Những phát ngôn ấn tượng năm 2009
Các phát ngôn được sắp xếp theo thứ tự thời gian diễn ra sự kiện gắn với chúng, không theo ý nghĩa hoặc tầm quan trọng, và được tổng hợp và bình luận với tinh thần “ôn cố tri tân” để cùng vui vẻ chào đón năm mới 2010.
* * *
Đại dự án bô-xít thu hút sự chú ý của công luận
Đại dự án bô-xít Tây Nguyên thực chất là một tập hợp dự án khai thác mỏ bô-xít ở tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông thuộc khu vực Tây Nguyên.
Từ năm 2001, trong Ðại hội IX, dự án này đã được Bộ Chính trị thông qua. Ngày 1/11/2007, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 167 phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô-xít từ giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025.
Cho tới kỳ họp thứ 5 QH khóa 12, đại dự án bô-xít đã thu hút dư luận ở mức chưa từng thấy từ trước đến nay, với vô số ý kiến trái chiều - ủng hộ mạnh mẽ và phản đối quyết liệt, từ cả phía Chính phủ, giới khoa học, báo chí lẫn thường dân.
Thật khó mà chọn được một phát ngôn tiêu biểu trong một sự kiện thu hút công luận như vậy. Tuy nhiên, Phát ngôn & Hành động Ấn tượng xin được coi phát biểu sau đây của nhà sử học, đại biểu QH Dương Trung Quốc như là phát ngôn hợp lòng dân và trung tính nhất.
"Vì sao một chủ trương lớn như thế, quan trọng như thế, có thể làm thay đổi Tây Nguyên như thế và đã được chuẩn bị lâu như thế, mà đến lúc này (giữa kỳ họp thứ 5, QH khóa 12) QH mới có cơ hội được bàn đến? Phải chăng đây có vấn đề trong cái nguyên lý "ý Đảng lòng dân", hay giữa chủ trương của Chính phủ và lòng dân còn có một khoảng cách?"
Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: VNN
Ông Dương Trung Quốc đã đề cập tới một vấn đề đáng chú ý nhưng có vẻ ít được bàn tới bấy lâu nay: vai trò và quyền lực của QH trong mối quan hệ với cơ quan hành pháp, sự tham gia của QH trong những dự án kinh tế lớn của đất nước, trách nhiệm của Chính phủ trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và minh bạch cho QH (thay vì để tới khi kỳ họp diễn ra được 2-3 ngày, Chính phủ mới có báo cáo gửi QH về dự án bô-xít).công luận như vậy.
Cho tới nay, có thể nói đại dự án bô-xít đã được thu nhỏ về quy mô, triển khai thí điểm bằng hai nhà máy bô xít Tân Rai, Nhân Cơ, và đang diễn ra dưới sự giám sát chặt chẽ của công luận. Nhưng nó thực sự đã là một sự kiện lớn của đời sống nước ta năm 2009 và chứng tỏ một điều: Người dân giờ đây cũng rất quan tâm tới những vấn đề lớn lao của xã hội, chứ không phải ai cũng có thái độ bàng quan hay chỉ cắm cúi lo bữa ăn từng ngày.
Năm hạn của nghề đánh máy
Ngày 4/9/2009, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đăng lại tin của báo nước ngoài: “Hải quân Trung Quốc diễn tập tại Biển Đông”.
Do bài báo được chọn dịch và đăng này có nội dung trái với lập trường của Việt Nam về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nên đã gây phản ứng gay gắt trong dư luận Việt Nam. Ban Tuyên giáo TW ngày 29/9 đã quyết định kỷ luật khiển trách cá nhân ông Đào Duy Quát - TBT báo điện tử Đảng Cộng sản - và khiển trách tập thể ban biên tập.
Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Đào Duy Quát. Ảnh: Tuổi trẻ
Xung quanh sự vụ này, ông Đào Duy Quát giải thích: “Chúng tôi coi đây là một tai nạn nghề nghiệp, vì cậu đánh máy lúc bấy giờ đã quá giờ, cậu ấy đánh xong và đang định hỏi thì lại quên mấy cái chữ biên tập… cái chữ “ngang ngược” viết ở ngoài, thì cậu đánh máy nhận rồi nhưng không đưa vào, nên tự nhiên làm sai lệch thông tin”.
Nghề đánh máy quả là khổ. Nhưng vận xui nào phải đã hết. Chừng một tháng sau, ngày 28/10, đến lượt cô N.T.H.Vân, nhân viên đánh máy ở Trung tâm Tư vấn và Phát triển Thương hiệu Chất lượng TP.HCM (NATUSI) bị buộc thôi việc. Bà Nguyễn Thị Sinh – GĐ NATUSI - cho biết cô Vân đã nhầm lẫn viết tên VEDAN vào danh sách được giải thưởng “Top 100 sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng 2009”.
“Các sai phạm của cô Vân quá nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của trung tâm NATUSI và lãnh đạo các Bộ, ngành có liên quan đến chương trình tuyên dương, gây dư luận xấu về việc VEDAN đạt giải thưởng… Do những sai sót nghiêm trọng đó, Ban GĐ NATUSI đã ra quyết định buộc thôi việc cô N.T.H.Vân” - bà Sinh nói.
Bà Nguyễn Thị Sinh – GĐ NATUSI. Ảnh: vietbao
Có thể coi hai phát ngôn trên đây thuộc hàng “đáng nhớ” của năm, không phải vì chúng có ý nghĩa gì trọng đại, mà bởi lẽ nó cho chúng ta thấy một nét tâm lý chung: Những lúc bối rối, người ta thường hay thanh minh và bị lỡ lời; mà lạ một điều là lại chỉ lỡ lời đổ lỗi cho người khác (nhất là cho cấp dưới, những người khó có điều kiện phân bua, ví dụ mấy cô cậu đánh máy) thôi, chứ ít thấy ai lỡ miệng theo kiểu thừa nhận: “Ôi, tôi sai rồi!”.
Kết luận: Đánh máy là nghề thậm nguy hiểm!
Sóng gió trên Biển Đông do các động thái của Trung Quốc
2009 là một năm mà tình hình bảo vệ chủ quyền và các hoạt động đánh cá trên Biển Đông của chúng ta gặp khá nhiều căng thẳng, đến mức đã nảy sinh một phép ẩn dụ để mô tả tình trạng này: “Biển Đông nổi sóng”
Vào tháng 5, Trung Quốc đã gửi công hàm tới LHQ, đi kèm một bản đồ thể hiện đường yêu sách 9 đoạn (tức “đường lưỡi bò”) trên Biển Đông, đòi tới 80% diện tích Biển Đông.
Từ đó đến nay, liên tiếp có những vụ “tàu lạ” đâm chìm tàu đánh cá Việt Nam, và đặc biệt nghiêm trọng là việc tàu của phía Trung Quốc nhiều lần bắt giữ, hành hung, tịch thu tài sản ngư dân Việt Nam đang đánh cá trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, rồi nhiều khi còn bắt chuộc.
Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, ông Đặng Công Ngữ. Ảnh: VNN
Đã có rất nhiều phát ngôn được đưa ra, có ý nghĩa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với một phần lãnh thổ không thể chia cắt trên Biển Đông, đồng thời lên án cách ứng xử vi phạm luật quốc tế của phía Trung Quốc.
“Đây là mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, là máu thịt của tôi, của dân tộc và của Tổ quốc mình. Nhiệm vụ trước mắt của chúng tôi là sẽ tiếp tục đấu tranh để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ biển đảo. Hoàng Sa là của Việt Nam” - Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, ông Đặng Công Ngữ, phát biểu ngày 25/4.
“Với đường lưỡi bò, Trung Quốc mặc nhiên coi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của mình và muốn biến Biển Đông thành sân sau, ao nhà” - ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ, nhận định ngày 7/9.
Nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ Trần Công Trục. Ảnh: Thanh niên
“Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc cử tàu đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, tuyên bố ngày 27/11.
Và còn nhiều nữa những phát ngôn của các quan chức, lãnh đạo hiệp hội, học giả... Cho dù không bất ngờ, ý nghĩa đặc biệt của những phát ngôn này là tất cả đều đã thẳng thắn và công khai đề cập tới vấn đề chủ quyền của đất nước, có liên quan tới quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Những phát ngôn ấy thể hiện ý chí chung của toàn dân tộc: bảo vệ chủ quyền đất nước. Và điều quan trọng là nó cũng nhắc nhở chúng ta rằng mặt trận ngoại giao là một mặt trận mà mọi quốc gia đều không thể xem thường, nhất là trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay.
Bão tàn phá miền Trung, gây tranh cãi, tranh cãi và tranh cãi…
Hai cơn bão gây hậu quả lớn nhất trong năm nay là bão số 9 và số 11: Ngoài thiệt hại nghiêm trọng về người và của, hai trận bão còn để lại ấn tượng nặng nề bởi những vụ đôi co giữa các cơ quan liên quan.
Đầu tiên là vụ “lời qua tiếng lại” giữa chính quyền tỉnh Quảng Ngãi và Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương (TT KTTV TW), xoay quanh việc phải chăng dự báo thời tiết sai?
Ông Trần Văn Sáp. Ảnh: VNN |
- Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Đình Khối: Chúng ta không thể chấp nhận kiểu dự báo như bên khí tượng vừa rồi. Bệnh chủ quan cộng với dự báo sai đã đưa đến những hệ lụy ghê gớm. (30/9)
- Phó Giám đốc TT KTTV TW Trần Văn Sáp: Dự báo bão số 9 đảm bảo đúng vùng ảnh hưởng. (1/10)
- Bộ Tài nguyên Môi trường: Dự báo (của TT KTTV TW) là tương đối sát với diễn biến bão, mưa, lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi… Nhận định (dự báo thời tiết sai) là phủ nhận cố gắng, công sức của hàng nghìn cán bộ, nhân viên ngành khí tượng thủy văn. (3/10)
- Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Đình Khối: Tôi vẫn xác nhận rằng việc dự báo cơn bão số 9 riêng với tỉnh Quảng Ngãi là không đúng. (đêm 3/10)
Một tháng sau, đến lượt cơn bão số 11 mang tai họa đến cho dân chúng và “ném quả táo bất hòa” vào chính quyền và dư luận, về chủ đề “có phải thủy điện xả lũ làm chết dân”.
Giờ đây, sau tất cả những thiệt hại, tổn thất nặng nề, thiên tai cũng để lại cho chúng ta nhiều vấn đề cần suy nghĩ, giải quyết:
Đó là vai trò của truyền thông, sự kết hợp giữa giới truyền thông và cơ quan khí tượng trong việc dự báo và diễn giải thông tin dự báo thời tiết;
Đó là sự cần thiết phải phổ cập những kiến thức căn bản về thời tiết, khí hậu để các cơ quan chính quyền và mọi người dân (nhất là cư dân ở những vùng hay phải đương đầu với bão lớn) đều hiểu rõ về thiên tai, về cảnh báo bão và có biện pháp chủ động đối phó.
Đó là sự phối hợp giữa các hồ thủy điện, và rộng hơn nữa, giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt ở những địa phương nhạy cảm với thiên tai, để có kế hoạch hành động rõ ràng, thông báo trước tới người dân, có biện pháp giúp dân di dời và giảm thiểu thiệt hại.
Thiên tai là cái không dự báo được chính xác hoàn toàn, nhưng miền Trung là khu vực mùa mưa bão hàng năm đều chịu thiên tai, thì hầu như người Việt Nam nào cũng biết, chính quyền địa phương lại càng biết. Không thể ngăn chặn thiên tai nhưng chắc phòng chống, hạn chế thiệt hại thì có thể.
(còn tiếp)
No comments:
Post a Comment