Monday, April 11, 2011

XVI. CÔNG ĐỨC THÙ THẮNG

PHẬT LỊCH 2513
Phật Học Tùng Thư  Mục C cuốn thứ 15
LUẬN ĐẠI TRƯỢNG PHU
TÁC GIẢ: ĐỀ BÀ LA BỒ TÁT
DỊCH GIẢ: TỲ KHEO TRÍ QUANG
CHỨNG MINH: HÒA THƯỢNG THÍCH TỊNH KHIẾT.

Đem tài sản như nhau bố thí cho một người, nhưng vì dụng tâm không đồng mà những người bố thí được kết quả khác nhau: có kẻ được an lạc hữu lậu, có kẻ được an lạc niết bàn, có kẻ được an lạc lợi tha. Kết quả khác nhau như thế là vì tư duy và nguyện vọng mỗi người thiên về một bên.
Tham tâm mà thực hành phước thiện thì hưởng kết quả phải mê mờ, vô tâm mà thực hành phước thiện thì khi hưởng kết quả cũng nông nổi. Chứ do chí nguyện mong cầu Trí-giác vô thượng vì lợi ích hết thảy muôn loài chúng sinh mà thực hành phước thiện, thì điều thiện ấy là điều thiện tối cao trong các điều thiện, kết quả của điều thiện ấy là kết quả tối thắng trong các kết quả.
Các điều phước thiện khác chỉ là điều thiện tương tự, không phải là điều thiện tuyệt đối. Thực hành trí-tuệ duy nhất, đó mới là điều thiện tối cao. Trí-tuệ ấy lợi ích chúng sinh, nối giòng giác ngộ, vì biết sự hành động, biết sự kết quả của hành động, biết quy y từ bi của Phật đà,
Vì bản ngã mà thực hành phước thiện thì có khác gì hành động điều ác, thật là điều rất sỉ nhục. Bực đại trượng phu thấy tất cả người trời không ai cứu vớt, nên không bao giờ vì mình mà thực hành phước thiện.
Bực đại trượng phu suy nghĩ: cái khổ sinh tử nghe còn không được huống chi mắt thấy. Vậy mà chúng sinh đương trầm mình trong cực khổ ấy, sao ta lại vì mình thực hành phước thiện, làm việc mà một người từ bi không bao giờ làm?
Ta không phút nào rời tâm đại bi, làm bạn thân của chúng sinh, sao lại vì mình thực hành phước thiện?
Người đã biết khí vị công đức, do năng lực thực hành phước thiện một cách tự do, nếm được khí vị tối cao là lợi tha; thì người ấy cho đến trong chiêm bao còn không mống tâm vì mình thực hành phước thiện, huống chi lúc thức.
Do trí tuệ giác ngộ những khuyết điểm của sinh tử, nên không bao giờ bực trượng phu hành động phước thiện cầu kết quả trong phạm vi sinh tử. Bực trượng phu từ bi lại không bao giờ tự giải thoát mà thực hành phước thiện. – Trí tuệ bỏ hành vi sinh tử, từ bi bỏ hành vi giải thoát, tại sao, bởi bi trí bao giờ cũng vì lợi người,
Trí tuệ tối thắng bình đẳng hành động, nên hành động thì đồng mà kết quả thì vô thượng. Kết quả vô thượng của trí tuệ là mười trí lực.
Do trí lực, bực trượng phu nghĩ, ta biết vì mình hưởng an vui, bỏ an vui lợi người, đó là kẻ bội ân. Do lời Phật dạy, ta xác biết muôn loài là bạn thực hành phước thiện của ta, vậy được kết quả mà hưởng thọ một mình thì đã là kẻ bội ân rồi, mà an vui đâu mà được, huống chi được rồi hưởng lấy một mình?
Nên bực đại trượng phu ấy ruồng bỏ tất cả; dầu nghìn niết bàn mà không lợi ích chúng sinh thì cũng không bằng cứu khổ một người: nên cứu một người đau khổ hơn được vui nghìn niết bàn.
Bực đại trượng phu an lạc giải thoát còn không hưởng riêng như thế, huống chi Trí-giác vô thượng mà hưởng lấy một mình. Tại sao như vậy? vì thấy hết thảy chúng sinh không nơi nương tựa, không ai cứu vớt.

No comments: