Wednesday, December 30, 2009

Ủa sao hứa giải quyết dứt điểm vụ này. Giờ còn một ngày chót, anh nào hứa đứng ra trả lời xem.

Ngõ hẻm níu xe ba gác trước giờ "khai tử"

31/12/2009 11:07:57

- Tại TP.HCM có khoảng 60.000 chiếc xe ba gác máy đang hoạt động, nhưng chỉ còn 1 ngày nữa thì cuộc “khai tử” các loại xe này có hiệu lực.

Hiện TP.HCM có rất nhiều những con hẻm nhỏ chỉ vừa đủ cho một chiếc xe máy đi lọt, “vào hoài mà không có chỗ quay xe”. Người dân sống trong hẻm, muốn vận chuyển hàng hóa chỉ có duy nhất loại phương tiện hữu hiệu là ba gác. Nay loại xe này bị cấm, không ít người “khóc dở mếu dở”.

“Việc cấm xe 3, 4 bánh tự chế lưu thông trong thành phố thì tôi đồng tình, nhưng những người sống trong hẻm nhỏ ngoằn ngoèo như chúng tôi sẽ vận chuyển hàng hóa như thế nào đây? Chúng tôi không thể vận chuyển hàng bằng xe máy được” – bà Nguyễn Thị Huyễn, phường 10, quận Gò Vấp than thở .

Ngày mai, sẽ không còn bóng dáng của xe ba gác trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: TB
Ngày mai, sẽ không còn bóng dáng của xe ba gác trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: TB


Còn anh Thuận, phường 26, quận Bình Thạnh cùng quan điểm “Chạy xe ba gác vào trong những hẻm hàng trăm mét còn trầy trật thì làm sao xe tải vô được trong các xó xỉnh bề ngang chưa được 2m. Mà kinh phí trả cho xe tải nhỏ gấp 10 lần xe ba gác. Mỗi lần vận chuyển hàng hóa mà thuê xe như vậy không còn vốn”.

Nhọc nhằn kiếm nghề mưu sinh mới

Trước ngày lệnh cấm xe ba gác chính thức có hiệu lực, chúng tôi có mặt tại chân cầu Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM), nơi nhiều năm qua mọi người vẫn quen gọi là "hẻm ba gác". Đây là nơi "tập kết" gần 30 tài xế chuyên chạy xe ba gác. Các bác tài ngồi chụm lại bàn “giải pháp” kiếm công việc mới phù hợp.

Vẻ mặt phờ phạc vì đêm phải chở hàng cho mấy chợ đầu mối, bác Nguyễn Thanh Tuấn (53 tuổi, quê Long An) thở dài: “Ở dưới quê nhà kiếm ăn thấy khó khăn nên cả nhà kéo lên thành phố để kiếm sống. Khi lên đây tiền không có, cả hai vợ chồng đi làm phụ hồ, đứa con gái 16 tuổi phải đi làm công nhân.

Gom góp được ít tiền mua được chiếc xe ba gác máy để chở hàng thuê. Làm nghề này tuy vất vả đêm hôm nhưng đủ chi tiêu trong ngày. Bây giờ Nhà nước cấm không cho chạy nữa, tuổi thì cao, biết làm gì mà sống?".

Hai bên đường Kha Vạn Cân, chạy dọc từ ngã tư Bình Triệu về chợ Thủ Đức có rất nhiều xe ba gác đang ngồi đợi người thuê. Với ông "Tuấn ba gác", chạy xe đã trở thành cái nghiệp với 20 năm có lẻ. “ 23 tuổi tôi lập gia đình, quà cưới của bà con hàng xóm là chiếc xe ba gác. Nó là nồi cơm và cũng là vật kỉ niệm không bao giờ quên được của gia đình. Vậy mà bây giờ phải xa nó".

Chiều tối, trong một con hẻm nằm trên con đường Trần Xuân Soạn (quận 8), nơi sinh sống của nhiều người chạy xe ba gác nhập cư. Một số gia đình đang ăn cơm, một số người đang lúi húi sửa xe để tranh thủ chở hàng đêm trước khi phải cất xe. Có tiếng người lớn quát con: “Ăn thế này còn đòi gì nữa, mấy hôm nữa xe bị cấm không đi được thì rau chưa chắc mà có ăn.”

Việc chuyển đổi nghề mới với nhiều người dân không phải dễ dàng. Ảnh: TB
Việc chuyển đổi nghề mới với nhiều người dân không phải dễ dàng. Ảnh: TB

Theo quy định, điều kiện để nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề với mức tiền 7 triệu đồng/1xe của UBNDTP là người lao động phải có hộ khẩu, hoặc KT3 tại TP, đồng thời phải có giấy chứng nhận hộ nghèo. Tuy nhiên trên thực tế, hầu như những người chạy xe ba gác là dân nhập cư từ các tỉnh khác tới. Vì vậy, việc tìm một nghề mới phù hợp đối với họ không phải là dễ.

Mặt buồn thiu khi được hỏi về chuyện đổi nghề mới, anh Nguyễn Văn Hậu (quê Tây Ninh) tâm sự: “Hai vợ chồng không trình độ, không nghề nghiệp, đi làm kiếm được ít tiền thì phải gửi về nhà cho hai đứa con ăn học. Vợ bị bệnh phải vay mượn người quen sau đó làm trả nợ. Bây giờ muốn mua chiếc xe mới có đăng ký đàng hoàng để sử dụng thì cũng chịu. Chắc lại phải về quê làm rẫy kiếm sống chứ biết làm gì được”.

Với chị Hoa, Tết năm nay là một cái Tết không vui. "Cách đây 2 tháng nhà tôi chạy chọt đi mượn thêm 5 triệu để dồn mua xe ba gác mới. Bây giờ lại cấm thì lấy gì làm trả nợ. Chắc hai vợ chồng phải đi làm phụ hồ để kiếm tiền trả người ta chứ năm sắp hết rồi".

Một số người như ông Tám lại nghĩ ra "mưu" để tiếp tục chạy xe ba gác: “Người ta cấm ban ngày thì mình chạy ban đêm, né những tuyến đường cấm để khỏi bị phạt. Còn bây giờ mà bảo chuyển nghề ngay chắc là khó lắm vì vốn không có, tuổi lại cao nữa. Mình lại là dân nhập cư, biết có được hỗ trợ vốn hay không?” – ông Tám tâm sự.

Thái Bình

No comments: