Friday, December 18, 2009

Người mà ta cần học hỏi

GS Ngô Bảo Châu: Cần nhất là "thổi lại" tinh thần hiếu học

Ngày 9/12, Tạp chí "Thời đại" (Time) đã xếp công trình chứng minh Bổ đề cơ bản chương trình Langland của GS Ngô Bảo Châu là một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu nhất năm 2009. Với phát minh này, Ngô Bảo Châu hiện là ứng viên sáng giá cho giải thưởng toán học danh giá nhất trên thế giới - giải thưởng Fields.

Theo GS. TS Ngô Việt Trung: "Chương trình Langland là một chương trình toán học đồ sộ nhằm thống nhất hình học và số học. Bổ đề cơ bản là cơ sở cho việc xây dựng một lý thuyết toán học theo chương trình Langland. Nhiều nhà toán học đã tiến hành những nghiên cứu dựa trên việc công nhận trước Bổ đề cơ bản. Với việc chứng minh Bổ đề cơ bản, có thể nói Ngô Bảo Châu đã đưa chương trình Langland bước sang một trang mới. Bổ đề cơ bản đã tồn tại hơn 30 năm mà không có ai chứng minh được.

Nó khó đến nỗi mà khi Ngô Bảo Châu và thầy của mình là GS Laumon mới giải quyết được một trường hợp đặc biệt thì Bảo Châu và GS Laumon đã được nhận giải thưởng Clay (năm 2004). Đây là một trong những giải thưởng danh giá nhất về toán học trên thế giới.

Ngô Bảo Châu còn nhận được giải thưởng của Viện Nghiên cứu Toán học Oberwolfach dành cho các nhà toán học trẻ chấu Âu (2007) và giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp (2008).

Sau khi giải quyết được một trường hợp đặc biệt, Ngô Bảo Châu đã tập trung tâm trí để chứng minh Bổ đề cơ bản một cách tổng quát. Thực tế là nhà toán học này đã hoàn thành công trình của mình năm 2008. Nhưng để kiểm chứng công trình gần 200 trang này, các nhà toán học đã mất gần một năm để có thể hoàn toàn khẳng định chứng minh của Ngô Bảo Châu là đúng.

Với công trình này, Ngô Bảo Châu là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho giải thưởng toán học Fields danh giá.

Đây là giải thưởng toán học được ví với giải Nobel (không có giải Nobel trong lĩnh vực toán học), nhưng 4 năm mới tổ chức một lần và chỉ dành cho các nhà toán học dưới 40 tuổi. Đại hội toán học thế giới năm 2010 sẽ bỏ phiếu để trao tặng giải thưởng này.
Ngô Bảo Châu cũng đã được mời làm báo cáo toàn thể tại Đại hội này."

Nhân dịp này, Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với vị GS trẻ tuổi Ngô Bảo Châu.

Cái cần làm nhất là...

- Thưa GS Ngô Bảo Châu, cách đây nhiều năm, khi học sinh VN có những giải toán quốc tế đầu tiên, tại một hội nghị của ngành GD về đào tạo học sinh giỏi, tôi bị ám ảnh (cho tới tận giờ), câu nói của GS Hoàng Xuân Sính: Ngay cả trên thế giới, có rất ít học sinh giỏi toán trên con đường phát triển trở thành "nhà toán". Bằng thực tiễn trải nghiệm ở các môi trường sống và nghiên cứu khác nhau, GS có nhận xét gì về sự "khắc nghiệt" của hành trình này?

Ở bậc phổ thông, hiện vẫn chỉ có toán và văn là hai thước đo chính cho học sinh. Khó mà khác được. Vì ta phải giúp trẻ nhỏ hình thành một nhân cách, phát triển một tư duy chính xác, để rồi đối mặt với một cuộc sống ngày một khó khăn phức tạp. Ở mức độ cao hơn, ai cũng sẽ phải học cho mình một cái nghề và cuộc sống thì muôn màu muôn vẻ. Tất cả học sinh giỏi toán mà đi học toán cả thì gay go. Tôi nghĩ là xã hội cần nhiều người có tư duy mạch lạc, chính xác hơn là nhiều nhà toán học chuyên nghiệp.

GS Ngô Bảo Châu.

-"Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Câu tổng kết của người xưa ứng với mọi quốc gia, đòi hỏi quốc gia nào cũng phải có chiến lược đào tạo người tài. GS có thể cho biết một vài nét rất cơ bản về chiến lược này ở Pháp, Mỹ?

Tôi chỉ xin phép bàn về người tài theo khía cạnh học thuật. Ở cả Pháp và Mỹ, bên cạnh việc phổ cấp hóa đại học, người ta vẫn coi việc giữ gìn một số cơ sở đào tạo nhóm người ưu tú là câu chuyện sống còn. Ở Pháp có trường Normale, trường Polytechnique. Ở Mỹ có Harvard, Yale, Princeton và một số trường khác.

Mỗi một con người, dù ưu tú đến đâu, cũng chỉ có thể đóng góp cho sự tiến bộ của khoa học, của tri thức vào một thời điểm nhất định. Trong cuộc sống, ai cũng phải chịu một số ràng buộc nhất định, về tiền nong, về hành chính và vô số những cái khác. Tôi thấy ở Pháp, và đặc biệt là ở Mỹ, người ta rất ý thức trong hạn chế tối đa những ràng buộc kể trên nếu họ nhìn ra cái khả năng của anh tạo ra một bước tiến cho khoa học.

Chuyện chênh lệch trong xã hội là tất yếu và theo tôi là chấp nhận được trong chừng mực không vi phạm đến phẩm giá của mỗi người. Nếu biết tổ chức tốt, chính sự chênh lệch xã hội tạo nên một động lực rất lớn cho sự phấn đấu của mỗi người. Trong thế giới học thuật, ít nhất là đến một chừng mực nào đó, ai cũng hiểu được rằng, để tiến bộ anh không có lựa chọn nào khác là giữ gìn một tinh thần học tập toàn vẹn, trong sáng, và phấn đấu không mệt mỏi.

- Ở nước ta, hệ thống trường chuyên tạo nguồn đào tạo người tài phát triển đã gần 45 năm, mỗi năm, ngành GD chọn lựa trong số đó một số ít em đi thi quốc tế, giật giải; nhưng nhiều ý kiến nhận xét đó vẫn là cách luyện gà nòi, là giải pháp tình thế. Ý kiến của GS về nhận xét đó là đúng hay sai?

Tôi nghĩ nhận xét này sai hoàn toàn. Thật ngây thơ khi ta đưa chuyện giật giải quốc tế của một học sinh lên thành một thành tích của ngành giáo dục. Nhưng không phải là giải quốc tế không có ý nghĩa: Nó là một một sự khuyến khích rất lớn để các bạn trẻ cố gắng học giỏi hơn. Học nghiêm túc là một việc rất khó nên cần được xã hội khuyến khích.

Đối với một quốc gia, việc đào tạo một nhóm người ưu tú (gà nòi) là chuyện sống còn. Nhưng những người được đào tạo như gà nòi, thì lại hoàn toàn không nên chấp nhận cái thân phận gà nòi của mình.

- Nếu được giao trọng trách đào tạo người tài cho đất nước, GS sẽ ưu tiên chọn giải pháp nào? GS sẽ bắt đầu từ đâu? Và theo ông, đào tạo ĐH VN hiện nay cần sự thay đổi gì nhất?

Nếu chỉ nói một câu, tôi chỉ xin thưa rằng cái cần làm nhất là thổi lại cái tinh thần hiếu học của con người Việt Nam. Theo nhận xét của tôi, cái tinh thần này đã bị mai một nhiều rồi đấy. Phải đặt lại việc học tập lên vị trí cao nhất ít nhất trong môi trường nhà trường.

Người Do Thái lang thang vạn dặm cả ngàn năm nay. Nhưng họ vẫn nâng niu cái truyền thống giảng kinh Talmud của họ. Họ biết yêu cái việc học, học để mà học, vì học hỏi là lẽ sống. Đó là một phần lý do tại sao ta thấy nhiều nhà khoa học, nhà tư tưởng, nghệ sĩ gốc Do Thái xuất sắc như thế.

Làm sao để con em ta biết yêu việc học một cách vô tư, độc lập với chuyện miếng cơm manh áo, độc lập với cái mong ước (không có gì đáng chê) của cha mẹ là con mình trở thành bác sĩ, kỹ sư luật sư ...

Để thực hiện việc thượng tôn học tập, việc cần làm đầu tiên là xây dựng lại vị trí xã hội của người thầy. Việc cải cách chính sách lương bổng cho giáo viên là cấp thiết hơn nhiều so với việc viết lại sách giáo khoa, mua lại chương trình giảng dạy ở nước ngoài.

Toán học khoẻ mạnh phải mở rộng cửa

- Được biết, nước ta đã có chính sách "trải thảm đỏ" để đón người tài là Việt kiều về nước đóng góp. Tuy nhiên, thực chất chính sách này tỏ ra không hiệu quả lắm. Theo GS vì sao? Vì chính sách lương bổng, môi trường hay cơ chế làm việc không phù hợp?

Có hai cách tuyển người. Một là tuyển những người đã thành danh: Việc này tốn rất nhiều tiền, vì mình phải trả họ ít nhất tương đương với mức lương của họ đang được hưởng ở nước ngoài. Việc này nên làm nhưng chắc chắn phải rất hạn chế một là vì ngân sách, hai là vì sự chênh lệch quá lớn về ưu đãi giữa cán bộ vẫn làm việc trong nước và cán bộ được tuyển từ nước ngoài về lâu dài sẽ gây mâu thuẫn.

Cách thứ hai là phát hiện ra những nhà khoa học trẻ, vào cỡ tuổi sau PhD, đã trải qua hai năm PostDoc. Ta cần biết cách ưu đãi họ, bằng đồng lương xứng đáng với tài năng của họ, tương ứng với vị trí xã hội, ưu đãi về nhà cửa và điều kiện để tổ chức một nhóm nghiên cứ khoa học.

Tổ chức xây dựng những nhóm nghiên cứu khoa học trẻ, năng động, là con đường lâu dài để tổ chức lại, để tạo một sức sống mới cho khoa học nước ta. Tôi cho là mô hình thứ hai là mô hình cần được nhân rộng.

Liệu có thể đặt một qui tắc cấp kinh phí mới làm sao cho các trường đại học buộc phải đấu tranh để dành được về mình những cá nhân ưu tú nhất. Như thế sớm muộn, các trường đại học từ trung ương đến địa phương sẽ tìm tự ra cách riêng của họ để lôi kéo về cho mình những nhóm nghiên cứu có triển vọng.

Câu chuyện này không có gì mới, đấy là cách người ta tổ chức khoa học khắp nơi trên thế giới. Làm sao cho trong đầu các ông hiệu trưởng, trưởng khoa, việc lôi kéo được giảng viên giỏi về cho trường, cho khoa mình, trường mình những nhà khoa học trẻ có triển vọng, cũng quan trọng không kém việc xây dựng cơ sở vật chất.

Và tôi nghĩ chúng ta cần có ý thức lập nên một qui trình đề đào thải một cách triệt để tất cả những hiện tượng hữu danh vô thực. Điển hình là việc phong giáo sư như phong phẩm hàm quí tộc theo hình thức hiện nay. Tôi có được phong giáo sư vào năm 2005. Tất nhiên là tôi rất hãnh diện về sự công nhận của các đồng nghiệp trong nước. Nhưng cho đến thời điểm này, tôi vẫn tự thắc mắc rằng liệu việc tôi chấp nhận học vị giáo sư có phải là một sai lầm hay không.

- GS thường xuyên về VN giảng dạy, theo GS, toán học VN đang đứng ở đâu? Và để có những nhà toán học VN thực thụ, nhà nước cần có chính sách gì với họ?

Nếu so với các nước trong khu vực, thì chúng ta có vẻ bị tụt hậu. Cả một mảng toán ứng dụng rộng lớn hình như hoàn toàn bị lãng quên từ ứng dụng của xác suất, của phương trình vi phân và phương trình đạo hàm riêng, cho đến ứng dụng của số học và đại số vào khoa học máy tính. Toán học khỏe mạnh phải mở rộng cửa để đón nhận các câu hỏi, các gợi ý, ý tưởng từ vật lý, khoa học vật liệu, khoa học máy tính và các ngành khoa học khác.

Để duy trì và cải thiện vị trí của toán học VN, ta vẫn phải tiếp tục gửi sinh viên giỏi ra nước ngoài đào tạo PhD, nhưng phải bắt đầu suy nghĩ cách cuốn hút họ trở về nước sau khi bảo về, và qua hai, ba năm postdoc. Có thể theo hình thức tổ chức các nhóm khoa học trẻ như tôi trình bày ở trên.

Mặt bằng chung về trình độ của giáo viên đại học toán, và thực ra của tất cả các ngành khác, cần được cải thiện. Có người đăt ra cái ý kiến khôi hài là các cán bộ hành chính của Hà Nội cần có bằng tiến sĩ. Vậy tại sao ta lại dè dặt trong việc đòi hỏi tất cả giảng viên đại học phải có bằng tiến sĩ.

No comments: