Những mỹ nhân nương nhờ cửa Phật
Làng nghệ đang chứng kiến không ít mỹ nhân sống tốt đời đẹp đạo, từ người vốn sinh ra trong gia đình theo Phật, cho tới kẻ từng bước qua nhiều cuộc bể dâu.
Việt Trinh: Tin vào luật nhân quả
Trong suốt hơn 20 năm theo đuổi nghệ thuật, từng kiêu hãnh trên đỉnh cao vinh quang tột bậc của một minh tinh sáng giá và cũng từng sa lầy, trượt dài đến mức muốn quyên sinh bởi vết chàm của tai tiếng, scandal tình ái, cuộc đời Việt Trinh giống như một bức tranh đủ các sắc màu hỷ, nộ, ái, ố. Song đến bây giờ, những sắc màu ấy có lẽ đã dần phai, thay vào đó là bức tranh một màu giản dị, với hình ảnh của ngôi sao màn bạc một thời quanh năm chăm lo công việc từ thiện, đến chùa, ăn chay và tụng niệm kinh Phật.
Sau những cú sốc lớn liên tiếp của cuộc đời, "người đẹp Tây Đô" có cơ duyên tìm đến với đạo Phật. Từ đó, cô dần lấy lại thăng bằng và tìm sự thanh thản. Đạo Phật đã chỉ cho cô thấy con đường thoát khổ, con đường tìm thấy hạnh phúc trong sự buông bỏ và sẻ chia với người bất hạnh. Có lẽ vì ngộ ra như thế, nên trong những lần tái xuất của Việt Trinh, người hâm mộ luôn thấy rõ dấu ấn của Phật giáo trong những bộ phim cô mang tới.
Lần trở lại thứ nhất vào năm 2007, Việt Trinh tham gia sản xuất phim Duyên trần thoát tục với mục đích đưa Phật lý lên màn ảnh để hướng thiện và phục vụ cho mục đích từ thiện. Lần thứ hai trở lại, Việt Trinh tiếp tục với vai trò sản xuất một bộ phim vận dụng những triết lý đạo Phật, đề cao sự quay trở lại của những số phận lầm lỡ.
Việt Trinh trong phim Duyên trần thoát tục.
Trải qua nhiều thăng trầm cuộc sống, người đẹp gốc miền Tây giờ đây tin vào nghiệp báo và nhân quả. Hình ảnh cô bây giờ làm người ta nhớ đến vai diễn công chúa Thuận Thiên trong Duyên trần thoát tục. Thuận Thiên thấy được tiền kiếp của mình, nên công chúa đã cố gắng trả hết nợ tiền kiếp để tìm thanh thản trong tâm hồn. Việt Trinh ngoài đời thật cũng vậy, cũng đang cố gắng làm việc thiện để mong trả hết nợ mà cô đang gánh – những nợ nghiệp đã khiến cuộc đời cô rẽ sang một hướng đau thương.
Việt Trinh tâm sự: “Tôi nghĩ, có thể do hiện kiếp hay tiền kiếp, tôi đã làm những điều không tốt, đã gieo những nhân xấu, thì bây giờ tôi phải nhận lại những quả ấy. Tôi có quan niệm, nếu mình đã vui vẻ để đi vay nợ, bây giờ cũng phải vui vẻ, hoan hỉ để trả những món nợ ấy”. Có lẽ, đó là cách để Việt Trinh lý giải những đau khổ trong quá khứ, đồng thời xoa dịu nỗi đau, học cách chấp nhận để tìm thấy bình an.
Bảo Yến: Biết buông bỏ
Bảo Yến đã hơn 13 năm tụng kinh, niệm Phật.
Nếu như Việt Trinh từng là ngôi sao sáng giá ở màn ảnh, thì Bảo Yến lại là nữ hoàng của làng nhạc trong thập niên 80. Khi thời hoàng kim đã qua, danh ca lui về hậu trường và sống một cuộc đời thầm lặng. Dù thi thoảng vẫn làm đĩa và hát ở các phòng trà, nhưng Bảo Yến đã thôi “khua chiêng đánh trống” như những ngày xưa.
Sau hơn 10 năm đi hát, ngoài việc thỏa chí với máu đam mê âm nhạc trong mình, điều còn lại với nữ diva này chỉ là những trăn trở về một cuộc sống lắm ánh hào quang nhưng không ít áp lực, mệt mỏi bởi guồng quay công việc, bởi đua tranh trong nghề và búa rìu dư luận… Cuối cùng, Bảo Yến chọn con đường quay về với chân tâm. Theo triết lý nhà Phật, cuộc quay về ấy cũng đồng nghĩa với việc buông bỏ mọi thứ danh vọng, tiền tài… dẹp bỏ bản ngã hẹp hòi để sống bằng chân tâm.
Danh ca một thời không còn ham làm liveshow kỷ niệm bao nhiêu năm đi hát, không dùng chiêu để níu kéo lại tên tuổi đã hơn một lần vang danh, không làm ầm ĩ khi ra album mới… Bảo Yến giờ đây đã khác hoàn toàn với một Bảo Yến – biểu tượng thời trang, nữ hoàng nhạc nhẹ sốc nổi, bốc đồng năm nào.
Bảo Yến gọi cái mình đang theo đuổi là để “xây nền cho một cái tâm thiện ngàn năm”. Nhờ thế mà cô tự hào rằng, mình đang có một cuộc sống hạnh phúc, thứ hạnh phúc nhẹ nhàng bởi đời sống an nhiên và tự tại trong thế giới tu hành. Tính đến nay, danh ca đã có hơn 13 năm đọc kinh, ngồi thiền để chiêm nghiệm triết lý nhà Phật.
Tinna Tình: Theo đạo Phật để trả ơn cứu mạng
Nữ ca sĩ chỉ mới theo đạo Phật được một thời gian ngắn. Cô tự nhận trước kia mình chưa bao giờ thắp hết một cây nhang. Như bao người, người đẹp CH Czech gốc Việt cũng từng thắc mắc về thế giới tâm linh nhưng không tin. Sau này ngồi ngẫm lại, nữ rocker thấy rằng, đó là quãng thời gian mà cô như "ếch ngồi đáy giếng".
Sau tai nạn bị bỏ bùa ngải, rồi dính vào tin đồn bị HIV, đến nỗi mất vai trong bộ phim Để Mai tính, đời sống tâm linh của Tinna Tình đột ngột rẽ sang một hướng khác mà chính cô đôi lúc còn thấy ngỡ ngàng. Tinna cảm ơn những tháng ngày đó, vì nó đã cho cô cơ hội bước vào một giai đoạn khác, giai đoạn mà cô gọi là "thời kỳ được khai sáng" của cuộc đời mình. Sau biến cố lớn đó, mỗi lần lên báo, hoặc trực tiếp, hoặc ẩn dụ, Tinna Tình luôn đề cập đến những tư tưởng Phật giáo mà cô đã có duyên lĩnh hội.
Hình xăm đánh dấu giai đoạn quan trọng trong cuộc đời Tinna Tình,
trong đó có tên của vị sư cô đã cứu mạng cô.
Người đã cứu Tinna Tình thoát khỏi bùa ngải dạo nọ là một vị sư cô, và người này đã làm cho cô “sáng mắt”. Sau này, trên hình xăm ở cột sống lưng, Tinna đã khắc lên tên của vị ân nhân này. Cô nói: “Tôi đã được cứu sống bởi một người, một người mà không bao giờ tôi gặp được nếu không có sự sắp xếp của bề trên. Và khi đã thấy rồi, tôi chỉ có cách duy nhất để trả ơn là đi theo hướng Phật”.
Sau hơn 10 năm đi hát, với những nghi kỵ, gièm pha, điều tiếng của người đời, Tinna Tình nhiều lúc bị cuộc sống nhấn chìm, nhiều lần cô ngã quỵ đến mức muốn chấm dứt tất cả. Vậy mà giờ đây, Tinna Tình thừa nhận mình đã khác. "Tôi không dễ bị ngã bởi những điều khách quan nữa vì cuộc đời này đã cho tôi nhiều thứ, đặc biệt là những trải nghiệm giá trị” - cô nói.
Trương Thị May: Ăn chay trường
Trẻ tuổi, xinh đẹp và sống trong một môi trường lắm cám dỗ, nhiều đua tranh của nghề mẫu, nhưng Trương Thị May lại là một người hướng nội. Ngoài công việc, cô chọn cách sống khép kín ở nhà và thường xuyên đi chùa lễ Phật. Khác với những mỹ nhân tìm đến đạo Phật khi cuộc đời đã trải qua biến cố, Trương Thị May sinh ra trong một gia đình Phật giáo và lớn lên ở xứ sở lắm chùa chiền An Giang. Từ nhỏ, cô đã quy y, trở thành Phật tử và ăn chay trường cùng gia đình.
Bởi ảnh hưởng từ chữ "duyên" của nhà Phật, người đẹp từ chối con đường nổi tiếng bằng scandal như nhiều chân dài đang làm hiện nay. Nữ diễn viên chính xuất sắc (thể loại phim truyện video) của LHP Cánh Diều Vàng cũng từng từ chối nhiều lời mời đóng phim, bởi cô kiên quyết không đóng cảnh nóng.
Trương Thị May trong lần hành hương về đất Phật.
Á hậu tâm sự, bí quyết để cô trụ vững trong môi trường nghề nghiệp khắc nghiệt là sống theo lời Phật dạy. “Tôi luôn cố gắng sống tốt và làm tròn trách nhiệm với công việc của mình từng ngày, không ghen ghét hay hận thù ai. Biết an ủi, giúp đỡ những người hoạn nạn, có thắng cũng không kiêu hãnh mà thất bại cũng không quá đau buồn“. Bởi sống theo lời Phật dạy, Trương Thị May đã có một vỏ bọc rất bình yên giữa chốn thị phi nghề mẫu. Cô đã có được cuộc sống ít ưu phiền, luôn lạc quan và vô tư.
Ngô Thanh Vân: Ngôi nhà như một… cái am
Ngôi nhà trang trí nhiều tranh ảnh, tượng Phật của Ngô Thanh Vân.
Từng là một ca sĩ với những vũ đạo sexy trên sân khấu, hiện là một "đả nữ” chuyên trị những cảnh đánh đấm trên màn ảnh, nhưng ít ai biết rằng, căn hộ hiện tại của Ngô Thanh Vân tại tòa nhà The Manor (Quận 1 - TP.HCM) hoàn toàn khác xa với những gì người ta thường thấy ở cô. Ngô Thanh Vân đùa rằng, nhà cô giống như một… cái am, bởi trong không gian nội thất khoảng 100m² là hàng chục tượng Phật, phù điêu, tranh ảnh đức Phật Thích Ca...
Thậm chí, cô còn thỉnh một tượng Phật bằng gỗ khá lớn từ Hà Nội vào để đặt ở khu vực thờ cúng, là nơi cô vẫn dành những phút tĩnh lặng nhất trong ngày để nguyện cầu.
Ngô Thanh Vân tâm sự, cô có tình yêu và đức tin mãnh liệt đối với đạo Phật.
Sau công việc ngoài xã hội, trở về nhà đối diện với những bức tượng Phật, hình ảnh Phật, “đả nữ” có được cảm giác ấm áp và bình yên. Đó là một góc khuất của tâm hồn có phần yếu đuối, khác xa với vẻ ngoài gai góc vốn thấy ở cô. Ngô Thanh Vân thường dành khoảng lặng riêng tư, ngồi thiền, đọc kinh, gõ mõ. "Những lúc ấy, tôi thấy mình nhẹ hẫng, vì được tự do tung tẩy trong suy nghĩ của mình" - cô chia sẻ.
Ngô Thanh Vân tâm sự, cô không am hiểu nhiều kinh kệ, chỉ biết cúi đầu lạy Phật, nhưng trong các bài báo phỏng vấn, người đẹp đã nhiều lần phát ngôn về những triết lý sâu sắc của đạo Phật. Có lẽ, chính nhờ việc tụng niệm, mà Ngô Thanh Vân đã có cho mình một đời sống an bình trong tâm hồn, để vững vàng bước qua điều tiếng rình rập, bủa vây cô trong suốt hơn 10 năm kể từ khi bước chân vào làng giải trí.
Mai Khôi: Sẽ chết trong tư thế thiền
Không nhớ từ khi nào, hễ Mai Khôi lên báo là nói về triết lý đạo Phật, về thiền… Nhiều người gặp Mai Khôi sexy, quyến rũ ngoài đời, rồi về nhà đọc những phát ngôn “thông tuệ” ấy của cô trên báo, thì cho rằng cô chỉ “khoa môi múa mép”. Nào là ước nguyện chết sớm, nào là không sinh con để không tạo ra một kiếp khổ, nào là sẽ chết trong tư thế thiền…
Ấy vậy mà “người đàn bà trẻ con” này đã kiên trì “khoa môi múa mép” suốt bao năm nay, và vẫn giữ phong cách sống nhất nhất theo những lời đã nói. Trong khi thị trường nhạc Việt ngày một sôi động bởi sự góp mặt của nhiều ngôi sao mới, Mai Khôi vẫn đủng đỉnh chẳng chút vội vàng. Mai Khôi cho biết, cô muốn dành nhiều thời gian tận hưởng cuộc sống trong an nhiên, tự tại và biết an phận.
Mai Khôi đã tập thiền hơn 5 năm.
Vì ảnh hưởng bởi đạo Phật, Mai Khôi học cách đón nhận cái chết một cách nhẹ nhàng. Cô tập thiền trong hơn 5 năm qua để chuẩn bị cho sự chết. Cô cho rằng, con người không nên trốn tránh cái chết, phải nhận chân và đối mặt với nó. Có như thế, ta mới có được một cuộc đời ý nghĩa, biết quý trọng sự sống, và san sẻ tình thương. Cũng bởi muốn chết sớm nên Mai Khôi từ chối thiên chức làm mẹ. Ảnh hưởng bởi quan niệm "Đời là bể khổ” nên cô không muốn tạo thêm một kiếp người.
Mặc dù không gây thiện cảm bởi cách ăn mặc sexy, scandal tình ái và những phát ngôn gây sốc... nhưng nếu ngẫm theo một cách khác, cũng thấy âu đó là cách mà Mai Khôi đã chọn sống trên đời: chân thật với người khác và với chính mình.
Theo Xzone
1 comment:
Không thể phủ nhận ý tốt của tác giả khi viết bài, tuy nhiên, theo tôi hiểu thì kiến thức về Phật pháp của tác giả chưa đủ "chín" để viết về đề tài như thế này, đặc biệt là thiền.
Một vài ví dụ:
1. Ngay tựa bài viết. Chúng ta dùng từ "nương nhờ cửa Phật" để chỉ cho những người đã xuất gia. Các nhân vật trong bài viết là các cư sĩ tại gia, nên dùng từ này không hợp lắm.
2. Trong phần viết về Tinna Tình: "Tôi đã được cứu sống bởi một người, một người mà không bao giờ tôi gặp được nếu không có sự sắp xếp của bề trên. Và khi đã thấy rồi, tôi chỉ có cách duy nhất để trả ơn là đi theo hướng Phật”. "sự sắp xếp của bề trên" không phải là cách nói của Phật giáo. Bạn gặt quả, bởi vì bạn đã gieo nhân, chứ không có đấng tối cao nào sắp xếp cho chúng ta cả.
3. Phần viết về Ngô Thanh Vân. "ngồi thiền, đọc kinh, gõ mõ". Tôi đoán là tác giả nhầm lẫn giữa đọc kinh và tụng kinh. Tụng kinh thì thường đi với gõ mõ trong khi thiền giả thì hay đọc kinh, nhưng một người thì thường không làm cả 3 việc này.
4. Phần viết về Mai Khôi. Hãy nhìn hình cuối cùng của bài viết. Tư thế thiền này không phải là tư thế Thiền Phật giáo (tôi đoán là Yoga Thiền). Tuy nhiên, thiền Phật giáo hay thiền Yoga gì đi nữa, nhìn tư thế như vậy mà nói là 5 năm công phu thì hơi quá.
Viết về Thiền không hề dễ, chết như chơi. Đặc biệt, chúng ta không thể cho vào một bài viết tất cả các danh từ Phật giáo, các pháp môn tu tập mà chúng ta biết, lẩu thập cẩm không phải lúc nào cũng dễ ăn.
Post a Comment