Tuesday, September 30, 2008

tiền là gì mà ta phải đau khổ kiếm và tìm để kiếm?

Thưởng 1.000USD/bài báo - không phải việc của Nhà nước
01-10-2008 09:50:54 GMT +7
Theo TS. Nguyễn Quang A (VietNamNetWeek)
Nhà nước có thể có giải thưởng để tôn vinh các nhà khoa học, song cách làm như vừa qua và hiện nay thực sự không mang lại kết quả, thậm chí làm mất uy tín của các giải thưởng.
Báo chí đưa tin tại buổi thăm và làm việc của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên- Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết Bộ GD-ĐT sẽ thưởng 1.000 USD/bài cho những bài viết được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế. Trường ĐHQG Hà Nội sẽ là nơi đầu tiên thực hiện chủ trương này.

Chắc hẳn có người mừng vì sẽ được tiền, có người mừng vì chủ trương này sẽ góp phần “nâng cao chất lượng” nhìn chung vốn rất kém của các cán bộ giảng dạy và nghiên cứu ở nước ta, sẽ tạo ra khuyến khích mạnh để góp phần giúp một số trường đại học Việt Nam “đạt trình độ quốc tế”.

Tôi thì nghĩ hơi khác. Ý định có thể rất đáng trân trọng, song kết quả chưa chắc được như mong muốn và có thể gây ra những hậu quả ngược lại. Trước khi công bố một chủ trương, một chính sách cần cân nhắc cẩn trọng, tính toán kỹ lưỡng những khuyến khích và phản khuyến khích do nó gây ra. Tôi hy vọng rằng chủ trương mà Phó Thủ tướng nêu ra đã được các quan chức chuyên môn cân nhắc kỹ và rất mong được họ lý giải công khai trước công luận. Dưới đây chỉ xin góp vài ý kiến sơ bộ.

1. Nếu công dân Nguyễn Thiện Nhân bỏ tiền túi của mình ra thưởng thì đó là quyền của ông, có thể đó là chuyện đáng khen và chẳng cần phải bàn làm gì. Song báo chí nói rằng Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân công bố chủ trương như vậy (hãy cứ tin báo không nói sai), tức là dùng tiền của dân để thưởng, thì rất cần phải bàn thêm.

2. Tôi chưa từng thấy bất cứ nước nào có chủ trương hào phóng thưởng đại trà như vậy. Khuyến khích bằng thưởng tiền là việc tốt, song đối với nhà khoa học chân chính thưởng bằng tiền chưa hẳn đã là khuyến khích tốt nhất đối với họ, để cho họ say mê nghiên cứu. Đối với nhà khoa học, cái quan trọng nhất là quyền tự do nghiên cứu, là môi trường làm việc, điều kiện làm việc, là sự tôn trọng, là uy tín của họ trong con mắt của các đồng nghiệp, là khả năng thăng tiến chuyên môn, là việc được chuyên ngành công nhận trong phạm vi địa phương hay quốc tế, là khả năng giao lưu với các đồng nghiệp, là cơ hội tham gia các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế, là cơ hội có thể công bố kết quả nghiên cứu của mình … là có thu nhập tử tế để khỏi phải luôn lo nghĩ về “cơm áo gạo tiền”, để có thể chuyên tâm vào nghiên cứu.

Nếu xét tất cả các điểm vừa nêu thì không khó hiểu tại sao nền khoa học nước nhà lại kém phát triển. Hầu như tất cả các điều kiện đều thiếu. Có thể thấy khuyến khích tiền bạc cũng quan trọng song không phải là quan trọng nhất.

3. Những ai đã có công trình được đăng trên các tạp chí hàng đầu thế giới đều biết rõ: họ không những không nhận được một xu nhuận bút mà thậm chí có thể họ hay cơ quan của họ còn được tạp chí đó yêu cầu “đóng góp” tiền (cỡ 50 đến vài trăm USD cho bột bài) để giúp duy trì hoạt động của tạp chí. Định kỳ, các bài thật xuất sắc có thể nhận được các giải thưởng danh giá có khi cũng chỉ có giá trị tượng trưng một vài ngàn USD, trừ các giải rất đặc biệt.

4. Vấn đề rắc rối tiếp theo của chủ trương này là: nếu cứ đăng được 1 bài báo trên 1 tạp chí khoa học nước ngoài là được Bộ GD-ĐT chi cho 1.000 USD thì ngân quỹ của Bộ sẽ chẳng mấy cạn kiệt. Chủ trương sẽ có thể tạo ra những khuyến khích ngược rất tai hại.

Thí dụ, nó sẽ khuyến khích nhiều “nhà khoa học” hám tiền, hám danh đăng “kết quả nghiên cứu” của mình trên các tạp chí quốc tế chẳng mấy nổi tiếng. Ai cũng biết các tạp chí được gọi là “khoa học quốc tế” cũng có cả ngàn lẻ một loại, từ thượng hạng đến “làng nhàng”. Và số lượng bài đăng trên các tạp chí không có chất lượng cao sẽ chẳng góp mấy cho sự phát triển của nền khoa học nước nhà.

5. Vậy là phải phân loại các tạp chí mà các bài báo của các “nhà khoa học” Việt Nam có công trình đăng trong đó. Ai có thẩm quyền phân loại? Chắc chắn không phải là Bộ GD-ĐT Việt Nam. Có thể đưa ra các tiêu chí nhất định để phân loại, rồi phải tổ chức ra hàng trăm hội đồng chuyên ngành để đánh giá. Với cách làm như hiện nay ở ta chắc chắn sẽ có rất nhiều cãi cọ quanh các hội đồng “tư vấn” này và giữa họ với nhau. Để làm việc vô bổ đó sẽ rất tốn thời gian, công sức và tiền của của nhân dân.

6. Các bài báo có nhiều đồng tác giả thì sao? Chẳng có vấn đề gì, mỗi bài nhận một tấm séc 1.000 USD và các tác giả tự chia nhau phần thưởng. Thế nếu có các đồng tác giả là những người nước ngoài? Chắc chắn Bộ sẽ phải có quy chế về vấn đề này.

Mới sơ bộ đã thấy rất nhiều vấn đề không đơn giản liên quan đến chủ trương hào phóng và có thể có ý định tốt này và còn có thể nêu ra nhiều phản khuyến khích khác.

Việc của Nhà nước là tạo môi trường cho nhà khoa học

Điểm cốt yếu ở đây là: phát thưởng đại trà như vậy không phải là việc của nhà nước. Việc của nhà nước là tạo môi trường, các điều kiện nêu trên ở điểm 2. Nhà nước có thể có giải thưởng để tôn vinh các nhà khoa học, song cách làm như vừa qua và hiện nay thực sự không mang lại kết quả, thậm chí làm mất uy tín của các giải thưởng.

Nhà nước hãy đầu tư thích đáng cho các cơ sở đào tạo và nghiên cứu, hãy để cho họ được tự trị, hãy tạo các điều kiện và môi trường cho họ hoạt động (kể cả tiền lương). Làm thế may ra mới có các cơ sở nghiên cứu tốt, mới có đại học ra đại học (nói đến đẳng cấp quốc tế làm chi).

Việc thưởng, tôn vinh các nhà khoa học hãy để cho xã hội, cho chính họ tự làm, họ mới hiểu, mới đánh giá công trình của đồng nghiệp mình đúng nhất.

Việc cất nhắc, thăng tiến, học hàm, học vị của các nhà khoa học làm trong các viện và trường phải để cho chính các cơ sở khoa học đó tự quyết và nhất thiết phải gắn với thành tích khoa học của họ mà một thước đo là các công trình được đăng trên các tạp chí quốc tế (với các trọng số đánh giá khác nhau tùy uy tín của tạp chí), là số các trích dẫ của các đồng nghiệp trong các công trình của họ đến công trình của nhà khoa học được nói đến đó.

Đấy là vài việc mà nhà nước cần làm (mà phần lớn là thôi không làm) không phải đi thưởng một cách đại trà như chủ trương nói trên.

No comments: