Friday, April 29, 2011

Đôi điều về bài toán lớp 3 gây xôn xao dư luận

Mấy ngày nay trên các trang mạng xã hội xôn xao với bài toán lớp 3: "6/2*(2+1)=?". Có hai phe, một phe là khẳng định bằng 9, một phe còn lại khẳng định là 1. Ngay cả báo chính thống của nhà nước lại đăng lên với cái tít rất giật gân: Đại loại là cầu viện tới GS Ngô Bảo Châu để phân thắng bại. Đã thế họ còn đưa ra những dẫn chứng rất hùng hồn rằng: có người đã thử trên một số máy tính cầm tay và cho ra kết quả của họ. Bên còn lại thì nói trên google cũng cho kết quả của mình.

Ngồi đọc và ngẫm nghĩ hoài. Không lẽ một việc đơn giản cực kỳ như thế mà lại gây ra một làn sóng dữ dội vậy sao. Đời sao lại oái ăm thế không biết! Có những cơn sóng cần nổi dậy thế mà nó lại lặng im cả ngàn thu. Ngược lại, một chuyện tiếu như vậy lại tạo sức cuốn hút dữ dội vậy.

Cái nực cười ở chỗ: Không có ai lấy cái gốc của vấn đề mà suy luận kết quả của mình đúng. Làm khoa học thì chúng ta thường hay lấy cái chân hay gốc của vấn đề mà nói. Tui đưa ra kết luận cuối cùng bằng 9 và không dám nhắc lại vì sự nhục. Lý do tại sao? Nhục ở chỗ cái quy tắc cộng trừ nhân chia ấy, chúng ta phải nằm lòng và nếu ai quên thì cố gắng dở lại sách lớp 3 mà học lại cho bớt nhục.

Còn vấn đề mà một số bạn tranh luận khi xài máy tính ra kết quả không như ý. Lý do đơn giản các bạn sử dụng mà không xem hướng dẫn của máy tính, đơn giản thế thôi. Một điều cực kỳ giản dị là máy tính kia có được cũng từ lập trình mà ra. Và điều đơn giản là người lập trình đang diễn tả lại phép tính đó bằng cái máy. Thế thôi. Và một khi diễn tả thì họ có cách riêng của họ. Nhưng chốt lại là họ có phần hướng dẫn cho người sử dụng. Chúng ta cứ theo hướng dẫn mà làm.

Cũng có những ý kiến về dấu chia "\". Thế thì lại không đúng vì đơn giản đây là một phép tính mới không theo quy tắc truyền thống. Và nếu xài nó thì ta lại phải định nghĩa nó trước. Và cái này nó lại hội tụ ở đoạn trên, nghĩa là được giải thích. Nhân tiện xin kể ra đây câu chuyện về cậu sinh viên ngành kỹ thuật: Ngày ấy mới đặt chân giảng đường đại học, cậu ấy học về môn kỹ thuật số, 1+1=10, chẳng hạn. Cậu về quê đem đố cho các bạn bè ở quê. Ai cũng trả lời 1+1=2. Chỉ có mình cậu ấy cho kết quả là 10. Nói ít hiểu nhiều, và ai muốn hiểu sao thì hiểu.

Quay trở lại vấn đề, các phe cùng hè nhau cầu viện GS Ngô Bảo Châu. Đọc xong tôi cứ ôm bụng cười. Sao chúng ta lại làm khó nhau chi vậy? Việc này mà đem một GS ra giải, cứ bình thường đi, mời thầy giáo cấp 1 ra chỉ lại. GS toán học, học cao thế kiến thức "căn bản" chắc "quên rồi". Haha. Mà vả lại, ông Ngô Bảo Châu kia cũng có là cái gì đâu mà phải thần thánh hóa lên thế. Chúng ta là con người thì không tin chính mình mà đi tin vào người khác một cách mụ mị như vậy là không ổn. Một giải Fields chỉ là bước khởi đầu, và ông còn phải struggle nhiều đi tiếp trên chặng đường dài đầy chông gai. Vậy cớ gì chúng ta cứ tạo thêm khó khăn cho ông bởi những việc quá đơn giản như vậy? Có đáng không?

Một điều chót là chúng ta không tin bất cứ điều gì. Bởi thấy số đông đang quá dựa dẫm vào công nghệ. Bấm máy cái là ra kết quả, thấy sai la làng lên. Thế cái đầu tư duy chúng ta đang để ở đâu?
Viết xong lại thấy tiếc. Tiếc vì đã quá phí thời gian cho một việc quá "giản dị".

No comments: