Nhiều thanh niên Thụy Điển: 'Chuyện ấy' trước, yêu sau
TP - Anh Martin, 34 tuổi, đến từ Thụy Điển, làm việc tại Cty phần mềm máy tính Red River Interactive (Đan Mạch) ở Việt Nam tham gia nhóm tư vấn đặc biệt mang tên Hội Nhập chia sẻ với các bạn chuyện học, yêu, cưới của người trẻ ở Thụy Điển.
Ảnh minh họa |
Hầu hết sinh viên làm thêm
Nghe nói ở Thụy Điển bạn trẻ không phải làm bài kiểm tra khi đi học?
Võ Lệ Hằng (20 tuổi, Q. Bình Thạnh, TPHCM)
Martin: Bạn nói đúng, nhưng mới đúng được 70%. Giáo dục ở Thụy Điển không đánh giá học sinh bằng điểm. Tổng kết mỗi học kỳ, giáo viên gặp phụ huynh học sinh trao đổi về tình hình học của con em họ.
Ở Thụy Điển hiện vẫn duy trì phương pháp giáo dục từ lớp 8 mới bắt đầu chấm điểm học sinh. Họ nghĩ chấm điểm từ lớp 1 sẽ tạo áp lực quá lớn cho học sinh.
Mình có người nhà ở Thụy Điển. Nghe nói sinh viên nước bạn học rất căng?
(Mai Lan Phương, 35 tuổi, Kim Liên, Hà Nội)
Martin: Ở ĐH, thầy cô không quản học sinh bằng điểm danh mà các bạn tự ý thức cần phải đến lớp vì môn học khó, đọc giáo trình, tài liệu thôi chưa đủ. Những ngày đầu, các bạn thường bị sốc nặng, vì học ở phổ thông quá nhẹ nhàng. Anh Martin
Nhiều người chỉ theo học một thời gian rồi bỏ. Họ chuyển qua làm ngành khác hoặc bán hàng tại siêu thị, nhân viên dịch vụ. Như lớp kỹ sư phần mềm, ĐH Công nghệ thông tin của tôi có 30/80 sinh viên không tốt nghiệp được.
Tuổi tự lập của các bạn tính từ khi nào?
(Hoài Anh, sinh viên năm thứ nhất, ĐH Quốc gia Hà Nội)
Martin: 18 tuổi, khi khăn gói ra thành phố học ĐH mỗi người đều có suy nghĩ độc lập. Học ĐH nếu tổng kết kỳ học bạn có số điểm 80/100 sẽ được nhà nước cho mượn tiền thuê nhà, tiền học.
Tính ra tiền Việt khoảng 5 triệu đồng/tháng. Nhưng chi phí bên Thụy Điển đắt đỏ, hầu hết sinh viên phải đi làm thêm để có tiền học. Có bạn phục vụ nhà hàng, làm tiếp thị, môi giới việc làm...
Họ không xin bố mẹ tiền. Sau khi tốt nghiệp đi làm, họ sẽ hoàn trả lại số tiền vay của nhà nước.
Ở Việt Nam, một bộ phận bạn trẻ còn tư tưởng ỷ lại gia đình khi đi xin việc, thường được gọi với biệt danh COCC (con ông cháu cha). Không biết ở Thụy Điển có điều này không?
(tocgiothoibay...@yahoo.com)
Martin: Ở nước tôi cũng có, nhưng rất ít. Lần đầu tiên tìm việc, các bạn thường vào trang web của trường ĐH, ở đó có danh sách Cty và nhu cầu tuyển dụng. Các bạn gọi điện và mang theo CV (hồ sơ xin việc) để trả lời phỏng vấn. Nhiều bạn làm việc ở Cty nhỏ, khi có kinh nghiệm thì chuyển sang Cty lớn hơn.
Bỏ chạy khi nàng có bầu
Ở Thụy Điển, nếu bạn trai lỡ làm bạn gái có bầu, bước tiếp theo có là một đám cưới?
Trần Hải Thanh (26 tuổi, Hàn Thuyên, Nam Định)
Martin: (Cười) Ở Việt Nam khi các bạn trẻ yêu và có bầu thường lấy nhau. Còn ở Thụy Điển thì không. Nếu không yêu thật lòng, họ sẵn sàng bỏ. Mà trường hợp bỏ chạy nhiều. Vì yêu không xác định mà.
Thanh niên nước bạn yêu có thoáng không?
maimanhha...@yahoo.com
Martin: Theo quy định, 14-15 tuổi có thể quan hệ tình dục. Tuy nhiên, theo tôi được biết, các bạn làm chuyện ấy phổ biến ở lứa tuổi 16-17, khi các bạn đang học phổ thông. Có khi chuyện ấy trước, yêu sau. Tình yêu bắt đầu từ một đêm cũng không hiếm.
Đám cưới chỉ là hình thức
Ở nước bạn, đám cưới có phải là điều cần thiết sau một tình yêu không?
vuthuthuy...@gmail.com
Martin: Đám cưới không vội vàng và không bắt buộc. Nếu yêu nhau, họ có con với nhau và cùng sống, chăm sóc những đứa trẻ lớn lên mà không tổ chức đám cưới. Vì đám cưới là không cần thiết.
Họ có thể sống với nhau sau 5-7 năm rồi mới làm đám cưới. Như em họ tôi, sống cùng người yêu và những đứa nhỏ sau 5 năm mới cưới. Đó là chuyện hết sức bình thường.
Tán tỉnh, hẹn hò để một bóng hồng trở thành bạn gái của mình có khó không?
Trần Hoàng Anh (Vĩnh Bảo, Hải Phòng)
Martin: Bạn đang nói đến chuyện cưa cẩm con gái? Điều này ở Việt Nam khá khó và mất nhiều công. Thích một người thì mời người ấy đi xem phim, gọi điện nhắn tin nhiều, tìm chọn quà tặng mỗi dịp lễ...
Ở nước tôi, chuyện này đơn giản hơn. Có khi chỉ cần ánh mắt liếc nhìn nhau là phát tín hiệu và hẹn nhau đi chơi riêng được rồi.
Thoáng trong quan hệ nam nữ nhưng, tại Thụy Điển, mua dâm là bất hợp pháp. Luật pháp quy định, người bỏ tiền để mua dâm có thể bị phạt tù tới 6 tháng. Tuy nhiên, tờ The Local cho biết, đến nay, mới chỉ có 2 người bị bỏ tù và 228 người bị phạt vì tội mua dâm. |
Hải Yến
Ghi
No comments:
Post a Comment