Monday, December 10, 2012

Đôi lời về "ngày tận thế"

Dạo này, cộng đồng mạng xôn xao với tin "ngày tận thế", ngày 21 tháng 12 năm 2012 (là ngày cuối cùng của lịch người Maya, thảm họa kéo dài từ 21 đến 23). Những bản báo cáo, những giải thích rối rắm, những phản bác và .v.v. khiến cho mọi người xôn xao và vọng động. Tuy nhiên, điều làm tớ ngạc nhiên, đó chính là một bộ phận phật tử lại có tâm động trước thông tin này, một thông tin mà chẳng thể kiểm chứng là thật hay giả. Trong hoàn cảnh đó, Hòa thượng Tịnh Không có bài thuyết giảng khuyến tu, trong đó Hòa thượng có nhắc đến thông tin trên và khuyên phật tử nên tu ngay. Sau đó, Hòa thượng có đôi lời cải chính về thông tin trên. Ở đây, có hai điều cần bàn.

Thứ nhất, việc khuyến tu nên làm một cách có hiệu quả. Việc Hòa thượng viện dẫn cái "ngày tận thế" nhằm khuyến khích các phật tử tích cực tu là một việc tốt; nó thể hiện tâm từ của bậc chân tu, đáng trân trọng. Tuy nhiên, theo tớ nghĩ, việc đưa một thông tin mập mờ, chưa kiểm chứng và chẳng có ai xác thực là việc đáng suy nghĩ. Nên chăng Hòa thượng cứ khuyến tu bằng một câu "đời người chỉ trong một hơi thở" (nghĩa là người thở ra mà không hít vào hoặc ngược lại là coi như người đó giã từ cõi đời). Theo tớ nghĩ, Hòa thượng nói ngắn gọn như thế là đủ. Cũng có thể hiểu cho Hòa thượng, đôi lúc sự lặp lại một cái cũ lại gây nhàm chán, truyền giảng cũng thế. Hòa thượng muốn đưa một vào thông tin thế sự vào để tạo sự thấm nhuần và kích thích tinh thần tu của phật tử. Có điều không may, một thông tin vô cùng nhạy cảm lại tạo ra một làn sóng mà hướng đi ngược hoàn toàn với mục đích chân chính của Hòa thượng. Có người đòi nhập thất, quyết vãng sanh trước ngày tận thế. Có người đòi cách ly với gia đình vào chùa chuyên tâm tụng niệm và dĩ nhiên là bỏ bê công việc. Nếu mà ai cũng như vậy, thì hóa ra đạo Phật lại là đạo chết và đúng là ngày tận thế sẽ đến nhưng đến trước ngày cuối cùng của lịch Maya.
Nhân đây, tớ cũng viện dẫn sự việc trong khuyến tu mà hậu quả nó để lại rất lớn. Có lần, các vị cư sỹ và thậm chí các hàng đại đức, thượng tọa đã đưa tấm hình người chết với máu mủ và ruồi nhặng và giòi bọ đầy trên và trong người đó. Kèm theo tấm hình là lời cảnh tỉnh phật tử, con người vốn là dơ bẩn, hầm phân di động, .v.v. và kết thúc một đời người, con người sẽ trở về cát bụi. Thế nên, họ chớ nên tham, sân si, mạn, nghi, ác kiến, ái nhiễm, .v.v. Cái ý của các vị là rất tốt, ở chỗ khuyên chúng sanh làm điều tốt, tu tập cho thân tâm an lạc. Tuy nhiên, cái hình ảnh ấy mà đưa lên cho người mới tu tập hoặc những người ngoại đạo là phản cảm. Nói thật, họ nói thẳng sao cái đạo Phật ở dơ quá. Bởi vì sao, có người nhìn cái hình đó và bỏ cơm mấy ngày vì ám ảnh. (Dĩ nhiên, với người đã thuần thục đạo lý nhà Phật, cái hình đó chẳng là gì cả). Vậy khuyến tu như trên là cách làm gây phản ứng ngược, nó khuyến cho chúng sanh xa lánh Phật đạo.

Thứ hai, người tu phải có nhận thức. Nhận thức ở đây nghĩa là gì? Có nhiều việc chúng ta nghe nhưng làm hay không là phải suy nghĩ cái đã. Đạo Phật vốn dĩ tôn trọng sự suy luận của con người. Thế nên, người phật tử phải phát huy tinh thần đó. Dĩ nhiên, ở đây tớ không đả phá phương châm tín hạnh nguyện trong Tịnh độ tông. Nhưng cái gì cũng vừa phải, cái gì mà làm quá thì đâm ra lố. Cho nên, các vị tôn túc, bậc trưởng thượng giảng, chúng ta chưa chắc vội tin sau khi nghe. Mà chúng ta phải tự suy ngẫm, đến một lúc sẽ ngộ ra. Bởi chân lý đi vào lòng người qua đường tự ngộ. Hơn nữa nghi ngờ là một nhân tố để thúc đẩy sự phát triển; chính vì nghi, nên chúng ta mới tìm hiểu và từ đó chúng ta mới hiểu sâu sắc. Ngược lại, nếu chúng ta nghe cái gì cũng tin liền, thì cuối cùng chúng ta chẳng giữ được gì. Tu hoài mà tâm vẫn tâm ma, Phật tính thì la cà chốn nào. Hơn nữa, việc tu cốt là tìm sự an lạc trong ánh đạo quang của A Di Đà. Trong khi đó, chọn tu là cách ly gia đình, tạo ra sự xào xáo trong nhà, bỏ bê công việc, tạo nên sự thiếu đói của gia đình, không hiểu họ có an lạc hay không?
Trở lại vấn đề về "ngày tận thế", người tu là để tâm bình. Cho nên, cho dù có tận thế hay không, người tu phải luôn giữ tâm không vọng động - "Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến". Tại sao vậy? Trở về cội gốc vấn đề, một hơi thở ra mà không trở vào thì người đã chết, chứ chẳng cần đợi đến thảm họa của ngày tận thế. Điều quan trọng, chúng ta sống đúng với chánh pháp, luôn làm điều thiện. Mỗi ngày ta làm thêm nhiều việc tốt thì tận thế hay không tận thế cũng vậy thôi. Ngược lại, con người luôn mang trong người những lo lắng vào những việc chẳng được xác tín từ đó nảy sinh những ý định tiêu cực, thì người đó đang tự tạo cho mình sự tận diệt (chứ chưa hẳn tận thế).

P/S: Bận việc, rảnh biên tiếp!
Number of words: 1566

No comments: