Sunday, December 6, 2009

Lương sếp bự

Doanh nghiệp nhà nước:

Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp?

TP - Một Thứ trưởng Bộ Tài chính đã nghỉ hưu, chuyển sang làm tổng giám đốc một DN nhà nước, riêng tiền lương đã lên tới 942 triệu đồng/năm. Còn Cty Cổ phần Jetstar (Nhà nước chiếm 70% cổ phần) làm ăn thua lỗ nhưng tổng giám đốc hưởng lương trên 2 tỷ đồng một năm...

Câu chuyện lương của lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước có điều gì bất ổn? Tiền Phong đăng tải loạt bài xung quanh câu chuyện này.


Bài 1: Từ chuyện Tổng Giám đốc SCIC hưởng lương gần tỷ đồng/năm: Lương hay lậu?

Lương kỷ lục

Năm 2007, ông Trần Văn Tá, Thứ trưởng Bộ Tài chính được nghỉ hưu theo chế độ. Nhưng sau đó, ông lại không được nghỉ hưu mà được giao chức vụ Tổng giám đốc Tổng Cty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Trong một buổi tiếp nhận phần vốn Nhà nước tại 3 doanh nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT năm 2008, Tổng giám đốc SCIC Trần Văn Tá từng phát biểu đại ý, mặc dù đến tuổi nghỉ hưu nhưng ông vẫn chưa được nghỉ mà phải tiếp tục trọng trách được giao là quản lý một doanh nghiệp với mô hình mới với nhiều khó khăn, phức tạp.

Khi đó, có người bình luận, chắc phải tâm huyết lắm ông Tá mới nhận nhiệm vụ khó khăn này. Nhưng qua kết quả kiểm toán vừa qua, nhiều người té ngửa, bởi mức lương mà ông Tá được nhận tới 942 triệu đồng/ năm, cao hơn 10 lần lương của tổng giám đốc, chủ tịch các tập đoàn kinh tế (lương tổng giám đốc tập đoàn chỉ từ 8,5 đến 8,8 x 650.000 đồng, khoảng 6 triệu đồng/tháng).

Vì sao ông Tá lại được trả lương cao như vậy?

Hệ số lương bình quân năm 2007 của SCIC chỉ là 2,82. Thế nhưng năm 2008, với lý do rất cảm tính là “do Tổng công ty tuyển dụng cán bộ có trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ tốt, có kinh nghiệm trong công tác từ 5 - 10 năm, phẩm chất và năng lực phải đảm nhận các công việc khó, phức tạp, đòi hỏi trình độ của chuyên viên bậc cao”, nói tóm lại là do công việc tại SCIC “vất vả, phức tạp” nên doanh nghiệp này xin và được chấp nhận mức hệ số lương bình quân tăng đột biến lên tới 4,25.

Nhưng đến cuối năm 2008, hệ số lương bình quân của đơn vị này chỉ là 2,86 (bằng 50% hệ số kế hoạch).

Không chỉ xây dựng hệ số lương kế hoạch quá cao so với thực tế mà số lao động thực tế của SCIC cũng thấp hơn nhiều so với kế hoạch.

Lao động kế hoạch được HĐQT SCIC phê duyệt để xây dựng đơn giá tiền lương năm 2008 là 180 người. Nhưng số lao động làm việc thực tế chỉ 130 người, bằng 72% kế hoạch.

Trụ sở Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - Ảnh: Hồng Vĩnh

Do được hệ số lương cấp bậc bình quân cao, số người lao động làm việc thực tế thấp hơn nhiều so với lao động kế hoạch, nên SCIC được duyệt đơn giá tiền lương rất cao.

Đơn giá tiền lương năm 2008 của SCIC được Bộ LĐ-TB&XH duyệt là 10,38 đồng/1.000 đồng doanh thu. Có nghĩa là cứ làm ra 1.000 đồng thì doanh nghiệp này được 10,38 đồng tiền lương.

Theo phương án xây dựng của SCIC thì năm 2008 tổng quỹ lương của doanh nghiệp này là 21,9 tỷ đồng, bao gồm quỹ lương theo đơn giá 20,4 tỷ đồng, quỹ lương của HĐQT và tổng giám đốc hơn 1,47 tỷ đồng.

Điều đáng nói là, đến ngày 12-9-2008, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH mới chính thức phê duyệt đơn giá tiền lương.

Đây là thời điểm gần cuối năm 2008, Bộ LĐ-TB&XH hoàn toàn có thể biết được tất cả các chỉ tiêu về hệ số lương cấp bậc thực tế bình quân và số lao động thực tế tại SCIC thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch của SCIC, nhưng Bộ này vẫn phê duyệt đơn giá tiền lương như SCIC xây dựng từ đầu năm, không kiểm tra thực tế trước khi phê duyệt.

Do quá tin tưởng vào SCIC nên khi kiểm tra, phê duyệt đơn giá tiền lương, Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB&XH hầu như hoàn toàn dựa vào kế hoạch của SCIC trình.

Một cán bộ, hưởng hai lương

Quỹ tiền lương của HĐQT và Tổng giám đốc SCIC được Bộ LĐ-TB&XH duyệt là hơn 1,473 tỷ đồng, nhưng thực tế năm 2008 SCIC đã trả lương đối với các thành viên HĐQT chuyên trách và tổng giám đốc là trên 2,642 tỷ đồng, không tính các khoản thưởng và thu nhập khác, vượt quỹ lương so với kế hoạch gần 1,169 tỷ đồng.

HĐQT SCIC gồm 7 thành viên do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT. Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc là ông Trần Văn Tá.

Các ủy viên HĐQT kiêm nhiệm là Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà.

Hai thành viên chuyên trách HĐQT là ông Hoàng Nguyên Học- Phó Tổng giám đốc và ông Nguyễn Quốc Huy- Trưởng Ban Kiểm soát.

Khi xây dựng kế hoạch trình Bộ LĐ-TB&XH, SCIC dự tính sẽ trả lương thành viên HĐQT và tổng giám đốc là 40 triệu đồng/tháng. Nhưng thực tế năm 2008, lương của thành viên chuyên trách HĐQT và tổng giám đốc SCIC là 78,5 triệu đồng/tháng (tương đương 942 triệu đồng năm), gấp 1,96 lần so với kế hoạch.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc phân phối thu nhập tại SCIC còn bất cập, thu nhập của lãnh đạo cao hơn nhiều lần so với nhân viên, mặc dù lương của nhân viên tại đây cũng cao ngất ngưởng.

Thu nhập bình quân của các trưởng ban là 29 triệu đồng/tháng (tương đương 348 triệu đồng/năm). Thu nhập bình quân của cán bộ nhân viên là 12,4 triệu đồng/tháng (tương đương 148,8 triệu đồng/năm).

Ngoài ra, có những cán bộ tại SCIC còn được hưởng hai lương. Năm 2008, SCIC cử 18 người tham gia HĐQT và Ban kiểm soát tại các doanh nghiệp mà SCIC giữ phần vốn trong đó. Những nhân viên này đã được nhận lương của SCIC để làm nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, 11 trong số 18 cán bộ này lại được nhận thêm thù lao từ các doanh nghiệp mà mình làm đại diện của SCIC, với tổng số tiền 949 triệu đồng.

Số tiền thù lao này cũng được sử dụng không giống ai. SCIC có cơ chế phân phối số tiền này là 60% (451 triệu) nộp vào quỹ công đoàn, 40% còn lại (497 triệu) cho người tham gia kiêm nhiệm.

Tuy nhiên, đoàn kiểm toán cho rằng, việc một cá nhân ăn lương của SCIC lại nhận thêm thù lao, phụ cấp của doanh nghiệp mình đại diện phần vốn là không có cơ sở và yêu cầu thu hồi số tiền đã nộp vào quỹ công đoàn của SCIC là 451 triệu đồng.

Với những ưu ái của Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB&XH, SCIC đã được phê duyệt một đơn giá tiền lương quá cao. Đoàn kiểm toán Nhà nước đã xác định giảm quỹ lương của SCIC đã hạch toán vào chi phí năm 2008 là 3,8 tỷ đồng.

Tính toán lại theo đúng quy định nhà nước, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, đơn giá tiền lương năm 2008 của SCIC chỉ có 8,26 đồng/1.000 đồng. Như vậy để thấy, hai Bộ Tài chính và LĐ-TB&XH đã trả lương cho lãnh đạo và nhân viên SCIC quá mức mà những cán bộ này đáng được hưởng.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo HĐQT, Ban Tổng giám đốc SCIC kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong việc xây dựng đơn giá tiền lương, quyết toán và phân phối tiền lương.

---------------------

Còn nữa

Nhóm PV

No comments: