săn” sinh viên làm việc cho mình vì khách hàng của họ có thể trả tới 500 bảng để có một giờ “vui vẻ” với một cô gái thông minh và giỏi giang”.

Trang web cá nhân của Catherine, một trang web điển hình của những công ty môi giới mại dâm có tiểu sử của 25 gái bán dâm khác, trong đó có 7 người tự nhận là sinh viên.

Bà Cari Mitchell, phát ngôn viên của một tập thể những người hành nghề mại dâm ở Anh - tổ chức đấu tranh cho quyền công dân và quyền hợp pháp của những người phụ nữ làm nghề mại dâm cho biết, từ thập kỉ trước, khi Đảng Lao Động đưa ra chính sách cho vay tiền như một hình thức trợ cấp thì ngày càng có nhiều thanh niên trẻ đã tìm đến để hỏi thông tin, xin lời khuyên và sự hỗ trợ.

Trường hợp các sinh viên nữ bỏ học để hành nghề bán dâm, theo bà Mitchell, là do “các sinh viên nữ cảm thấy rất khó để có thể tìm được một công việc với mức lương cao và biết rằng sau khi rời trường đại học đi làm, họ sẽ chỉ được trả một mức lương rất thấp”.

Bản báo cáo thường niên của Tập đoàn tư vấn quản trị toàn cầu Hay Group cho thấy, mức lương khởi điểm của một sinh viên tốt nghiệp năm 2007 là 20.812 bảng mỗi năm. Liệu có phải do không kiếm được nhiều tiền và sự hấp dẫn của một công việc với mức lương cao hơn nên sinh viên mới sa vào nghề này?

Cũng giống như Catherine, vì thèm khát các mẫu mốt thời thượng, cô sinh viên Rachel đã phải đi làm gái nhảy, rồi thoát y và xem đó là một công việc tạm thời để trang trải cho việc học và sinh hoạt.

Tuy nhiên hai năm sau đó, sau khi nhận ra mình có thể kiếm được hơn 50.000 bảng mỗi năm, Rachel đã quyết định thôi học để dành toàn bộ thời gian làm gái nhảy, nhưng cô đã hối hận và mong muốn sau này sẽ được đi học lại.

“Ban đầu, tôi đi nhảy để kiếm tiền, cố gắng hoàn thành tấm bằng đại học. Nhưng đến lúc quá túng thiếu, tôi phải chọn công việc đó, nếu không sẽ phải nghỉ học. Vấn đề là nghề mãi dâm lại cuốn tôi vào. Nghề này không giống với công việc ở thế giới làm việc chân chính, bạn phải nhanh chóng quen với tiền và mất đi nhiều sự tự tin ở những khả năng khác của mình. Tôi thực sự thấy ân hận vì đã sa chân vào con đường này. Nhưng đối với tôi và với nhiều sinh viên khác, chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác”.

  • Nhật Anh (Theo Times Online)
Điều này nói lên cái gì?

No comments: