Friday, May 1, 2015

Tản mạn ngày 30 tháng tư

Bận tối mặt tối mũi, vì mình phải cày bừa cả tuần. Nay mở facebook ra mới biết, sinh nhật của mình mà nhiều người tổ chức quá trời. Ta nói nghe, facebook tràn ngập cờ xí, cờ vàng cờ đỏ che khuất cả tầm nhìn trên không gian ảo. Pháo bông pháo hoa bắn tưng bừng, nói nôm na là bắn thả ga.

Bởi vậy, ông bà nói chẳng bao giờ sai, nay mình nhắc lại. Ơn đảng, ơn nhà nước, ơn chính phủ cả cũ lẫn mới. Cảm ơn rất nhiều tấm thịnh tình của bà con mặc dù không biết rõ là có phải dành cho mình hay không. Thôi thì mình cứ nhận đại đi. Hehe.

Post lại bài hát một thời oanh liệt thuở xa xưa, ta nói lâu lắt lâu lơ. Cái thời còn trai trẻ, dẻo mồm, giỏi tán gái. Nhưng khổ nỗi, cả một thời oanh liệt ấy, bồ nó đá liên tục và chẳng có mối tình nào thành công. Những lúc như thế, bài hát này là liều thuốc xoa dịu nỗi đau. 


Bông đùa đôi chút để xả bớt stress từ những cái đầu vốn dĩ không lạnh giữa những ngày cuối tháng tư gay gắt nắng và nóng. Nay tớ đi vào việc chính, đó chính là ngày tháng tư đen (Black April) hay ngày quốc hận gọi theo người Việt ly hương và ngày thống nhất đất nước hay tết độc lập nếu gọi theo kiểu người Việt xứ Bắc. 

Ngay cả một cái ngày vốn dĩ nó chẳng có tên có tuổi, người đời lại áp đặt cho nó những cái danh mà họ mong muốn theo chủ ý riêng. Phật nói chẳng sai, chúng sanh mê lầm và chấp trước. Cái gì cũng muốn sở hữu riêng mình, ngay cả cái ngày cũng giành giật nhau cho đến cùng. Rõ khổ, giành cho cố thì cũng chẳng được gì bởi mọi sự vốn dĩ là giả, chỉ có cái răng giả là thật. Hehe.

Nếu đọc kỹ lại sử Việt, người Việt mình gieo nhân xấu khá nhiều nên quả đẹp chẳng bao giờ đến. Dân tộc Việt phải trải qua bao cảnh trầm luân khổ ải. Ví dụ, chính người Việt đã gây ra sự diệt chủng của một dân tộc Chăm, trên con đường Nam tiến mà được hoa mỹ bằng tên mở mang bờ cõi. Bởi vậy, cùng chung giống nòi nhưng huynh đệ tương tàn trong thời 1954-1975, để rồi một nửa ly hương bằng cách vật lộn với những cơn sóng dữ để đến bến bờ tự do. Họ chấp nhận đánh đổi cả sinh mệnh để đạt đến cùng mục đích và thỏa mãn lý tưởng sống. Nửa còn lại trở thành kể nắm quyền ngự trị trên mảnh đất quê hương. 

Khổ nỗi bốn mươi năm dài, mối thâm thù vẫn còn và nó bùng cháy khi có đủ nhân và duyên. Chính phủ Canada bất ngờ chấp nhận ngày 30 tháng tư là ngày quốc lễ của Canada sau khi tiếp nhận đơn thỉnh cầu của thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải. Sự kiện này được tung hô trên mọi phương tiện truyền thông và mạng xã hội kèm theo những lời bàn tán xôn xao. Ngay ngày tưởng niệm đầu tiên, chính phủ Canada tổ chức rình rang và cờ được để half-flag (treo cờ rũ). Không những thế, ở USA, bà con hải ngoại rầm rộ tổ chức ngày gọi là tháng tư đen.

Trong nước, dịp này tết độc lập (tên hay gọi của người xứ bắc) được tổ chức rất hoành tráng. Toàn bộ công chức được nghỉ cả tuần, Sài Gòn tổ chức diễu hành, phô trương lực lượng quân sự với sự tham dự của các quan chức cao cấp. Trong dịp này, người đứng đầu chính phủ có bài diễn văn phê phán Mỹ kịch liệt. Cái này được các phương tiện truyền thông phương Tây dẫn lại nguyên văn. Nói thêm rằng, miền Trung có vẻ không thích cái ngày này lắm. Ngay quê tôi, người dân xem ngày này rất bình thường ngoại trừ các vị công chức. Ở miền Nam, đây là dịp bà con ăn chơi (người miền Nam vốn dĩ rất thoáng và thoải mái).

Nhìn lại và tổng hợp các sự kiện, mình có nhận định cả hai bên đều thiếu kềm chế và có phần mất kiểm soát. Nói gọn lại tất cả đều dẫn đến phiền não cái mà Phật gọi là khổ đau của chúng sinh. Phật dạy, muốn tránh phiền não thì phải có cách đối trị phiền não. Ở đây, người vui cũng phiền não và kẻ buồn thì chắc chắn là phiền não rồi. Ai nói vui thì không phiền não là sai. Trong đời, nhân gian có câu người giàu cũng khóc kia mà. Đôi lúc vui quá vì được lợi (trúng số chẳng hạn), bỗng nhiên bật ngửa bởi đứng tim.

Cho nên, sống giữa vô thường của sự đời, chúng ta cứ lấy cân bằng, tâm bình thường là đạo, thì an vui hỷ lạc chắc chắn sẽ đến. Rất đơn giản, khi rơi vào cùng cực, cứ nhìn xuống, ắt ta sẽ nhìn thấy nhiều người còn khổ đau hơn nhiều. Gần đây thôi, Nepal đang yên ổn đùng một phát động đất xảy ra. Thời bình mà hơn bốn ngàn người mất, còn bi thương nào hơn, có chiến tranh nào khốc liệt như thế. Ở đây, mâu thuẫn chẳng có, nhưng vô thường đến thì cảnh tang thương ắt hiển hiện.

Ngược lại, kẻ ở thế thắng, người đang thành công, xin người hãy nhìn lên. Chắc chắn chúng ta sẽ thấy cái mình được chẳng là gì, việc mình làm cũng dở và thậm chí gọi dân giã là dở ẹc. Có gì đâu, leaders cứ nhìn xem bao năm mình làm được gì cho quê hương cho xứ sở này. Việt Nam bây giờ đã hùng mạnh về quân sự, kinh tế chính trị, văn hóa xã hội lẫn giáo dục chưa? So sánh với các nước bạn một thời (40 về trước) là chiếu dưới, thì Việt Nam đang ở đâu? Lấy sự so sánh ấy, mình tự khắc khép mình lại với một sự khiêm tốn vô cùng dễ thương.

Trở lại cuộc sống đời thường, mình vốn dĩ không thích những cái gọi là mâu thuẫn và đặc biệt là mâu thuẫn mang đậm chất chính trị. Cho nên, những ngày qua mình cũng chẳng thích lắm việc ca thán mất nước của kẻ chiến bại và càng không thích cái hô hào của kẻ thắng cuộc. Nói chung là mình biểu hiện thái độ dửng dưng trước sự đời. Bởi đó là quá khứ, gác quá khứ là một việc khó và kiên trì chứ chẳng phải việc nói là làm được (*). Mình rất tự hào là mình làm được việc này.
(*) Nói ra điều này, nhiều người cứ nghĩ mình là thằng đếch biết gì. Nhưng xin thưa, mình là thành viên của gia đình sống thời sau 1975, gia đình mà phải chịu cảnh đánh tư sản. Từ một gia đình vốn khá giả, cả nhà rơi vào cảnh túng quẩn trong những năm 80. Nhưng ông già dạy một điều mà mình nhớ mãi, muốn sống được, các con phải ăn học đàng hoàng, biết nhẫn với đời, mọi sự sẽ qua. Ngẫm lại thì mình lại thấy đúng, chúa đóng cửa này thì ắt sẽ mở cửa khác cho mình đi.

No comments: