Monday, April 11, 2011

V. GIẢI THOÁT THÙ THẮNG

PHẬT LỊCH 2513
Phật Học Tùng Thư  Mục C cuốn thứ 15
LUẬN ĐẠI TRƯỢNG PHU

TÁC GIẢ: ĐỀ BÀ LA BỒ TÁT
DỊCH GIẢ: TỲ KHEO TRÍ QUANG
CHỨNG MINH: HÒA THƯỢNG THÍCH TỊNH KHIẾT.

Bồ tát suy nghĩ: những người ham thích giải thoát thường đến giác ngộ ta, những người ấy không phải vì tiền của mà đến, họ đến chỉ vì tác thành sự vĩ đại cho ta.
Khi Bồ tát làm thủ lãnh quốc gia, người thực hành phước đức đến báo có người đến xin. Thủ lãnh liền nghĩ: người xin nghèo khổ đến là giải thoát thù thắng đến, điều ta rất mong bây giờ đã được. Bồ tát lại nghĩ: ta vốn không ham địa vị thủ lãnh, chỉ vì muốn làm lợi ích tất cả; vậy không nên ngồi không trên địa vị thủ lãnh, phải thực hành bố thí đầy đủ, cho nên người báo tin kia thật là vị giác ngộ ta. Người xin bao giờ cũng cử chỉ e dè ngại ngùng, Bồ tát biết vậy nên dịu dàng trước: người là ân nhân, là thí chủ của tôi, cần chi xin người cứ lấy. Khi người xin thỏa mãn, thì hai nỗi hoan lạc người cho người nhận hòa giao với nhau như an lạc niết bàn.
Sinh tử là lò lửa vĩ đại, Bồ tát ở trong đó như ở niết bàn, tại sao như thế, vì Bồ tát muốn cứu giúp chúng sinh. Bồ tát tâm niệm: thương cứu chúng sinh là giải thoát của mình; đem đại bố thí cứu giúp chúng sinh, chúng sinh an lạc là giải thoát của mình. Giải thoát ấy mới là giải thoát thù thắng. Bố thí vĩ đại mà không có đại bi thì không gọi là bố thí được; bố thí vì đại bi tức là giải thoát tối cao.
Được giải thoát như vậy, Bồ tát suy nghĩ: Ngày xưa, đối trước đấng Vô-thượng-tôn, ta nghe cực lạc của giải thoát, giờ đây ta đã thật hiện được, tại sao, vì ta bố thí vừa lòng là ta giải thoát. Nếu sự an lạc của giải thoát nào tương tự với sự hoan lạc của bố thí do lòng thương phát sinh thì ta ưa thích. Không thì ta tránh xa. Ta chỉ thích sự hoan lạc của bố thí, vì ta thấy đó là giải thoát thù thắng.
Sự hoan lạc của bố thí do đại bi hành động thì không gì sánh bằng. Sự an lạc giải thoát của bố thí do đại bi hành động không gì thí dụ được. Sự hoan lạc của bố thí phát sinh từ đại bi, nếu ai muốn dùng thí dụ hình dung, thì vì nó tối cao, nó cực đại, nó vi diệu, nên không thể ví dụ được.

No comments: